Viết cho em, thiên thần của tôi

0
894
Tôi gặp em trong một lần đi công tác xã hội cách đây 4 năm (11/2006) vào ngày Hội dành cho người khuyết tật tại công viên Văn hóa Đầm Sen.

Em có một cái tên thật dễ thương: TƯƠI. Cái tên đó không giống như cuộc đời đầy héo hắt của em.


Em Tươi (bên trái) và người viết.

Em chào đời trong một gia đình nghèo tại một vùng quê sóng sánh sông nước: Tiền Giang. Em xinh xắn, dễ thương, lúc nào cũng cười vì thế ba má đặt cho em cái tên như em vốn thế: Nguyễn Thị Hồng Tươi… Tuổi thơ em êm đềm trôi qua và có lẽ em sẽ có một tương lai tươi sáng, rạng ngời… nếu như, vâng, nếu như không có cơn sốt kéo dài lúc em lên ba. Sau cơn sốt nghiệt ngã ấy cuộc đời em rẽ sang một trang mới, u ám và ảm đảm hơn, bởi vì một lẽ đau lòng: hai chân của em đã bị teo và em không thể chạy nhảy như những đứa trẻ khác. Người bạn thân thiết của em bây giờ là chiếc giường đặt ở góc nhà.

… Rồi em đến tuổi đi học. Nhìn các bạn đồng trang lứa cắp sách tới trường, em khóc, những giọt nước mắt thèm thuồng, đầy tủi thân và chất chứa đâu đó là sự mặc cảm đang lớn dần lên trong em. Em nài nỉ đòi ba má cho em được đi học. Và thế là, em cũng được đến trường như bao đứa trẻ khác, nhưng em đến trường trên đôi lưng của ba và má. Tám tuổi em học lớp một.

Việc đến trường của một đứa trẻ ở miền sông nước vốn dĩ đã khó khăn huống chi là em – một đứa trẻ bị liệt cả hai chân. Dù nắng, hay mưa ba (má) vẫn cần mẫn cõng em leo gần cả chục cái cầu khỉ để đưa em đến trường. Những ngày đầu tiên ở trường, thật thích thú biết bao với những con chữ, con số; em háo hức đánh vần, làm toán … Vui là thế, hạnh phúc là thế, nhưng làm sao có thể che dấu trong em một nỗi buồn thăm thẳm, một sự mặc cảm quá đỗi. Giờ ra chơi, em chơ vơ giữa lớp học trống không, không ai chơi với em cả. Những giọt nước mắt cô đơn, tủi thân lặng lẽ rơi trên bầu má trẻ thơ…

Hết lớp một, em nằng nặc đòi ba má cho em nghỉ học. Mặc cho ba má nói thế nào đi chăng nữa em cũng nhất quyết không chịu đến trường. Và em thất học từ đó, …

Cũng từ đó, cuộc sống của em là những chuỗi ngày dài chở đầy một nỗi niềm, một nỗi đau nghẹn lòng khi mà càng ngày em càng nhận ra cuộc sống trao ban cho em thật nhiều bất công. Sự u uất đó chỉ làm cho sự tự ti trong em trào dâng.

Một ngày nọ,…

Nhờ thông tin của người hàng xóm, ba má em biết được một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và đã gởi em vào trung tâm đó để học nghề trong vòng một năm. Cuộc sống nội trú ở trung tâm dạy nghề khuyết tật Q.12 đã làm cho cuộc đời em thay đổi “Ồ, hóa ra vẫn còn nhiều người bất hạnh hơn cả mình nữa”. Em vui vẻ hơn, bớt đi sự mặc cảm và hòa nhập rất tốt với cuộc sống ở trọ cùng với các bạn khuyết tật ở nhiều miền quê khác nhau. Họ đến đây đều có chung một mục đích: để thấy rằng mình là một người có ích cho xã hội, với mong muốn nhỏ nhoi là mình có thể tự lao động và có thể tự lo cho bản thân.

Cô bé rụt rè, nhút nhát, tự ti ngày nào bây giờ đã là cô công nhân may dễ thương của công ty may Việt Hưng (Q.12). Em là một trong những công nhân khuyết tật được ban lãnh đạo đánh giá rất cao về tay nghề và sự chăm chỉ, cần cù trong lao động. Thỉnh thoảng em vẫn gọi điện hồ hởi khoe với tôi: “Tháng này em được tăng thêm tiền vì làm vượt năng suất, vui quá chị ơi…” tiếng em cười rộn rã. Mừng cho em bao nhiêu, tôi lại thầm cám ơn em bấy nhiêu, nhờ em mà tôi có thêm sức mạnh để vượt qua những thất bại trong cuộc sống. Cám ơn em, thiên thần của tôi …

Kim Liên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.