Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 2: Khó khăn của ngành thủ công nghiệp

0
1487
Quyết tâm dùng tre, nứa, lá buông để xây dựng lại đất nước
 
Lúc bấy giờ, tại thành phố Hồ Chí Minh, ngành thêu và ngành may được xem là ngành tiểu thủ công nghiệp chủ yếu. Công việc chủ yếu của hai ngành này là làm gia công cho Liên Xô. Trong khi đó, các mặt hàng mây, tre, nứa không được chú ý và phổ biến, một phần vì không có nguyên vật liệu. Để khắc phục tình trạng này, chú T đã bỏ thời gian để lên rừng tìm hiểu về cây lá buông. Chú cho biết, sở dĩ ngành tiểu thủ công nghiệp ở ngoài Bắc phát triển được là nhờ có cây cọ. Ở miền Nam không có cây cọ thì cây lá buông là một trong những cách thay thế tốt nhất. Lúc đầu, người miền Nam chưa biết sử dụng cây lá buông. Tuy nhiên, sau quá trình chú T tự mày mò tìm hiểu và áp dụng thành công cây lá buông trong việc làm ra các sản phẩm thủ công nghiệp, loại cây này được đưa vào sử dụng ngày càng phổ biến hơn.
(Ngành mây, tre, đan, Nguồn: Internet)
 
Trong thời gian đầu, cây lá buông trở thành một trong những nguyên liệu quan trọng nhất trong việc sản xuất các mặt hàng thủ công nghiệp. Về sau, khi được báo Sài Gòn Giải phóng hỏi về những nỗ lực của chú T trong việc tìm và sử dụng cây lá buông, chú nói: “Ngày xưa, tổ tiên cha ông chúng ta đã dùng tầm vông vuốt nhọn để đánh giặc thì bây giờ mình cũng phải bắt đầu lại với việc dùng tre, nứa, tầm vông để xây dựng lại đất nước”. Lời tuyên bố đó đã trở thành một động lực để chú cống hiến hết khả năng của mình cho ngành tiểu thủ công nghiệp mây, tre, lá. Với thành công bước đầu đó, ngành thủ công nghiệp ở miền Nam đã khởi sắc hơn rất nhiều, đặc biệt trong việc giải quyết được công  ăn việc làm cho người dân thành phố. Các sản phẩm được làm từ cây lá buông đến tre, nứa, lồ ô ngày càng đa dạng. Một  số các mặt hàng chủ yếu thời bấy giờ có thể kể đến như quai chai (quai dùng để đựng rượu), mũ nón, các kiểu thảm loại lớn, nhỏ, mành thưa, các loại sọt, bồ đựng trái cây,… cho đến bàn ghế mây và các hàng thủ công mỹ nghệ. Giải quyết được vấn đề nguyên liệu là một bước rất quan trọng trong việc vượt qua khó khăn ban đầu của ngành thủ công nghiệp miền Nam lúc bấy giờ.
 
Trong cái khó, ló cái khôn
 
Khó khăn của ngành tiểu thủ công nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thiếu nguyên vật liệu mà còn liên quan đến cả một quy trình  từ sản xuất cho đến bảo quản sản phẩm mà ngành đã làm ra.
 
Trong quá trình sản xuất thủ công nghiệp, giấy nhám, vecni và keo dán  là những thứ rất quan trọng. Chú T kể rằng: ngày đó vì chất lượng sơn và keo dán không được đảm bảo đã làm cho các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài trở nên kém chất lượng và bị trả về. Việc làm ăn với các nước gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hợp đồng bị “bể” chỉ vì hàng của Việt Nam làm không đạt chất lượng. Lớp sơn của mành trúc bị đóng cục, dính lại với nhau do không khí nóng trong quá trình đóng thùng vận chuyển là một ví dụ. Ngoài ra, các loại keo dán mà chúng ta sử dụng cũng gặp vấn đề với không khí lạnh của các nước phương Tây. Các mặt hàng thủ công nghiệp của Việt Nam khi mang ra nước ngoài trở nên giộp, giòn, cong lên và tự  động bung ra hết.
 
Đứng trước những khó khăn đó, để cứu ngành tiểu thủ công nghiệp khỏi nguy cơ có thể phá sản do hàng hoá không đạt chất lượng, chú T đã  bắt đầu lao vào nghiên cứu để tìm giải pháp cho vấn đề này. Vốn là cử nhân hoá tốt nghiệp ở trường đại học y, chú T đã chế tạo thành công được keo dán. Theo lời chú kể, khi chế tạo thành công được keo, chú tiếp tục thành công trong việc chế tạo giấy nhám. Chú kể rằng, để làm giấy nhám, hồi đầu, chú dùng nguyên liệu là đá thạch anh. Chú xay đá thạch anh ra làm cát cho giấy nhám. Sau đó, vì thấy hiệu quả không được như mong muốn, chú tiếp tục với việc nghiên cứu oxit nhôm để làm bột mài cho giấy nhám. Lúc bấy giờ, chú chế ra thứ  bột mài này từ những lon coca phế thải được thu gom từ các bãi rác ở Long Bình. Trong bài báo “Sống Tin Mừng trong lòng dân tộc” in trong báo Thanh niên số xuân năm 1990 đã viết về chú T cùng với sự kiện này như sau: “Năm 1981, anh bắt đầu thấy ngành mây tre lá sẽ gặp phải một trở ngại lớn vì thiếu keo dán, vecni, và giấy nhám nên khó bề cạnh tranh với hàng Đài Loan trên thị trường. Anh xin nghỉ việc để tập trung thì giờ để nghiên cứu sản xuất các vật tư kĩ thuật này. Cơ sở sản xuất Hồng Việt  được thành lập để vừa sản xuất vừa thử nghiệm…. Hơn sáu năm gắn bó với nhà máy, sản phẩm ngày càng được cải tiến.” Với thành công này, chú T một lần nữa giúp ngành tiểu thủ công nghiệp miền Nam vượt qua khó khăn. Đồng thời, thành công này cũng mở ra cơ hội cho một ngành khác phát triển đó là ngành sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm làm bằng gỗ.
 
Về tất cả những thành công này, chú T nói rằng một phần có được là do điều kiện khó khăn của thời bao cấp. Chính cái điều kiện không hề có một chút thuận lợi cho việc sản xuất ấy đã liên tục thúc ép mình phải không ngừng sáng tạo để xoay sở kiếm sống. Thời  kì bao cấp đối với bản thân chú T là một thời kì đánh dấu những khám phá rất hay của sự mày mò, sáng tạo. Đồng thời, thời kì này còn ghi nhận những nỗ lực vượt lên khó khăn của con người Việt Nam thời bấy giờ. 
 
Ngọc Lưu
Các bài viết liên quan:
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 1: Bước đường gian nan của ngành tiểu thủ công nghiệp
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 3: Từ giấy nhám đến đá mài cho máy chà gạo 
Đời sống kinh tế thời Bao cấp ở miền Nam – Kỳ 4: Trên đường đi công tác
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 5: Câu chuyện về hai làng Bình Giã và Xuân Sơn
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 6: Làm sao để cứu các sản phẩm gỗ khỏi ẩm mốc?
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 7: Bộ hồ sơ xuất khẩu gỗ cao su đầu tiên ở Việt Nam
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 8: Nhìn về miền Nam sau ngày giải phóng
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ cuối: Ngày sau Đổi mới…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.