Ký ức biểu tượng về Sài Gòn-TPHCM

0
919
Nói tới Sài Gòn-TPHCM, người dân thường nghĩ tới những địa điểm nào ? Bài này đề cập tới ký ức biểu tượng về thành phố này của cộng đồng cư dân đô thị TPHCM hiện nay.
Mỗi người dân luôn luôn có những hình ảnh trong đầu về một số địa điểm nào đó đáng chú ý nhất trong không gianmình đang sinh sống. Mặc dù những hình ảnh này mang tính chủ quan và phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân, nhưng xét trên bình diện xã hội, những hình ảnh này suy cho cùng lại cấu tạo nên cái kho tàng ký ức mang tính cộng đồng và của cộng đồng. Có thể nói ký ức này là một thành phần quan trọng nằm trong ý thức xã hội của cả một cộng đồng dân cư trong một thời kỳ lịch sử nhất định.
 
Để thử thăm dò về ký ức biểu tượng này nơi cư dân đô thị Sài Gòn-TPHCM, trong một cuộc điều tra vào tháng 8-2009 (xem mục Mẫu điều tra đính kèm), chúng tôi đã nêu ra câu hỏi như sau : “Khi nói tới Sài Gòn-TPHCM, ông/bà thường hay nghĩ tới địa điểm nào hay tòa nhà nào trước hết ? (xin kể ra không quá ba nơi)” (ghi chú : đây là một câu hỏi mở để người dân tự mình trả lời).
 
Mẫu điều tra
Một cuộc điều tra bằng bản câu hỏi về một số khía cạnh trong đời sống đô thị đã được tiến hành vào tháng 8-2009 nơi các cá nhân từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại 10 quận nội thành với tổng số mẫu điều tra là 1.000 người (600 người ở sáu quận nội đô và 400 người ở bốn quận vùng ven), đại diện cho toàn bộ cư dân nội thành. Đây là cuộc điều tra được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu về “Cư dân đô thị và không gian đô thị trong tiến trình đô thị hóa ở TPHCM” (do Trần Hữu Quang làm chủ nhiệm, cơ quan chủ trì : Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, thực hiện từ năm 2008 tới 2010), với đối tượng nghiên cứu là cư dân đô thịmối quan hệ giữa cư dân đô thị và không gian đô thị.
            Kết quả điều tra cho biết trong tổng số các địa điểm được nêu ra, có bẩy địa điểm có thể được coi là tiêu biểu nhất cho đô thị Sài Gòn-TPHCM vì được người dân trong cuộc điều tra nhắc tới với tỷ lệ khoảng 10% trở lên, hầu hết các địa điểm này đều tập ở khu vực trung tâm thành phố, tức quận 1 : chợ Bến Thành (37,9%), nhà thờ Đức Bà (19,2%), dinh Thống Nhất (18,6%), bến Nhà Rồng (13,3%), công viên Đầm Sen (11,7%), tòa nhà UBND thành phố (11,1%), và Nhà hát TPHCM (9,4%).
 
Chợ Bến Thành – Biểu tượng Kinh tế của Tp. HCM – Nguồn: Internet
 
Điều này cho thấy điều đáng chú ý là trong số những địa điểm được nêu ra tương đối nhiều nhất, có một số địa điểm mới được xây dựng sau năm 1975 (như công viên Đầm Sen, Suối Tiên, hay Phú Mỹ Hưng), chứ không phải toàn bộ những nơi được người dân ghi nhớ đều là những dinh thự và địa điểm cổ xưa.
 
Từ những biểu tượng được người dân nêu ra một cách tập trung nhất (theo thứ tự tỷ lệ từ cao đến thấp), chúng ta có thể nhận diện ra hình ảnh của cư dân đô thị về thành phố này theo một trật tự như sau : đây là một trung tâm kinh tế (chợ Bến Thành), văn hóa (nhà thờ Đức Bà), chính trị (dinh Thống nhất, tên cũ là dinh Độc lập, và bến Nhà Rồng), và giải trí (công viên Đầm Sen), trong đó tính chất kinh tế được nhiều người chú ý nhất (38% chọn chợ Bến Thành).
 
Nhà thờ Đức Bà – Biểu tượng văn hóa của Tp. HCM – Nguồn: Internet
 
Điều đáng chú ý là 79,7% trong mẫu điều tra có nhắc tới ít nhất một dinh thự hay một địa điểm trở lên trên địa bàn Quận 1 – vốn là một quận chỉ có diện tích 7,73 km2, tức chỉ bằng 1,6% so với tổng diện tích khu vực nội thành TPHCM hiện nay (494,01 km2). Nói khác đi, có thể nhận định rằng đại đa số cư dân đô thị TPHCM đều coi khu vực Quận 1, khu vực trung tâm của thành phố, như là hình ảnh tiêu biểu trong ký ức của họ về thành phố này.
 
Không có khác biệt gì lớn giữa cư dân nội đô và cư dân vùng ven, cũng như giữa nam giới và nữ giới về các địa điểm tiêu biểu được chọn nêu ra. (Có 6% cá nhân trong mẫu điều tra trả lời là không nghĩ tới địa điểm nào, không biết hoặc không nhớ tới nơi nào.)
 
Ngoài những địa điểm tiêu biểu như đã nói trên, kết quả điều tra cho biết còn có 310 địa điểm đa dạng khác trong thành phố đã được nêu ra. Vì những địa điểm cụ thể này khá phân tán, nên chúng tôi đã tập hợp lại theo từng loại hình như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, chùa, đường phố, công viên, tòa nhà cao ốc… Phân tích các địa điểm cụ thể này cũng là một điều có ý nghĩa để hiểu thêm về đặc trưng và xu hướng của ký ức biểu tượng của cộng đồng cư dân đô thị TPHCM hiện nay. Các loại địa điểm cụ thể đã được người dân chọn như sau :
            – một số trung tâm thương mại (64 ý kiến), như Diamond Plaza, Thuận Kiều Plaza, Thương xá Tax, Parkson Saigon, Saigon Center…
            – một số công viên (47 ý kiến), như Tao Đàn, Thống Nhất, 23-9, Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám, 30-4, Hoàng Văn Thụ, Hồ Kỳ Hòa, Gia Đinh… (không kể công viên Đầm Sen)
            – một số chợ (23 ý kiến), như chợ An Đông, chợ Bình Tây, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Phú Lâm, chợ đầu mối Thủ Đức… (không kể chợ Bến Thành)
            – một số nhà hát, nhà văn hóa, sân thể thao (23 ý kiến), như Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà hát Hòa Bình, sân vận động Phú Thọ, nhà thi đấu Phan Đình Phùng…
            – một số khách sạn (21 ý kiến), như Caravelle, Rex, Sheraton, New World…
            – một số siêu thị (19 ý kiến), như Coopmart, Metro, Big C, Điện máy Nguyễn Kim…
            – một số cảng, phà, nhà ga… (17 ý kiến), như cảng Sài Gòn, phà Thủ Thiêm, ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Sài Gòn, cầu chữ Y, cầu Phú Mỹ…
            – một số quảng trường, vòng xoay, giao lộ… (15 ý kiến), như hồ Con Rùa, quảng trường trước trụ sở UBND thành phố (tượng đài bác Hồ), vòng xoay Phú Lâm…
            – một số nhà bảo tàng (15 ý kiến), như Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng phụ nữ, Địa đạo Củ Chi…
            – một số tòa nhà và cao ốc (14 ý kiến), như tòa nhà 37 Tôn Đức Thắng, tòa nhà 33 tầng đường Lê Duẩn…
            – một số chùa (10 ý kiến), như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ông, chùa Bà, chùa Ấn Quang, chùa Giác Lâm…
            – một số trường học (8 ý kiến), như Gia Long, Lê Hồng Phong, Marie Curie, làng đại học Thủ Đức…
            – một số đường phố (7 ý kiến), như đường Đồng Khởi, đường Lê Lợi, đường Trần Hưng Đạo… (không kể đường Nguyễn Huệ)
            – một số chung cư (6 ý kiến), như Chung cư H3 (Khánh Hội), Chung cư Hoàng Anh Gia Lai, Cư xá Hưng Phát (Q.1), Chung cư Q.10, Chung cư Lý Nam Đế, Chung cư Nam Long (Q.7)
            – một số bệnh viện (5 ý kiến), như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Hùng Vương.
 
Tổng hợp lại các ý kiến trên, chúng ta có thể nhận xét rằng nhóm địa điểm liên quan tới thị trường chiếm đông nhất (106 ý kiến, bao gồm các trung tâm thương mại, chợ và siêu thị), sau đó là nhóm địa điểm liên quan tới lĩnh vực giải trí (70 ý kiến, bao gồm công viên, nhà hát, nhà văn hóa, sân thể thao), nhóm các tòa nhà (41 ý kiến, bao gồm khách sạn, cao ốc, chung cư), nhóm các địa điểm huyết mạch giao thông, quảng trường và đường phố (39 ý kiến), và nhóm các cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế và tôn giáo (38 ý kiến, bao gồm nhà bảo tàng, trường học, bệnh viện và chùa chiền).
 
Như vậy, có thể nói rằng những địa điểm cụ thể mà người dân nêu lên một cách phân tán như chúng tôi vừa mô tả cũng vẫn biểu hiện xu hướng chung trong tâm thức của cư dân đô thị coi thành phố Sài Gòn-TPHCM như một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, và giải trí.
 
Nhà xã hội học Maurice Halbwachs từng cho rằng “không có ký ức tập thể nào mà không diễn ra trong một khuôn khổ không gian”.[1] Ông nhận định rằng “những hình ảnh quen thuộc về thế giới bên ngoài gắn liền chặt chẽ với cái tôi”. Những đồ vật quen thuộc mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày tuy không thuộc về xã hội chúng ta, nhưng chúng quả là một thứ “xã hội câm lặng và bất động” tồn tại xung quanh chúng ta và gây ra cho chúng ta một cảm giác yên tâm và thanh thản. Theo Halbwachs, “một sự rối loạn tâm lý thường đi đôi với một dạng đoạn tuyệt giữa tư duy của chúng ta với các sự vật, lúc ấy chúng ta không còn khả năng nhận ra những đồ vật quen thuộc, đến mức mà chúng ta cảm thấy lạc lõng trong một môi trường xa lạ và hụt hẫng, trong đó không còn điểm tựa nào để bám víu.”[2] Và đúng như Auguste Comte đã nhận xét, sự quân bình tâm lý xuất phát phần lớn và trước hết từ sự kiện là những đồ vật mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày không bị thay đổi hoặc chỉ thay đổi rất ít, và chúng tạo cho chúng ta một hình ảnh ổn định và vững vàng.[3]
 
Maurice Halbwachs còn viết như sau : “Khi một nhóm [xã hội] được lồng vào một phần của không gian, nhóm này sẽ biến đổi phần không gian này theo hình ảnh của mình, nhưng đồng thời nó cũng tự khép mình vào và tự thích ứng mình với những đồ vật vật chất (…). Mỗi dáng vẻ, mỗi chi tiết của nơi chốn ấy đều tự nó có một ý nghĩa mà chỉ có các thành viên nhóm mới hiểu được…”[4]
 
Có thể nói rằng những tòa nhà, dinh thự hoặc địa điểm trong đô thị mà người dân quen thuộc, ghi nhớ hay thương nhớ… đều tạo nên chiều kích không gian vật chất mang tính lịch sử của chính ký ức tập thể của người dân một đô thị. Lịch sử của một thành phố, và từ đó là tâm tưởng gắn bó với một thành phố (hay đúng hơn là gắn bó với chính lịch sử của thành phố), không thể tồn tại và nuôi dưỡng nếu thiếu chiều kích không gian vật chất ấy.
 
Tại một cuộc tọa đàm ở TPHCM vào tháng 4-2010, có người nói rằng Sài Gòn đang “vắng dần những công trình kiến trúc giàu giá trị lịch sử”.[5] Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất phát biểu tại cuộc tọa đàm này như sau : “Bảo vệ một giá trị hoài niệm không có nghĩa là phản đối sự phát triển của một thành phố hiện đại, mà để cân nhắc những giá trị hoài niệm căn cơ, làm đầy nền tảng cho sự phát triển mới. Chúng ta đã có những bất cập rất đáng tiếc trong bảo tồn và phát triển, như chuyện ứng xử với Givral, biểu tượng của Sài Gòn, trung tâm báo chí thời chiến tranh, nơi chốn quen thuộc của ‘người Việt Nam trầm lặng’ Phạm Xuân Ẩn.”[6]
 
Nguyên kiến trúc sư trưởng TPHCM Lê Văn Năm còn nhận định thêm như sau : “Sự kết hợp giữa Sài Gòn cũ và Sài Gòn mới tạo nên hồn vía của Sài Gòn. Chúng tôi là những người sinh ra ở đây, vẫn còn giữ nguyên những hoài niệm về từng góc phố, từng con đường. Chính quyền phải kiên quyết với các chủ đầu, nhất là những công trình lớn, để tạo nên những khoảng thở rộng, hợp, đẹp mắt.”[7] Nhận xét sau đây của một nhà nghiên cứu người Pháp cũng nhấn mạnh tới những ý tưởng tương tự : “Di sản của quá khứ của các thành phố được thừa nhận một cách còn quá hiếm hoi ở Việt Nam : đâu là những lý do của tình hình này ? Làm thế nào để trong những năm sắp tới, người ta không đi đến chỗ xóa bỏ hoàn toàn cái quá khứ ấy trong bối cảnh tăng trưởng mạnh và tự do hóa nền kinh tế ?[8]
 
Câu hỏi cuối cùng vừa nêu trên đây có lẽ cũng là một câu chất vấn mang tính chất khuyến cáo đặt ra với các đô thị Việt Nam nói chung và chính quyền TPHCM trong nhiệm vụ qui hoạch đô thị cũng như nhiệm vụ phát triển và chỉnh trang đô thị mà người dân thành phố này đã giao phó.

[1] Maurice Halbwachs, La mémoire collective, Paris, PUF, 1950.
[2] Maurice Halbwachs, sách đã dẫn.
[3] Dẫn lại theo Maurice Halbwachs, sách đã dẫn.
[4] Maurice Halbwachs, sách đã dẫn.
[5] Xem Kim Yến (tường thuật cuộc tọa đàm), “Hơi thở của Sài Gòn mới”, Sài Gòn Tiếp thị, 19-4-2010, tr. 32.
[6] Xem Kim Yến, bài đã dẫn. Quán Givral vốn là nơi mà giới nhà báo trong và ngoài nước những năm chiến tranh thường tụ tập mỗi ngày để gặp gỡ và thu thập tin tức, trong đó có nhà báo và nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, cũng nơi mà đoàn làm bộ phim dựa trên tác phẩm Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene đã dựng lại theo đúng hình dáng của nó vào thập niên 1960-1970. Nhà thơ Đỗ Trung Quân ưu tư đặt câu hỏi liệu “có cách nào để bảo tồn những nơi chốn đã trở thành di sản tinh thần của cộng đồng” (xem Đỗ Trung Quân, “Chào – không còn gặp lại một nơi lịch sử từng đi qua”, Sài Gòn Tiếp thị,  12-4-2010).
[7] Xem Kim Yến, bài đã dẫn.
[8] Jean-Michel Cusset et al., “Les recherches sur l’urbain : diversité des approches”, in Franck Castiglioni, et al. (Dir.), La ville vietnamienne en transition, Paris, Éd. Karthala, IMV, PADDI, Coll. Hommes et Sociétés, 2006, p. 276.
Trần Hữu Quang
(Nội dung bài này đã được đăng trong Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 6-7, Xuân Tân Mão 2011, số ra ngày 3-2-2011, trang 51-53.)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.