Chuyện làm ăn thời bao cấp

1
1346
Nói đến chuyện làm ăn thời bao cấp, người ta hay nhắc đến ba từ “hợp tác xã”. Chú T nói ngày đó, muốn làm ăn phải vào hợp tác xã để cùng góp vốn làm tập thể chứ không được phép làm với hình thức tư nhân. Nhỏ nhất là tổ hợp từ 5-10 người, lớn hơn nữa là hợp tác xã từ 10-50 người. Tuy nhiên cũng có một số hợp tác xã rất lớn, số lượng người có khi lên tới hàng trăm người. Dưới mô hình hợp tác xã, nền kinh tế lúc bấy giờ có hai loại hình chính là loại hình kinh tế quốc doanh và loại hình kinh tế tập thể.
Theo đánh giá của chú T, loại hình kinh tế quốc doanh, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn (do nhà nước đầu tư, có thể vay vốn từ ngân hàng) nhưng hiệu quả kinh tế thường rất thấp nếu không muốn nói là thường xuyên thua lỗ. Ngược lại, làm ăn theo dạng kinh tế tập thể tuy có khó khăn hơn vì nguồn vốn phải do tự lực các cá nhân góp vào, nhưng có vẻ khấm khá hơn. Nguyên nhân của tình trạng này có thể có nhiều, nhưng theo chú T nguyên nhân chủ yếu có thể là do cách thức tổ chức và quản lí của hai loại hình này khác nhau.
 “Muốn làm ăn phải vào hợp tác xã để cùng góp vốn làm tập thể chứ không được phép làm với hình thức tư nhân” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Loại hình kinh tế quốc doanh là loại hình có vốn đầu tư 100% là của nhà nước. Ở loại hình này, nhà nước chỉ định những người sẽ đứng ra lãnh đạo quá trình sản xuất. Vì là sự chỉ định nên nhiều khi không nhận được sự đồng tình của tập thể. Điều này dẫn đến khả năng gây mất đoàn kết trong nội bộ vì các cá nhân không nể phục người lãnh đạo của mình. Trái lại, ở loại hình kinh tế tập thể, các cá nhân tự góp vốn làm ăn với nhau và họ cũng có quyền bầu lên những người mà họ tin tưởng. Những người này thường được đánh giá là giỏi quản lí, có năng lực, biết cách làm ăn. Họ được chính các cá nhân trong tập thể đó bầu lên và thành lập ban điều hành. Thông thường, ban điều hành gồm có một chủ nhiệm, một phó chủ nhiệm, một thư kí, một kế toán. Ở nhiều tập thể, người ta cũng lập cả ban kiểm sát để theo dõi quá trình sản xuất của tập thể.  Vả lại, khi cùng góp vốn với nhau, cùng lời ăn lỗ chịu nên những thành viên trong tập thể cũng cố gắng để làm việc chứ không ỷ lại như khi có nhà nước bao cấp.  Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của các tập thể lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn. Chú T nói những tập thể nào biết nắm bắt nhu cầu của xã hội và có một khả năng đặc biệt nào đó thì còn “sống” chứ không thì cũng làm “trầy da tróc vảy” chứ chẳng dễ gì.
Ở nông thôn, việc làm ăn theo mô hình tập thể dưới sự quản lí của nhà nước lúc bấy giờ có vẻ như không mấy hiệu quả. Nếu lấy mục tiêu và cách thức để  phát triển nông nghiệp của hai thời kì trước và sau đổi mới ra so sánh thì có thể người ta sẽ thấy hai chính sách này khác nhau khá nhiều. Nếu như bây giờ nhà nước chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ trong việc phát triển nông nghiệp thì trước đây nhà nước lại tham gia vào quá trình này như một người quản lí và luôn luôn quán xuyến, bao quát tất cả tình hình. Chú T nói kinh tế ngày xưa là kinh tế hoạch định cứng rắn chứ không phải là kinh tế hoạch định mềm dẻo như bây giờ. Người ta làm theo giờ, đến giờ thì đi làm, hết giờ lại về. Thời bao cấp cái gì cũng giả, giả làm, giả trả lương. Nhà nước giả trả lương thì người dân cũng giả làm. Giả làm, giả trả lương ở đây có nghĩa là cái gì cũng có nhưng lại không có thật. Nhà nước trả công người dân với mức lương như thể không trả còn người dân thì làm như thể chẳng làm gì. Từ những cái trông thật mà giả đó kéo lê nền kinh tế Việt Nam trong sự trì trệ. Người ta nhìn cuộc sống bây giờ lại nghĩ về trước đó. Tại sao cũng từng đó ruộng  đất mà ngày xưa thì đói kém mà bây giờ lại có thể xuất khẩu gạo?
Trước đó, ruộng là của người nông dân, đến thời bao cấp thì ruộng đất cũng như con người được đưa vào hợp tác xã hết. Hồi đó, khi ruộng là của từng hộ gia đình, người ta tự chăm sóc cho tài sản của mình. Họ tìm phân bón, làm ngày làm đêm để mong thu được lợi nhuận cao. Còn vào thời bao cấp, khi người ta đem tất cả ruộng đất vào của chung thì lại nảy sinh ra tình trạng “cha chung không ai khóc”. Chú T nói cái gì chứ nông nghiệp mà làm như vậy thì “thua”. Làm nông nghiệp phải canh theo con nước, người nông dân dựa vào con nước lên xuống thế nào để còn biết cấy lúa hay sạ lúa. Còn khi làm theo kế hoạch của nhà nước thì cứ làm theo giờ, hết giờ thì về. Sự cứng nhắc về giờ giấc đó làm mất đi sự linh hoạt trong cách gieo trồng dựa trên kinh nghiệm của người nông dân. Hồi đó, thay vì một miếng ruộng của một gia đình chỉ có hai đến ba người làm vẫn có hiệu quả thì bây giờ, khi cho vào hợp tác xã có đến cả trăm người làm mà cũng không xong. Cách làm này không những mang lại hiệu quả sản xuất không cao mà còn uổng phí nguồn lao động.
Đó là chuyện ở những vùng có ruộng. Ở thành phố và một số nơi không có ruộng, người ta tham gia vào một số hoạt động sản xuất khác. Tuy nhiên, dù là hoạt động nào thì vẫn dưới hình thức tổ hợp hay hợp tác xã. Thông thường, các tập thể và nhà nước liên kết với nhau thông qua các hợp đồng. Nhưng việc kí được hợp đồng cũng không phải dễ dàng. Chú T nói một số tập thể “mánh mung” được thì có thể kí hợp đồng để làm gia công cho nhà nước. Giữa hai bên nhà nước và tập thể nếu thấy thuận lợi thì kí hợp đồng giá cả với nhau. Thường thì cái nào nhà nước không làm được sẽ chuyển qua cho tập thể làm. Hàng hóa do tập thể làm chủ yếu là hàng gia công cho nhà nước. Các tập thể nhận nguyên liệu của nhà nước làm thành sản phẩm rồi lại trả hàng hóa về cho nhà nước chứ không được bán tự do ra thị trường bên ngoài. Ví dụ như nhà nước cung cấp bột mì còn tập thể thì tổ chức thành những tổ hợp hay hợp tác xã để làm thành mì sợi. Sau đó, số mì sợi này lại được trả về cho nhà nước rồi từ nhà nước lại phân phối cho dân.

Ngọc Lưu

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.