Bản hiến pháp năm 1946: Bài 3

0
865

Giá trị lớn nhất của bản hiến pháp này được giới học giả khẳng định là đã khẳng định nguyên lý mọi quyền bính thuộc về dân và tổ chức quyền lực nhà nước theo lý thuyết tam quyền rạch ròi, kiểm soát lẫn nhau. Giá trị ấy có thể giúp soi rọi gì cho đợt nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay?

Điều đầu tiên trong Chương I của Hiến pháp 1946 nêu rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Nhân dân phải là chủ thể của quyền lực nhà nước

Trong những quyền bính ấy, Điều 21 cụ thể hóa một quyền quan trọng: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. GS-TS Trần Ngọc Đường phân tích: Ở Hiến pháp 1946, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhân dân chỉ giao cho Quốc hội, Chính phủ và tư pháp những quyền hạn, trách nhiệm trong hiến pháp và thực hiện việc giao quyền đó thông qua việc phúc quyết về hiến pháp.

Các bản hiến pháp sau này vẫn đề rằng quyền lực thuộc về nhân dân nhưng lại quy định nhân dân chỉ có thể sử dụng quyền lực ấy thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân.

GS-TS Trần Ngọc Đường nhận xét: “Quốc hội có toàn quyền làm và sửa đổi hiến pháp. Thậm chí theo Hiến pháp 1980, Quốc hội còn được tự định cho mình những nhiệm vụ, quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết – tức là Quốc hội có toàn quyền. Quan niệm như thế nghĩa là nhân dân trao hết quyền lực của mình cho Quốc hội thông qua việc bầu cử. Bầu xong là dân hết quyền”. Do vậy, theo ông, nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp tới đây cần tập trung khẳng định rõ hơn tinh thần của Hiến pháp 1946: Quyền lực nhà nước thống nhất ở nơi dân, thuộc về nhân dân. Trong đó, dĩ nhiên có quyền phúc quyết hiến pháp.

Nhân dân phải được quyền phúc quyết hiến pháp. Trong ảnh: Người dân Tp.HCM đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XII năm 2007. Ảnh: HTD

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An gần đây cũng góp ý rằng lần sửa hiến pháp sắp tới không nên quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến nữa. Điều này là để nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thực hiện việc phân công trách nhiệm cho lập pháp, hành pháp, tư pháp thông qua phúc quyết hiến pháp.

Có một thực tế là trong lịch sử hiến pháp Việt Nam, chưa hiến pháp nào được đưa ra phúc quyết. Bản hiến pháp quy định “nhân dân có quyền phúc quyết” thì do hoàn cảnh chiến tranh (năm 1946) đã không được ban hành, do đó không có giá trị ràng buộc về pháp lý.

Chưa kiểm soát hiệu quả quyền lực

Hiến pháp 1946 cũng thể hiện rõ việc tổ chức nhà nước theo nguyên tắc tam quyền kiểm soát lẫn nhau với những quy định hết sức tiến bộ. Chẳng hạn, Nghị viện nhân dân có quyền “đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài” (Điều 23, Chương III, Nghị viện nhân dân); Chính phủ “thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện”, “đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện” (Điều 52, Chương IV, Chính phủ); “trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp” (Điều 69, Chương VI, Cơ quan tư pháp).

Với tư tưởng ba nhánh quyền lực kiểm soát lẫn nhau của bản hiến pháp này, hoàn toàn không có chuyện cơ quan hành chính được tự ý ban hành văn bản dưới luật.

Về điểm này, TS Phạm Duy Nghĩa, ĐH Quốc gia Hà Nội, từng phát biểu trên báo Tuổi Trẻ: “Hiến pháp nói nôm na là một bản hợp đồng mà người dân cử đại diện của mình soạn ra để “thuê” nhà nước quản lý xã hội. Vì vậy tối kỵ việc các cơ quan hành chính tự ý ban hành các văn bản dưới luật để hạn chế quyền hạn của dân trong khi hiến pháp và pháp luật không cấm. Mặt khác, phải xem nhà nước cũng là một chủ thể chịu sự chi phối của pháp luật”.

Do vậy, việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992, theo nhiều chuyên gia, cũng cần đặt lại nguyên tắc rạch ròi giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. “Chủ trương của Đảng là phân công một cách rành mạch, rõ ràng các nhánh quyền lực nhà nước nhưng thực tế chưa thành công, chưa kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước, chưa đề cao được trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước” – ông Trần Ngọc Đường nói.

Việc sửa đổi hiến pháp sắp tới đây cụ thể như thế nào sẽ tùy thuộc vào quan điểm chính trị của các nhà lãnh đạo. Ý kiến cá nhân ông Trần Ngọc Đường cho rằng: “Với tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền do dân, vì dân; mọi quyền bính thuộc về dân, quyền lực nhà nước thống nhất nơi dân, phân công rạch ròi lập pháp, hành pháp, tư pháp… thì trước sau việc đưa phúc quyết vào hiến pháp và xây dựng luật trưng cầu dân ý sẽ thành hiện thực. Đấy là quy luật phát triển mà lịch sử nhân loại đã chứng minh”.

Sửa hiến pháp mới làm được luật trưng cầu dân ý

Luật trưng cầu dân ý chưa trình được Quốc hội có nhiều lý do. Thứ nhất, giới nghiên cứu thấy cần có luật để cụ thể hóa những quyền dân chủ trực tiếp của dân, để người dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình một cách trực tiếp nhưng nếu quy định không phù hợp thì việc thực hiện sẽ mang tính hình thức. Trong điều kiện hôm nay, vấn đề gì đưa ra trưng cầu dân ý còn có ý kiến rất khác nhau. Nhà chính trị phải cân nhắc lựa chọn cho phù hợp.

Thứ hai, luật trưng cầu dân ý có ban hành chưa chắc đã đồng bộ với hiến pháp. Hiến pháp hiện hành không quy định phúc quyết hiến pháp thì làm sao đưa được vấn đề quan trọng này vào luật. Do vậy phải sửa hiến pháp để mở đường cho việc phúc quyết hiến pháp được thể hiện trong luật trưng cầu dân ý.

GS-TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

Năm vấn đề khi sửa Hiến pháp 1992

Đầu tiên, phải làm rõ xem Hiến pháp 1992 đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước kiểu mới chưa. Đó phải là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; quyền lực nhà nước thống nhất và có sự phân công rạch ròi hành pháp, lập pháp, tư pháp, cũng như có sự kiểm soát chặt chẽ.

Thứ hai, mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế trong điều kiện mở cửa hội nhập đã thực sự phù hợp chưa, sắp tới phải thể hiện trong hiến pháp thế nào.

Thứ ba, xem xét sự kế thừa, phát triển của bốn bản hiến pháp trước đây, trong đó lưu ý Hiến pháp năm 1946.

Thứ tư, xem xét tính thống nhất và vai trò chỉ đạo hệ thống pháp luật của hiến pháp. Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là tính tối thượng của hiến pháp. Vậy thì phải đánh giá xem có những văn bản nào vi hiến, có nên lập tòa án bảo hiến không.

Thứ năm, nghiên cứu về hình thức thể hiện bản hiến pháp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ĐINH XUÂN THẢO phát biểu trên VNN tháng 8-2010

Nghĩa Nhân – Thu Nguyệt
Nguồn:  Pháp luật TP.HCM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.