Trong một buổi tối ấm cúng dưới giảng đường trường ĐHKH XH&NV TPHCM đầu tháng năm, 2012. Mấy chục trò đủ lứa tuổi, thành phần, từ tóc xanh đến tóc điểm sương ngồi quây quần bên Thầy tôi, thầy Bùi Văn Nam Sơn. Chúng tôi thi nhau hát, đọc thơ, làm trò cho thầy vui vì hôm nay là sinh nhật thầy. Không hiểu sao ngày vui của Thầy mà chúng tôi cứ hát toàn bài buồn. Anh Lộc hát “Mùa thu chết”, tôi hát “Phôi Pha”… Lại có anh còn đọc bài thơ của Giang Nam rất thảm thiết “Giặc giết em rồi quăng mất xác…”. Sau nhiều nỗ lực để làm thầy vui (dù bằng những bài buồn), người hát và đọc thơ cuối cùng là một anh giọng miền Trung. Anh hát thì hiểu được nhưng khi anh kết thúc bằng một bài thơ của Bùi Giáng với giọng ngâm “trung ngữ” thì chúng tôi lại được thêm những nụ cười. Dù vậy, trong suốt buổi, Thầy vừa lắng nghe từng người một, vừa nhìn chúng tôi bằng ánh mắt âu yếm, tràn đầy yêu thương. Để kết thúc buổi tiệc sinh nhật, Thầy nói: “Có mấy câu chuyện về tình thầy trò của người xưa mà nhân đây, xin kể lại cho các bạn…”.
Tôi muốn ghi lại đây, như để lưu giữ một kỷ niệm về người thầy của chúng tôi. Để về sau, mỗi lần nhớ đến Thầy, không chỉ trong ký ức mơ màng mang máng, mà là những câu chuyện thật sinh động, để mỗi khi đọc lại, thì hình ảnh của Thầy sẽ không hề phai.
Câu chuyện thứ nhất- Khổng Tử khóc Nhan Hồi
Chúng ta ngồi đây, hiện tồn, nhớ về những người Thầy từ ngàn xưa. Như câu chuyện đức Khổng Tử khóc Nhan Hồi. Trong số các môn sinh, Khổng Tử biết được Tài, Đức của Nhan Hồi, vậy nên ông yêu trò ấy nhất. Yêu và tin tưởng. Nhan Hồi vốn rất nghèo. Đức Khổng Tử thường khen Nhan Hồi: “Hiền tai Hồi giả! Nhất đan tự, nhứt biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi giả, bất cải kỳ lạc! Hiền tai Hồi giả!” Nghĩa là: Hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!
Nhan Hồi mất lúc còn rất trẻ, mới 31 tuổi.
Khổng Tử hay tin, khóc trước linh cữu của trò. Lúc đầu khóc nhỏ, sau càng lúc càng to, càng ai oán. Các trò nhìn nhau ngạc nhiên khôn xiết. Xưa nay Thầy vốn là người luôn bình tĩnh và chính Thầy cũng dạy đừng làm điều gì quá mức. Đừng vui quá, cũng đừng buồn quá. Vậy mà hôm nay sao Thầy lại khóc thương thảm thiết như thế. Về sau, một trò hỏi sao lúc đó Thầy khóc khác thường. Ông chỉ la lên: “Trời hại ta! Trời đã hại chết ta!”.
Chuyện này, theo tôi hiểu thì ý Thầy tôi muốn nói Đức Khổng Tử biết Nhan Hồi mất thì những điều tốt đẹp hơn nữa muốn để lại cho đời sau cũng mất. Dù sau này còn có rất nhiều học trò của Khổng Tử cũng làm rạng danh Thầy bằng những công cuộc truyền bá Nho giáo bất tử. Tuy vậy, với Khổng Tử, Nhan Hồi vẫn là người mà ông biết không thể có người thứ hai. Điều đó làm Khổng Tử đau lòng không thể tả.* * *
Câu chuyện thứ hai- Có cần nói gì nữa không
Một hôm, trong mùa kiết hạ, Đức Phật đang ngồi tọa thiền. Chợt ông nghe có tiếng ồn ào náo nhiệt bên ngoài liền cho người tìm hiểu. Đệ tử vào thưa sở dĩ có tiếng ồn ào như thế là do các môn sinh từ phương xa tới an trú, anh em lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui không kể xiết. Đột nhiên Đức Phật giận dữ nói: “Bảo họ đi hết ngay đi, không được tá túc ở đây làm phiền não người khác”. Đệ tử ngạc nhiên vì lâu nay đâu thấy Thầy chưa từng bị động tâm một lần, sao hôm nay lại lấy làm giận dữ đến vậy. Nhưng vì thấy thái độ cương quyết của Thầy nên vội ra bảo các anh em hãy đi khỏi đi. Đi đâu đó tá túc tạm. Rồi sẽ tìm cách quay trở lại. Các vị môn sinh vội vã ra đi còn chưa hết ngỡ ngàng.
Mười ngày sau Đức Phật bảo đệ tử đi tìm hiểu các môn sinh phương xa ấy thế nào. Đệ tử đi tìm và về báo: “Dạ, đệ tử đi vào tịnh xá nơi các môn sinh đang ở, không nghe tiếng động nào nhưng gặp ai cũng mặt mũi hoan hỉ, học hành tinh tấn lắm”. Mười ngày sau Đức Phật lại nói đệ tử đi đến chỗ các môn sinh phương xa lần nữa xem họ thế nào. Đệ tử quay trở về nói: “Nơi tịnh xá không một tiếng động, anh em có phần hoan hỉ hơn, tinh tấn hơn”. Mười ngày sau, Đức Phật nói đệ tử gọi các anh em quay trở lại. Lần này, tất cả mọi người đều đến nơi, lặng lẽ ngồi quanh Đức Phật, vậy mà không nghe một tiếng động, một tiếng thở mạnh cũng không.
Thầy trò ngồi với nhau suốt buổi đến trưa, vẫn thấy Thầy không nói tiếng nào. Đệ tử rụt rè cất tiếng: “Thưa Thầy, Thầy nói gì đi ạ!”. Đức Phật vẫn yên lặng đến tối. Đệ tử lại hỏi một lần nữa: “Thưa Thầy, Thầy có gì nói với chúng con không?”. Đức Phật không trả lời một tiếng nào. Tất cả cứ ngồi yên lặng đến mờ sáng hôm sau. Lúc này đệ tử không còn kiên nhẫn, tha thiết hỏi Thầy: “Thầy ơi, Thầy nói gì với chúng con đi!”. Đức Phật mở mắt, nhìn tất cả mọi người: “Thầy trò ta đã bên nhau suốt mười mấy tiếng đồng hồ rồi, các con còn muốn ta nói thêm điều gì nữa”. Sau đó ai về nơi ấy nghỉ.
Thầy kết câu truyện: Chúng ta vốn hay thích nói nhiều. Đâu cần phải nói nhiều vì thật ra đâu có gì để nói nhiều. (Có khi chỉ cần ngồi bên nhau là hiểu được hết các điều muốn nói- NV).
* * *
Câu chuyện thứ ba: Đưa trò qua sông
Vị sư tổ thứ năm Thiền Tông Hoằng Nhẫn ngày đêm mong ngóng học trò hiền để trao y bát. Trong số môn đệ của ông, có Thần Tú vốn được các trò khác rất nể trọng vì sự học sâu, hiểu rộng. Nhưng với ngũ tổ, thì vẫn chưa đủ. Một lần ông gọi các môn sinh đến bảo mỗi người làm cho một bài kệ để ông xem. Các môn sinh khác đề cao Thần Tú, cho rằng không ai có thể hay hơn nên không làm. Chỉ riêng Thần Tú sau nhiều ngày trằn trọc, mới viết bài kệ cho thầy, treo ngay ở hành lang:
Thân như Bồ đề thọ/Tâm như minh kính đài/Thời thời thường phất thức/Vật sử nhạ trần ai.
Dịch là: Thân như cây Bồ đề/ Tâm như đài gương sáng/ Thường thường siêng lau quét/ Ðừng để dính bụi trần!Bài kệ để đã hai ngày, thầy đã xem mà chẳng nói gì. Tình cờ có một người chuyên làm việc sau bếp, lau dọn vệ sinh, đi ngang hàng lang, thấy chữ, hỏi một người đang đứng đọc cái bài đó viết gì. Người đó đọc lại. Nghe xong, vị này la lên: “trời ơi, ông này viết sai hết cả!”. Người môn sinh kia nhìn vị này khinh bỉ: “Ông đã không biết chữ thì biết gì mà nói người ta sai?”. Vị này quay sang nói: “Tôi tuy không biết chữ, nhưng cũng hiểu vài phần. Nay phiền ông viết hộ tôi một bài kệ bên cạnh bài này, thì mới biết rõ vì sao tôi nói vậy”. Người môn sinh kia lúc đầu có vẻ khó chịu, nhưng sau bị thuyết phục nên cũng đồng ý. Thế rồi, người làm bếp mới đọc để ghi như sau:
Bồ đề bổn vô thọ/Minh kính diệc phi đài/Bổn lai vô nhất vật/Hà xứ nhạ trần ai.
Dịch là: Bồ đề vốn không phải cây/Gương sáng cũng chẳng phải đài/Xưa nay không có vật /Chỗ nào dính trần ai!Hôm sau, ngũ tổ đi ngang, đọc bài kệ, nhận ra ngay đây mới là người chứng ngộ mà ông sẽ trao truyền y bát. Ông hỏi và biết được người làm bếp phía sau. Mấy hôm sau ông vờ xuống bếp, tiện tay vỗ vào cái thùng ba tiếng. Canh ba hôm đó, người nấu bếp, chính là Huệ Năng đến phòng ngũ tổ. Thầy nhìn trò mắt ngân ngấn nước. Ông đã thấy được vị kế tục nên không thể không lấy làm xúc động. Sau khi hàn huyên ông nói: “Bây giờ ta sẽ trao y bát cho trò. Nhưng để không gây ra đổ máu vì sự ganh ghét thói thường, con hãy nhận nó rồi ra đi ngay trong đêm nay. Hãy đi về phương Nam để sau này con tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp”.
Tiễn đưa Huệ Năng ra đến cổng, rồi lại đưa thêm một đoạn ra tận bến sông. Nhưng giờ đó cũng chẳng có ai chèo đò. Ông bèn tự tay chèo.
Thầy trò đưa nhau thật quyến luyến, thâm tình.
Từ vài lời của Thầy tôi mà tôi suy ra thế này: Cái tình thầy trò thật khó có thể tả, nó cũng quyến luyến, sâu nặng như tình yêu mà còn hơn cả tình yêu. Nó là tình yêu cao cả- sublime love. Người thầy thương yêu trò như yêu chính mình. Vì khi mất đi, ông dành tất cả những gì mình đã đeo đuổi cả cuộc đời để trao lại cho trò với niềm tin, lẽ sống và cả niềm tự hào vì đã có người học trò có thể tiếp tục sự nghiệp của ông. Chính vì lẽ đó mà Khổng Tử, Thích Ca hay các vị sư tổ thiền về sau, việc tìm được người học trò cũng chính là hạnh phúc của người Thầy.
Tôi không dám nghĩ ai có thể đem lại hạnh phúc cho Thầy tôi lúc này. Chỉ mong Thầy tôi được ở bên cạnh chúng tôi mãi mãi, để chúng tôi còn được chia sẻ với thầy những nổi đau không kham nổi mỗi ngày vẫn diễn ra hành hạ từng cơn. Dù những nỗi đau ấy làm tóc thầy thêm bạc, tuổi thầy thêm nặng, nhưng với thời thế này, tôi chắc Thầy cũng vẫn mãi mong cầu được tìm thấy hạnh phúc.
Trần Ngân Hà
Post Views: 173