Nhật ký điền dã: chuyện về đời sống công nhân

0
906

BTKUXH – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. BTKUXH xin chân thành cảm ơn tác giả Kim Liên đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 03/2008, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những câu chuyện về đời sống công nhân”.

Những câu chuyện về đời sống công nhân: Phần 1

Chủ nhật ngày 30 tháng 03 năm 2008

Cái nắng gay gắt của tiết trời tháng ba cũng khiến cho người đi đường phải ái ngại vì sự nóng nực và khó chịu của nó, và tôi cũng không nằm ngoại lệ đó. Nhưng khi đặt chân đến khu phố 3, tôi đã quên khuấy đi cái sự khó chịu về thời tiết, bởi vì tôi đã bị cuốn hút vào sự nhộn nhịp của khu phố này, và điều đặt biệt là nhà chú tổ trưởng nơi chúng tôi đến lại gần một khu chợ tự phát vì thế mà sự nhộn nhịp, tấp nập ở đây là điều dễ hiểu huống hồ ở đây lại tập trung rất nhiều khu nhà trọ dành cho công nhân. Không khí sôi nổi đó khiến tôi phấn chấn hẳn và sẵn sàng cho những cuộc gặp gỡ sắp tới. Tuy nhiên, trước sự hớn hở của chúng tôi thì đáp lại là sự uể oải, mệt mỏi và chán chường của chú tổ trưởng, có vẻ như chú không hứng thú với sự xuất hiện của chúng tôi mà chú chỉ làm vì trách nhiệm mà thôi. Tôi cũng biết được một thông tin từ chú H khi chú nói rằng làm tổ trưởng thì cũng chẳng được gì ngoài việc được miễn thuế cho thuê nhà trọ. Nhìn chú tổ trưởng và vợ chú nhiều lúc tôi cũng cảm thấy buồn cười vì sự trái ngược của hai vợ chồng, vợ thì tươi trẻ và tràn trề sức sống vậy mà chồng thì dật dờ, thất thểu, giống như là đang phải mang trong mình một căn bệnh nan giải nào đó. Nhưng mà thôi, tại sao tôi cứ phải bận tâm làm gì về những điều đó, điều quan trọng là tôi phải làm sao để tiếp cận được các công nhân kia mà.

Chú H dẫn chúng tôi đến các khu nhà trọ để gặp gỡ công nhân, và không ít những người có tên trong danh sách mẫu không có mặt ở nhà vì nhiều lý do: đi chơi, đi làm, … và cũng có một số trường hợp đã không còn ở khu nhà trọ đó nữa mà đã về quê, vậy là chúng tôi đang gặp khó khăn về vấn đề mẫu.

Buổi chiều chúng tôi di chuyển qua khu phố 4, tình hình ở khu phố 4 cũng có nhiều nét khác nhau về cơ sở hạ tầng và chất lượng nhà trọ so với khu phố 3, nhưng đời sống công nhân nhìn chung cũng tương tự như nhau.

Sau khi gặp gỡ, tiếp xúc với công nhân ở cả hai khu phố 3 và 4, tôi nhìn nhận thấy một số vấn đề sau:

* Khác nhau:
– Điều kiện về ăn ở, cơ sở hạ tầng ở khu phố 4 tốt hơn khu phố 3: phòng trọ sạch sẽ, thoáng mát hơn chứ không ẩm thấp, thiếu ánh sáng như các khu nhà trọ ở khu phố 3.

– Mặc dù cùng là hai nơi tập trung các khu nhà trọ nhưng khu phố 3 lại nhộn nhịp đông vui hơn khu phố 4, vì một điều là ngay giữa khu phố 3 có một ngôi chợ và xung quanh nó còn có các dịch vụ như café, quán tạp hoá, các quán ăn, quán chè, quán billard, … vì thế, đến khu phố 3 vào buổi tối , tôi đã ngỡ ngàng vì ở đây không khác gì một “phố đi bộ”. Xe máy qua lại không nhiều mà chỉ thấy phần lớn là đi bộ. Có lẽ tối nay là tối chủ nhật nên đông đúc người qua lại, tôi nhìn thấy, từng tốp thanh niên nam nữ đi bộ cười cười nói nói rôm rả, vui như ngày hội, tự dưng tôi cũng thấy vui lây với cái không khí rộn ràng đó. Trong khi đó, ở khu phố 4 lại có vẻ bình lặng hơn khi ở đây ít hẳn các dịch vụ như ở khu phố 3, tôi chưa được nhìn thấy cảnh của khu phố 4 vào ban đêm nhưng tôi nghĩ là khu phố 4 vào ban đêm sẽ không đông vui bằng khu phố 3.

– Ở khu phố 3 tôi quan sát thấy vào buổi chiều, một số công nhân nam tụ tập đá cầu ở mép con đường cuối khu phố 3, trong khi các bạn nam đá cầu thì ở hành lang của các nhà trọ dọc theo con đường các công nhân nam và nữ khác cũng đang ngồi trò chuyện với nhau. Theo tôi nhận thấy thì đây cũng là một trong những địa điểm công nhân tụ tập đông ngoài địa điểm đầu tiên là chợ nhỏ.

* Giống nhau:
– Độ tuổi chung của các công nhân ở đây phần lớn đều nằm trong độ tuổi thanh niên, từ 18 – 27 tuổi là chủ yếu. Vì thế, tôi dễ dàng để tiếp cận với họ và có thể trò chuyện cởi mở, thoải mái với nhau mà không phân biệt là nam hay nữ.

– Công nhân cùng quê với nhau thường sống tập trung trong một khu nhà trọ nhất định: Quảng Bình, Nghệ An, … các công nhân đến từ các tỉnh miền Trung chiếm số đông so với công nhân miền Bắc và miền Nam. Ngoài ra, họ có xu hướng sống chung với bạn bè cùng công ty, ở cùng quê hoặc là anh chị em có họ hàng với nhau.

– Tất cả các công nhân tôi tiếp cận được thì đều làm cho các các công ty nước ngoài. Nhưng thu nhập của họ rất thấp, phần lớn là dưới 2 triệu kể cả tiền tăng ca và các phụ cấp khác. Trong đó, công nhân công ty Nissei thường phải làm việc theo ca và thường xuyên tăng ca 3-4 tiếng/ngày. Khi gặp những công nhân này họ đều nói về sự mệt mỏi khi phải tăng ca quá nhiều và liên tục như lời một chị nói “cũng muốn tăng ca lắm nhưng tăng ca nhiều quá làm sao có đủ sức khoẻ để đi làm tiếp”. Điều này lại hoàn toàn trái ngược với những công ty ít tăng ca, ở những công ty ít tăng ca thì công nhân lại mong muốn tăng ca để tăng thêm thu nhập, họ thường là những người làm giờ hành chính và thỉnh thoảng chỉ tăng ca khoảng 2,5 tiếng/ngày.

– Những công nhân có thâm niên làm việc càng lâu năm tại TP.HCM thì số lần đổi công ty cao hơn so với những công nhân có số năm làm việc ít, chỉ có một số ít công nhân làm việc cố định tại một công ty trong một thời gian dài. Điều đó cho thấy, sự lựa chọn của công nhân trong việc tìm kiếm các công ty khác nhau với hy vọng có được một mức lương khả quan hơn nằm trang trải cho cuộc sống, sự di động theo chiều ngang này diễn ra sau một thời gian không dài và lúc đó, các công nhân này nhận ra rằng: mức lươgn ở các côgn ty chênh lệch nhau không nhiều, vì thế, thay vì cứ “chạy nhảy lung tung” họ quyết định làm cố định tại một công ty để kiếm thêm thu nhập từ cái gọi là “công nhân lâu năm cho công ty”.

– Trong tất cả các “mẫu” mà tôi đã gặp thì hàng tháng họ đều phải chi tiêu cho các khoản tiền đám cưới, sinh nhật, liên hoan, đặc biệt là đám cưới trung bình là 200.000 ngàn đồng. Những người còn độc thân thì số tiền chi cho việc tham dự đám cưới nhiều hơn so với những người đã lập gia đình.

– Công nhân nam ít khi gởi tiền về phụ giúp gia điình hơn so với công nhân nữ, nếu có thì hầu hết công nhân nam vào dịp cuối năm mới gởi tiền về cho gia đình hoặc một năm gởi một vài lần, còn các công nhân nữ thì hàng tháng đều gởi tiền về gia đình. Các công nhân đi làm công nhân chủ yếu là đủ trang trải cho bản thân và nhiều lúc gia đình còn phải trợ cấp thêm tiền và gạo. Như trường hợp anh … quê ở Quảng Bình, lúc tôi trò chuyện với anh được mẹ anh cho biết, mẹ anh vừa ở quê vào “mang gạo cho anh em chúng nó đỡ phải tốn tiền mua”. Hay như trường hợp của anh Bảo Ở (1988) cũng vậy, cả gia đình anh ở tận miền Tây xa xôi sau một thời gian bôn ba khắp các tỉnh khác nhau, cuối cùng đến TP.HCM làm công nhân và cả nhà cùng thuê một phòng trọ ở chung với nhau. Cuối tháng anh cũng có đưa tiền cho mẹ nhưng theo như mẹ anh cho biết thì ‘số tiền nó đưa cho tui còn ít hơn là số tiền nó xin tui”. Chứng tỏ các hoạt đông chi tiêu của công nhân nam nhiều hơn công nhân nữ. Thực vậy, khi tham khảo đời sống tinh thần của công nhân, tôi nhận thấy đời sống tinh thần của công nhân rất nghèo nàn đặc biệt là công nhân nữ, phần lớn các công nhân nữ ngoài thời gian làm việc ở công ty vào thời gian rảnh họ thường xem ti vi, hay nói chuyện với bạn bè hàng xóm là chủ yếu còn các hoạt động như: đi quán nước, xem phim, xem ca nhạc, hát karaoke, đi nhậu thì rất ít. Trong khi đó, những hoạt động này ở công nhân nam diễn ra rất thường xuyên, chứng tỏ nam công nhân có nhiều hoạt động hướng ngoại hơn so với đời sống khép kín củacông nhân nữ, đồng nghĩa với việc công nhân nam phải chi tiền cho các hoạt động này nhiều hơn và một lý do nữa mang tính văn hoá là trong các hoạt động trên mặc dù có nữ tham gia nhưng người đứng ra chi tiền phần lớn nam giới, ngoài ra, những nam công nhân có người yêu thì phải chi tiền cho ‘tình phí” một khoản đáng kể, … những lý do nêu trên cho thấy một điều tất yếu là số tiền nam công nhân gởi về gia đình sẽ thấp hơn so với công nhân nữ.

– Chính đời sống khép kín đó dẫn đến tình trạng công nhân nữ ít có cơ hội để giao lưu kết bạn với những người khác giới. Trong số những người tôi gặp gỡ có một tỉ lệ đáng kể nằm trong độ tuổi 23 -28 vẫn chưa có người yêu. Đây thực sự là một vấn đề đáng phải quan tâm đối với công nhân nữ.

– Cũng liên quan đến đời sống tinh thần của công nhân tôi nhận thấy các tổ chức Doàn thể không đóng vai trò gì để nâng đỡ đời sống tinh thần cho những người công nhân xa quê khi mà các tổ chức Đoàn thể ở đây rất hiếm hoi. Ở khu phố 4, thời gian trước cũng có Đoàn thanh niên tổ chức sinh hoạt với công nhân, nhưng hiện tại những hoạt động đó đã tan rã. Tôi được biết khi khu phố 4 có các hoạt động do Đoàn thanh niên tổ chức cho công nhân thì đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của công nhân. Tôi chưa có cơ hội để tìm hiểu tại sao các hoạt động này lại tan rã??? Bên cạnh đó, có một tổ chức khác cũng đóng vai trò đáng kể đối với đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân đó là công đoàn của các công ty, một tỉ lệ lớn công nhân tham gia công đoàn nhưng khi hỏi mục đích tham gia công đoàn thì tôi nhận được nhiều câu trả lời hời hợt “thấy người ta tham gia thì mình cũng tham gia cho vui, với lại một năm cũng chỉ đóng có mười mấy ngàn cũng không đáng kể”. Mặc dù qua tham khảo tôi biết là công đoàn các công ty có tổ chức các hoạt động du lịch, văn nghệ, thể thao cho công nhân, vào những ngày lễ như 8/3 cũng có tặng quà và ở công đoàn một số công ty còn tổ chức những buổi nói chuyện về tình yêu, hôn nhân gia đình nhưng rất ít và ở nhiều công ty công đoàn không đóng vai trò trong việc tổ chức học các lớp ngoại ngữ và các lớp bổ túc văn hoá mà là ban giám đốc công ty. Khi hỏi về lợi ích mà công đoàn đem lại cho các công nhân thì các câu trả lời là công đoàn chỉ mang lại một ít lại lợi ích mà thôi và cũng không ít người nói rằng công đoàn không mang lại lợi ích gì cho công nhân, họ chỉ tham gia cho có, có nghĩa là công đoàn được bầu lên chỉ là hình thức mà không mang lại được ích lợi cho công nhân như đúng bản chất của nó. Và thực trạng này xảy ra ở tất cả các công ty. Cho thấy, công đoàn chưa thực sự là cầu nối giữa công nhân với Ban giám đốc.

– Khi tìm hiểu lý do tại sao công nhân không tham gia các hoạt động của các đoàn thể, tôi nhận thấy có một số lý do nổi trội:
+ Họ phải tăng ca nhiều nên không có thời gian để tham gia,
+ Đi làm cả tuần, nên ngày cuối tuần họ chỉ muốn ở nhà để nghỉ ngơi không muốn đi đâu.
+ Bản thân họ không thích tham gia những hoạt động đó.

– Một nhóm tập thể mà cũng được nhiều công nhân quan tâm là nhóm bạn chơi hụi. trong số 12 mẫu thì có 2 mẫu cho biết có tham gia chơi hụi, số tiền góp hụi theo tháng là 500.000 ngàn đồng. Người ta tham gia chơi hụi với nhiều lý do và mục đích khác nhau nhưng suy cho cùng là họ muốn tiết kiệm tiền, vì thế, hụi như là một tổ chức mà họ có thể gởi tiền vào thay vì họ gởi vào ngân hàng nhưng kết quả của chơi hụi là mang lại cho họ một số tiền lớn qua nhiều tháng và tuỳ vào số tiền họ góp vào mỗi tháng (‘góp gío thành bão”). Việc có được một số tiền lớn giúp họ làm được nhiều việc quan trọng hơn là những số tiền nhỏ. Qua hai công nhân chơi hụi tôi biết được lý do chơi hụi của họ, một người là góp tiền để cuối năm về xe và phụ giúp thêm cho gia đình hoặc mua sắm một cái gì đó cho bản thân, còn người kia chơi hụi là để trả lại số tiền mà vợ chồng chị đã mượn của chị gái để mua đất (với số tiền 50.000.000), không chỉ một mình chị chơi hụi mà chồng chị cũng chơi hụi, một tháng hai vợ chồng góp hụi là 1.000.000. Những người trong nhóm chơi hụi là bạn bè thân thiết cùng quê hoặc cùng công ty. Và họ tin tưởng nhau. Còn đối với tôi, mặc dù thấy đây là một hình thức tích luỹ vốn, huy động tiền hay những nguy cơ rủi ro lại khá cao khi bị “giựt hụi”. Và tôi chợt nảy ra một ý nghĩ: tại sao không có một tổ chức nào đó cho công nhân vay vốn nhỉ? Tôi thiết nghĩ điều này là rất thiết thực vì rất nhiều công nhân cho rằng không thể làm công nhân lâu dài vì thế, việc vay vốn có thể giúp công nhân học một cái nghề nào đó để tự bản thân của họ có thể nuối sống bản thân mà không phải làm công nhân mãi với đồng lương ít ỏi không đủ sống.

– Và một điều mà đi khi gặp bất kỳ công nhân nào họ cũng nói với tôi về nguyện vọng muốn được tăng lương, họ hỏi tôi rằng tham gia đề tài này họ có được lợi gì không, nếu họ hợp tác trả lời thì có giúp gì cho họ không? điều này chợt khiến tôi nghĩ đến chiến dịch Mùa hè xanh năm 2006, lúc đó, chúng tôi đi Mùa hè xanh ở trung tâm chữa bệnh Phú Văn, các học viên cai nghiện ở đó cũng hỏi chúng tôi như vậy và điều mà họ quan tâm là liệu chúng tôi có giúp họ kiến nghị với thành phố để giảm số năm cai nghiện cho họ được sớm hồ gia không? Và dĩ nhiên chúng tôi không dám hứa với họ điều gì hết. Và bây giờ cũng vậy, khi nghe những người công nhân hỏi như vậy tôi chỉ nói mục đích nghiên cứu của đề tài là gì và tuyệt nhiên không hứa hẹn gì với họ đặc biệt là việc tăng lương, tôi không muốn mang đến cho họ một niềm hy vọng trong sự vô vọng, và cũng không muốn mang tiếng như những người đi trước đã làm khi mà tôi nghe một lời nói từ một anh công nhân là ‘năm ngoái cũng có người đến đây làm giống như vậy nè, cũng hứa hẹn về việc tăng lương mà làm cả năm nay có thấy gì đâu”.

– Hai khu phố 3 và khu phố 4 ở gần khu chế xuất nên phần lớn công nhân ở đây đều đi bộ, ít người đi xe máy, phần lớn công nhân trạm trú ở khu phố 4 ở xa khu chế xuất hơn khu phố 3 nên đi làm bằng xe đạp. Tôi hỏi nhiều người thì nhận được câu trả lời chung là họ cũng muốn có xe máy để đi làm cho khỏe nhưng chưa có tiền để mua xe máy, chủ yếu là làm được bao nhiêu thì chi tiêu cho bản thân và gởi về gia đình nên tích góp cho bản thân thì cũng không được bao nhiêu.

Kim Liên
(học viên Cao học ngành XHH, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.