Đất và tháng tư

0
688
Trong một tháng tư lộn xộn các cảm xúc khác nhau, tôi đã cố dìm mình vào thứ ánh sáng ảo vọng của sự lạc quan. Tôi đã rất nhiều lần khoát tay: thôi, kệ!
Nhưng đời tôi đâu có “Kệ!” dễ dàng thế được. Những đêm đó tôi có những cơn dằn vặt mới. Tại sao tôi khước từ sự lựa chọn của mình bằng một đời sống thỏa hiệp, an phận? Tại sao tôi không sống thành thực với chính mình để thấy mình …cũng tệ hại như bao người khác, cố tình lẩn trốn vào trong sự an toàn của gia đình, mà lẽ ra cần phải giải thoát bằng sự lao đi, tìm kiếm cái đích đến thật sự có ý nghĩa với chính tôi?
Đêm hôm qua tôi có một giấc mơ ngao du sơn thủy cùng Đoàn Dự. Đêm hôm sau tôi thấy máu chảy ra từ háng mình. Đêm hôm sau nữa tôi thấy những con gián và con chuột chào nhau trên thân thể tôi. Thêm một đêm tôi cầu nguyện được thấy Thầy Đạt Lai Lạt Ma. Rồi lại thêm những đêm tôi vật vã vì những cơn sầu thảm nặng ứ. Những đêm không còn đêm, chỉ toàn là các cuộc viếng thăm chốn địa ngục trần gian.

Sống hồn nhiên và lãng quên, bức tranh của VanGogh về đôi giày đã khiến cho Heidegger phát hiện ra lâu nay mình thiếu… Đất. Đến nỗi sau này ông đã gọi Đất là một từ ngữ khêu gợi tự tình dân tộc. “Hãy sống trên mặt đất như một thi sĩ” – Hodelin.

Ông viết: “Từ trong lòng tối đen và mòn vẹt của đôi giầy, ta thấy sự vật vã của những bước chân lao động còn ghi dấu trong sự nặng nề thô ráp chất chồng. Sự dẻo dai của bước chân rộng rãi xuyên qua luống cày dằn dặc và đều đều của thửa ruông. Dưới cơn gió gắt, dưới lớp da giày là sự màu mỡ, ẩm ướt của đất đai. Dưới đôi giày là nỗi cô đơn đồng ruộng kéo lê trong chiều muộn. Trong đôi giày cất tiếng run run câm nín của đất, sự ban tặng những hạt lúa đã chín dần và sự bất lực không thể giải tỏa của cánh đồng bị bỏ hoang trong mùa đông. Thấm đẫm trong vật dụng này là nỗi lo âu không chút thở than về sự ăn chắc của vụ mùa đi đến chỗ ở yên trong chính mình”.
Nhưng có lẽ ta thấy tất cả những điều này về đôi giày chỉ trong bức tranh và người nữ nông phu chỉ đơn giản mang nó mà thôi. “Rồi cô ném nó vào góc nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. Và rồi đến tờ mờ sáng lại tìm thấy nó hay trong ngày nghỉ”. Sự tồn tại như là một vật dụng, đúng như tính phục vụ của nó, như thể cách hiện hữu của nó. Và bản thân tính phục vụ này để ở yên trong sự tròn đầy của sự tồn tại bản chất sự vật. Ta gọi sự tồn tại ấy là sự đáng tin cậy của nó [Vì nó đáng tin cậy cho nên nó trọn vẹn, hoàn hảo, khép kín]. Nhờ sự đáng tin cậy ấy người nông phu thông cảm được tiếng gọi âm thầm của đất, dù lâu lâu người ta vẫn ngơ một tiếng gọi mơ hồ nào đó, có lúc nó thức tỉnh ta, khiến ta không ngủ yên với sự hồn nhiên được nữa. Có khi tiếng gọi ấy mơ hồ kín đáo mà mãnh liệt làm sao. Và đó cũng chính là sự lưỡng nguyên, tính phức tạp của sự vật.
Trở lại với tháng tư và tôi. Sống hồn nhiên và lãng quên. Sự khêu gợi mãnh liệt của đất. Tiếng gọi mơ hồ kín đáo khiến tôi không ngủ yên được nữa. Và trên tất cả là niềm tin mãnh liệt của tôi vào ĐẤT, nơi đó có máu và nước mắt của những nông phu vẫn đều đều hang ngày sống vui với vụ mùa cho đến một ngày phải chết đau đớn vì mất từng tấc đất, thì than ôi, cái sự trỗi dậy ấy cũng đã muộn mất rồi.
Trần Ngân Hà
Nguồn: Facebook của tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.