Nhớ thực tập, nhớ đồng bào Khmer Nam Bộ – Kỳ 3: Tha hương cầu thực

0
884
Những hộ gia đình thiếu đất canh tác không tìm được việc làm tại quê nhà buộc lòng  phải đi tới các tỉnh, thành phố khác như thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp Bình Dương để kiếm sống. Theo báo cáo của chủ tịch xã, trong năm 2010, xã Hoà Ân đã có hơn 1000 thanh niên bỏ quê lên thành phố làm công nhân. Tình trạng không có đất dẫn đến việc làm thuê dưới nhiều hình thức và cuối cùng là cảnh tha hương cầu thực là một tình trạng phổ biến ở ấp Bà My, xã Hoà Ân.
“Những hộ gia đình thiếu đất canh tác không tìm được việc làm tại quê nhà buộc lòng  phải đi tới các tỉnh, thành phố khác để kiếm sống” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Việc thanh niên trong ấp đi làm ăn xa dẫn đến một số thay đổi trong nếp sống của người dân Khmer nơi đây. Vì đi xa làm ăn, các thanh niêm trong ấp quen biết nhiều đối tượng ở các vùng miền khác nhau dẫn đến hiện tượng kết hôn với những người khác xứ. Chú chủ chùa Bà My nói: “Chúng nó đi tha hương cầu thực rồi từ từ tiến tới cầu hôn luôn”. Câu nói tuy là nói đùa nhưng phản ánh một tình trạng đang diễn ra ngày càng phổ biến ở ấp Bà My. Nhiều người ở ấp Bà My có sui gia ở tận Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu,… và dâu, rể của họ cũng không còn phải là người Khmer mà là người Việt, người Hoa,… Sự giao lưu văn hoá giữa các tộc người không còn đơn giản chỉ là sự tác động văn hoá qua lại giữa các hộ gia đình của các tộc người khác nhau sống gần nhau, mà nó còn diễn ra ngay trong nội bộ của một gia đình mang tính chất đa văn hoá. Bà Thạch Thị Lân cho biết: “Người Việt thích lấy con gái Khmer lắm vì người ta nói dâu người Khmer chăm chỉ, thật thà”. Các con gái của bà đều được gả cho người Việt, bây giờ cũng theo về nhà người ta, sinh con ra đều lấy họ cha. Khi một nền văn hoá tiếp nhận các yếu tố văn hoá bên ngoài để cùng tồn tại song song với văn hoá truyền thống của dân tộc mình thì càng làm phong phú thêm cho nền văn hoá đó. Tuy nhiên, trường hợp người dân nghèo Khmer tiếp nhận văn hoá của một tộc người khác thông qua hôn nhân là một cách tiếp nhận theo tôi là thụ động. Do không có đất, sau hôn nhân, người Khmer nghèo buộc phải định cư theo những người có đất. Như vậy, nếu cuộc hôn nhân này khác văn hoá, những người dân Khmer nơi đây buộc phải rời xa không gian văn hoá của họ và tập thích nghi với các phong tục tập quán của các tộc người khác.
Tình trạng người dân Khmer đi xứ người làm thuê hoặc thanh niên bỏ ấp đi làm công nhân tại các thành phố đã cho thấy một sự thiếu hụt trong việc thực hành văn hoá của cộng đồng mình. Tại các môi trường mới này, người Khmer không có chùa để lui tới, không có cộng đồng để cùng tổ chức các dịp lễ, không có sư sãi để dâng cơm mỗi ngày. Tình trạng đó càng phức tạp hơn khi thanh niên trong vùng dần dần kết hôn với các đối tượng thuộc các tộc người đa số hơn như người Việt và bỏ đi các truyền thống văn hoá lâu đời của họ. Vấn đề trao truyền văn hoá của người Khmer qua các thế hệ vì tình trạng cư trú rời rạc, xa quê, kết hôn khác tộc người ngày càng khó khăn hơn. 
Lưu Thủy
Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.