Đánh thức di sản Sài Gòn

0
1191

Trong khi nhiều du khách phàn nàn rằng đến TP.HCM ít chỗ tham quan thì nhiều di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn TP lại vẫn đang “ngủ quên”.

Chợ Bình Tây, khu chợ có lịch sử lâu đời nhưng chưa được đưa vào khai thác du lịch – Ảnh: Diệp Đức MinhTheo thống kê từ Tổng cục Du lịch, những năm gần đây, hằng năm TP.HCM đón hơn 20 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó hơn 4 triệu lượt khách nước ngoài, đem lại cho TP hàng tỉ USD mỗi năm. Thế nhưng, nhiều năm nay TP vẫn không có thêm nhiều điểm tham quan mới.


Ông Lê Tấn Tri, Giám đốc Công ty CP thương mại và lữ hành quốc tế Lạc Việt, bức xúc: “So sánh với Thái Lan, Singapore làm gì cho xa xôi, chỉ cần nhìn qua Lào, Campuchia đã thấy mình thua rồi. Du lịch muốn hấp dẫn phải thường xuyên tạo ra các điểm tham quan mới để thu hút khách trở lại, trong khi những điểm đến ở TP.HCM bao nhiêu năm nay vẫn vậy, cũ kỹ và nhàm chán…”.Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist, cho biết hiện Saigontourist vẫn đưa khách tham quan dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, chợ Bến Thành – cũng là các điểm mà hầu như công ty du lịch nào cũng khai thác cả chục năm nay. Ông cho rằng “nên sớm đưa các công trình kiến trúc cổ vào tour để có thêm nhiều địa điểm du lịch mới cho khách chiêm ngưỡng, tìm hiểu thêm về văn hóa TP”.Thấy mà tiếc

Đi trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, nhìn vào khuôn viên rợp mát của Tòa Tổng giám mục sẽ thấy một ngôi nhà nhỏ khiêm nhường, mái ngói phủ rêu, những hàng cột gỗ đen bóng. Ít ai biết đó là ngôi nhà cổ nhất của Sài Gòn xây cách đây hơn 200 năm. Lai lịch của ngôi nhà cũng hết sức đặc biệt.

Tài liệu ghi lại: “Năm 1790, Nguyễn Ánh trước khi lên ngôi đã cho cất một ngôi nhà bằng tre lợp tranh bên hữu ngạn rạch Thị Nghè, cho giám mục Bá Đa Lộc làm nơi ở trọ và dạy học cho hoàng tử Cảnh. Ngày 3.5.1797, thừa sai Lestrade gọi ngôi nhà đó là dinh Giám mục, mặc dù nhà làm bằng tre tranh như bao nhiêu nhà khác trên đất Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau này Nguyễn Ánh cho làm lại bằng gỗ lợp ngói và giám mục Bá Đa Lộc từ trần thì ngôi nhà được thừa sai Liot sử dụng. Năm 1911, khi xây xong Tòa Giám mục hiện tại, Đức Cha Mossard dời ngôi nhà gỗ lợp ngói về làm nhà nguyện”.Hiện tại thỉnh thoảng vẫn có du khách đến tham quan và xin chụp ảnh ngôi nhà. Theo bà Dung Hạnh, thư ký Văn phòng Tòa Tổng giám mục TP.HCM: “Hiện ngôi nhà nguyện cổ nhất Sài Gòn vẫn cử hành thánh lễ hằng ngày. Gần đây, khi Tổng thống Ý sang VN có ghé đây để dự lễ. Nhiều đoàn làm phim, khách du lịch nước ngoài cũng đến tìm hiểu, chúng tôi mở cửa cho vào nhưng cũng phải hạn chế vì đây không phải là điểm tham quan, du lịch…”.

Từng làm việc tại một đơn vị du lịch, nhạc sĩ Hữu Xuân tiếc rẻ: “Các công trình di sản văn hóa ở TP.HCM phong phú nhưng do không có sự liên kết với các đơn vị du lịch nên chưa khai thác được, do đó quanh đi quẩn lại cũng chỉ một vài điểm chính dễ làm cho du khách bị ngán”. Du khách đến TP.HCM hầu như chỉ biết đến chợ Bến Thành, trong khi có những khu chợ có lịch sử lâu đời và hoạt động buôn bán đặc thù như chợ Bình Tây, chợ Tân Định lại chưa được đưa vào tour một cách bài bản.

Việc đưa di sản vào tour còn gặp khó khăn do nhiều di tích chưa thể sẵn sàng đón khách. Năm ngoái, UBND TP.HCM đã ra quyết định phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo chùa cổ Giác Viên (Q.11), một trong 5 ngôi chùa cổ nhất TP.HCM với tổng mức đầu tư 51 tỉ đồng, thực hiện trong 2 năm (2015 – 2016) với mục đích bảo tồn di tích và để nơi này trở thành điểm tham quan du lịch. Thông tin này đã làm những người làm du lịch phấn khởi. Thế nhưng thầy Thích Huệ Quang, đại diện chùa Giác Viên, cho biết: “Chùa đang xuống cấp nặng, nghe sửa chữa thì mừng lắm nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì”. Một địa điểm được giới làm du lịch đánh giá khá hấp dẫn là di tích lò gốm Hưng Lợi nằm ven kênh Ruột Ngựa cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Chờ đến bao giờ ?

Nhà thơ Trương Nam Hương băn khoăn: “Tại sao ngay một số địa phương ở miền Trung đã đưa vào khai thác những hành trình di sản mà TP.HCM lại chưa thể làm? Việc thu hút khách tham quan di tích sẽ tạo ra nguồn kinh phí lớn để tôn tạo di tích, không phải trông chờ vào ngân sách nhà nước”. Đại diện Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM mong muốn: “Làm thế nào để vừa phát huy giá trị di tích, vừa tạo kinh phí trùng tu, tôn tạo là việc nên làm. Hiện nay, dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi và lăng ông Bà Chiểu đã tạo được các nguồn thu ổn định từ vé vào cửa và tiền công đức”.

Trả lời PV Thanh Niên, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, khẳng định: “Đã đến lúc chúng tôi và Sở Du lịch phải cùng ngồi lại với Hiệp hội Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch và các đơn vị lữ hành để bàn cho ra vấn đề đưa di sản vào tour du lịch. TP.HCM có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ, kiến trúc nghệ thuật, bảo tàng, khu sinh quyển… đó là những tài sản vô giá. Đối với một số công trình nhà nước chỉ quản lý nhưng không phải là chủ sở hữu, Sở cũng sẽ trao đổi với các tổ chức tôn giáo, đoàn thể, UBMTTQ VN TP.HCM để tham mưu trình UBND TP có chỉ đạo để có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng đưa các di tích xưa, có giá trị văn hóa của TP.HCM đến với người dân và khách du lịch quốc tế”.

Lãng phí chuỗi di tích phong phú“Trong quá trình đi khảo sát, chúng tôi nhận thấy tiềm năng du lịch của TP.HCM còn nhiều lắm. Không chỉ có nhà cổ đầu tiên, chùa cổ Giác Viên mà còn có cả chuỗi những di tích lịch sử phong phú. Hệ thống bảo tàng nhiều nhưng hiện chỉ có Bảo tàng Chiến tích chiến tranh là “ăn nên làm ra”. Đến địa đạo Củ Chi khách đâu chỉ xem hầm hào mà nên “mở” du lịch cho khách về tham quan các vùng quê yên bình tại đây. Nếu không chịu đầu tư mở các điểm du lịch mới, TP.HCM sẽ chỉ là điểm trung chuyển khách đi nơi khác và tiếp tục lãng phí di sản”.Ông Nguyễn Văn Mỹ,
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty dã ngoại Lửa Việt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.