Nhật ký điền dã: chuyện về đời sống công nhân (2)

0
760

BTKUXH – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. BTKUXH xin chân thành cảm ơn tác giả Kim Liên đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 03/2008, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những câu chuyện về đời sống công nhân”.

Những câu chuyện về đời sống công nhân: Phần 2

Chủ nhật, ngày 06 tháng 04 năm 2008

Ngày điền dã thứ hai tại đại bàn đã cho tôi thêm nhiều mối quan hệ hơn, có cơ hội để biết thêm về những người công nhân đến từ nhiều vùng của đất nước và cuộc sống của nơi mà họ đến làm việc và sinh sống và tôi còn hiểu được thêm những tâm tư, ước muốn của người người công nhân – những người trực tiếp là ra sản phẩm cho xã hội- nhưng vị trí của họ lại không được đánh giá cao, thậm chí còn hết sức tồi tệ khi mà cuộc sống của họ còn phải đấu tranh với những chuyện như: lương thấp, không được hưởng những quyền lợi căn bản của một người công nhân và phải cố gắng để sống trong những khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội, không tốt cho sức khỏe. Nhưng hơn hết mọi chuyện là việc người công nhân đang rất khốn khổ trong cơn “bão giá”.

Có cơ hội được gặp gỡ với các công nhân mà hầu như là những còn rất trẻ nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà họ đến đây để làm công nhân: trình độ học vấn hạn chế, gia đình khó khăn không thể học tiếp, … nhìn những khuôn mặt mệt mỏi sau một tuần làm việc tôi chợt thấy chạnh lòng quá, cuộc sống công nhân đối với họ là đến công ty làm, rồi về nhà ăn uống, giặt giũ là đi ngủ, ngày mai lại tiếp tục một cái khuôn mẫu đã định sẵn như vậy, và chẳng biết từ bao giờ họ trở nên thờ ơ, lãnh đạm với những hoạt động tập thể, họ quên đi những niềm vui của tuổi trẻ mà thay vào đó là tâm trạng chán chường không muốn tham gia một hoạt động nào, mặc dù hồi trước lúc còn ở quê, họ là một người sinh hoạt Đoàn rất năng nổ. Phải chăng cuộc sống mưu sinh, bươn chải để kiếm đồng tiền đã làm họ trở thành một con người suốt ngày lao vào cuộc chiến với đồng tiền mà quên đi những phút giây dành cho bản thân?

Khi nói chuyện với những người công nhân trong các xóm trọ trong lòng tôi luôn khắc khoải câu hỏi đó. Việc kiếm ra được nhiều tiền đối với họ quan trọng hơn là việc tham gia các hoạt động đoàn thể. Mà dường như những hoạt động đoàn thể nằm ngoài sự quan tâm của họ khi mà những thời gian rảnh rỗi họ thường dành vào những việc khác. Như anh Trọng kể thì những lúc rãnh rỗi anh thường dẫn người yêu đi chơi hay là đi nhậu với bạn bè, hay như anh Khoa (20 tuổi – quê ở Bình Thuận), anh nói là trước tết anh hay gởi tiền về cho gia đình nhưng sau tết đến giờ thì giờ anh rất ít khi gởi tiền cho gia đình vì toàn đi “nhậu” với bạn bè. Nam giới có những thú vui, giải trí khác với nữ, nữ thì sau những giờ tan ca thường đi ăn chè, uống nước- nói chung là những thứ không tiêu hao quá nhiều tiền, vào ngày chủ nhật họ cũng thường đến phòng trọ nhau chơi.
Làm công nhân với mức lương quá thấp, phần lớn là chỉ đủ sống và tích góp được chút ít cho bản thân hoặc gởi về cho gia đình thì việc mua đất, xây nhà là một điều nằm ngoài tầm tay của họ, và hầu như là không thể nhưng trong lực lượng công nhân đông đảo ấy vẫn có một số ít các công nhân đã thực hiện được điều mà nhiều người mơ ước, họ có thể tự lực mua đất, xây nhà như trường hợp của chị Nga và anh Trọng, chị Hiền. Phần lớn họ nhờ sự giúp đỡ về tài chính của người thân và sau đó họ tích góp để trả lại tiền cho người thân, có người thì lại chơi hụi để tích lũy tiền mua đất. Việc có nhà tại Thành phố này đối với họ như là một sự ổn định, một sự chắc chắn và không còn là một cuộc sống tạm bợ nữa. Và cũng đồng nghĩa với việc họ chọn Thành phố này làm quê hương thứ hai và có lẽ họ chấp nhận làm công nhân mãi.

Trong cuộc sống mưu sinh, người công nhân càng gặp thêm nhiều khó khăn khi họ bắt đầu lập gia đình và sinh con. Việc có thêm một thành viên trong gia đình là niềm vui cho đôi vợ chồng và đi kèm theo đó là nỗi lo lắng khi đứa trẻ ra đời với biết bao chi phí cho thành viên “nhí” này: chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, chi phí cho nhà trẻ, … với đồng lương “còm cõi” của một gia đình làm công nhân thì làm sao có thể trang trải những phí tổn này. Họ phải “gồng” mình để nuôi con trong điều kiện kinh tế của gia đình. Và dĩ nhiên việc sinh con thứ hai không hẳn là sự mong muốn của nhiều gia đình công nhân. Như trường hợp gia đình chị Nga, mặc dù có nhà riêng tại đây nhưng với hai đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi học thì đồng lương công nhân của hai vợ chồng cũng khá là chật vật trong việc chi tiêu gia đình và việc học hành của hai đứa con. Và chị Nga cũng cho biết là chị chỉ làm công nhân thêm một thời gian nữa chứ không thể làm đến tuổi nghỉ hưu, vì chị nghĩ là không đủ sức khỏe vì hiện tại ngày nào cũng phải làm việc tăng ca (14 giờ/ngày). Điều này cho thấy, cách riêng là chị Nga và nói chung là công nhân của công ty chị đang bị bóc lột sức lao động ghê gớm. Nhưng họ chấp nhận để có đồng lương khá hơn. Tôi gặp nhiều công nhân cũng tương tự như tình trạng trên, phải nói một điều hết sức tàn nhẫn là vì đồng tiền nên công nhân thích tăng ca để có thêm tiền. Trong khi người ta chỉ làm một ngày 8 tiếng thì người công nhân lại không muốn như vậy, khi vào làm một công ty ít tăng ca thì họ có vẻ không thích vì tăng ca nhiều thì sẽ có thêm tiền cộng vào khoản lương cố định của họ. Điều này giúp cho họ có thêm tiền trang trải cho cuộc sống. Nhìn lướt qua thì ta thấy sự bất hợp lý trong việc lựa chọn tăng ca hơn là không tăng ca nhưng khi đi sâu vào “câu chuyện đời công nhân” tôi hiểu đó là sự lựa chọn hợp lý trong hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, sự lựa chọn hợp lý đó tiềm ẩn bên trong là sự xung đột liên lỉ giữa công nhân với các chế độ giờ giấc lao động, lương bổng, các ưu đãi mà công ty dành cho họ. Xung đột xảy ra khi quyền lợi, lợi ích của một bên bị tổn hại. Sự xung đột này phần lớn ở dạng tiềm ẩn, những xung đột công khai được biểu hiện dưới những ý kiến công nhân kiếm nghị lên Ban giám đốc công ty và đỉnh điểm của sự xung đột chính là các cuộc đình công, trong thực tế điều này đã xảy ra tại các công ty thuộc khu chế xuất Linh Trung.

Trong hai ngày làm việc tại đây tôi nhận thấy hầu hết đời sống tinh thần của người công nhân rất hạn hẹp, bó gọn trong những hoạt động thuộc về sinh hoạt cá nhân nhiều hơn là các hoạt động tập thể. Và nhiều người đổ lỗi cho hoàn cảnh là do thời gian làm việc quá nhiều, họ không có thời gian để tham gia các hoạt động tập thể. Nhưng tôi lại cảm thấy một vấn đề khác bên cạnh yếu tố khách quan là sự tồn tại của nguyên nhân chủ quan. Qua cách nói chuyện của một số người tôi có cảm giác dường như tính cách của bản thân họ ảnh hưởng, chi phối nhiều đến các quyết định tham gia các hoạt động tập thể của họ chứ không hoàn toàn là do môi trường tác động. Tuy nhiên, ít người lại nhìn nhận thẳng thắn điều này.

Và một điều nữa không thể phủ nhận là ở hai khu phố 3 và 4 hầu như không tổ chức một hoạt động đoàn thể nào cho công nhân tham gia trong khi đó, ở hai khu phố này số lượng tạm trú công nhân rất lớn. Ở khu phố 4 , trước đây được biết cũng có Đoàn tổ chức cho công nhân sinh hoạt, giao, công nhân tham gia khá nhiều, tuy nhiên, chỉ hoạt động được một thời gian, đến nay thì đã không còn hoạt động, qua tìm hiểu công nhân được biết họ rất thích những hình thức hoạt động của Đoàn tại khu phố nhưng không hiểu sao hoạt động này lại tạm dừng. Nhìn chung, cơ quan chức năng ở hai khu phố vẫn chưa có những hình thức quan tâm đến đời sống công nhân xa quê, vẫn chưa có những hoạt động thiết thực để hỗ trợ người công nhân, việc họ quan tâm là chủ nhà trọ phải đóng tiền thuế cho thuê trọ. Trong khi công nhân ở đây rất nhiều lại là những người tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ không có điều kiện, môi trường để thể hiện sự nhiệt tình, vui tươi, hăng hái trong các hoạt động tập thể. Điều này vô tình đã làm cho người công nhân thui chột đi sự năng động của tuổi trẻ mà thay vào đó là sự chán chường, thờ ơ với các hoạt động xung quanh, cái họ miệt mài lúc này chỉ là những đồng tiền trong cuộc sống bon chen nơi đô thị. Đã đến lúc các cơ quan chức năng vào cuộc. Vai trò cảu người công nhân đang ngày càng bị tụt xuống “tầng lớp thấp”, mặc dù họ được xem là những người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cho xã hội, vai trò của họ quan trọng là thế nhưng mấy ai đánh giá cao vai trò của họ, thể hiện qua việc các công ty trả lương cho công nhân rẻ mạt, các quyền lợi không được hưởng một cách chính đáng, đời sống tinh thần của công nhân cũng được các công ty quan tâm nhưng chỉ ở một giới hạn nhất định nào đó, mặt khác, chính quyền địa phương cũng không quan tâm đến đời sống công nhân, bên cạnh đó, trong con mắt của những người xung quanh cũng không đề cao vai trò của người công nhân, họ bị xem thường. Người công nhân thật thiệt thòi nhiều thứ.

Kết thúc ngày điền dã thứ hai.

Kim Liên
(học viên Cao học ngành XHH, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.