Người Eskimo không cần vay vốn tín dụng

0
711

BTKUXH – Trời mưa tầm tã, sét đánh ầm ầm. Giờ học môn Nhân học Kinh tế vừa xong, nó ngao ngán đội mưa ra trạm xe buýt. Một chuyến xe, rồi hai chuyến xe bỏ trạm không đón. Mặt nó ủ rũ hơn cả nhà lá gặp mưa, nghĩ đến cái viễn cảnh kẹt xe ở ngã tư, ngã sáu, nó chợt muốn… đi bộ. Cuối cùng cũng có chú bác tài “tốt bụng” chịu mở cửa xe.

Nó lại được về nhà rồi – nhà trọ. Ôi! Nhà trọ. Lại sắp đóng tiền nhà rồi nhỉ! Nó mượn chiếc khẩu trang che nụ cười méo mó khi nhớ lại câu hỏi của cô giáo lúc nãy. “Ba mẹ nuôi bao lâu thì con người mới biết tự kiếm ăn vậy mấy đứa?”.

“18 năm”.

“20 năm cộng thêm”.

Thật là xấu hổ cho cái sự tiến hóa của mình. Con chim non, con mèo con,… và hàng tá con “động vật con” nữa chỉ cần vài tuần đã có thể tự kiếm ăn. Vậy mà nó, “20 tuổi cộng thêm” vẫn trông chờ vào cha mẹ. Nó lo lắng đủ cả mọi thứ: tiền nhà, tiền học, tiền xe buýt, tiền ăn, tiền lung tung. Mà nói qua nói lại nó cũng chỉ biết… lo lắng và lo lắng. Hàng ngày nó làm mỗi việc là vác cặp đi học, vác miệng đi ăn và… vác chiếu đi ngủ. Kể ra thì nó có cái không xấu là khá ngoan và biết suy nghĩ. Nó biết nhà nó thiếu thốn, mẹ và các anh chị vất vả nên nó cố gắng học hành, chi xài tiết kiệm, ngày hè, ngày nghỉ về nhà phụ giúp gia đình kiếm đồng ra đồng vô. Thế nên cái khoảng vay vốn tín dụng sinh viên mà nó nhận được cũng đủ cho nó còn tiếp tục được ngồi ghế giảng đường. Một tháng 800 ngàn, tuy không đủ xài ở đất Sài thành đắt đỏ, nhưng rất cần để nó vượt qua khó khăn.

Trong đầu nó lại nghĩ không biết đã có tiền vay vốn chưa nhỉ! Tiền nhà là một nỗi, quan trọng nữa là học phí sắp đóng rồi. Mặt nó ủ rũ, lòng nó càng ũ ê. Nó vào phòng, thả cái ba lô nặng trịch sách với sách. Chị cầm tờ tuổi trẻ đưa nó. Một cái tít to đùng đập vào: “Vay nóng đóng học phí”. Bài viết cho biết Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam ngừng cho sinh viên thuộc diện khó khăn vay vốn tín dụng. Ngân hàng chỉ giải quyết cho những trường hợp hộ nghèo và cận nghèo. Trong khi việc xin giấy xác nhận nghèo và cận nghèo lại rất khó khăn do những tiêu chí đánh giá còn mù mờ. Quyết định hết sức bất ngờ và đột ngột này khiến cho nhiều phụ huynh rối bời, không biết lấy tiền đâu trang trải cho con đi học. Nhiều người phải đi vay nóng với lãi suất chót vót 12%. Nếu theo quy định mới thì có khoảng trên 70% sinh viên khó khăn đang vay vốn sẽ không được tiếp tục vay.

Nó ngồi lặng im, thấm thía cái tâm trạng của người trong cuộc. Nó nghĩ mà thương thân nó, thương những bạn đồng môn, đồng cảnh với nó. Chắc hẳn có rất, rất nhiều người khổ tâm vì quyết định này. Không lẽ 70% này lại kéo nhau mà về quê làm ruộng, làm công nhân giá rẻ sao? Bao nhiêu năm dùi mài, chen chút nghẹt thở để vào trường Đại học mà cam tâm từ bỏ hay sao? Muốn sống trong xã hội văn minh, phát triển thì phải có tri thức. Muốn có tri thức phải có tiền để học. Nghe có vẻ thật trơ trẽn, nhưng lại là thực tế.

Xếp tờ báo qua một bên, nó tựa đầu vào tường, mắt nhắm nghiền như tìm kiếm một điều gì đó phía ngoài hình ảnh thực. Cái đoạn phim dân tộc học về người Eskimo nó xem trên lớp. Họ dựng nhà bằng băng, thắp sáng bằng mỡ rái cá, sưởi ấm bằng lửa. Họ săn sư tử biển để ăn, lấy da thú làm áo chóng rét. Họ học từ thiên nhiên, sống cuộc đời tự tại của cư dân làm bạn với tự nhiên. Họ không cần xây nhà to, không cần mua xe máy, không cần tiện nghi, không cần mua thức ăn đã kiểm dịch… Họ không tốn tiền đến trường học cách săn sư tử biển, cách xây nhà bằng băng, cách chèo thuyền… Thế nên sẽ chẳng bao giờ họ cần đến vay vốn.

Nó lại nghĩ phiến diện và ngược chiều tương đối văn hóa rồi. Phải sửa chữa lại quan điểm thôi, đọc lại mấy cái lý thuyết. Rớt môn nào nữa thì lại khổ thân. Nó bỗng tâm đắc với cái bình luận của thằng bạn trên Facebook: “Sống trong đời sống cần có một đống tiền, làm gì bạn biết không? Để… sống chớ chi!”.

Người Eskimo sống đâu có cần tiền!!!

Thu Lam
Sinh viên năm 4, khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.