Anh trai

0
1193

Một cộng tác viên ở Hà Nội gửi thư cho BTKUXH chia sẻ:Hôm nay em đã viết một câu chuyện về một người anh trai, đây là câu chuyện có thực! Trong quá trình đi quay chương trình Lục Lạc Vàng em đã biết tới hoàn cảnh của anh này. Anh ấy là Nguyễn Quang Hòe, sinh năm 1983, ở thôn Quần Hội, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Bố là một thương binh nặng, mất năm 2005. Tốt nghiệp hết cấp 3, Hòe đi làm thợ hàn cơ khí ở Thành phố Hồ Chí Minh! Sau đó từ năm 2008 đến nay, đôi mắt bỗng dưng mờ hẳn. Đến nay đã mổ đến 4 lần mà tình hình cũng chẳng cải thiện được gì nhiều! Giống như một người em, em xin viết về anh Hòe! Rất mong được người đọc chia sẻ với số phận và hoàn cảnh này!BTKUXH xin trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc.

Tôi sinh ra ở thôn Quần Hội, xã Thanh Lâm, thuộc huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An dù thiên nhiên nơi đây non xanh nước biếc, sông núi hữu tình nhưng cuộc sống của người dân quê tôi cũng còn bao nỗi chật vật, khó nhọc lắm. Hẳn ai đã từng đến thăm quê Bác cũng hiểu được “ miền trung đất khô cằn, mùa đông trời buốt giá, mùa hạ nắng cháy da. Ruộng đồng khô nứt nẻ, mưa đi không kịp về” trong lời bài hát Thương về xứ Nghệ. Đồi núi nhiều nên kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào trồng sắn, trồng lạc. Thời tiết nắng mưa thất thường, lũ lụt hạn hán thất thường, cộng thêm cả cái nắng gió Lào. Vậy nên từ bé đến lớn lũ trẻ con chúng tôi quen ăn khoai, ăn sắn, và món ngon nhất mà chúng tôi ăn, là món đặc sản “nhút mặn”.
Gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác ở đây, bố đi bộ đội từ chiến trường Tây Nam về từ năm 1982 rồi cưới mẹ. Bố tôi là thương binh nặng, sức khỏe yếu nên chỉ giúp mẹ những việc trong nhà. Rồi suốt cuộc đời còn lại gắn với chiếc xe lăn, cũng chẳng vì thế mà bố tôi nản chí. Bố vẫn yêu thương, chăm sóc mấy anh em chúng tôi. Nhiều khi cao hứng, bố còn làm thơ, mà bố làm thơ cũng rất hay, có nhiều bài đã được đăng báo.
Anh Nguyễn Quang Hèo, ảnh: Nguyễn Thị Tuyết Mai
Bốn chúng tôi lần lượt chào đời, nhà nghèo nên trong kí ức tuổi thơ tôi là những ngày chăn trâu cắt cỏ. Nhưng vì là em nên tôi còn thấy mình sướng nhiều so với anh trai của tôi là Nguyễn Quang Hòe, năm nay tròn 29 tuổi, hơn tôi 12 tuổi. Anh Hòe, là con cả nên anh dành làm tất cả mọi việc cho mấy đứa chúng tôi có thể được học hành, được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Nhà có 3 sào ruộng mà toàn vùng trũng nên mỗi năm cũng chỉ cấy được một vụ lúa, để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt mẹ tôi phải đi cấy thuê, anh trai tôi thương mẹ cũng theo đi cùng. Ai đời con trai mà thạo việc cấy hái như đám con gái, đôi bàn tôi thoăn thoắt. Từ bé đến lớn, quanh năm anh tôi bẹo nắng theo mẹ ra đồng, hết chăn trâu cắt cỏ đến cấy lúa, cuốc ruộng. Cái nắng xứ Nghệ như muốn cháy da, thế nhưng anh trai tôi vẫn cứ trắng như trứng gà bóc, đôi bàn tay thẳng với những ngón tay thon dài như tay con gái. Người làng bảo anh tôi nếu mà được sinh ra trong gia đình có điều kiện thì có khi anh ấy có khi sẽ trở thành minh tinh màn bạc cũng nên.
Anh trai tôi tốt nghiệp cấp 3 nhưng vì thương mẹ vất vả, nhà lại quá nghèo nên chẳng thể học cao hơn, anh quyết định đi làm phụ đỡ kinh tế gia đình. Năm 2005, bố tôi qua đời vì bệnh nặng. Mẹ tôi khi đó vẫn đang ở trong độ tuổi lao động nên gia đình tôi không được hưởng chế độ chính sách. Tất cả mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai của anh trai tôi. Anh thay bố làm trụ cột gia đình, kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học. 
Anh Hòe đi làm thợ hàn cơ khí ở thành phố Hồ Chí Minh hơn 2 năm, rồi chẳng hiểu sao từ đó mắt anh trai tôi cứ mờ dần mờ dần. Đi khám thì Bác sỹ nói anh ấy bị xuất huyết võng mạc. Năm 2008, anh ấy giấu mẹ tôi để đi mổ mắt ở Bệnh viện Mắt Trung ương tại Hà Nội. Những tưởng mắt sẽ sáng lại nhưng chẳng ai ngờ đôi mắt của anh ấy không đỡ hơn, đến giờ thì không còn khả năng nhìn thấy gì nữa.
Đến nay, anh Hòe đã đi mổ lần thứ tư nhưng tình hình cũng chẳng thể cải thiện được gì. Mỗi khi rảnh rỗi, mấy anh em chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, dù nói chuyện rôm rả, cười nói luyên huyên suốt nhưng tôi biết anh đang đau khổ biết chừng nào. Tôi nhớ có một lần anh bước rồi va vào bậc cửa, chưa bao giờ tôi thấy anh tức giận như thế, anh dùng tay đấm liên tiếp lên cánh cửa, nước mắt cứ chảy dòng dã. Dù không nói lên lời, dù gương mặt luôn tươi tỉnh, nhưng bên trong nội tâm lại chất chứa những ưu tư, trăn trở và cả nỗi khổ đau, tuyệt vọng âm thầm, bởi anh trai của tôi còn rất trẻ, mà tương lai thì không biết sẽ ra sao? Nỗi đau của người trai, đáng lẽ là trụ cột gia đình nhưng giờ lại như đứa trẻ lên ba, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.
Hàng tháng, anh tôi lại đến Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội để khám và mua thuốc, rất tốn kém, kinh tế gia đình tôi thì chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng, rất khó khăn. Giờ đây chỉ một mình mẹ tôi phải lo liệu tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ tiền chữa mắt cho anh Hòe, từ tiền nuôi tôi ăn học thêm khoản tiền nợ từ trước không biết mẹ sẽ trang trải ra sao. Hai chị gái lớn của tôi thì một đã lấy chồng, một thì đi làm ở xa cũng chẳng có điều kiện mà phụ giúp mẹ.
Nhiều lúc nghĩ mà tôi muốn nghỉ học để đi làm phụ mẹ, nhưng mỗi lần tôi định nghỉ học, anh trai tôi lại an ủi động viên. Nhìn anh mà lúc nào tôi cũng muốn ứa nước mắt, anh là một người có ước mơ, hoài bão và lý tưởng, anh đang đi làm ở khách sạn Sofitel, được cấp trên rất thương quý. Anh Hòe có ý định học và củng cố thêm tiếng Anh để có thể được làm ở vị trí cao hơn. Thế mà giờ… Nhiều khi tôi đã muốn thầm trách ông trời tại sao lại bắt anh tôi phải chịu đựng nỗi đau khổ như vậy. Đôi mắt của anh tôi cứ mờ dần mà chẳng biết phải làm sao? Ngày trước, đôi mắt của anh trai tôi đen láy mà lúc nào long lanh, ai cũng nói đôi mắt đẹp khiến người khác cứ muốn nhìn mãi. Thế mà giờ phải làm sao, làm sao để đôi mắt anh ấy sáng trở lại, việc điều trị rất tốn kém mà nhà tôi thì nghèo.
tháng 7/2012
Nguyễn Thị Tuyết Mai
Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Hà Nội

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.