Về lại nhánh sông xưa…

0
870
Trước khi đi, ba dắt nó ra mộ ông ngoại thắp hương. Ba hỏi nó “sp tốt nghiệp rồi, học xong có muốn về lại quê mình làm việc không?”. Nó lắc đầu, nhoẻn miệng cười, nói chưa muốn”. Nó còn muốn ở lại thành phố đua chen với người ta vài năm, học thêm vài thứ nó thích và cần nữa, rồi khi nào muốn bình yên thì nó sẽ về. Nhưng đến bao giờ? Tuổi trẻ như nó mà muốn bình yên thì đến bao giờ? Sống ở đâu thì sống, có bận rộn, bon chen bao nhiêu cũng đừng bao giờ lãng quên ông bà, tổ tiên, quê hương xứ sở của mình là được.” – không chỉ lần này mà lần nào nó sắp vào thành phố ba nó cũng dặn dò vậy.
(Dòng sông tuổi thơ, Nguồn: Internet)
Nó biết chứ. Nó sinh ra ở đất này, lớn lên bởi sự nâng niu từng ngày của mảnh đất hiền hòa này. Tuổi thơ nó được ôm ấp bởi dòng sông êm đềm uốn lượn sau nhà ngoại. Những gáo nước dừa trong mát, ngọt lịm nó uống mỗi trưa hè làm cho tâm hồn nó cứ thanh thoát mà lớn lên cho đến bây giờ. Làm sao nó quên được? Làm sao nó quên cho được hồi nó còn nhỏ xíu, ngày nào nó cũng ngồi ở gốc vú sữa trước sân nhà ngoại. Hễ nghe tiếng xe kẹo kéo của ông ngoại từ đầu ngõ về là nó đứng bật dậy, phủi quần chạy ra đón để được phần kẹo kéo ngoại còn chừa lại cho nó. Rồi những buổi xế trưa mùa nắng, nó theo bà và cậu ra sông bắt mấy con ngao đem về nấu canh. Nó với cậu ngụp lặn dưới nước sông mát rượi. Rồi những buổi chiều cậu dắt nó ra mé bờ sông, nơi cò về đậu trắng mấy cây bần để đuổi bắt cò. Nó nhớ lắm hồi nó còn ngọng nghịu, ê a hỏi ba nó đủ thứ suốt dọc đường từ đồng về nhà. Hồi đó ba nó hay để nó ngồi ở một bên đầu gánh, đầu bên kia khi thì bội khoai lang, khoai mì, khi thì mớ lúa khô sót lại ngoài đồng. Chốc chốc nó lại: “Ba ơi, con với khoai ai nặng hơn? Ruộng này của bà nè phải không ba? Hôm qua cậu út dắt con ra đây nhử chim cút nè ba…” Hồi đó nó ngây ngô đến buồn cười, nó so sánh cả nó với khoai xem “ai” nặng hơn. Khi nó lên năm tuổi, mẹ nó dạy cho nó học chữ, tập cho nó hát, nó múa. Nó vẫn thường nghêu ngao hát một mình khi không có ai chơi với nó, chán thì nó nằm dài ra đất cát để viết chữ o, chữ a. Cuối buổi là người nó lấm lem, dính đầy đất cát từ đầu đến chân mà mẹ nó vẫn hay ví von là giống con bọ rầy mốc. Ứ ừ…nó chẳng biết con bọ rầy mốc nó ra làm sao nhưng vẫn lắc đầu nguây nguẩy.
Nó lớn lên trong tình thương đủ đầy của cả đất và người, của quê hương xứ sở và của mái ấm gia đình. Quê nhà của nó ở nơi ấy dù có khó nghèo nhưng dạt dào yêu thương, giản dị và bình yên; nên mãi đến bây giờ nó vẫn luôn được nâng niu, ấp ủ trong cái bình yên và yêu thương dịu ngọt ấy. Nó mãi nhớ về nơi ấy, nơi cất giữ vẹn nguyên những trang kí ức của những tháng năm đầu đời trong nó, nơi cất giữ vẹn nguyên những yêu thương của đất và người mãi mãi dành riêng cho nó.
Làm sao nó quên được quê hương, nguồn cội của nó trong khi đối với nó, thành phố này chỉ là một mảnh đất khách phồn hoa, xa lạ, luôn bận rộn, bộn bề trong cả từng nhịp thở. Trong những lúc chật vật với mớ lo âu, suy nghĩ ở nơi này, nó lại thấy nhớ cái bình yên, êm đềm của quê nhà. Những lúc nó nhìn thấy bóng mình cô đơn ngả dài dưới ánh đèn đường vàng rực, nó lại ao ước những đêm trăng mười sáu hồi nhỏ, nó với cậu cùng mấy đứa trẻ con trong xóm chơi trò đuổi bắt, ú tim. Trưa nắng, rảo bước qua thành phố bỏng rát, nó thèm khát khúc sông sau nhà ngoại, thèm một gáo nước dừa ngọt lịm trong vườn. Đứng trước những tòa nhà cao ngất trời đang thờ ơ nhìn nó, nó rớt nước mắt nhớ mái nhà bé nhỏ, yêu thương của gia đình nó, từng viên ngói lợp trên mái nhà là sự gom góp của ngoại qua từng xe kẹo kéo cọt kẹt mỗi ngày.
Tiếng còi xe cứ rít lên rộn rã làm nó nhớ tiếng guốc lạch cạch của bà lúc chợ trưa về nhà. Rồi có lúc đi qua ai đó, nhặt được một ánh mắt hờ hững, một gương mặt lạnh, nó lại nhớ tiếng hỏi han rộn ràng, thân thương khắp ngõ nhà nó. Chiều về, thu mình ở góc phòng trọ, nó gạt nước mắt nhìn mây trôi về phía cuối chân trời. Nỗi nhớ nhà nó không giấu nổi vào lòng. Nó nghẹn ngào nghe câu hát “không ai thương con bằng mẹ, không ai thương mẹ bằng con, mẹ là quê hương của con…” vang ra từ điện thoại mà nó cài làm nhạc chuông báo thức. Một giờ vô định, báo thức chẳng để làm gì, chỉ vì nó nhớ nhà. Đó là bài hát mẹ dạy cho nó hát hồi nhỏ. Hơn hai mươi năm nó vẫn thuộc nằm lòng, không sót một chữ. Nơi này, khi tâm hồn nó xáo trộn, mỏi mệt, nó lại mong mỏi cái bình yên của quê nhà. Có những lần nó gói ghém đồ đạc, bắt xe về quê không một chút do dự, đắn đo chỉ vì cần chút bình yên.
Hồi nhỏ, nghe nói “mẹ là quê hương” nó hình dung không ra. Với một đứa trẻ suốt ngày chỉ quẩn quanh trong nhà, ngoài vườn, theo người này người kia, chẳng biết nỗi nhớ là gì thì làm sao nó hình dung nổi quê hương là gì mà ví với mẹ. Lớn thêm một chút, nó biết “quê hương là chùm khế ngọt”, “là con đò nhỏ”, cụ thể hơn, nó biết hơn một chút. Nhưng đó là người ta nói, nó cũng chỉ biết vậy, mơ hồ lắm. Khi đi xa, nó biết quê hương chính là mẹ, là ba, là ngoại, là mái nhà, là dòng sông, là hàng dừa xanh, là cánh cò trắng đậu trên cây bần…bởi nó thấy nhớ da diết. Nó biết khóc vì nỗi nhớ, nó mong mỏi ngày trở về thật sự. Tuổi trẻ, nó còn quá nhiều khát vọng nên nó chưa thể trở về đúng nghĩa với quê hương của nó. Nó cũng chưa biết chắc đến bao giờ nhưng chắc chắc là nó sẽ trở về, bởi nơi ấy là tất cả những gì trong tim nó. Nó đã gửi về nơi ấy một tình yêu trọn vẹn như tình thương đủ đầy mà nó đã nhận được từ lúc ấu thơ.
Thắp nén hương lên mộ ngoại, nó nói: “Con sẽ về, ba à! Con hứa với ngoại, với ba, dù con có bận rộn đến bao nhiêu thì con cũng sẽ gắng về trong ngày rằm tháng bảy-giỗ ngoại với ngày Tết nghe ba! Ở trong đó, con nhớ quê từng ngày…”.
Vũ Nhật Phương Thư

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.