Người cha giản dị trong mắt con gái
Cha tôi tuy từng là Chủ tịch HĐNN (tương đương với Chủ tịch nước hiện nay), nhưng nếu bạn tìm các thông tin về ông trên sách báo và internet thì sẽ thấy rất ít ỏi. Nguyên nhân chính là bởi cha tôi là người rất ít nói về mình. Ông là típ người hành động, chỉ biết làm chứ không biết kể về những việc mình làm.
“Suốt từ khi còn đương nhiệm cho đến giờ, cha tôi sống rất thanh bạch,
liêm khiết.” (Nguồn: Internet)
Thời còn là Chủ tịch HĐNN, cha tôi giữ lối sống rất giản dị, cần kiệm. Ông có vài bộ comple để mặc khi đi hội nghị, đi tiếp khách. Còn khi ở nhà, trang phục của ông rất đơn giản. Ông chỉ có hai-ba bộ quần áo mặc thay đi thay lại và mặc cho đến khi áo sờn rách hết ra. Có những lần áo rách, con cái đòi mua cho ông bộ quần áo mới, ông gạt đi.
Ông bảo quần áo này vẫn còn tốt, vẫn còn mặc được. Tiền mua áo mới nên để dành cho dân nghèo. Họ cần tấm áo đó, họ cần số tiền đó hơn mình. Đã không ít lần cha bắt tôi ngồi mạng lại những chỗ rách trên quần áo ông, để sau đó ông lại mặc bộ đồ đó như những bộ đồ khác.
Giờ đây khi về hưu, cha tôi thường mặc bộ đồ lụa ở nhà. Mỗi lần vào Sài Gòn thăm cha, tôi đều mua cho cha vài bộ đồ mới may bằng vải tơ tằm để cha mặc cho mát. Nhưng lần nào cũng như lần nào, hễ thấy quần áo mới tôi mua là ông lại nói: “Con hãy cầm những bộ quần áo này về quê Quảng Nam , tặng bộ quần áo đó cho dân mình. Dân Quảng Nam mình còn nghèo lắm”. Tôi nhớ mỗi lần tôi gặp cha tôi, câu đầu tiên và cũng là câu mà ông hỏi nhiều nhất là: “Dân mình sống có khá không con? Dân mình còn nghèo không con?”.
Cả đời ông, lúc nào ông cũng chỉ đau đáu nỗi lo lắng cho dân nghèo. Những năm miền Trung có bão lụt, bao giờ cha tôi cũng dặn tôi phải về tận quê để giúp đỡ những gia đình nghèo khó vượt qua cơn sóng gió.
Suốt từ khi còn đương nhiệm cho đến giờ, cha tôi sống rất thanh bạch, liêm khiết. Dù là Chủ tịch HĐNN, nhưng đến khi nghỉ hưu về già, ông cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Ông sống trong một căn nhà giản dị, cùng với con cái. Cha tôi luôn muốn con cái tự đi lên bằng sức lực của mình.
Có lần cháu tôi đi thi bị trượt. Lúc đó chỉ cần cha tôi nói một tiếng, cháu tôi sẽ qua, nhưng cha tôi không bao giờ làm thế. Với con cái, ông chưa bao giờ quan tâm xem con cái mình làm gì, chức tước, địa vị ra sao. Lần nào gặp tôi cha cũng hỏi: “Kim Ánh bây giờ làm gì hả con?”.
Tiếng là con của ông Võ Chí Công, nhưng các anh trai tôi chưa bao giờ được cha hỗ trợ bất cứ điều gì trong sự nghiệp, đều phải tự thân vận động và phấn đấu. Nên dù có cha là người có quyền chức, các anh tôi cũng phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp. Bản thân tôi, từ khi còn làm trong Bệnh viện quận Hải Châu, cho đến khi trở thành Phó Giám đốc Sở Y tế rồi trở thành quyền Giám đốc Sở Y tế, cha tôi cũng không bao giờ để ý.
Có lần tôi bảo với ông: “Ba ơi, con giờ đã là Phó Giám đốc Sở Y tế rồi đó”. Ông tỏ ra vô cùng ngạc nhiên nhưng vẫn cười rất tươi: “Ủa, giỏi thế vậy ta? Chức đó chắc to lắm con nhỉ?”. Dẫu không được “nhờ cậy” cha như nhiều người khác, nhưng chúng tôi vẫn vô cùng tự hào và yêu thương cha mình. Những việc ông làm mãi mãi là tấm gương cho con cái noi theo.
Đoàn Võ Kim Ánh
(Nguồn: Phunutoday.vn)