Định mệnh của chúng tôi – Phần 1

0
868

Định mệnh của chúng tôi

Chuyện của người Công giáo di cư năm 1954- phần 1

Ngày xưa tui sinh ra ở đây, nhưng được một tuổi đã chuyển lên thành phố (Hồ Chí Minh). Cuộc sống trên đó vào thời đấy khác hẳn bây giờ. Má tui thì bán tạp hoá, còn ba tui làm công chức nguỵ, tối về còn làm thêm nghề may đồ vest, đồ tây cho các công sở.

Sau khi giải phóng, ông nội của tui muốn gia đình tụ họp, sống cùng nhau nên ba tui dẫn cả gia đình về dưới này, lúc đó tui mới đựơc 13 – 14 tuổi. Ôi lạy chúa tôi, về đây mới khổ là khổ. Mình là dân thành phố, ở trên đấy quen có điện, nước thì nước máy, về đây tối thui, đường thì trơn trợt, đi đâu cũng phải bấm mấy ngón chân xuống đất mà đi, không thì té.

Ở trên đó thì không phải làm gì, thỉnh thoảng mất điện có gánh nước, nhưng cũng chỉ gánh những xô nhỏ, mệt thì nghỉ; nhưng về dưới này thì gánh những thùng nước to, rồi gánh lúa liền một hơi từ ngoài đồng về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Đúng là khủng khiếp, nghĩ lại mà giờ tui còn thấy sợ. Nhưng dần dần thì cũng quen. Tui là chị cả, nhà đông chị em nên chỉ được đi học bổ túc, còn lại phụ giúp cha mẹ cho các em đi học.

Đến năm 1975 thì tui tham gia đội văn nghệ.

Năm 1978 thì kết nạp đoàn thanh niên.

Năm 1980 làm bí thư chi đoàn ấp.

Năm 1983 làm phó bí thư xã đoàn.

Năm 25 tuổi (1988) tui lấy chồng, và năm 26 tuổi thì sinh con gái đầu lòng. Cũng trong năm 1989, tui chuyển sang làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, cho đến đầu năm 2009 thì làm bên Mặt trận tổ quốc.

Đấy, cả cuộc đời tui là thế đấy.

Ngày 26 tháng 05 năm 2009

Buổi chiều, theo kế hoạch, tôi đến nhà CS030F làm bên hội phụ nữ để tiếp xúc và thu thập tư liệu. Hôm trước tôi cũng được nghe là CS030F thường buổi tối mới có nhà, nhưng tôi vẫn đến, vì nghĩ rằng nếu chưa gặp được tui thì gặp người thân của tui trước (mẫu mở rộng) cũng không sao.

Sở dĩ tôi chọn CS030F làm mẫu chính thức thứ hai của mình, bởi vì CS030F là người phụ nữ có chức, có quyền duy nhất ở đây. Và theo nhận định của tôi, CS030F sẽ có những suy nghĩ cũng như những quan niệm về vấn đề chiến lược sống và cách giáo dục con cái khác hẳn những người phụ nữ khác (do môi trường hoạt động xã hội chi phối). Mặt khác, tôi cũng muốn thu thập những thông tin dưới góc độ của một người vừa làm chính quyền lại vừa là một người Công giáo. Đồng thời tìm hiểu những chính sách, kế hoạch của Hội Phụ nữ trong quá trình hoạt động của mình.

Đúng như dự tính của tôi lúc đầu, CS030F không có nhà mà chỉ có con gái tui đang lúi húi nấu cơm trong bếp.

Ngôi nhà của CS030F là một gian nhà nhìn từ bên ngoài vào thì hơi nhỏ, nhưng bên trong lại khá rộng lớn. Có một chiếc giường gỗ kê sát bên ngoài. Tiếp đó, ở góc bên phải từ ngoài vào chất đầy những bao thóc, được phủ bên trên những tấm bạt và những chiếc áo mưa. Tôi nghĩ có lẽ là thóc mà nhà tui chưa bán. Ở giữa nhà là một bộ bàn ghế gỗ, và sát tường là một chiếc tủ gỗ có để tivi, một vài vật dụng nhỏ, ảnh cha xứ và những tấm hình của gia đình tui. Sát bên cái tủ có một cái cửa ra vào nhỏ, chắc bên trong là gian bếp của gia đình. Ngôi nhà khá đơn sơ nhưng tương đối sạch sẽ và mát mẻ. Có những chồng báo khá lớn đặt ở góc nhà.

Con gái CS030F tên là CS0302F, sinh năm 1989 và đang đi làm y tế ở trường trung học TT. Em vừa mới học xong cao đẳng y tế ở trên TN (là chi nhánh của trường ở trên Cần Thơ), và về xã làm việc từ tết đến giờ. CS0302F có dáng người nhỏ nhắn, miệng hơi rộng và làn da hơi ngăm đen. Cô bé rất hay cười và trò chuyện với tôi vô cùng thoải mái. Tôi làm quen với em bằng những câu hỏi xã giao bình thường. Em cho tôi biết: mẹ em đang đi học lớp bồi dưỡng ở ngoài T.A, học 3 buổi và hôm nay là buổi thứ hai rồi, bình thường thì khoảng 5h chiều mới về. Trước đây mẹ em làm bên Hội phụ nữ ở xã, nhưng từ khi xã tách ra thì mẹ em chuyển sang làm bên Mặt trận ở xã T.L (là xã mới chia tách).

Khi tôi hỏi em về các thành viên trong gia đình, thì em kể: nhà em có 4 người, cha em sinh năm 1958, làm ruộng ở nhà. Mẹ em thì sinh năm 1961, đang làm bên xã. Em là con cả, và dưới em là một em trai tên, đang học lớp 11 ở trường ngoài T.A. Tôi tiếp tục đề cập đến các bác, các chú, các tui bên đằng nội, ngoại thì em chạy đi lấy cho tôi quyển sổ có ghi lý lịch gia đình trong túi hồ sơ mà tôi nghĩ là trước kia em nộp đi xin việc. Em nói không nhớ rõ năm sinh của các tui chú nên lấy cho tôi coi.

Có một điều lạ mà tôi nhận thấy, đó là trong quyển sơ yếu lý lịch của em, chỉ thấy có ghi tên ông nội, bà nội mà không đề cập các chú, các tui bên họ nội. Sau đó là ghi về họ ngoại nhà em.

Sau khi cho tôi xem xong, CS0302F có nói: còn có một số dì và cậu nữa không có ghi trong này. Tôi hỏi tại sao không ghi thì em nói: tại trang giấy nhỏ quá nên không đủ ghi hết, mẹ em bảo chỉ ghi thế này thôi. Tôi thấy hơi lạ lùng một chút, và định bụng sẽ hỏi mẹ em sau.

Tôi lại chuyển qua hỏi em về việc học tập và định hướng tương lai thì em cho biết: trước đây, khi em đang học lớp 12 thì có ước muốn sẽ thi vào khoa Tâm lý của trường Nhân văn TPHCM, nhưng mẹ nói là mẹ không biết rõ ngành đó, sợ em không đủ sức, ra trường cũng khó xin được việc nữa, lại xa nhà quá nên khuyên em không thi. Rồi em định thi đại học sư phạm, nhưng các dì và các cậu cũng khuyên là em không đủ sức, học cao đẳng hay trung cấp thì ra trường không xin được việc. Nghe dì nói em thấy cũng đúng, nên quyết định đi học lớp cao đẳng y tế ở trên Thốt Nốt rồi xin về đây. Bây giờ thì em thấy công việc cũng tốt, lương thử việc là hơn 800.000 đồng/tháng, ít nữa làm chính thức thì chắc cũng được 1 triệu/tháng, em cũng thấy vui và hài lòng. Tôi lại hỏi em còn yêu thích ngành tâm lý nữa không, thì em đáp: tất nhiên là vẫn còn ạ, nhưng phải biết lượng sức mình, em thấy công việc bây giờ của em là tốt rồi. Mấy hôm nữa trường được nghỉ hè thì em sẽ đi học nâng cao. Học lớp chính trị do xã tổ chức dành cho tất cả những người đã đi làm, và học bên y tế do hội chữ thập đỏ của huyện tổ chức.

Tôi hỏi em là sau này có định học lên nữa không, thì em bảo sẽ tiếp tục học tiếp, vì trường cao đẳng em học có 1 năm thôi, sau đó học dần dần lên.

Tôi lại hỏi: sau này em có định tiếp tục làm ở đây không, hay học lên cao rồi thì chuyển đi chỗ khác?

Em nói: em vẫn sẽ làm ở đây, vì gần nhà. Nếu phải lựa chọn giữa sống ở thành phố và ở quê thì em vẫn thích ở quê hơn, vì không khí trong lành và mọi người đều gắn bó, yêu thương nhau, gọi là “tình làng nghĩa xóm” ấy chị.

Tôi lại quay ngược lại hỏi quãng thời gian em học cấp 3 thì cảm thấy thế nào. CS0302F đáp: “Hồi đó cũng vui ạ. Lớp em hầu hết là các bạn trong xã ra ngoài đó học nên toàn người gốc Bắc chứ ít người địa phương. Lúc đó em học yếu một số môn nên ngoài học trên lớp cũng phải đi học thêm miết”.

Tôi hỏi: “Thế em đi học như thế thì có hay tham gia hoạt động của nhà thờ không?” “Dạ có, nhưng ít thôi ạ. Em chỉ tham gia dâng hoa và học các lớp giáo lý thôi, chứ thời gian em học ở trường vẫn nhiều hơn. Em rất thích học giáo lý, vì em muốn tìm hiểu về bên đạo của mình. Hồi trước em cũng có đi dạy giáo lý cho các em nữa”. CS0302F vừa nói vừa cười trông rất vui vẻ.

Tôi liền trêu em: “Giờ lớn rồi nên thời gian dành cho bạn trai nhiều hơn phải không?”

Em cười lớn đáp: “Em thì làm gì có bạn trai. Buổi tối em có ra ngoài bao giờ đâu, toàn ở nhà đọc sách, đọc báo và xem tivi thôi. Cũng không phải là mẹ em không cho mà em quen rồi. Từ nhỏ cũng ở nhà miết như thế. Mẹ em bảo có đi đâu thì cũng nói qua mẹ một tiếng. Em toàn đi chơi với những bạn mà mẹ biết thôi, đi với người lạ thì mẹ em không yên tâm. Bây giờ cũng thế, ngay cả khi đi học hay đi làm mẹ em cũng không muốn cho em đi xa, mẹ lo lắng cho em lắm”. Nói rồi em cười.

Tôi quay qua hỏi em về những hoạt động thường ngày khi đi học xa nhà thì người Công giáo như mình có gặp khó khăn gì không thì em đáp: Cũng không có gì khó khăn lắm ạ, vì mình cũng giống như người bình thường thôi. Chỉ có điều chuyện tình cảm thì không được suôn sẻ lắm. Nếu như người cùng một ấp, hoặc khu này quen nhau thì không sao, vì cùng theo đạo hết, nhưng chẳng hạn đi học xa mà quen người ngoài đạo thì cũng khó khăn lắm. Thường thì những ai lấy người Công giáo thì cũng phải đi đạo theo. Nhưng có những người vì muốn lấy mà bắt buộc phải theo, rồi sau đó theo nửa chừng rồi bỏ thì không chấp nhận được. Em thì chỉ muốn lấy người thực sự yêu em và yêu đạo của em thôi. Bây giờ có rất nhiều trường hợp một người Công giáo lấy một người ngoại đạo, sau một thời gian thì bỏ nhau. Em cũng không rõ là vì lý do không hợp nhau hay là không quen theo đạo nên bỏ nhau nữa.

Tiếp sau đó tôi lại chuyển sang hỏi em về những người gốc Nam đang sống ở khu này thì em cho biết: người gốc Nam ở đây thì chủ yếu làm thuê. Công việc của họ không ổn định lắm, khi nào có việc nhiều thì làm, khi ít việc thì lại chuyển đi chỗ khác nên nay đây mai đó. Họ làm ngày nào lo ngày ấy và không có đất, có nhà. Ở đây thì người gốc Nam chủ yếu sống trên ghe. Còn những người di cư khác thì chỉ vào vụ lúa họ mới về đây, sau cuối vụ thì họ lại đi nơi khác. Ở đây cũng có một khu dân cư tạo điều kiện cho những người gặp khó khăn, trong đó có cả người Bắc và người Nam. Chỉ có chỗ đấy là hơi “hỗn độn” một tí, chứ bình thường thì khu người Bắc riêng, người Nam riêng.

(còn tiếp)

Trích Nhật ký điền dã

Ghi chép dài tài hoàn chỉnh

Cộng đồng: CS03, Cái Sắn, Cần Thơ

Thời gian: 20/05/2009 đến 30/05/2009

N.T.D

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.