Sau ít ngày lên kế hoạch lập cư, mọi dự tính chưa được thực hiện. Giáo xứ được thông báo phải di chuyển đến cây số 10, nhường khu vực cây số 9 lại cho Giáo Phận Hà Nội để xây bệnh viện và đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thế là cha con lại lục tục dỡ lều bạt kéo nhau đến cây số 10 1 (khu vực giáo xứ Hoà Bình ngày nay).
(Trại định cư năm 1954, Nguồn: Internet)
Giáo xứ Lai Ổn được chia cho phần đất nằm về phía tay phải quốc lộ 1 (hướng Biên Hoà, Long Khánh). Phía trong là đường ray xe lửa. Phía bên trái đường là dân xứ Tràng Quan và một số dân của các giáo xứ khác đi theo cha Đa Minh Mai Đức Cận. Hai bên quốc lộ, người ta đã làm sẵn cho mấy căn nhà lợp tôn ghép ván. Cha xứ ở một căn, những căn còn lại tạm chia cho các họ để tùy nghi sử dụng. Giáo xứ dựng căn nhà bạt lớn ở trung tâm làm nơi thờ phượng, giáo dân căng bạt ở chung quanh theo họ đạo của mình. Ở đấy, người dân được cung cấp nước uống, thực phẩm và tiền theo nhân danh 2. Ngoài ra còn được cung cấp quần áo, đồ dùng, đồ chơi trẻ em. Khu vực này xa nguồn suối nên cha xứ phải lo sớm đào giếng để có nước sinh hoạt cho giáo dân.
Về mặt hành chính, người ta chia mỗi giáo phận di cư thành một trại. Mỗi trại có một vị linh mục làm trưởng trại và một Uỷ ban Định cư. Mỗi giáo xứ là một ấp. Mỗi ấp có một Ban Định Cư, trong đó vị trưởng ban cũng là trưởng ấp. Ban Định Cư cũng gồm các vị trùm đại diện giáo xứ dưới quyền của cha xứ.
Theo thông báo của toà Tổng Giám Mục Sài Gòn, các giáo xứ di cư không đủ số giáo dân cần thiết để giữ nguyên tên xứ cũ, thì phải kết hợp với các giáo xứ khác ở lân cận để thành lập giáo xứ mới.
Cha Đa Minh Đỗ Đức Thụ và cha Đa Minh Mai Đức Cận đã ngồi lại với nhau để thảo luận tìm ra một cái tên thích hợp cho việc thành lập xứ mới. Nhân dịp này, bà Tôma là một người Pháp gốc Việt, trước đây bà đã được cả hai cha giúp cho tị nạn chiến tranh tại giáo xứ, nay bà lại tìm đến thăm các cha và dân xứ Lai Ổn. Bà ngỏ ý muốn giúp giáo xứ, đặc biệt là những vật liệu cần thiết để làm nhà thờ, nhà xứ, hầu tỏ lòng biết ơn hai cha và dân xứ. Bà được biết hai cha đang băn khoăn về việc đặt tên cho giáo xứ mới, bà liền xin hai cha đặt tên xứ là Lộ Đức, quê hương của chồng bà ở Pháp (La Salette), cũng là nơi Đức Mẹ đã hiện ra 3.
Sau ít ngày cầu nguyện và thăm dò ý kiến của giáo dân, hai cha đã cùng lập đơn xin xứ lên Đức Cha giáo phận. Trong thời gian chờ đợi, hai cha cho giáo dân làm nhà thờ, vì đây là nhu cầu cấp thiết của người tín hữu. Hai cha cũng cho chức sắc của hai xứ cũ họp lại để bầu ra Ban Đại diện xứ.
1- Theo sự sắp xếp của Tổng Uỷ Di Cư. Tại vùng Hố Nai, mỗi giáo phận di cư được dành cho hai cây số theo quốc lộ 1 bắt đầu từ cầu Săn Máu (tức cây số 6) – Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hoá, Bùi Chu, Bắc Ninh – Kết thúc tại cầu Suối Đỉa.
2 – Mỗi ngày mỗi nhân danh được hưởng 6 đồng cho trẻ em và 12 đồng cho người lớn.
3 – Cha già Cận cũng là cha xứ cũ của giáo xứ Lai Ổn (1943 – 1948) – theo lời kể của cụ cố Lộng người họ Đồng Bằng: “Bà Tôma là người Việt lấy chồng Pháp ở giáo xứ Lộ Đức. Bà về Sài Gòn kinh doanh buôn bán. Năm 1940, chồng bà qua đời. Sau khi an táng chồng, bà lại về Hải Phòng lập thêm cơ sở kinh doanh. Năm 1946, Hải Phòng bị Pháp tấn công, bà chạy đến xin tá túc ở xứ Lai Ổn. Cha Cận cho phép bà đến họ Đồng Bằng và thầy già Tốn thu xếp cho bà ở với bà Thoa tại nhà phòng giáo họ. Bà rất giàu có.
Đức Khương
Các bài viết liên quan: