Gia đình trí thức Hà Nội (kỳ cuối)

0
858
Câu chuyện mà cụ Can kể về thời kỳ sau giải phóng tập trung vào những thời điểm khi cụ thấy mình là một nhân vật chủ chốt trong việc đảm bảo tính hiện đại mới mẻ, nhất là những nếm trải mà cụ mô tả trong thời kỳ ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Tất cả đều là những cuộc chạm trán liên quan đến việc đòi lại những không gian mà người Pháp từng tuyên bố là lĩnh vực chủ chốt trong mission civilisatrice (sứ mệnh khai hóa văn minh) của họ. Rất nhiều người coi “sứ mệnh khai hóa văn minh ” này là sự ban phát quà tặng văn hóa một chiều thuộc loại quan hệ trao đổi chắc chắn là không bình đẳng và gây mất phẩm giá của chủ nghĩa thực dân [1]. Do đó thật đáng chú ý là cụ Can kể câu chuyện kết thúc chiến tranh của mình như một người “hiện đại” tận tụy đang cố gắng đảm bảo chắc chắn rằng vốn văn hóa của quốc gia sẽ được đặt trong tay những người có chủ quyền một cách chính đáng.
Ổ khóa, chìa khóa và việc mở toang tất cả những không gian trước đó vẫn cửa đóng then cài nổi bật lên trong các câu chuyện kể của cụ.
 (Ảnh : minh họa – Nguồn : Internet)
Một tuần sau khi tuyên bố về chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Can được trao hàng loạt nhiệm vụ tiếp quản dọc theo một tuyến đường đưa cụ từ mặt trận liên khu IV đến các huyện vùng trung tâm Hải Phòng vừa được giải phóng. Cụ nhớ rằng có những cán bộ khác thực hiện nhiệm vụ tương tự dọc theo cùng tuyến đường ấy. Mệnh lệnh đưa ra cho các đồng chí của cụ liên quan đến các đồn cảnh sát, nhà băng và cơ quan chính quyền; còn của cụ là giành quyền sở hữu các thư viện, trường học và sân chơi thể thao. Pour moi: les écoles, le sport, les choses de culture – on dit ca, et je comprends bien: pour les jeunes, pour tout le mond” (Đối với tôi [công việc của tôi] là: trường học, thể thao, những gì thuộc về văn hóa. Người ta bảo tôi, và tôi hiểu rõ: cho thanh thiếu niên, cho tất cả mọi người).
Ổ khóa, chìa khóa và việc mở toang tất cả những không gian trước đó vẫn cửa đóng then cài nổi bật lên trong các câu chuyện kể của cụ. Nhưng đây không phải là những câu chuyện về việc bắt buộc mở cửa nhà ngục Bastilles, hay sự hất đổ chủ nghĩa hiện đại đầy tính kỷ luật khe khắt và trấn áp. Trái lại, chúng là những câu chuyện kể đầy tự hào mang tính tích cực về một đất nước được giải phóng để trở thành chính mình. Một tình tiết cụ nhắc đi nhắc lại là khi cụ đến một làng gần Hà Nội để giành quyền sở hữu bibliothèque populaire (thư viện công cộng) của nó. Tài sản của “thư viện nhân dân” khiêm tốn này thật hiện đại: sách báo tiếng Pháp và chữ quốc ngữ [2] .
Cụ Can nói cụ thấy người trông nom tòa nhà là một sĩ quan Pháp trẻ đang hoảng sợ và một ông gác gian người Việt. Người trông nhà giữ chùm chìa khóa và định giao lại nó. “J’ai dit: non, Monsieur – donnez-les lui” (Tôi bảo [người trông nhà] Này ông, không; đưa chùm ấy cho nó – tức là cho tên Pháp). Cụ giải thích rằng làm việc này là để đảm bảo chắc chắn rằng với tư cách là người đại diện cho quốc gia, cụ đã trực tiếp giành quyền sở hữu từ tay một kẻ thù đã bại trận.
Đấy là một cuộc chạm trán trong đó mọi khả năng để có sự ấm áp tình người và giao tiếp xã hội đã bị cắt giảm: nghi thức nghiêm khắc, không một nụ cười đối với viên sĩ quan Pháp, và sự nồng ấm đầy trân trọng đối với người trông nhà già cả. Cụ bảo cụ chỉ nói một câu cộc lốc với viên sĩ quan trẻ, và tự hào là cụ có thể làm như vậy bằng tiếng Pháp chuẩn xác: “Vous m’avez renvoyé notre clef” (“Ông đã trả lại chìa khóa của chúng tôi cho tôi”). Như vậy đây là câu chuyện về việc sửa sai thành đúng, kẻ bắt nạt phải hạ mình, và quyền lực bị biển thủ được người chiến thắng đoạt lại một cách chính đáng.
Không hề có bạo lực; đấy là thời điểm quyền lực càng có hiệu quả vì nó được thực thi một cách có kỷ luật và kiềm chế. Như cụ Can kể chuyện, cụ là người có quyền lực; viên sĩ quan Pháp vô danh là thằng bé phải hạ mình. Và bằng việc khước từ đối thoại với viên sĩ quan Pháp, cụ đã ngăn chặn để thời điểm giành đoạt lại tài sản khỏi trở thành hành động tặng quà, dù là loại quà mà các nhà nhân học mô tả là xác lập ưu thế bề trên của người tặng hay loại xác nhận quan hệ qua lại và đôi bên cùng có lợi giữa người cho và người nhận [3]. Nếu là quà, thì loại quà nào đi nữa cũng đều hạ phẩm giá cả cụ lẫn quốc gia. Một khi đã xác lập được rằng chùm chìa khóa là để quốc gia lấy lại, chứ không phải để người Pháp ban cho, thì mới có thể có “một món quà đích thực từ trái tim” theo tinh thần yêu mến lẫn nhau. Đây là việc chuyển giao thư viện cho quốc gia của ông Can, một người hiện đại được khai sáng, biết dùng tri thức và kỹ năng của mình vì lợi ích của quốc dân đồng bào.
Không ai trong số bạn bè tôi nghi ngờ về giá trị của những nơi chốn như thế, hay cho rằng hệ thống tri thức của họ là từ nước ngoài quá xa lạ, không sử dụng được ở Việt Nam. Họ cho rằng người Việt Nam có nhãn quan đủ sáng để biết chọn lọc khi trưng dụng, và có thể làm thế mà không hề mất lòng tin vào tư duy và kiến thức của chính họ. Theo quan điểm của họ, cái sai và không chính đáng là những tuyên bố của người Pháp và thậm chí của một số người thuộc phe xã hội chủ nghĩa ở nước ngoài rằng có những hình thái tri thức và khoa học mà chỉ có người Pháp hay người nước ngoài trong khối xã hội chủ nghĩa mới độc quyền sở hữu hoặc truyền bá.
Đối với những người bạn của tôi từng làm chuyên gia thì chủ đề chia sẻ và cống hiến trên vũ đài quốc tế có ý nghĩa cực lớn. Khi người Việt Nam giành quyền sở hữu thư viện, trường học và bệnh viện, điều họ thể hiện dưới hình thái một thứ tri thức có sức mạnh tạo nên quyền lực đã trở thành một dạng vốn văn hóa, và vốn này phải được chia sẻ với thế giới bên ngoài. Thông qua những hành động làm chủ này, nhà nước và nhân dân được trang bị để trở thành người ban tặng và nhà từ thiện theo tinh thần xã hội chủ nghĩa cho những ai cần họ ở tất cả mọi nơi họ đến với tư cách người trợ giúp và chuyên gia kỹ thuật [4]. Về điểm này ý nghĩa tình cảm của vốn văn hóa như vậy nổi lên rất rõ rệt. Tôi coi phe xã hội chủ nghĩa như vũ đài vừa được kiến tạo thông qua tình cảm qua lại và ý nghĩa đối với trái tim, vừa thông qua những hoạt động thực tiễn chủ định làm nền cho nó.
Điều này cũng đúng với đối với những tu duy chính thống ngày nay về cuộc sống mà người Việt Nam được kêu gọi nên sống trong một thế giới “chủ nghĩa xã hội thị trường” toàn cầu hóa. Với tư cách là những người tham gia công cuộc tìm kiếm thị trường xuất khẩu và cơ hội có công ăn việc làm cho lực lượng lao động lành nghề và nửa lành nghề của cả nước, người Việt Nam đang được khuyến khích coi câu chuyện của các chuyên gia đi khắp thế giới là một mô hình mẫu mực về sự phục vụ tận tụy trong sự nghiệp của quốc gia.
Và như báo chí bây giờ vẫn thường đưa tin, chính những nước có nhu cầu và đã từng hưởng lợi từ sự phục vụ của các thầy thuốc và các chuyên gia được đào tạo bài bản về hiện đại hóa khác của Việt Nam trong mấy thập kỷ trước bây giờ cũng vẫn là những nước hưởng lợi từ những hành động cống hiến đáng hoan nghênh ngang bằng như vậy. Điều nổi bật lên từ những bản tin như vậy là những câu chuyện kể về việc cung cấp lao động và xuất khẩu sang những nước mà bây giờ Việt Nam đang vun đắp những thoả thuận về thương mại và xuất khẩu lao động; một tinh thần yêu thương và chăm lo như trong một gia đình vẫn đang là nguyên tắc chỉ đạo các hoạt động này. Trong các gia đình trí thức, điều này tạo ra rất nhiều điều đáng suy nghĩ vì việc quốc gia bước sang giai đoạn mới và câu chuyện mới cho phép có thể phục vụ quốc gia dưới hình thức kiếm công ăn việc làm trong khối tư nhân và thiết lập các doanh nghiệp tư. Do đó không có gì lạ là giống như trong quá khứ khi các hộ gia đình tập hợp lại để bàn những thách thức của việc tản cư ra liên khu và của việc sau này phải chia tay và sống xa cách giữa những nơi chốn thuộc phe xã hội chủ nghĩa, những quá trình kể chuyện vẫn là một thành tố cực kỳ quan trọng của đời sống trí thức. Cả bên trong và bên ngoài hộ, gia đình trí thức vẫn tiếp tục là đơn vị ký ức có tinh thần phê phán, biết suy chiếu vào bản thân, tạo dựng một cách thành thạo và có chọn lọc trên sự hiểu biết những công lao của họ hàng mình trong quá khứ. Khi làm như vậy, họ tạo ra một bối cảnh đạo đức cho những khát vọng giáo dục và công danh của họ trong hiện tại.
Tôi đã cố gắng cho thấy rằng trường hợp các gia đình trí thức Hà Nội là một nguồn thông tin từ đó chúng ta có thể có những hiểu biết đáng quý về các chủ đề được tranh luận sôi nổi cả bên trong lẫn bên ngoài ngành nhân học. Việc nghiên cứu các nước thuộc địa cũ hiện vẫn mắc kẹt trong những ý tưởng đơn giản hóa về “tư duy thực dân hóa” và “diễn ngôn chịu ảnh hưởng của tư duy này”. Đây là những nhận định đáng nghi ngờ về sự hình thành bản sắc của những người sở hữu và triển khai vốn trí tuệ dưới hình thức mà nhiều người vẫn coi là tài sản cơ bản của khối công dân thành đạt của một quốc gia hiện đại. Tôi đã cố gắng chứng minh rằng không thể quy giản giới trí thức Hà Nội về quan niệm rập khuôn một chiều, một quan niệm bắt rễ trong những ý tưởng về quyền lực của tri thức khoa học và văn học hiện đại, để dập tắt tiếng nói “đích thực” của những người bản địa bên dưới.
Về những chủ đề này tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều của nhiều tác phẩm mang tính phê phán về thời hậu thực dân, nhất là của Cooper và Dirlik [5]. Tôi tin rằng Việt Nam xứng đáng được nói đến nhiều hơn thế trong những cuộc tranh luận này. Giới trí thức của họ đã thành hình cả trước và sau khi độc lập trên một quy mô rộng hơn nhiều so với cách xác định hạn hẹp về bản thân (seft) và tha nhân (others) theo kiểu kẻ thực dân và người bị trị. Điều tôi tìm thấy ở Hà Nội là những khung quy chiếu vốn được nuôi dưỡng thông qua những quá trình khám phá và chiếm hữu rất rộng lớn. Những khung đó thành hình thông qua sự gắn bó nhiều mặt với những lý tưởng và điểm quy chiếu mà tôi gọi là phe xã hội chủ nghĩa thế giới. Đối với người trí thức Hà Nội “hiện đại”, đây là một thế giới trong đó những trải nghiệm về di sản của chủ nghĩa thực dân đan xen và thâm nhập với nhiều hình thái của chủ nghĩa xã hội mà họ rất thông thạo. Tôi đã cố gắng nêu rõ rằng đời sống trí thức Hà Nội được xác định xung quanh một cảm thức đặc biệt mạnh mẽ về sứ mệnh phải thay mặt họ hàng và quốc gia để tương tác hữu hiệu với những địa điểm và nguồn lực toàn cầu này.
Do đó tôi đã cố gắng vẽ nên ý nghĩa đặc biệt của đời sống gia đình đối với việc sống cuộc sống toàn cầu đầy thách thức này [của giới trí thức]. Khi lập luận rằng các gia đình trí thức, như là những đơn vị tạo dựng ký ức và có tính chủ động tích cực, đang chia sẻ cùng nhau những cuộc sống sáng tạo, tôi đã cố gắng gắn việc nghiên cứu tính hiện đại của Việt Nam với môn Nhân học nghiên cứu về bản sắc và sự liên kết gắn bó, một môn Nhân học vốn đang mở rộng nhanh chóng. Mối quan tâm chủ chốt của tôi là phẩm chất chủ động tích cực cả bên trong lẫn bên ngoài gia đình thông qua hành động kể chuyện. Tôi cho rằng trong bối cảnh này các qúa trình kể chuyện diễn ra trong lĩnh vực vốn chẳng phải hoàn toàn riêng tư hay gia đình mà cũng không phải là sản phẩm của quyền lực chính thống. Và tôi cũng đã cố gắng nêu rõ rằng giới trí thức Hà Nội là một thế giới trong đó trí tuệ vẫn còn được coi là một vốn văn hóa đầy sức mạnh mà người ta cần triển khai vì những mục tiêu đạo đức. Đây là những mục tiêu mà trong thế giới của chủ nghĩa xã hội thị trường sau đổi mới ngày nay vẫn có nhiều giá trị y như trong thời kỳ cách mạng và nổi dậy chống thực dân mà những người kể chuyện cho tôi nghe còn nhớ như in và kể thành chuyện để khai sáng cho lớp trẻ cũng như cho cả quốc gia nói chung.

[1]     Xin xem thêm Comaroff (1996) chẳng hạn. Về ngôn từ văn minh hóa ở Việt Nam, xin xem Bradley (2004).
[2]     Thư viện này và phòng đọc gắn liền với nó rất điển hình cho những toà nhà xây những năm (1940) với mục đích thể hiện nước Pháp thời Vichy như một nhà nước thực dân khai sáng. Xin xem Raffin (2005).
[3]     Về các chiến lược “lên” và “xuống” trong tặng quà, xin xem Smart (1993); Yang (1994); Kipnis (1996); Yan (1996).
[4]     Do giới hạn của bài viết, nên không thể thảo luận đầy đủ về những khía cạnh khách của trải nghiệm chuyên gia mà tôi đã ghi nhận trong các bài viết khác, bao gồm cả vấn đề nhạy cảm về việc sống ở nước ngoài trong những năm tiền Đổi mới như là một cơ hội cho các “chuyên gia” cải thiện đồng lương nhà nước khiêm tốn của họ bằng cách tham gia hoạt động buôn bán và kinh doanh. Quá trình đánh giá đầy gay gắt và đạo đức hóa những hoạt động này được bàn luận trong các bài viết của Bayly (2004 và 2007). Tương tự như vậy là thái độ không rõ rệt trong chuyện kể về trải nghiệm của họ tại các quốc gia Châu Phi nhận hỗ trợ và được sự hướng dẫn của “chuyên gia”. Cũng không có gì ngạc nhiên khi có những bậc lão thành đã lớn lên trong truyền thống theo cả kiểu Pháp và Xô viết về chủ nghĩa toàn cầu hiện đại. Họ là những người thật sự có thái độ trịch thượng về sự “lạc hậu” của những quốc gia “nghèo túng” mà họ đang làm việc, đặc biệt là những dân tộc mà họ xem là thiếu các phẩm chất anh hùng của quốc gia cách mạng. Đấy là thứ mà họ cho là một đặc điểm nổi bật chủ chốt của tổ quốc và đồng bào họ. Một số người khác thì lại có một cái nhìn hơi khác hơn. Một mặt những cá nhân này nhớ lại một cách trìu mến những trí thức bạn bè thuộc nhóm Pháp ngữ tại những nơi như là ConakryAntananarivo. Tuy nhiên, họ cũng ý thức một cách không thoải mái rằng vài quốc gia mà họ và họ hàng của họ hoặc là bạn bè họ đã được cử đi trong những năm 1980 và 1990 – nổi bật là Algeria – giàu có hơn nhiều so với Việt nam. Vì vậy đây là những nơi mà các bác sỹ và các chuyên gia khác của Việt Nam đã thấy họ được đối xử như là bạn bè và bình đẳng bởi các kiều dân nói tiếng Nga từ các quốc gia như Ba Lan và Romania, trong khi lại bị các ông chủ địa phương tại Annaba hay Algiers nhìn với một thái độ khinh bỉ của tân thực dân. Đấy là một kí ức đau buồn từ những trải nghiệm của họ về những người Nga kì thị chủng tộc công khai, những người đã bất đắc dĩ được cử đến Việt Nam trong thời trước khi Thống nhất.
[5]     Kaplan và Kelly (1994) cũng coi sự lưu chuyển văn hóa thực dân là sự trao đổi và tương tác mang tính chất đối thoại.
Susan Bayly
Người dịch: Phạm Văn Bích
Người hiệu đính: Trương Thị Thu Hằng và Lương Văn Hy 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.