Bài diễn văn lừng lẫy của Phan Châu Trinh đọc tại Sài Gòn năm 1925 (4)

0
973
 SAO GỌI LÀ DÂN CHỦ?

Câu này ở Châu Âu thì không cần phải cắt nghĩa cho nhiều, nhưng mà ở trong xứ mình thì tôi cắt nghĩa mau mau để cho người ta hiểu cái đại lược. Lịch sử – bất cứ là dân nước nào số người học thức  cũng là phần ít cả, thường thường nhờ cái đảng thượng lưu, trung lưu dìu dắt nó đi ấy lẽ thường. 

Nhưng mà duy có dân châu Âu khác với dân ta có một việc; là từ khi bắt đầu mới khởi ra thì họ cũng sùng trọng quân chủ. Nhưng không biết thế nào hồi nước Hy Lạp họ lại có cái hộ gọi là Trưởng giả hội nghị, thì do ông vua nhóm họp lại những bậc quí tộc mà lập pháp luật ban cho dân. Lại có một cái hội tên là Quốc dân hội nghị, phàm những luật lệ mà ông vua cùng những người quí tộc đã đặt ra thì phải giao cho hội ấy xem có bằng lòng thì mới được làm. 
Sau đến nước La Mã thì có hội nghị “một trăm người” thì lấy trong quân lính mà sắp đặt ra hội ấy, phàm xứ ấy có việc gì lôi thôi thì hội ấy bàn. Còn sau đến hồi dòng vua La Mã đã mất, thì có một cái hội “La Mã nguyên lão viện”, lại một hội “La Mã bình dân viện”. Cho nên sau khi La Mã đổi làm đế quốc chuyên chế mà cái phép La Mã cũng phát đạt luôn luôn. Bây giờ các nước đâu đâu cũng bắt chước La Mã cả. Trong một lối từ khi mọi Nhật Nhĩ Man tràn xuống phá La Mã đế quốc, các nước châu Âu được độc lập hết cả, thì cái chính thể hội nghị ấy đã mất đi đến mấy trăm năm. Lạ lùng thay người nước anh còn giữ lại được gọi rằng “Nhân dân hội nghị”, “Hiền giả hội nghị”, hai hội ấy đều là vua nhóm những kẻ tài trí trong dân gian để giao cho cái quyền “lập pháp”. Đến nay thành ra cái Hạ Nghị Viện của Anh bây giờ, mà đến thế kỷ 17-18 lại truyền bá ra cả lục địa châu Âu. Ấy là nói lược qua cả lịch sử dân quyền châu Âu. 
ĐÂY TÔI XIN NÓI QUA CHÍNH THỂ DÂN CHỦ LÀ THẾ NÀO? 
Bây giờ bên châu Âu trừ nước nào dân còn ngu dại, còn thì theo chính thể dân chủ. Đây tôi nói về cái chính thể bên Pháp – ở trong nước có một Hạ Nghị Viện quan hệ nhất. Số nghị viện thì trên dưới sáu trăm, dân đúng hai mươi mốt tuổi trở lên thì ra bầu cử. Dân hai mươi lăm tuổi trở lên thì được ra ứng cử. Được cử rồi thì gọi là Hạ Nghị Viện. 
Số phận của nước Pháp cầm ở trong tay cái hội ấy, hội ấy thì chủ quyền để lập pháp luật. Thứ nữa có một Nguyên Lão Nghị Viện. Cái viện ấy lại không phải dân cử. Các hội đồng ở các tỉnh các hội nào mà nhà nước đã nhận có cái nhân cách, và những người làm việc nhà nước thì lại ra ứng cử. Hội ấy thì để coi về việc tiền bạc. 
Khi nào bắt đầu đặt Tổng Thống, hay là thiếu mà đặt lại, thì hợp số người trong hai viện ấy lại làm bỏ thăm. Người ta ứng cử cũng là ở trong hai viện ấy. Ai được nhiều thăm thì làm Tổng thống. Khi Tổng thống đã được bầu cử rồi, thì phải thề trước mặt hai viện ấy rằng: “Cứ giữ theo hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy thì dân cứ trục xuất ngay”. 
Trước thì có Mac Mahon, sau thì có Millerand bị cách chức, cũng vi phạm hiến pháp. Còn chính phủ thì cũng bởi trong hai viện ấy mà ra. Nhưng mà giao quyền cho đảng nào chiếm số nhiều ở trong hai viện ấy thì được tổ chức Quốc vụ viện (tức là chính phủ, tòa nội các). 
Theo Quốc vụ viện bây giờ chừng đâu cũng đến vài chục bộ, nhưng không phải ăn rồi ngồi không, vênh râu lên đó như mấy ông Thượng thư ta đâu. Ông nào cũng có trách nhiệm ông ấy cả. Nếu cái gì  mà làm không bằng lòng dân, thế nào cũng có người chỉ trích. Bởi vì ở trong hạ nghị viện thế nào cũng  có hai đảng, một đảng tả một đảng hữu; nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước thì đảng hữu xem xét chỉ trích; cho nên có muốn làm bậy cũng khó lắm. 
Trong nước đã hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng hiến pháp. Cái quyền chính phủ cũng bởi hiến pháp qui định cho, lười biếng không được, mà dẫu muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nào, từ ông Tổng Thống cho đến một người nhà quê cũng đều chịu theo một pháp luật như nhau. 
Các quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử đoán thì giao cho các quan án là những người đã học giỏi luật lệ, có bằng cấp. Các quan ấy thì chỉ coi về việc xử đoán, có độc quyền độc lập, cứ theo lương tâm công bình, chiếu theo pháp luật mà xử, xử chính phủ cũng như xử một người dân. Các quan án ở về một viện riêng gọi là Viện Tư Pháp. Quyền tư pháp cũng như quyền hành chính của chính phủ, và quyền lập pháp của nghị viện, đều đứng riêng ra không họp lại trong tay một người nào. Đây là nói sơ lược mà thôi, muốn hiểu kỹ cái chính thể dân trị thì phải chuyên môn mới được. Xem vậy thì biết dân trị tức là pháp trị (lấy phép mà trị người). 
Vì quyền lợi và bổn phận của mọi người trong nước đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi tự do. Muốn bước tới bao nhiêu cũng không ai ngăn trở, chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền lợi của người khác thì không được. Vì đối với pháp luật thì mọi người đều bình đẳng không có ai là quan, ai là dân cả.
 * * * 
So sánh hai chính phủ quân trị và dân trị, ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều đình mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được ấm no vui vẻ là phải đói rét khổ sở chỉ tùy theo lòng của người chăn. Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấy. 
Dù không có người giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nỗi phải đè đầu khốn nạn làm tôi mọi một người, một nhà, một họ nào. Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân nào ngu dại cứ ngồi yên mà nhờ trời mà mong đợi mà trông cậy ở vua, ở quan, giao phó tất cả những quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay là một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh em chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước , mới mong có ngày cất đầu lên nổi!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.