Làm thêm không chỉ để mưu sinh

2
1118
Đã ba năm nay, cứ đều đặn một tuần ba buổi, nó đạp xe ngược về phía ngoại ô thành phố để làm gia sư – cái nghề đặc biệt dành riêng cho sinh viên như nó. Trên chiếc xe đạp “trành” đồng hành cùng nó hơn 10 năm nay, từ những năm tiểu học trên con đường mòn làng dốc, sỏi, quanh co trong kí ức xa lắc của nó cho đến tận bây giờ. Giữa dòng người tấp nập, có một mình nó lạc lõng với chiếc xe đạp cũ kĩ. Nó cứ bon bon, ung dung đi đi về về để nâng niu một mớ kiến thức thời phổ thông còn kịp giữ lại cho những đứa em – học trò của nó.
(Làm gia sư, Nguồn: Internet)
Bước vào năm nhất đại học, nó đã mon men đi làm thêm với ý định kiếm thêm chút tiền để tự trang trải cho việc học của nó, vì kinh tế gia đình nó hơi có phần khó khăn. Công việc đầu tiên và đeo đuổi nó mải miết cho đến tận bây giờ là làm gia sư. Nó vẫn thích gọi là “gõ đầu trẻ” hơn, mặc dù nó chẳng gõ được đầu một đứa học trò nào trong suốt ba năm làm “cô giáo”. Nó chọn việc hay việc chọn nó, chẳng nhớ nữa, chắc là cả hai, cũng có khi là duyên số. Nhưng việc đeo đuổi được cái nghề ấy gần suốt một thời sinh viên cũng chẳng phải dễ dàng gì. Hơn nữa, tiền lương cũng chỉ đủ cho nó trả tiền trọ hàng tháng.
“Phải thích mới làm được”, nhiều người đã nói thế, nó cũng nghĩ vậy. Nó thì yêu cái nghề giáo lắm. Ước mơ đã không thành hiện thực của nó cứ làm nó tiếc hùi hụi suốt mấy năm học đại học. Nó đã từng nghĩ: “làm giáo viên là được trở về thời học sinh của mình một lần nữa”. Vì thế nó mới đủ kiên trì để lóc cóc trên chiếc xe đạp “cà tàng” của nó suốt ba năm nay, qua những ngã đường vừa lạ, vừa xa lại vừa heo hút, qua mấy mùa nắng mưa, mấy lượt sớm tối… Có mấy mùa hè nó quyết định không về quê để ở lại làm gia sư. Bạn bè có người nói nó chịu khó, có người nói nó kiên nhẫn, cũng có người nói nó tự làm khổ mình. Còn ba mẹ sợ nó là con gái đi sớm về tối nguy hiểm… Nhưng nó vẫn bám lấy cái không hẳn là nghề của nó một cách “chân tình”. Vì không một ai hiểu được rằng đó chính là ước mơ, là đam mê của nó.
Nghe lời ba mẹ nên nó không chọn sư phạm cho con đường đại học của mình. Nó tiếc lắm. Nó nghĩ sẽ chẳng bao giờ nó được trở thành một nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp như ước mơ của nó. Nhưng làm nghề đi “gõ đầu trẻ” này khiến nó nghiễm nhiên được gọi là “cô giáo” và được tôn trọng như một “quân sư”. Nó cảm thấy hạnh phúc, tự hào vì ít nhiều thì cái ước mơ của nó cũng đã được thực hiện dù không chính thức.
Hằng ngày nó đến lớp bằng trách nhiệm của một người làm công ăn lương, bằng sự nhiệt tình của tuổi trẻ và hơn cả là bằng cái ước mơ của nó với vài ba đứa học trò chẳng nhỏ hơn nó là bao. Nó nhẫn nại nâng niu từng chữ cái, từng con số, từng vần thơ với từng đứa học trò như nó đã từng được những người thầy ân cần với nó trong mỗi bài học. Chính vì thế mà học trò của nó lưu luyến nó, cứ sợ nó hết thời sinh viên, phải lo bon chen với cuộc sống bộn bề mà không đến với chúng nữa. Mà cũng có lẽ vậy. Bây giờ có thể là ước mơ, nó ưu tiên cho cái ước mơ bị bỏ dở của nó. Nhưng tương lai của nó buộc nó phải chọn lựa, không thể chỉ vì cái ước mơ dù có biết bao yêu thương. Học trò của nó sẽ buồn và nó cũng sẽ buồn hơn rất nhiều. Dù sao, nó đã từng chọn hướng đi ngược về vùng ngoại ô chẳng mấy gần gũi suốt một thời sinh viên cho công việc làm thêm đâu chỉ vì mưu sinh…
Vũ Nhật Phương Thư

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.