Dòng họ Đoàn (Thúy Nẻo) ở miền Nam

0
945

Vụ cưỡng chế nhà ông Đoàn Văn Vương ở Hải Phòng làm dư luận xã hội bức xúc, qua thông tin báo chí chúng tôi thấy có nhắc tới những người họ Đoàn ở Thúy Nẻo (hay còn gọi là Thúy Liễu) ở Hải Phòng, chợt nhớ đến những người họ Đoàn (Thúy Nẻo) ở Cái Sắn, Cần Thơ. Xin trân trọng giới thiệu quý độc một chút tư liệu về cộng đồng Thúy Nẻo ở Cần Thơ.

Trong đợt điền dã vào tháng 5 năm 2009, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một người đàn ông họ Đoàn, 46 tuổi, quê gốc ở làng Súy Nẻo (tên khác là Thúy Liễu) – Kiến An – Hải Phòng, hiện đang sống ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ và được ông này cho biết về mô hình liên họ của dòng họ Đoàn với tên gọi là “người làng Súy”. Theo ông, làng Súy là một ngôi làng có một dòng họ chính là họ Đoàn tại Hải Phòng. Trước đây, dòng họ được tổ chức theo từng chi họ, đứng đầu họ là ông trưởng họ, mang tính chất cha truyền con nối giống như các dòng họ khác vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Năm 1954, khi các gia đình họ Đoàn là dân làng Súy di cư vào miền Nam, vì nhiều lý do khác nhau nên có một số gia đình mang họ Lương, một số gia đình mang họ Nguyễn. Những giai đoạn sau này, những gia đình này phát triển nhanh về số thành viên nhưng họ vẫn không điều chỉnh lại giấy tờ vì cho rằng thủ tục làm giấy tờ phức tạp. Tuy nhiên, họ vẫn luôn gắn kết với cộng đồng họ Đoàn. Trước kia, chỉ có người gốc họ Đoàn, theo dòng nam mới được tham gia liên tộc họ làng Súy. Thời bấy giờ, người thuộc làng Súy sống thành một khu dọc theo cây số 09 thuộc kênh C2. Sau này, một số con gái của họ này kết hôn với người làng khác và một số hộ dân ngoài tộc họ đến cư trú trong khu vực của người làng Súy. Chính vì vậy, bắt đầu từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, những gia đình là con rể của liên họ làng Súy và cả những hộ không có liên quan gì đến liên dòng họ này cũng được tham gia vào cộng đồng người làng Súy. Tuy nhiên, việc tham gia vào cộng đồng liên họ cũng hạn chế trong một số điều kiện như những người muốn tham gia liên tộc học phải được xét tư cách đạo đức bởi những người trong tộc họ, với các điều kiện như: có tư cách đạo đức tốt, có nhiều đóng góp cho liên dòng họ, phải làm đơn xin gia nhập và phải chấp thuận các quy định của cộng đồng liên tộc họ. Điều này gợi cho chúng tôi nhớ đến hình ảnh mà Max Weber mô tả hiện tượng việc gia nhập các giáo phái, hay đoàn hội của những người theo Tin Lành ở Mỹ. Một cá nhân muốn gia nhập một giáo phái hay cộng đoàn nào đó phải thông qua việc những người trong cộng đoàn xem xét tư cách đạo đức, năng lực để biểu quyết cho cá nhân đó gia nhập. Bởi việc gia nhập một giáo phái hay đoàn hội nào đó là đồng nghĩa với việc cá nhân đó có một tấm vé thăng tiến trong địa vị xã hội mới. Trong đợt điều tra điền dã của chúng tôi vào tháng 5-2009, chúng tôi thống kê có tám hộ con rể và ba hộ không liên quan họ hàng đã được xét vào cộng đồng người làng Súy. Hiện nay, những người “rặt làng Súy” nhà ở phía giáp với Rạch Giá, còn khoảng 10 hộ không phải rặt làng Súy (con rể, người ngoài họ) thì ở phía giáp Long Xuyên. Có thể thấy, mô hình dòng họ làng Súy là một hình thức cơ cấu tổ chức làng Họ, hay nói chính xác làng dòng họ, có sự thích nghi với điều kiện cư trú vùng Nam bộ. Khi mới đến định cư, cơ cấu dòng họ vẫn được tổ chức thành từng chi họ như ở làng gốc (khoảng 10 chi họ). Tuy nhiên, sau đó, họ Đoàn bỏ cách chia cơ cấu dòng họ theo chi họ, người trưởng họ cũng không còn mang tính chất cha truyền con nối mà được dân làng bầu cử. Người đàn ông này cũng cho chúng tôi biết việc bầu cử này thay cho vị trí trưởng tộc theo kế tục truyền thống có từ trước năm 1975 nhưng việc tổ chức bầu bán bài bản phải kể từ sau những năm 90 của thế kỷ trước. Điều đặc biệt đối với dòng họ Đoàn, chúng tôi nhận thấy trong cơ cấu dòng họ có hai vị trí trưởng họ: một ông lãnh đạo chung, một ông lo thủ quỹ, hậu cần, tổ chức ngày mừng lễ thánh Quan thầy, đám tang. 
Cơ cấu liên tộc họ của ngưới Công giáo di cư vùng Cái Sắn
— Tư liệu điền dã của tác giả, tháng 8 năm 2009 
 Mỗi nhiệm kì trưởng họ kéo dài năm năm. Hết nhiệm kì, mỗi gia đình trong làng cử một đại diện, nam hay nữ đều được (thường là nam) đi họp để bầu trưởng họ. Mọi người trong làng họ có quyền đề cử và ứng cử làm trưởng họ. Ứng viên cho vị trí này phải là nam giới. Sau khi có danh sách các ứng viên, cả làng tiến hành bầu cử bằng cách giơ tay biểu quyết, nhưng những năm về sau thường tiến hành bầu cử bằng cách bỏ phiếu kín. Ai cao phiếu nhất sẽ được làm trưởng họ thứ nhất phụ trách lãnh đạo chung, ai nhiều phiếu thứ nhì thì làm trưởng họ thứ hai. Tới nay đã có ba người được bầu làm trưởng họ hai nhiệm kì. Hiện tại, người trưởng họ thứ nhất là ông Nguyễn Văn Vinh, người trưởng họ thứ hai là Đoàn Văn Đệ. Ông trưởng họ thứ nhất là người đại diện đứng ra vận động quyên góp tiền cho quỹ họ, là người đứng ra tổ chức chính lễ thánh Quan thầy của họ. Hai lễ thánh Quan thầy của người làng Súy này là Lễ ông Thánh Phê-rô vào tháng chín và Lễ bà thánh Terexa được mừng kính vào tháng 11 hằng năm. Đây là hai vị thánh được dân làng Súy suy tôn làm thánh Quan thầy của mình. Ông thánh thì bảo trợ cho đàn ông, bà thánh thì bảo trợ cho phụ nữ. 
Chúng tôi cũng nhận thấy các giáo xứ vùng Cái Sắn hiện nay không chỉ có dân làng Súy mà còn có dân làng Xuân Vân, Đông Côn, Kim Côn, Đông Xuyên, Kim Phúc, Ba Đông …. thuộc các huyện Kiến An, Tiên Lãng, Hải Phòng và Thanh Miện, Hải Dương cũng có cơ cấu tổ chức cộng đồng liên họ như người làng Súy. Đặc biệt, làng họ Xuân Vân, chủ yếu là những người thuộc dòng họ Khuất hiện vẫn đang tồn tại cơ cấu tộc họ vừa theo chi tộc vừa theo mô hình hiệp hội. Từ cuốn gia phả họ Khuất, chúng tôi được biết làng Xuân Vân ở Sơn Tây, Bắc bộ. Năm 1954, một bộ phận cư dân của làng này vào Nam nhưng phải đến năm 1960 mới thành lập làng họ Xuân Vân. Vào ngày 01 tháng 10 hằng năm, dòng họ có ngày lễ thánh Quan thầy, họp mặt những người ở trong làng. Hiện nay, ông trưởng họ đã mất, không còn duy trì vị trí trưởng họ mà tồn tại hình thức Ban điều hành gồm ba người: hai người họ Khuất, một người họ Đỗ và một ban cố vấn có hai người. Theo những người trong làng họ Xuân Vân, từ những năm mới tái thành lập cơ cấu tổ chức tộc họ tại vùng Cái Sắn đã có lập bản qui ước về quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên khi tham gia. Đặc biệt là qui định các khoản đóng góp để dùng vào việc xin lễ cho người trong họ qua đời. Nhưng kể từ những năm đổi mới trở lại đây, dòng họ này còn dùng khoản ngân quỹ này cho những người trong làng vay mượn, làm ăn với mục đích vừa để tương trợ những người khó khăn, vừa để sinh lợi cho nguồn quỹ. Chính vì vậy, hoạt động tương trợ của dòng họ không chỉ là xin lễ cầu nguyện cho người đã trong họ qua đời mà còn tổ chức thăm hỏi các thành viên khi bị ốm đau, bệnh tật và tương trợ kinh tế cho các thành viên khi khó khăn.
Nguyễn Đức Lộc
ĐH KHXH&NV TP.HCM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.