Nơi ký ức tù đày được tự do chia sẻ

0
759

Bảo tàng các chiến sĩ bị địch bắt và tù đày do ông Lâm Văn Bảng – một cựu tù Phú Quốc – gây dựng là bảo tàng tư nhân đầu tiên được công nhận tại Việt Nam năm 2006. Ông lưu giữ những ký ức vừa sống động vừa xót xa của chính mình và các chiến sĩ bị tù đày tại đây, với mong muốn không để một phần lịch sử đó bị quên lãng.

Bảo tàng của ông Bảng nằm tại thôn Nam Triều, xã Nam Quất, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, từ Quốc lộ 1 đi vào độ hai cây số. Đường vào thôn đang được bê tông hóa.

Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 2000m2 đất của chính gia đình ông Bảng, với kinh phí là sự quyên góp từ đồng lương ít ỏi của 25 anh em đồng đội và từ lòng hảo tâm của bà con địa phương. Hiện để duy trì hoạt động của bảo tàng, ông Bảng vẫn tự lấy tiền túi của mình để chi trả, cố gắng một tháng không tốn quá 3 triệu đồng.

Không phải vì hận thù hay nỗi đau, chỉ là trăn trở về tình đồng đội, về những tháng ngày bị lưu đày mà ông lập ra bảo tàng này. Trong khuôn viên có một miếu thờ nhỏ do ông cùng anh em cất công lấy đất từ các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Quảng Trị, Hàng Dương, Phú Quốc, Tây Ninh… thấm máu xương đồng đội về xây. Ông cũng đem cả chân hương từ các nghĩa trang và bàn thờ tại gia đình các chiến sĩ về, mà theo ông vì thế nên hương hồn các chiến sĩ cũng về theo.

Ký ức về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường anh dũng của các chiến sĩ được lưu giữ trong những hiện vật nhỏ bé mà chứa đựng những câu chuyện sống động. Đến nay bảo tàng đã có hơn 2.000 hiện vật, chủ yếu do ông Bảng viết thư cho ban liên lạc các tỉnh, thành, tìm địa chỉ của các cựu tù để đến xin kỷ vật về trưng bày. Có những hiện vật ông Bảng đã phải đến gia đình thuyết phục nhiều lần mới xin được, mỗi hiện vật là một hành trình vất vả của ông và các anh em.

Ngoài những kỷ vật của các chiến sĩ, bảo tàng còn tái hiện khu biệt giam A1 của nhà tù Phú Quốc, nơi 27m2 giam tới 180 người…

… hay tái hiện những hình thức tra tấn dã man mà các chiến sĩ phải chịu đựng. Mỗi lần thuyết minh trước những hình ảnh này, giọng ông Bảng không khỏi nghẹn đi. Ông nói thuyết minh không chỉ là truyền đạt thông tin đến khách tham quan, mà là kể lại câu chuyện của chính mình và các đồng đội.

Tất cả là để những câu chuyện về mặt trái của chiến tranh, những hy sinh chịu đựng đằng sau những chiến thắng và xương máu mà các chiến sĩ cách mạng đã để lại trong những xà lim, trên những nền đất nhà tù mãi là bài học lịch sử sống động cho các thế hệ sau này về tinh thần ngoan cường của cha anh.

Người cựu tù tóc bạc với đôi chân tập tễnh và nhiều vết thương từ những ngày tháng cũ vẫn tiếp tục rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm thêm hiện vật cũng như đem các hiện vật đi giới thiệu trưng bày lưu động. “Tôi chỉ dừng khi nào mà tôi không đi được nữa, nhưng lúc đó sẽ còn đồng đội của tôi, còn các thế hệ sau tôi. Những ký ức đó chắc chắn sẽ sống mãi”, ông quả quyết.

Đại An
Nguồn: Tuần Việt Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.