Nhớ thực tập, nhớ đồng bào Khmer Nam Bộ – Kỳ 7: Sống với thiên nhiên

0
995
Với điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, bà con đồng bào Khmer, nhất là các hộ gia đình nghèo đã tận dụng triệt để và thích ứng với môi trường tự nhiên từ nhiều góc độ. Sự linh hoạt này được phản ánh đặc biệt trong văn hoá ẩm thực, cách thức sinh hoạt và nhà ở của bà con.
Môi trường tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở ấp Bà My, xã Hoà Ân nói riêng mang nét đặc trưng của vùng sông nước. Các con kênh, con mương chẻ nhỏ đi vào tất cả các hộ gia đình tạo ra một nguồn nước tự nhiên vô cùng phong phú cho cả con người, động vật và thực vật. Hiếm có nhà Khmer nào trong vùng này không có vườn. Có thể đất ruộng họ không có hoặc không nhiều nhưng trên mảnh đất được sở hữu, họ thường dành một phần nhỏ để cất nhà còn bao xung quanh là vườn. Vườn của người Khmer trồng nhiều loại cây, thường là các loại cây ăn trái như cam, bưởi, dừa. Tận dụng nguồn nước từ con kênh, con rạch, một số nhà có vườn rộng còn đào cả ao để nuôi cá. Trong vườn nhà, người ta cũng thả nuôi một vài con gà để thỉnh thoảng bắt ăn, mừng lễ hoặc đãi khách. Nguồn nước từ các ao đầm không những là nguồn cung cấp nước cho việc sản xuất nông nghiệp mà tại các con kênh, con mương, người dân nghèo còn có thể tìm thấy ở đó nguồn thức ăn nuôi sống gia đình mình. Chị Thạch Thị Dự cho biết: “Hồi mới lập gia đình, nhà chị nghèo phải đi ở canh đất cho người ta, phải đến ba năm không thấy mặt chợ, vậy mà cả nhà vẫn sống được là nhờ hằng ngày chú ra con kênh kéo lưới bắt con cua, con cá.” (chị Thạch Thị Dự, phỏng vấn ngày 24/5/2010).
Bên cạnh đó, chú Kim Hồng Thắm cũng cho biết: “Ngày xưa ở các con kênh có nhiều cá lắm, bây giờ ít hơn nhưng có nhiều trứng vịt vì người ta cứ thả vịt ra kênh mương nó đẻ trứng dưới kênh người ta đâu có biết”. Chú còn kể: “Ngày xưa nhiều người còn đi mò ao chứ bây giờ nhà ai giàu thì họ đâu có cần, chỉ có dân nghèo mà ai cũng đi bắt cá như vậy thì lấy đâu ra.” (chú Kim Hồng Thắm, phỏng vấn ngày 23/5/2010 ).
 Bữa ăn của người Khmer nghèo đơn giản chỉ có cơm, rau và canh chừng giấc sáng; giấc trưa chờ con nước mà bắt thêm con cua, con cá. Bữa ăn tuy đạm bạc nhưng nuôi sống bà con qua ngày đồng thời cũng cho thấy cách bà con đã biết triệt để sử dụng những cái có lợi từ môi trường tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình.
Ngoài văn hoá ẩm thực được phản ánh trong bữa ăn của người dân Khmer nghèo, cách thức sinh hoạt ở đây cũng mang đậm dấu ấn của vùng sông nước. Trước đây, khi thuốc trừ sâu, phân bón hoá học chưa được sử dụng rộng rãi, bà con đồng bào Khmer vẫn dùng nước của các con mương chảy qua vườn nhà làm nguồn nước sinh hoạt chính như nấu ăn, tắm giặt. Hiện nay vì môi trường nước có phần ô nhiễm hơn do mật  độ dân số ngày càng nhiều, kéo theo lượng chất thải thải ra sông ngày càng tăng và các tác động khác từ hoạt động nông nghiệp nên việc sử dụng nguồn nước này đang hạn chế dần. Thay vào đó, bà con dùng nước giếng khoan hoặc nước máy công cộng. Tuy nhiên, việc dùng nước ở các con kênh, con rạch không biến mất hoàn toàn. Ở một số nơi, đặc biệt là ở các hộ nghèo, vào mùa mưa, bà con vẫn sử dụng nguồn nước này để tắm giặt.
Về nhà ở, mặc dù nhà nước đã hỗ trợ, đầu tư tiền của cho bà con nghèo tại địa phương xây nhà tình thương, tuy nhiên nét văn hoá nhà lá, nền đất vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Chủ yếu nhà của bà con thường có hai phần: một gian nhà xây là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và dùng để tiếp khách, và một gian nhà lá dùng trong việc sinh hoạt, tắm giặt, bếp núc của gia đình. Bà Thạch Thị Xuân và chú Sơn Thái cho biết, nhà xây thì kiên cố và ít tốn công làm nhiều lần nhưng ở nhà lá vẫn thích vì mát hơn ở nhà xây. Tận dụng cây dừa nước mọc rất nhiều ở các con kênh rạch hoặc trong vườn nhà, bà con lấy lá dừa chầm lại làm các tấm vách. Các hộ gia đình nghèo được nhà nước hỗ trợ để mua tôn và đúc các cột nhà bằng xi măng, còn tường thì họ vẫn che chắn bằng các tấm lá được làm từ lá dừa nước. Đối với những hộ gia đình quá nghèo không kéo được điện về nhà hoặc những hộ ở dưới “bưng” không có điện, người dân còn lấy lá dừa nước để chèn phía dưới những tấm tôn để tránh cái nắng nóng bức của mùa khô.
“Bà Thạch Thị Xuân và chú Sơn Thái cho biết, nhà xây thì kiên cố và ít tốn công làm nhiều lần nhưng ở nhà lá vẫn thích vì mát hơn ở nhà xây.” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
 Ngoài việc tận dụng lá dừa nước để làm nhà, bà con còn dùng nhiều loại cây khác mọc ven hai bên các con đường hoặc trong vườn để làm các vật dụng trong gia đình như dùng tre để làm giường, dùng mo cau để làm quạt,… Chị Kim Bảo Ngọc nói: “Người ta có điện thì dùng quạt máy, còn mình không có điện thì lấy mo cau làm quạt. Có cái giường không có tiền mua thì cũng phải tìm cách lấy tre chế thành cái giường. Gạo không có mà ăn huống chi là mua sắm thứ này thứ kia. Mình không có khả năng thì mình chế ra như vậy, nếu không tự làm thì tiền đâu mà mua. ” (chị Kim Bảo Ngọc, phỏng vấn ngày 23/5/2010).
Như vậy có thể thấy, người Khmer trong điều kiện khó khăn của mình đã biết khai thác cái vốn có của tự nhiên một cách tốt nhất, tạo ra những thích nghi mang tính văn hoá phù hợp với tự nhiên và với cuộc sống của bản thân mình. Tiếp cận với những phương tiện khoa học kĩ thuật hiện đại phần nào giúp bà con ở đây có được cuộc sống thoải mái và tiện nghi hơn; tuy nhiên, những người nghèo không có điện, quạt không vì thế mà không thích nghi với cuộc sống được. Ngược lại, qua cái nghèo túng và đói khổ đó, con người đồng bào Khmer biểu hiện sự thông minh trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên, đồng thời thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa con người với môi trường mà họ đang sống. Có thể nói, tự nhiên nào thì văn hoá đó, văn hoá không thể tách khỏi tự nhiên, ngược lại còn mang dấu ấn của tự nhiên.
Lưu Thủy
Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.