Việc hiếu nghĩa của người Khmer (kỳ 9)

0
905

Báo hiếu trong lễ Cầu Siêu.

Lễ cầu siêu là dịp để cho những người Khmer nhớ về cha mẹ, nhớ về những người thân đã khuất và  những người khi sống đã có ơn với họ. Đây là một nghi lễ có nguồn gốc từ Phật giáo do vậy nó cho thấy được sự ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo trong đời sống của những người Khmer ở Trà Vinh.
(Ảnh minh họa-Nguồn: Internet)
Lễ cầu siêu là một nghi lễ có nguồn gốc từ một câu chuyện trong Phật giáo. Chuyện kể rằng: Khi Đức Phật được sinh ra được bảy ngày thì mẹ của Đức Phật qua đời. Đức Phật cảm thấy dù mẹ mình ở trên thiên đàng nhưng linh hồn vẫn chưa được siêu thoát do vẫn còn tham, sân, si, vẫn còn những vương vấn với trần gian, chưa thể thanh tịnh được. Ngài đã lên thiên đàng để thuyết pháp cho mẹ của mình để cho bà hiểu ra những lý lẽ của cuộc sống, từ đó có thể tự giải thoát cho chính bản thân mình. Những lời thuyết pháp của Đức Phật đó được ghi lại thành kinh Apithom và được người Khmer sử dụng để đọc trong buổi lễ thuyết pháp với hi vọng những người chết sẽ được trong sạch về tâm hồn, giải tỏa những tham, sân, si để sớm được siêu thoát.
Việc cầu siêu cho cha mẹ khi đã chết là một việc quan trọng để báo hiếu và được ghi lại trong năm bổn phận cơ bản nhất của người con đối với cha mẹ: (1) Người con phải biết chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ để cha mẹ khỏe mạnh, đặc biệt là khi cha mẹ đau ốm lại càng phải tận tâm chăm sóc. Không được làm những việc khiến cho cha mẹ phiền lòng. (2) Phải biết phụ giúp công việc cho cha mẹ. Con cái không được lười biếng. (3) Phải biết gìn giữ nòi giống, con trai và con gái đến tuổi trưởng thành là phải lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. (4) Phải biết giữ gìn tài sản cho cha mẹ mình. Bản thân người con phải tự biết chi tiêu cho hợp lý, không được chi tiêu lãng phí tài sản của cha mẹ. (5) Khi cha mẹ đã chết cần phải biết cầu siêu cho cha mẹ mình, để vong hồn cha mẹ sớm được siêu thoát, đầu thai.
Nghi lễ cầu siêu thường diễn ra vào ngày thứ ba của lễ hội Chol Chnam Thmay. Theo những người Khmer, ngày cuối cùng của Tết chính là ngày quan trọng nhất, ngày này, người ta thường được tổ chức những nghi lễ quan trọng nhất. Ngày thứ ba có hai lễ lớn diễn ra trong chùa đó là Lễ cầu siêu và lễ tắm tượng Phật thì ý nghĩa báo hiếu được tập trung vào lễ cầu siêu.
Nơi diễn ra lễ cầu siêu đầu tiên là ở trong chùa. Các hũ cốt được lấy ra từ tháp để cốt của nhà chùa và được lau rửa cho sạch bụi bên ngoài, sau đó được đặt vào vị trí làm lễ. Đến đúng thời gian làm lễ, các Achar mời các sư ra nơi để cốt để làm lễ cầu siêu. Sau đó, Achar đại diện cho người dân nói lên mục đích của việc mời các sư đến để làm lễ cầu siêu cho tâm hồn cha mẹ người dân được siêu thoát. Các sư bắt đầu đọc kinh Apithom bao gồm nhiều bài, nội dung của kinh là những lời nói với những người đã chết về đạo lý khi sống cũng như khi chết, về những nỗi khổ ải và cách thức để vượt qua chúng. Sau mỗi hồi kinh được đọc ra, các Achar sẽ là người đầu tiên đọc kinh để tạ ơn ân đức của Đức Phật và các sư. Khi kinh được đọc xong, các sư bắt đầu vảy nước xuống người dân và đọc kinh cầu an cho những người đang làm lễ. Hành động vẩy nước này như là để chúc phúc cho những người còn sống. Việc vẩy nước ra xung quanh để nước có thể ngấm vào đất, ngấm vào mọi người, ngấm vào các linh hồn xung quanh cũng được làm với mục đích báo cho những người đã chết biết họ đang được những người thân của họ cầu siêu cho họ.
Sau vẩy nước xuống bá tánh, sư Cả sẽ là người đầu tiên, tiếp theo là các sư phó, các Tỳ Khưu và Sa-di đi kế nhau để vẩy nước vào các hũ cốt lúc này đã được mở nắp. Khi sư vẩy nước xong, các phật tử sẽ đổ thêm một chút nước do chính họ chuẩn bị với dầu thơm, hoa, nhang, để chứng tỏ lòng thành của mình đối với những người đã chết, để gửi gắm những nỗi nhớ và lòng biết ơn của họ đối với những người thân của họ. Cuối cùng, các hũ cốt được nắp lại và đem vào để trong tháp cốt chung của cộng đồng.
Đối với những gia đình không để cốt trong chùa, sau khi làm lễ cầu siêu xong, họ có thể mời một đến hai vị sư về nhà để làm lễ cầu siêu cho cha mẹ họ. Còn những gia đình để cốt ở nhà không có thể mời được các vị sư thì trong ngày thứ ba này cũng phải mang cốt vào chùa để làm lễ cầu siêu chung với cộng đồng.
So với lễ giỗ nhân dịp ngày mất của người đã khuất thì lễ cầu siêu lại không kém phần quan trọng, thậm chí còn được coi trọng hơn, đặc biệt với những người đi làm xa, một năm mới về quê một lần. Họ có thể thực hiện lễ giỗ, tưởng nhớ ngày mất của cha mẹ ở nơi khác mà không cần phải có cốt của người chết cũng như không cần các  sư đến để đọc kinh. Nhưng tổ chức lễ cầu siêu mỗi năm một lần thì không thể thiếu được những lời kinh mầu nhiệm. Người ta tin rằng, nếu không có oai lực của những lời kinh của Đức Phật thì cha mẹ họ sẽ mãi mãi có thể bị đau khổ ở thế giới nào đó không được siêu thoát. Như vậy, bổn phận của họ đối với cha mẹ sẽ không thực hiện được. Đối với người Khmer, không thực hiện được bổn phận đồng nhất với việc bất hiếu, và bất hiếu sẽ không chỉ là tội làm mất gốc của bản thân họ mà còn là một việc làm khiến họ phải trả giá do nghiệp báo.
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.