Kỳ 3: Đời sống tôn giáo – tín ngưỡng ở Bến Tre

0
1073

BTKUXH – Đi điền dã (xuống địa bàn dân cư để nghiên cứu trong một khoảng thời gian dài) là một công việc quan trọng của nhà nhân học – dân tộc học. Đây cũng là một hoạt động bắt buộc trong chương trình đào tạo của ngành học này. Bạn  An Vu (Vũ  Ngọc Xuân Ánh, sinh viên lớp Nhân học 07, ĐH. KHXH&NV TP.HCM) cũng đã có một chuyến đi đầu đời như thế trong một dự  án nghiên cứu về văn hóa biển tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Kỳ 1: “Chóng mặt” trong buổi tập huấn
Kỳ 2-a: Đời sống cư dân vùng biển Bến Tre
Kỳ 2-b: Đời sống cư dân vùng biển Bến Tre

Đặc trưng của cư dân vùng biển tại các ấp mà chúng tôi nghiên cứu không chỉ ở khía cạnh kinh tế như tôi đã chia sẻ, mà còn ở khía cạnh tôn giáo – tín ngưỡng. Cư dân nơi đây chủ yếu theo đạo Phật, nhưng không chỉ thờ Phật, họ còn theo rất nhiều tín ngưỡng khác như thờ Bà Chúa Xứ, Bà Cậu, đặc biệt là thờ Ông Nam Hải (Cá Ông) và Bà Nam Hải. Cư dân nơi đây ngoài cúng Chùa, họ còn tham gia thờ cúng tại các miếu, lăng trong địa phương như lễ Lăng Ông (ngày 15 và 16 tháng Giêng), Miếu Bà (Chúa Xứ) ngày 15, 16 và 17 tháng 4 (Âm lịch). Tiếc là chúng tôi không được chứng kiến cảnh bà con nơi đây đi cúng vào những ngày đặc biệt này. Nhưng theo lời cụ B (72 tuổi) sống tại ấp An Thới kể: Vào những ngày đó, bà con đến cúng miếu rất đông và vui. Qua những cuộc phỏng vấn, bà con tại địa phương này từ gái đến trai, từ trẻ đến già, không ai là không đến lăng, miếu vào những ngày này. Có thể, nhiều người đến miếu không phải vì cúng kiếng, mà vì “ham vui”. Cụ B cũng kể rằng, vào ngày 15 tháng 4 (Âm lịch), ở Miếu có tổ chức múa dâng bông, chiều ngày 16, sáng ngày 17 và chiều ngày 17 cùng tháng, Ban Khánh Tiết (Ban phụ trách chăm lo cho miếu) còn mời gánh hát bội về để hát, cụ hào hứng kể “ngày đó phải làm đủ bài bản chứ, cúng Bà mà”.

Miếu Bà An Thạnh. Ảnh: Anh Vu

Niềm tin của các cư dân vào tín ngưỡng này rất mạnh mẽ. Cô T.T.M (46 tuổi) đã chia sẻ: “Mần (làm ăn) thì phải tin tưởng, không tin mần không được đâu”. Cô kể rằng trước khi nhà cô muốn làm nghề gì cô cũng lên Lăng Ông hỏi ý kiến Ông, “Ông không cho mần thì thôi, chứ cố mần cũng không được đâu”. Trước khi nhà cô quyết định đóng chiếc ghe mà nhà cô hiện có để “đi cào”(đi đánh cá), cô cũng lên xin Ông. Cô cúng và xin xăm. Người giải xăm nói rằng Ông cho phép ra ghe nên cô mưới mượn tiền để đóng ghe.

Việc cúng không chỉ diễn ra tại nhà mà trên những chiếc ghe các gia đình cũng chuẩn bị bàn thờ, đặc biệt là bàn thờ thờ cúng Bà Nam Hải. Những thời điểm quan trọng mà nhiều gia đình tiến hành cúng trên ghe đó là: trước khi đóng ghe, sau khi đóng ghe, trước mỗi chuyến đánh cá, rồi sau mỗi chuyến bội thu và cả khi sửa chữa ghe. Cô M kể rằng trong tất cả các dịp trên nhà cô đều cúng gà, vịt, trái cây, đặc biệt sau mỗi chuyến bội thu, nhà cô thường cúng heo. Rằng tháng nào cô cũng đi cúng tại các đình, lăng, miếu trong ấp. Ngoài ra, hàng tháng cô cũng sắp xếp lên thị trấn Ba Tri, hay thuê xe lên Sông Đốc – Cà Mau để cúng.

Lăng ông Nam Hải, ấp An Lợi, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến tre. Ảnh: Anh Vu

Lăng, miếu không chỉ là nơi để thờ cúng, mà nơi đây còn là nơi để bà con trong ấp gặp gỡ, vui chơi. Chú T (45 tuổi) tâm sự rằng: “Ngày đó (ngày lễ cúng Bà) ai cũng lên Miếu, vui lắm”. Cụ B (72 tuổi) vẫn xem việc đi cúng tại các đền, miếu như một thú vui tuổi già. Vì thế, mỗi tháng cụ dùng gần 300000 đồng vào việc mua đồ cúng như trái cây, chè, hoa… để cúng ở nhà và cả ở các miếu. Trong nhà cụ có năm bàn thờ: thổ địa, Phật, ông bà, ông Táo, và Mẹ Sanh Mẹ Độ. Ngoài ra, cụ còn cúng thêm ba nơi ở các đền, miếu trong ấp nữa.

Bàn thờ thiên. Ảnh: Anh Vu

Niềm tin và việc thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng không chỉ giúp người dân cảm thấy yên lòng hơn khi gia đình có người thân lênh đênh ngoài biển. Vì họ cho rằng: “Bão là do “Ông”(Cá Ông) thổi”. Họ tin rằng nếu cúng Ông, Ông sẽ cho biển lặng để đi biển. Không chỉ người ở nhà lo cho những người đi đánh cá ngoài biển, mà chính những người đi trên biển cũng luôn cảm thấy lo lắng, và để an lòng, họ cũng lập bàn thờ và tiến hành thờ cúng Bà Cậu, Bà Nam Hải, thậm chí họ còn cúng cô hồn (30 tháng Chạp). Anh H (47 tuổi) kể rằng trên ghe nhà anh thường cúng vịt, gà, trái cây, có khi còn cúng heo để mong muốn các Bà phù hộ cho bình yên, và cô hồn không quấy phá ghe của nhà anh.

Qua một vài trường hợp góp nhặt này, chúng ta cũng có thể thấy rằng những tôn giáo, tín ngưỡng vẫn còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với những cư dân vùng biển tại địa phương mà chúng tôi nghiên cứu.

Bến Tre, 27/8/2010
Anh Vu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.