Với thành công từ việc chế tạo giấy nhám, keo dán, vec ni, máy sấy gỗ và sau này là băng nhám, chú T đã từng bước giúp cho ngành công nghiệp sản xuất gỗ khởi sắc. Nhiều người biết đến chú như một chuyên gia trong ngành chế biến gỗ và việc đầu tư cho sản xuất các sản phẩm từ cây cao su cũng được chú T quan tâm nhiều hơn. Từ gỗ cây cao su, chú và đội ngũ công nhân của mình đã cho ra đời ngày càng nhiều các sản phẩm đẹp và chất lượng. Được ưa chuộng nhất lúc bấy giờ là các vật dụng gia đình như bàn, ghế, tủ khay, kệ đựng sách báo,… Các sản phẩm từ gỗ cây cao su thời đó đã trở nên có giá trị và được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Chú T nhớ khối gỗ cao su đầu tiên mà chú mua chỉ có 130 đô. Hồi đó, cũng không hẳn là chú mua mà là chú đi xin. Chú xin nông trường gỗ cao su già đã không còn có thể cạo mủ. Vì không thấy hết giá trị của cây cao su nên nông trường cho chú T và đổi lại, chú T phải cho máy ủi vào dọn sạch mảnh đất để nông trường trồng cây cao su mới. Về sau, khi các sản phẩm từ cây cao su được ưa chuộng, giá thành của cây cao su cũng dần tăng lên, hiện nay có thể ở giá trên 1000 đô một khối.
Khi các sản phẩm từ cây cao su được sản xuất ngày càng nhiều và đạt đến trình độ tinh xảo, chú T có nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng này ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thật không dễ dàng, đặc biệt đối với các sản phẩm làm bằng cây cao su, vì đối với Việt Nam, đây là lần đầu tiên có người đề nghị các đem các sản phẩm từ gỗ cây cao su đi xuất khẩu. Chú T kể rằng, ngày đó, muốn xuất khẩu được thì phải đóng thuế tài nguyên bên Chi cục kiểm lâm mới có đủ hồ sơ cho việc xuất khẩu gỗ. Trong khi đó, gỗ cao su lại không thuộc lâm nghiệp quản lí nên chú T đã không thể đóng được thuế tài nguyên. Các cán bộ bên Cục kiểm lâm cho rằng cây cao su thuộc cây nông nghiệp chứ không thuộc cây lâm nghiệp. Không thể không làm bộ hồ sơ này, chú T đã đánh các văn bản kính gửi Tổng cục cao su, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp để xin xem xét trường hợp của cây cao su.
“Vì đối với Việt Nam, đây là lần đầu tiên có người đề nghị các đem các sản phẩm từ gỗ cây cao su đi xuất khẩu” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Sau thời gian chờ đợi, Bộ Lâm nghiệp trả lời chú T bằng một văn bản nói rằng cây cao su không phải là cây thuộc lâm nghiệp, đề nghị bên Tổng cục cao su giải quyết. Tổng cục cao su lại xác định rằng những cây cao su này là những cây đã thanh lí, những cây cao su già khoảng 40-50 tuổi không thể cho mủ nữa thì cần phải được thanh lí và trồng mới. Bộ Nông nghiệp lại trả lời rằng cây cao su là cây nông nghiệp và đề nghị miễn thuế tài nguyên, vì trong quá trình cạo mủ, nó đã được đóng thuế 12%. Sau khi nắm được tình hình các văn bản trên, ông Phan Văn Khải, lúc bấy giờ là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua văn bản xem xét cho cây cao su được xuất khẩu. Như vậy, trải qua nhiều khó khăn, với những văn bản được xác nhận, chú T là người có trong tay bộ hồ sơ đầu tiên cho việc xuất khẩu gỗ cây cao su ở Việt Nam.
Ngọc Lưu
Các bài viết liên quan:
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 1: Bước đường gian nan của ngành tiểu thủ công nghiệp
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 1: Bước đường gian nan của ngành tiểu thủ công nghiệp
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 6: Làm sao để cứu các sản phẩm gỗ khỏi ẩm mốc?
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 7: Bộ hồ sơ xuất khẩu gỗ cao su đầu tiên ở Việt Nam
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 8: Nhìn về miền Nam sau ngày giải phóng
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ cuối: Ngày sau Đổi mới…
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 7: Bộ hồ sơ xuất khẩu gỗ cao su đầu tiên ở Việt Nam
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 8: Nhìn về miền Nam sau ngày giải phóng
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ cuối: Ngày sau Đổi mới…