Bụi trong nắng – Kỳ 3

0
783
Tháng 9 năm 2009…
Chỉ một hai tuần sau khi trở về từ Trung Quốc, ba tôi gần như không thể đi lại được nữa. Chân ba phù to, da mỏng tang, vàng khè. Có một vết rộp ở chân do ba đắp đồ chườm nóng, rồi từ cái vết đó, nước dịch vàng ứ trong chân ba chảy ra. Mọi người bảo ba phải rắc thuốc hay bôi kem cho nó lành, nhưng ba muốn để tự nhiên nó hết. Thế là ngày này qua ngày khác, dịch vàng chảy òng ọc ra khỏi cái lỗ đó ở chân ba. Nó không lành. Ngày nào tôi cũng lấy khăn chậm cho ba năm đến sáu lần, nước chảy đọng trong dép, dính trên quần, lên giường gối. Ướt nhẹp, bốc mùi. Ba mất dần cảm giác. Có vài lần, ba tôi nhìn đống nước vàng trên sàn nhà, hỏi cái gì thế. Tôi ấp úng, rồi bảo nước chảy ra từ chân ba đấy. Ba lặng lẽ nhìn, hỏi lại thế à, rồi không nói gì nữa.
Từ từ, bụng ba bắt đầu trương phình lên. Ba ăn không nhiều, miệng lạc cảm giác, ăn lúc kêu mặn lúc kêu đắng. Nước sôi bốc khói ba tu ừng ực như không. Mỗi khi đau, ba không bao giờ than, chỉ bực dọc, khó tính hơn. Thỉnh thoảng tôi hỏi ba có đau không, ba bảo ba hết hẳn đau rồi, rằng thuốc có tác dụng đấy. Không hiểu sao tôi không hề vui khi nghe câu đó. Tôi nhìn thấy rõ tình trạng của ba từng ngày. Từ hồi đi Trung Quốc về, sức khỏe ba xuống dốc từng tuần, rồi sau đó là từng ngày. Tôi không dám rời ba nửa bước. Càng về sau, ba càng té nhiều, trong phòng ngủ, trong nhà tắm. Mẹ tôi mua cho ba mấy cây gậy để chống, rồi đủ loại ghế để ba ngồi mà không phải gập bụng. 
Theo kế hoạch là từ Trung Quốc về, chúng tôi ở nhà cho ba tôi uống thuốc 20 ngày rồi lại phải sang kiểm tra lần nữa. Hai mươi ngày trôi qua trong chớp mắt. Tôi nơm nớp lo sợ cái ngày phải trở lại Quảng Châu. Tôi sợ lần này tôi không đủ sức lo cho ba và đỡ ba, bởi ba yếu hẳn và không thể đi lại được nữa. Thời gian này, tôi thường xuyên phải đỡ ba vào nhà vệ sinh, đỡ ba lên giường. Toàn thân ba cứng đờ đi, tay không có lực, mặt không khác gì cái sọ với lớp da vừa vàng vừa thâm, còn chân và bụng thì ngày càng ứ dịch phình to. Tôi căng thẳng những lúc ba té. Dù thể trạng tiều tụy, nhưng đầu óc ba tôi tỉnh táo kinh hồn. Đôi lúc tôi tự hỏi cái nào đỡ hơn, chịu đựng sự tra tấn thể xác nhưng vẫn tỉnh táo như ba, hay thà là mê man lú lẫn. Có những lúc ba ngồi thừ trên ghế nhìn ra cửa sổ, mắt suy tư buồn bã, hay có những lúc mặt hiện lên vẻ tính toán. Tôi không hiểu những lúc đó ba nghĩ gì, tính gì.
Kết thúc một cuộc đời. Kết thúc một hy vọng.
(Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)

Có lần, ba đứng trước cửa sổ đung đưa tay lên xuống, bài tập thể dục mà ba tôi vẫn làm hàng ngày. Tôi ngồi trong bếp, nhìn bóng phản chiếu của ba qua cánh cửa kính nhà bếp, một bóng người gầy còm đang quạt tay trước một cái cửa sổ có song, bên ngoài lá cây đập vào nhau khi gió thổi. Lúc đó, hình ảnh của ba y hệt một con chim với cái cánh trụi lông và thân mình đầy xương, đang cố đập cánh thoát khỏi những song sắt của cửa sổ, hay một cái lồng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh đó.
Một sự giải thoát xa xỉ. Một sự giải thoát mà người bị giam không mong muốn có.
Đêm trước hôm bay đi Trung Quốc, ba cẩn thận dặn tôi kiểm tra lại đồ đạc tôi đã soạn cho ba kỹ lưỡng. Rồi trước khi đi ngủ, ba uống một viên thuốc giảm đau và một viên thuốc ngủ, vì ba muốn ngủ yên để hôm sau dậy sớm, đủ khỏe để đi máy bay. Ba cẩn thận quá. Kết quả là, không hiểu do ông trời sắp đặt, hay do sự cẩn thận của ba phản lại ba, đến buổi sáng ba tôi mê man, gọi mãi không dậy được. Một lúc sau, ba dậy nhưng vẫn nửa mê nửa tỉnh, tôi đỡ ba vào nhà tắm, vào được bên trong, tôi vừa buông tay thì ba ngã đập mặt xuống. Tôi sợ phát khóc. Tôi không đỡ nổi ba nữa, anh rể tôi phải đỡ ba vào phòng. Ba ngồi trên giường, mắt mở không lên. Tôi và mẹ khuyên ba nên hoãn chuyến này lại. Ba mở mắt, lắc đầu nguầy nguậy, bảo nhất định phải đi. Chúng tôi chiều ba. Chú lái xe gần như khiêng ba xuống xe hơi. Ngồi trong xe, ba nhìn mọi người mỉm cười, yếu ớt bảo, lần này đi sẽ vui vì có cả nhà đi cùng. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, không ai dám nói một lời. Xe hơi lăn bánh ra sân bay. Ba mê man hẳn.
Đến sân bay, tôi chạy vào gọi dịch vụ xe lăn đã đặt. Theo nguyên tắc bác sĩ của sân bay đến khám cho ba trước. Khi đẩy ba trên xe lăn vào, ba vẫn không biết gì. Ông bác sĩ nhìn ái ngại, đo huyết áp, nhịp mạch, rồi lắc đầu bảo không bay được. Ba bị hạ đường huyết quá thấp. Chúng tôi đành phải đưa ba đi cấp cứu. Ai cũng tưởng ba tôi đã đi vào hôn mê do gan tổn thương, mà hôn mê gan thì không tỉnh lại nữa. Đến khi xe cấp cứu tới, ông bác sĩ gọi to tên ba, ba tôi lại giật mình thức dậy. Ai cũng mừng. Tôi đi theo ba lên xe cấp cứu. Thi thoảng ba mở mắt hỏi đến sân bay chưa, hay tới Trung Quốc chưa, hay đang đi đâu, rồi lại mê.
Ngày đầu nằm trong phòng hồi sức của bệnh viện, ban ngày ba mê man, đến ban đêm ba lại tỉnh. Khổ nỗi ban đêm người ta không cho người nhà bệnh nhân vào. Tôi về nhà mà trong lòng không yên. Hôm sau tôi vào, y tá bảo chưa đến giờ cho người thăm bệnh, nhưng sẽ ngoại lệ cho tôi vào với ba, vì cả đêm và cả buổi sáng ông cứ gọi và đòi tôi mãi. Tôi vào thì thấy ba mở mắt thao láo, vừa thấy tôi ông đã thốt lên rằng tôi đi đâu, ông gọi mãi mà không trả lời, rằng mấy cô y tá làm ông đau lắm, mà hỏi gì cũng không trả lời. Ba tôi ứa nước mắt, bảo tôi phải ở lại đây, không được rời ba, bảo rằng có tôi thì ba mới yên tâm được. Tôi cố kìm khóc, giải thích là người ta không cho vào, rồi hứa với ba sẽ ở đây luôn, không đi đâu nữa.
Người ta chuyển ba xuống khu khác để người thân có thể ở cùng qua đêm, nhưng lại phải chung phòng với một bệnh nhân khác. Ba luôn miệng đòi ra viện. Mẹ tôi bàn chuyển ba ra bệnh viện tư để có phòng riêng thoải mái. Bác sĩ đã đưa kết quả, bảo không còn hy vọng gì nữa, có giữ trong bệnh viện cũng chỉ là hỗ trợ thêm. Tình trạng của ba là tính theo ngày theo giờ, chứ không còn tính theo tháng nữa. Mật tắc và tràn ra máu, u to, thận và gan biến chứng. Tôi ngồi nghe, mặt thộn ra, chẳng tỏ vẻ gì. Tôi đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi cũng chẳng muốn nghe những khẳng định đó. Tôi đi theo ba sang bệnh viện tư, phòng ở rộng rãi thoải mái hơn nhiều. Ba hài lòng hơn. Mọi người đề nghị thay phiên nhau chăm ba, nhưng ba chỉ muốn tôi và anh rể ở lại, vì ba quen tôi chăm sóc, còn anh rể đỡ ba vào nhà vệ sinh.
Trong vài ngày sau đó, tôi sống luôn trong bệnh viện, nhìn ba nằm bất động trên giường, lúc mê lúc tỉnh. Ba tôi bảo bây giờ nhìn ai cũng hai đầu. Khi mê, ba nằm ngủ mở miệng mở mắt. Khi tỉnh thì ba nằm đó chớp mắt, mặt chán đời nhưng vẫn cố ăn. Có hôm giữa đêm, ba cố ngồi dậy, tôi chạy ra đỡ thì ba xua tay, bảo ba muốn tập tự đi, để sớm ra viện. Nhưng đến ngồi thẳng dậy ba cũng không ngồi nổi. Ba nghị lực đến mức ba chối bỏ cái đau, chối bỏ sự yếu sức của mình, chối bỏ những điều có thể xảy ra. Yếu vậy mà đầu ba vẫn sáng và nhớ mọi thứ, những khi ba tỉnh, ai đến thăm hỏi ba đều nhớ, không lú lẫn. Ung thư là căn bệnh độc ác, nó rút mòn và hành hạ thể xác nạn nhân, nhưng lại giữ đầu óc họ tỉnh táo để cảm nhận rõ những nỗi đau đó.
Ba ngày sau khi ba tôi chuyển sang bệnh viện tư, vào ban đêm, ba tôi tỉnh dậy, trợn trừng mắt, đưa tay xoa bụng mà không nói gì. Mới ngày hôm đó, ông vẫn nói chuyện bình thường. Tôi hỏi ông có đau không, nhưng ba tôi không trả lời, chỉ liên tục trừng mắt, đầu quay qua quay lại rồi đưa tay xoa bụng. Tôi chạy đi gọi bác sĩ, bác sĩ đến khám rồi cho ông một viên thuốc giảm đau, im lặng đi ra. Tôi cho ba uống, tôi biết ba tỉnh bên trong bởi ba vẫn uống được thuốc. Nhưng mỗi khi tôi hỏi, ông không thể trả lời, chỉ mở to mắt nhìn tôi. Cho ba uống thuốc xong, tôi tắt đèn và ra giường nằm. Ba lại quay nghiêng đầu, nhìn thẳng vào tôi với đôi mắt muốn nói nhiều thứ. Đôi mắt ấy chưa bao giờ rời khỏi ký ức tôi. Tôi lại bật dậy, mở đèn ra hỏi ba có muốn gì không. Nhưng vẫn thế, ba chỉ mở to mắt nhìn tôi chằm chặp, miệng há ra mà lời không thoát. Rồi từ từ, ba mê dần. Sáng hôm sau, ba tôi đi.
Đó là một ngày cuối tháng 9.
Kết thúc một tháng. Kết thúc một cuộc đời. Kết thúc một hy vọng.
Với tôi, nó là kết thúc một chặng đường. 
(Còn tiếp)
Tp Hồ Chí Minh mùa đông 2009
Võ Thanh Nga
Nguồn: http://www.viet-studies.info

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.