Cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp khiến người ta cũng phải tất bật chạy theo, chạy mãi đôi khi chẳng biết mình là ai, những gì mình đang theo đuổi có ý nghĩa gì. Đâu đó bạn bè tôi hay trêu nhau “Sống ở đời phải biết mình là ai chứ?”. Trêu đùa thôi mà cũng là thật. Biết mình là ai? – câu hỏi đó đi cả đời chưa chắc đã trả lời được. Nhưng những phút nhìn lại mình thật đáng quý. Dừng lại, nhìn lại mình để bước tiếp.
Tôi thầm cảm ơn Đấng Tạo hóa đã cất đặt tôi đến một mái nhà đầm ấm có bà, có cha mẹ, anh trai và hai em gái. Cuộc sống gia đình cũng chẳng giàu có gì nhưng cũng không đến nỗi đói khổ. Tôi sinh ra trong căn nhà lá xập xệ trên quả đồi cao 4m mà gió có thể thổi bay bất kì lúc nào. Hồi đó, má tôi còn cắt ống quần của mình để may quần cho tôi. Từ tã lót đến quần áo, tôi đều dùng lại của người anh lớn hơn tôi hai tuổi. Mỗi lần may quần áo phải may trừ hao và may sao để đứa lớn không mặc vừa thì thằng nhỏ mặc được. Những năm ấy, ba tôi đi buôn bỏng (bánh kẹo) còn má tôi mua ve chai. Tôi và anh trai ở nhà được bà ngoại chăm sóc. Má tôi kể, hồi ấy tôi và anh trai tôi toàn được bà bón cơm mà lớn. Bón cơm tức là bà tôi nhai cơm ở trong miệng sau đó nhả ra thìa rồi đút lại cho tôi. Khi nghe kể lại như vậy, tôi còn thấy ghê ghê và rùng mình. Tại sao tôi lại có thể ăn như thế được? Ấy vậy mà tôi đã lớn lên như thế trong thời buổi thiếu bột, thiếu sữa. Vài năm sau, gia đình tôi liên lạc lại được với một người bác thất lạc sau năm 1975. Bác lấy chồng Hàn Quốc, sau biến cố 1975, bác tôi về Hàn Quốc theo chồng rồi biệt tăm. Khi nối lại liên lạc, bác gửi tiền về để gia đình tôi mua nhà và đất đai nên cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn. Hai em gái tôi sau này cũng đỡ cực hơn hai anh em trai chúng tôi.
“Những phút nhìn lại mình thật đáng quý. Dừng lại, nhìn lại mình để bước tiếp.” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Rồi tôi cũng được đến trường. Tôi học mẫu giáo ở nhà Dòng do các bà Xơ dạy. Nhắc đến việc đi học của tôi thì cả nhà tôi lẫn các bà Xơ đều lắc đầu chép miệng. Hồi đó, tôi đặc biệt sợ đi học và tôi rất khóc dai. Khi đi chợ, má tôi chở tôi gửi vào nhà Dòng. Đến lúc đi chợ về má tôi ghé vào đón tôi. Lúc đó, má tôi mới được các Xơ cho biết là tôi ngồi khóc từ sáng đến trưa và không chịu học hành gì cả. Những lúc tờ mờ sáng chuông nhất (tôi ở xứ đạo nên cứ mỗi sáng nhà thờ sẽ đánh chuông vào lúc 4h30 để dân làng đi lễ), tôi thức dậy ngồi cạnh má đang nhóm bếp, băm củ chuối, rau lang nấu cám heo để nài nỉ xin nghỉ học. Lên lớp 1, tôi đi bộ đến trường nằm trong khuôn viên nhà thờ. Mỗi buổi sáng đi học tôi được cho 600 đồng, 400 đồng để mua bánh mì chan nước (bánh mì tưới thêm nước sốt), còn 200 đồng mua bánh vàng hay bịch nước uống trong giờ ra chơi. Suốt năm năm cấp 1, tôi luôn đạt học sinh giỏi. Năm lớp 4 còn được đi thi học sinh giỏi huyện và đạt giải ba.
Tôi cũng đi học giáo lý ở nhà thờ. Nhà tôi có thói quen đọc kinh vào mỗi buổi tối nên dù đi chơi ở đâu thì đến giờ cũng bị gọi về đọc kinh… rồi đi chơi tiếp. Sân nhà tôi khá rộng nên mọi người hay tụ tập đến nhà tôi. Lúc đó, nhà tôi là nhà có tivi màu và đầu máy video đầu tiên của cả xóm. Trước đó toàn xài tivi trắng đen, mỗi lần chuyển kênh là vặn kêu cạch cạch. Mỗi tối mọi người cả xóm kéo về nhà tôi coi phim, người già người trẻ em ngồi lốn nhốn trong nhà rồi tràn cả ra sân.
Trẻ con chúng tôi lúc đó thường tụ tập ở bãi đất trống để chơi mỗi buổi tối. Không chỉ có đám trẻ con 9-10 tuổi chúng tôi mà các anh chị lớn 16-17 tuổi cũng cùng chơi. Mỗi mùa lại có một trò chơi khác nhau. Mùa cù thì đua nhau chặt gỗ hì hục đẽo cù. Mùa diều thì về xé giấy tập, vuốt tre, mua cước thả diều trên đồng ruộng. Mỗi lần diều đứt dây là chạy “xì khói” dí theo diều, rồi thì năn nỉ chủ nhà cho trèo lên cây hay nóc nhà để lấy diều. Mùa bi thì chỗ nào cũng thấy vẽ mức bắn bi. Nhiều đứa chơi giỏi quá nên có những câu trêu đùa của miệng. Tôi còn nhớ anh Tiến con bác Viên thường hay bị kêu: “Tiến Viên bắn bi lấy tiền chạy gạo”. Mùa súng đót thì chặt ống trúc, hái hạt rau đay về làm đạn rồi chia đội ra bắn. Ngoài ra các trò chơi nhảy dây, nhảy lò cò, tạt lon, năm mười, và các bài đồng dao như chi chi chành chành, úp lá khoai, rồng rắn lên mây đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Vào mùa mưa, trẻ con trong xóm lùng sục khắp các rãnh nước, bờ ruộng mò cua, hớt cá. Hai bàn tay đen sần đi vì bị kua kẹp. Thế mà hang nào cũng thò vào chẳng sợ rắn rết gì cả.
Khai Tâm