Cuộc di cư của chữ nghĩa – Kỳ cuối

0
827
Vietnamese boat people, Hong Kong. 1985 © M.Kobayashi/Exile Images
Phong kiến qua lối xưng hô bị dẹp bỏ
Có lẽ không ở đâu, không ở nước nào cách xưng hô lại phức tạp lầy nhầy như miền Bắc. Mới đây, trong một chương trình Vidéo, người viết thấy một cô ca sĩ trẻ được người điều khiển chương trình phỏng vấn… Lúc phải trả lời, cô lúng ba, lúng búng, vì không biết phải xưng bằng anh, chú, bác hay nhà văn với người điều khiển chương trình. Bác có vẻ già quá, anh thì có vẻ hơi sỗ sàng. Ông thì xa lạ. Cậu tớ thì xấc quá. Trong cái cách học ăn, học nói của người Bắc thì bài học vỡ lòng là học cách xưng hô. Trẻ con nào mà không được bố mẹ dạy phải xưng hô tùy theo tuổi đã đành, theo quan hệ họ hàng, theo chức vụ và theo xã giao nữa. Những tiếng thầy bu, thầy u, thầy đẻ, thầy mẹ, cậu mợ, đằng ấy, cậu tớ, người nhớn, con nọ, con kia, huynh, đệ, quan bác, thằng cu, con đĩ, mẹ đĩ nhà tôi, nhà con, ông mãnh, thằng trời đánh thánh vật, thằng chết băm chết bằm… tùy trường hợp mà dùng. Nhưng bắt chước người Tầu, ta còn có chữ Gia phụ, Gia Mẫu, Gia Huynh, chỉ bực bề trên hay xá đệ, xá muội chỉ bực dưới. Bấy nhiêu lối xưng hô vào đến miền đất mới như lạc lõng , thi nhau bị “cáp duồn” hết. Không ai nói nữa. Do sức ép hay do tự mình cảm thấy lỗi thời, thấy dởm, thấy cầu kỳ, thấy rắc rối, thấy “không giống ai”, thấy cần phải bỏ. Có lẽ thấy cái không giống ai là lý do của sự ra đi không trở lại của các cách xưng hô trên.
Trong cái cách học ăn, học nói của người Bắc thì bài học vỡ lòng là học cách xưng hô”
(Hình ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Các chữ dùng để gọi, xưng danh quan tước chức sắc cũng nhiều lắm. Cũng phiền lắm. Nhiêu khê lắm. Không xưng đúng danh phận, có thể bị trách, bị giận, bị trù ếm nữa. Nhiều không đếm xuể. Nó đã dần biến mất khi vào đến trong Nam. Nó biểu tỏ một xã hội phong kiến, đẳng cấp, trên dưới không thích hợp ở miền Nam. Người dân miền Nam cũng là di dân, có cái may mắn không thừa hưởng di sản của một xã hội phong kiến, hủ lậu. Xã hội đó lo kiếm miếng ăn, làm giầu, không nghĩ đến chữ nghĩa thánh hiền, cũng chẳng bận tâm đến kẻ trên người dưới… Xã hội vừa ổn định, chưa mọc ra những mầm mống của thứ ổn định kiểu trên đè dưới, quan lại, thứ dân, giai cấp thống trị. Làng xã mở toang, không hàng rào vây kín.. Xã hội cũng mở toang mọi phía mà dân là chính, dân là chủ. Sự xưng hô vì thế giản tiện và tuỳ tiện, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ba má thì là ba má. Khi cần gọi chung là ông già bà già. Nội việc xưng hô cũng thấy miền Nam đuợc cởi trói nhiều theo tinh thần tự do, dân chủ. Người Bắc từ xa tới, lẽ nào không thấy cái hay đó. Lẽ nào không theo, tự ý theo. Để gọi một người ở, người trong Nam chỉ gọi chung chung là người làm, vừa giản dị, vừa không có khinh miệt, rẻ rúng. Vì thế, nếu còn ai gọi cụ đốc thì thay vì là một trân trọng, nó đã biến thành trò cười, mai mỉa. Hóa cho nên, chữ nghĩa có cái thời của nó, thời để sống và thời để chết. 
Cách làm ăn có khác, chữ nghĩa cũng đổi khác.
Cũng là xứ nông nghiệp, nhưng cách làm ruộng, cách sinh sống cũng khác miền Bắc nhiều lắm. Chữ nghĩa cũng vì thế cũng đổi theo. Rất nhiều chữ, từ miền Bắc , vào Nam không ai dùng nữa, vì đời sống kinh tế, xã hội đã thay đổi. Nghề hàng xáo (xay giã gạo, trong Nam không có nghề này), ruộng chân nhất đẳng, nhị đẳng, ruộng mật điền (Ruộng tốt nhất) gian buồng, khóa dãy, rau muống lợn, đi đong gạo, dậm lại mái nhà, hòm gian (Hòm to để đựng đồ trong nhà), nhà pha (nhà tù), nhà giây thép, xe hòm (Xe hơi sang trọng) ngày con nước, đi lưới, cái niêu, nồi đất, chỉnh dầu, rổ rá, dao quay, dao nhựa, một bồ, vuông thóc, giây lạt, dùi đục, cái cũi, đóng cũi, cái cưa xẻ, cái gáo, cái chum, cái lọ độc bình, cái phên nứa, bát chiết yêu, đi bể (biển), tậu ba mẫu ruộng, vác thúng, đèn măng xông, cái lồng ấp, cái hỏa lò than. Chữ sau đây cũng xưa lắm rồi, nhưng đến là hay: nhà xí. Nay thì nguời ta văn minh hơn gọi là nhà vệ sinh, trong Nam gọi là nhà cầu, siêu đun nước, cái áo quan, cái nhị tẩu (tẩu hút thuốc phiện), khay đèn, quạt lông, tràng biên (thân thế một người), đèn ló, cái mả, cái sập, cái phản, quần nái (quần dệt bằng một thứ hàng tơ tầm sợi thô, nhuộm đen), cái bình phong, con thò lò, đỉa phải vôi, giọng kẻ bể, cái trõng che, cót lúa, một bồ, vuông thóc, gạch bát tràng, gạch lát bổ cau (Lát xiên và dựng nghiêng viên gạch ) gạch vồ, cái mả , rồi có cải mả, đề lao, cái lọ. Tỉ dụ: sách hai cái lọ đi Kín nước. Chữ kín nước nghe thật hay, nhưng cũng ít được ai dùng tới nữa. Cái màn. Rồi từ đó thay vì nói đi ngủ, người ta còn nói vào màn . Thợ ngõa.
Người miền Bắc chân lấm tay bùn, làm ăn vất vả. Miền Nam, ruộng thẳng cánh cò bay, làm chơi ăn thật. Đi mút mùa lệ thủy không thấy nhà thấy cửa, nhất là không thấy tháp chuông nhà thờ, không thấy đình, thấy chùa. Cái nhìn về con người, về đời sống, về cách sinh hoạt làm ăn của người Bắc đã đổi khác. Chẳng mấy chốc cái ngậm ngùi lúc ra đi nay quên hết. Cứ gì chữ nghĩa bỏ quên, đất lề quê thói, phong tục, tập quán, đạo nghĩa cứ thế mà rơi rụng dần dần. Thay vì so đo, khép kín, bảo thủ, giữ lời ăn tiếng nói, giữ phép nhà bắt đầu buông thả. Thay vì chiếu trên , chiếu dưới, có phép có tắc… nay ăn nói thả dàn, chả kiêng nể gì nữa. Con gái, con đứa nay tụm năm tụm ba đàn đúm, hát xướng, thích thì ra rặng trâm bầu tán tỉnh, mọi chuyện hạ hồi phân giải.
Thành trì cuối cùng : văn minh miệt vườn đối đấu với văn hóa miền Bắc 
Người miền Nam, chữ nghĩa chỉ vừa đủ dùng, nếu không nói là còn sơ xài lắm so với miền Bắc. Nó là thứ văn minh miệt vườn không đủ để ba hoa trên trường văn trận bút. Cái điều đó đã được nhà học giả Phạm Quỳnh nhận xét một cách khá bất công trong cuốn Một Tháng ở Nam Kỳ: “Chữ Quốc ngữ thì đã thông dụng lắm rồi, đàn bà con trẻ thường biết đọc, biết viết cả.. Nhưng đến văn Quốc Ngữ thì xem ra cái trình độ Quốc Văn đại để hãy còn kém.”
Nhận xét đó, có lẽ người trong Nam chả bao giờ quên và thành kiến đó người Bắc cũng chả bao giờ thay đổi. Cho đến giờ phút này, cái văn minh miệt vườn đó, cộng với 20 năm văn học miền Nam đến sau 75 vẫn chưa được nhìn nhận. 
Thành ngữ hay lối nói miền Bắc là vốn liếng ngôn ngữ của một dân tộc. Nó tích lũy, thải loại kết tinh những đặc thù, những sắc cạnh của ngôn ngữ, của vốn liếng hiểu biết truyền thừa. Nó không thừa, không thiếu, nó vừa đủ. Nó được sử dụng trong đời sống hằng ngày như kim chỉ nam, nó đưa ra những tiêu chỉ đời sống, phán xét, nhận định phải trái tốt xấu. Nó là thứ ngôn ngữ đã được đãi lọc, được truyền thừa của sự khôn ngoan, thu gọn lại. Phải là người địa phương, nhuần nhuyễn sắc thái văn hóa bản địa mới có thể sử dụng đúng cách, đúng trường hợp. Người ngoại cuộc, nhất là người ngoại quốc, dù có ở lâu năm tại đất nước đó, chưa dễ giầu gì nắm bắt được tình ý, nội dung hàm ẩn của những thành ngữ đó. Miền Bắc, cái nôi văn hóa lâu đời cả nước giầu dân tộc tính nhờ những lối nói, lối viết đó. Nó chuyên chở cả thời kỳ 1000 năm thủ đô Hà Nội, văn hoá Thăng Long, văn hóa cho cả nước với không biết bao tên tuổi lẫy lừng. Nó không phải tự cao rao, quảng cáo vô bằng. Người và chứng tích văn học còn đầy ra đấy. Viết ngàn trang giấy cũng chưa đủ. 
Vậy mà lên khỏi tầu há mồm, cập bến Nhà rồng, tất cả những thứ đó đổ xuống sông hết. Bài chiếu Lý Công Uẩn dời đô không lẽ mang ra dọa. Lý Thường Kiệt, bà huyện Thanh Quan cất đi cho rồi vì chóa mắt với xe cộ chậy hà rầm… Đường phố rộng thênh thang, tấp nập người qua lại, xe gắn máy ba bánh nổ bành bạch điếc con ráy. Xe thổ mộ lách cách vui tai thong thả dời chợ Bến Thành đi Ngã Ba Ông Tạ, hay đi chợ Bà Chiểu. Chú lái xe thổ mộ ngồi nghiêng bên thành cán xe ngựa thòng chân xuống đất, mồm kêu toóc toóc như dục chú ngựa ráng tí nữa, ráng tí nữa đi cưng. Hoa trái bầy la liệt mua một chục ê hề đủ loại. Bà bán hàng ra giá mua một chục có đầu., nghĩa là chục có thể 11, 12 đến 13 trái tùy theo thỏa thuận. Nội thế thôi, mua bán kiểu kỳ cục Nam Kỳ cũng thấy đủ sướng rồi. Thật đến là kỳ lạ cái xứ Nam Kỳ. Chẳng ai bảo ai, ngay cả đám sĩ phu Bắc Hà, đám trí thức thành thị cũng rứa. Quên hết chơn, hết chọi. Câu chuyện văn hóa ngàn năm chẳng chống đỡ nổi một ngày.
Người Hà Nội, người di cư có văn hóa cao, hoặc các nhà văn thường sử dụng chúng một cách nhuần nhuyễn trong lúc giao tiếp, viết lách. Nói văn hay chữ tốt, nói có văn hóa đương nhiên phải biết sử dụng thành ngữ đó, lối viết đó như một thuật ngữ, nói ít hiểu nhiều. Miền Bắc có những nhà văn tiêu biểu sử dụng vốn liếng các thuật ngữ này như Trần Tiêu, Vũ trọng Phụng, Tô Hoài, Vũ Thư Hiên, Nguyễn khắc Trường. Đọc họ cũng lý thú lắm.
Vậy mà chữ nghĩa đó vào đến trong Nam đã bị gạt, thải loại không chừa một chữ nào. Không muốn nghe, nghe thì gạt đi, muốn nói cũng không được. Nói ra thì nó đớ đờ đờ. Có duyên, được kính nể ở ngoài Bắc, trong Nam trở thành vô duyên, không ngửi được. Đã thế, chữ nghĩa không có cơ tồn tại, nếu nó được các nhà văn dùng thì đỡ biết mấy. Chính các nhà văn di cư vào Nam như nhóm Sáng Tạo cũng quăng thùng rác không thương tiếc. Chúng bơ vơ, lạc lõng, đầu đường, góc nhà, góc phố, nơi từng nhóm người rồi biến dạng. Không có đám ma. Không kèn không trống. Cái này không phải hoàn toàn lỗi người bản địa mà chính tại người dân du nhập không muốn giữ. Hình như có một thói quen xấu, có mới nới cũ. Ít ai muốn nhắc nhở, bàn, viết về những chói sáng văn học miền Bắc.
Có lẽ cái mất lớn nhất của dân di cư là mất lối nói, lối viết, nếp sống văn hoá thành ngữ đã bị biến dạng. Nếu còn một thứ văn hoá gì là thứ “Văn hóa chảy”, Chảy tuốt luốt. Với cái độ nóng trung bình 35 độ, cái gì cũng có thể chảy được. Bù vào chỗ đó, họ phải đi tìm một hướng viết mới, mới có nghĩa là khác với tiền chiến, khác với Tự lực Văn đoàn. Mới thực sự thì chưa biết là thế nào, chưa biết hình thù nó ra sao, nhưng điều rõ rệt là dứt bỏ truyền thống, cái cũ, trong đó có các thuật ngữ cũ của miền Bắc. Họ không thích ngồi lau đồ đồng, đánh bóng chữ cũ mà đùa cợt mầu mè, son phấn với chữ nghĩa cho là mới, kêu rổn rảng, lặp đi lặp lại đến lập dị. Chữ nghĩa đó mà phần đông họ nói để họ nghe hoặc dành cho một thiểu số trí thức thành thị vốn chẳng đại diện cho cái gì, ngay cả cho chính họ. Chữ nghĩa đó gặp lần đầu thấy lạ thì muốn làm quen. Quen rồi thì chán ngấy muốn lỉnh, vì chẳng nói được điều gì. Chính ở chỗ đó, chữ nghĩa văn minh miệt vườn trở thành nhu cầu tinh thần của đa số dân miền Nam. Cả cái văn hoá miền Bắc đưa vào bị cháy rụi chỉ còn trơ lại ít cột kèo đen thui. Không ai đếm xỉa đến nữa.
Phần người viết, bắt gặp lại nó thấy gần gũi như người bạn cố tri lâu ngày gặp lại. Tự nhiên chẳng khác gì thấy người bạn đầy những tính tốt mà trước đây đã không lưu ý tới. Phải nói nó hay lắm, đượm mầu sắc dân tộc, quê hương, xứ sở 
Thay lời kết luận
Nhà văn trước hết là người sử dụng ngôn ngữ như một người đầu bếp dùng rau cỏ, thịt thà, gia vị nấu món ăn. Làm văn không nhất thiết là sáng tạo từ mới, chữ mới. Chùi đồ đồng, đồ cổ không nhất thiết là nhai lại. Bởi vì, cùng một từ, một chữ được dùng đúng trong từng cảnh huống, nó vẫn có chỗ đắc địa. Rất tiếc là trong tất cả các nhà văn miền Bắc di cư vào Nam đã tự mình cắt cái đuôi quá khứ mở ra một lối viết mới. Hay cũng có, mà dở cũng không thiếu. Tuy không vay mượn vốn cũ, vay mượn cái cũ của người làm cái mới của mình thì tự nó vẫn là vay mượn, vẫn là cái cũ, vẫn là đi chùi đồ cũ. Cho đến nay, những suy tư, những trăn trở hiện sinh về sự tồn tại, về ý nghĩa đời sống của các nhà văn ấy, sau 54, xét ra cũng chẳng có đất sống nữa. Chẳng nói đâu xa, lối viết, lối suy nghĩ của trí thức thành thị, trưởng giả vay mượn, đượm không khí phòng trà với cà phê, thuốc lá, ánh đèn mầu, tiếng nhạc xập xình tự nó đã không có đất đứng nữa sau biến cố Phật giáo 63. Từ đó, chiến cuộc leo thang, lối viết hưởng thụ, suy tư trưởng giả về ý nghĩa đời người, về cái đáng sống hay dư thừa nhường chỗ cho lối viết nhập cuộc, dấn thân. Các nhà văn thời buổi 54-55 một lần nữa trượt dốc, bơ vơ, lạc lõng trong cuộc đu giây chữ nghĩa. Cuộc di cư năm 1954 đáng nhẽ là một cuộc hành trình chữ nghĩa, tiếp nối cái sợi giây văn hoá nối dài hai miền, tự nó đánh mất đi khúc ruột liền sản sinh ra một thứ văn chương không gốc. Lẽ dĩ nhiên, cạnh đó, nhiều trào lưu tư tưởng, văn học cũng góp vào các dòng chảy chung đó. Người viết gợi lại những chữ nghĩa của thời xa xưa miền bắc, có những chữ tự nó cũng không còn được dùng nữa ở miền Bắc. Điều đó thật tự nhiên và dễ hiểu. Nhưng phần đông, chúng vẫn là cái vốn liếng văn hóa của đất nước, của dân tộc nói chung vượt lên trên những đối lực chính trị vốn lúc nào cũng là kẻ thù của văn hóa. Nghĩ như thế mới thấy vai trò và sứ mệnh nhà văn quan trọng đến bực nào. Bài viết này, đã hẳn chưa đầy đủ, vì còn rất nhiều chữ bị bỏ quên chưa được nhắc tới, lại chưa hệ thống hóa đúng mực, nhưng trong chừng mực của một bài báo, thiết tưởng cũng là một hoài niệm của những người di cư nay di tản ra xứ người để có dịp nhâm nhi, dịp nhớ lại và hồi tưởng về một dĩ vãng đã qua. Và có lẽ đó là mục dích chính của bài nầy theo cái nghĩa : Vang bóng một thời của chữ nghĩa.
Nguyễn Văn Lục

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.