Năm 1977, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức đại hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Trong số đại biểu toàn quốc tham dự đại hội có bốn anh em ruột.
Đó là cụ Hồ Đắc Điềm, nguyên Chánh án TAND Hà Nội, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội; giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (hai cụ là đại biểu UB MTTQ TP Hà Nội); tiến sĩ – dược sĩ Hồ Đắc Ân, đại biểu UB MTTQ TP.HCM; ni trưởng Diệu Không (thế danh Hồ Thị Hạnh), đại biểu UB MTTQ TP Huế. Cả bốn người là con của Quận công Hồ Đắc Trung, một đại thần đứng vào hàng “tứ trụ” dưới các triều vua Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Hình ảnh bốn vị đại biểu trên là minh chứng tiêu biểu cho nguyên lý bất di bất dịch “đất nước ta là một, nhân dân ta là một” và cũng là hình ảnh chứng minh hùng hồn sự quy tụ rộng rãi các tầng lớp trí thức, tôn giáo trong mặt trận yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Năm 1981, đại diện Phật giáo cả hai miền Bắc – Nam (cũ) nhóm họp tại Hà Nội để quyết định việc tổ chức một tổ chức Phật giáo duy nhất cho cả nước. Sư bà Diệu Không là thành viên chính thức trong đoàn đại biểu Phật giáo miền Nam (cũ). Nhân sự có mặt của sư bà ở Hà Nội, Đài tiếng nói Việt Nam đã tiến hành phỏng vấn sư bà trên làn sóng của đài phát đi trong nước và trên toàn thế giới. Sau đây là phần trích một số câu hỏi của phát thanh viên (PTV) và phần trả lời của sư bà Diệu Không:
* PTV: Vừa rồi đài phát thanh nước ngoài nói chính quyền bắt buộc các đại biểu ra Hà Nội làm việc cho chính quyền, có đúng không?
– Thời chính phủ Ngô Đình Diệm mà còn không bắt được chúng tôi theo họ từ khi họ đem súng dẫn vào tù. Nay là chính quyền của dân, sao có chuyện bắt buộc?
* PTV: Ra đây chính quyền đối xử với quý vị thế nào?
– Nếu không tốt, làm sao chúng tôi ra được đến ngoài này, được bố trí ăn ở cho số đông người, lại có xe đưa rước?
* PTV: Bà có muốn nhắn gì với tăng, ni, phật tử hải ngoại không?
– Tôi xin gửi đến quý tăng, ni, phật tử ở khắp năm châu lời thăm hỏi đầy tình cảm của người đồng đạo. Xin quý vị dù đi đâu, ở đâu, quý vị cũng nên nhớ Phật giáo đã có từ 2.000 năm trên đất nước ta, nên trong dòng máu của người Việt Nam đều có giống của Phật được ông bà nhiều đời để lại. Chúng ta có những vị như Trần Nhân Tông đời Trần, đời Lý, Lê… Gần đây có ngài Quảng Đức đã làm rạng danh cho Phật giáo cũng như đất nước. Nhật Bản có bài báo đã tôn Phật giáo Việt Nam là anh cả trong miền Đông Nam Á. Vậy mong quý vị luôn nhớ làm rạng danh cho Phật giáo nước nhà.
* PTV: Bà có muốn nói gì với đồng bào hải ngoại không phải phật tử không?
– Có. Tôi xin gửi đến đồng bào các giới khắp trên địa cầu lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Dù xa quê hương, quý vị luôn nhớ mình là người Việt Nam, luôn nhớ nguồn gốc mà dạy dỗ con cháu lấy hiếu để làm trọng, yêu nước, yêu đồng bào, biết đến Tổ quốc quê hương và không quên nếp sống Việt Nam.
* PTV: Bà còn muốn nói gì nữa không?
– Tôi xin kết thúc lời nhắn gửi ở đây và rất mong đợi hòa bình thực sự sẽ đến với nhân loại, đừng vì thù hận mà giết nhau bằng nguyên tử. Vậy trước hết xin phải lo hòa bình ở nội tâm của mỗi người”. (1)
Gần ba mươi năm trôi qua kể từ ngày trả lời phỏng vấn, song những lời nhắn gửi của sư bà Diệu Không vẫn còn nguyên tính thời sự.
Sau ngày thống nhất tổ chức Phật giáo cả nước, ni trưởng Diệu Không được cử làm Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy viên thường trực Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế.
Những ngày tháng cuối cùng
Những năm 1980 – 1990, dù tuổi cao sức yếu nhưng sư bà Diệu Không vẫn không ngừng làm việc. Sư bà dốc sức biên dịch các bộ kinh Phật từ tiếng Pali sang tiếng Việt và viết hồi ký, minh mẫn cho đến hơi thở cuối cùng. Sư bà an nhiên thâu thần thị tịch vào khuya ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu (tức 23.9.1997), hưởng thọ 93 tuổi với 53 hạ lạp. Lễ tang của sư bà được T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế cử hành theo nghi lễ Phật giáo cao nhất tại chùa Hồng Ân (Huế) do Hòa thượng Thích Thiện Siêu – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì. Hàng nghìn đồng môn pháp quyến và đại diện các tổ chức Phật giáo trên cả nước, đông đủ bà con thuộc họ tộc Hồ Đắc, các con của ông Cao Xuân Xang ở trong nước cũng như nước ngoài đã có mặt để đưa tiễn cố ni trưởng về nơi an nghỉ cuối cùng. Kim quan của cố ni trưởng đã nhập tháp xây trên một sườn đồi thoáng đãng thuộc khuôn viên chùa Hồng Ân và liền kề với nghĩa trang có phần mộ của song thân và các anh, chị mình.
Đánh giá tổng quát về cuộc đời của cố ni trưởng Diệu Không, khó có bài viết nào hay hơn đoạn kết trong tiểu sử của cố ni trưởng đăng trên Kỷ yếu tang lễ ni trưởng Thích nữ Diệu Không (NXB Tôn giáo -1999): “Tóm lại một đời sư: ở trong phú quý mà không vướng vinh hoa, học nhiều mà không sở tri chướng, làm thơ mà không là thi sĩ, viết lách mà không là văn nhân, nghiên cứu mà không là học giả, giúp đời mà không là chuyên gia xã hội. Thuyết pháp mà không là pháp sư, tọa thiền mà không là thiền sư, xây dựng nhiều chùa mà không trụ trì một ngôi chùa nào cả, giữ giới mà không câu nệ, độ người mà không vướng mắc đệ tử. Ở cảnh động mà không mất thiền, cảnh tịnh không bỏ rơi chúng sinh. Cuộc đời hành đạo của Sư thật đa dạng mà không lưu dấu vết, vì cõi lòng của Sư như hư không. Sự nghiệp vật chất Sư lưu lại đã nhiều nhưng cái đáng nói hơn, đáng nói nhất, cái thâu tóm cả cuộc đời Sư: tấm lòng vị pháp và thương tưởng hậu lai thì lại càng khó tả, cái đáng nói nhất đã không có ngôn từ nào diễn đạt. Có lẽ hai chữ tôn hiệu của Sư (thượng) Diệu (hạ) Không đã biểu trưng quá đủ cuộc đời Sư”.
Trúc Diệp Thanh
(1): Trích Hồi ký của sư bà Diệu Không – Đường thiền sen nở (NXB Lao Động – 2009).