Phút nhìn lại – Kỳ 2

0
765
Tuổi thơ trôi qua êm đềm và đẹp đẽ nhưng không phải là không có sóng gió. Tôi nhớ những lần ba má tôi cãi nhau. Ba tôi rượt má tôi chạy khắp xóm. Hôm ấy má tôi không dám về nhà mà phải ăn cơm nhờ bên hàng xóm. Cũng có lần không hiểu tại sao tôi đang ở trường học thì ba tôi đón tôi về rồi đưa tôi và anh tôi ra xe đò, đi đâu đến chiều rồi lại về. Sau này tôi mới biết rằng sáng hôm ấy ba má tôi cãi nhau. Ba tôi định đưa anh em tôi về nội. Nhưng tôi khóc dữ quá nên lại quay về. Những vết đen trong tuổi thơ tôi là những lần cãi nhau giữa ba tôi với má tôi và bà ngoại. Tôi còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy, ba tôi và bà ngoại tôi cãi nhau. Ba tôi loay hoay thế nào mà bị con dao cứa đứt tay. Cả nhà ầm ầm lên, hàng xóm láng giềng đến can ngăn. Tôi chạy vào trong buồng chỉ biết khóc nức nở vì sợ và vì xấu hổ. Và lần đó cũng là lần cuối cùng nhà tôi xảy ra chuyện ầm ĩ phiền nhiễu đến hàng xóm như thế. Biết chúng tôi đã lớn hơn, biết xấu hổ với bạn bè. Từ đó đến nay, đôi khi ba má tôi cũng có những tranh cãi vặt vãnh trong nhà. Nhưng không bao giờ xảy ra những chuyện lộn xộn khi chúng tôi còn nhỏ nữa.
“Tuổi thơ trôi qua êm đềm và đẹp đẽ nhưng không phải là không có sóng gió.” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Má tôi là người trực tiếp dạy dỗ anh em tôi. Má tôi có cái tính kì lạ là mỗi lần anh em tôi có cãi cọ gì với bạn bè trong xóm là lại lôi anh em tôi về đánh đòn chẳng cần biết tôi đúng hay bọn kia đúng. Má tôi cho rằng đánh nhau đã là hành động sai rồi. Bên cạnh đó, mỗi lần một trong ba anh em chúng tôi (lúc đó em gái út chưa chào đời) phạm lỗi thì má tôi lại gọi cả ba anh em về hỏi tội. Ba anh em nằm sấp xuống, lột quần xuống. Má tôi vừa cầm cây râm bụt chặt ở hàng rào vừa nhắp nhắp vào mông chúng tôi vừa hỏi tội. Chúng tôi kể tội trong nước mắt. Cuối cùng, tùy tội nặng nhẹ, má tôi hỏi từng đứa xem tội đó đáng bị mấy roi. Chúng tôi lần lượt bị đánh nhưng lần nào má tôi cũng cho nợ rồi cộng vào lần sau. Má tôi khi đánh đòn thì ba tôi lặng im nhưng khi ba tôi mà đánh đòn thì má và bà là người hay can ngăn. Ba tôi rất ít nói và ít khi đánh chúng tôi. Nhưng mỗi lần đánh thì chúng tôi biết rằng đó là tội nặng. Lần đó anh tôi đánh nhau rồi còn chửi tục, bị người ta mang đến nhà mắng vốn nên ba tôi nóng giận và cho ăn đòn. Tôi bây giờ vẫn còn ám ảnh việc ba tôi thả anh tôi xuống giếng. Mỗi lần dọa phạt là ba tôi đều lôi anh tôi ra bờ giếng rồi dọa thả xuống. Tôi và em gái tôi vì sợ mất anh nên đứng ở ngoài kêu la thảm thiết. Bà ngoại tôi cũng bên ngoài kêu tha cho anh. Mấy lần trước thì ba tôi chỉ mở nắp giếng rồi hù anh sau đó thì bắt xin lỗi và tha. Lần đó do anh tôi sợ quá nên giãy giụa mạnh hay ba tôi trượt tay mà anh tôi bị rớt xuống giếng thật. Giếng lúc đó là giếng đào nên không sâu lắm. Hoảng hồn, ba tôi nhờ hàng xóm kéo dây rồi ba tôi trèo xuống ôm anh tôi lên. Cũng từ đó ba tôi không còn “món bài” thả anh tôi xuống giếng nữa.
Tôi lớn dần lên. Học cấp 2, cấp 3 rồi Đại học một cách suôn sẻ thuận lợi. Giờ đây, tôi lại sắp ra trường. Ba má tôi cũng lớn tuổi hơn, tóc ba tôi gần như bạc trắng đầu. Cả khu ruộng người ta đổ đất xây nhà nên ruộng lúa nhà tôi không còn chỗ xả nước, vì vậy cũng phải đổ đất trồng cây. Ba tôi lại phải đi làm phụ hồ để chạy bữa cơm hàng ngày. Má tôi thì cũng yếu dần. Căn bệnh viêm xoang mãn tính vẫn cứ hành hạ má tôi mỗi khi trời trở lạnh. Đàn heo ra đi trong hai lần dịch bệnh khiến má tôi nản lòng. Bây giờ má tôi chỉ quanh quẩn bên đàn gà, lũ chó. Anh trai tôi sau khi rớt tốt nghiệp thì đi làm công nhân ở gần nhà, gần đây cũng đã ra mắt người yêu với gia đình. Em gái lớn của tôi bây giờ cũng đang là sinh viên nhất. Đứa em gái út học lớp 8 cũng đang lớn dần…. Tôi đi qua một thời tuổi thơ bình yên đẹp đẽ. Tôi trải qua một thời học sinh đầy ắp kỉ niệm hồn nhiên. Tôi bước qua bốn năm thời sinh viên với những ước mơ, hoài bão được ấp ủ. Rồi ngày mai tôi bước ra đời. Nhưng những trang tiểu sử về đời mình sẽ mãi là hành trang theo tôi trọn con đường đời.
Khai Tâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.