Đầu xuân trẩy hội Chùa Bà

0
1539

Thiên Hậu Thánh Mẫu là một huyền thoại và không cần phải chứng minh là có thật hay không, chỉ biết mọi người luôn tin vào Bà, mong Bà phù hộ cho muôn sự bình an, vạn điều phúc lộc. Mỗi dịp xuân về, nhà nhà người người nô nức kéo nhau đi trẩy hội Chùa Bà để tái sinh cho mình một nguồn năng lượng mới dồi dào, đầy sinh khí…

Hình 1: Chùa Bà rực rỡ những đêm cuối năm (Ảnh: tác giả)

Truyền thuyết về người con gái hiển linh
Có nhiều truyền thuyết về Thiên Hậu nhưng ở Chùa Bà Bình Dương phổ biến câu chuyện về người con gái tên Lâm Mỵ Châu, quê ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Dù sinh ra trong một gia đình ngư phủ nhưng ngay từ nhỏ, Lâm Mỵ Châu đã nổi tiếng là thông minh, xinh đẹp và phán được nhiều việc lạ. Ngày nọ, khi đang ngồi dệt lụa, bỗng nhiên nàng nhắm nghiền mắt, tay đưa về phía trước như ra sức níu kéo một ai đó. Bà mẹ thấy vậy vội lay gọi, Lâm Mỵ Châu thu tay lại rồi ứa nước mắt báo tin cho mẹ rằng phụ thân nàng đã chết trong cơn bão giữa biển khơi, chỉ cứu được hai anh. Sự việc xảy ra đúng như lời nàng. Từ đó, dân chúng trong vùng mỗi khi ra khơi đều mong sự linh nghiệm của Lâm Mỵ Châu phù hộ đi về bình an. Tiếng lành đồn xa, nhân dân khắp nơi sùng bái và xem nàng như vị thần phù hộ cho người đi biển. Năm 20 tuổi, Lâm Mỵ Châu đột nhiên biến mất, không hề bệnh tật, nhưng vẫn thường xuyên hiện thân báo mộng và cứu người bị nạn trên biển. Với công đức đó, Lâm Mỵ Châu được vua Khang Hy phong Thiên Hậu Thánh Mẫu. Trong quá trình di cư, người Hoa đã mang theo mình tín ngưỡng thờ Bà và xem Thiên Hậu như vị nữ thần quan trọng nhất phù hộ mình vượt sóng gió an toàn, ăn nên làm ra trên vùng đất mới. Ngày nay, tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu không chỉ bó hẹp trong cư dân đi biển mà còn phổ biến trong các tầng lớp khác, đặc biệt là người làm ăn buôn bán. Nơi bà ngự trị, không còn là nơi thờ tự của riêng người Hoa mà đã trở thành nơi lui tới cầu an cho cư dân khắp vùng Nam Bộ.
Hình 2: Các thiếu nữ gánh hoa xinh đẹp (ảnh: Minh Tâm, nguồn: nhansuvietnam.vn)
Vào chùa xin lộc, cầu may…
Theo Địa chí Bình Dương xuất bản năm 1975, Chùa Bà được xây dựng lần đầu tiên vào giữa thế kỷ XIX, tại thôn Phú Cường, sát rạch Hương Chủ Hiếu, Chánh Nghĩa, TX.Thủ Dầu Một, Bình Dương (đúng như truyền thống của hầu hết các miếu thờ Thiên Hậu thường được xây dựng gần sông, gần biển), do một số người Hoa hành nghề thủ công gốm sứ khởi xướng. Lúc bấy giờ, Chùa chỉ là một ngôi nhà cổ, kiến trúc làm bằng gỗ đơn giản nhưng thường xuyên được đông đảo người dân chăm sóc và lễ bái. Đến năm 1923, Chùa được dời về trung tâm thôn Phú Cường, góc đường Yersin – Nguyễn Du và tồn tại cho đến ngày nay. Chùa Bà là cách gọi dân gian nhưng thực tế đó là miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu hay còn gọi Thiên Hậu cung, do bốn bang người Hoa ở Bình Dương trực tiếp quản lý, khai thác và tổ chức cúng rước Bà hàng năm. Chùa Bà Bình Dương vào ngày lễ cũng như ngày thường đều tấp nập người ra vào lễ bái. Nhưng đông nhất là vào dịp tết Nguyên đán – từ tháng Chạp năm trước kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Vào những ngày này, không có thời gian cho sự lới lỏng, lúc nào chùa và khu vực quanh đó cũng nghẹt người. Bạn chỉ cần đứng một chỗ, dòng người hành hương tự khắc sẽ đẩy bạn di chuyển vào sân, rồi vào chính điện và trở ra, không tốn chút hơi sức (chỉ đôi lúc hơi khó thở vì đông và nhang khói nghi ngút). Gia đình tôi không phải người Hoa nhưng trong danh sách những việc phải làm đầu năm luôn có “tiết mục” đi Chùa Bà. Với người lớn, đi là để trả nợ đã vay của Bà từ năm trước. Đó là khoảng tiền nhỏ đựng trong bao lì xì đỏ (có lần tôi lén mở ra thì thấy có 500 đồng). Dù chỉ là một số tiền tượng trưng nhưng đã tạo động lực cũng như niềm tin về sự phò trợ của bà, những người đi vay sẽ luôn ý thức phải nỗ lực thật nhiều để sang năm mới có tiền mang trả. Số tiền trả cũng không là bao nhiêu, chỉ vài ngàn hoặc vài chục ngàn góp vào trùng tu chùa, trả xong rồi lại vay tiếp, như một vòng quay tín ngưỡng bất tận, hay nói đúng hơn là vòng quay cần thiết của sự tái sinh. Với các chị, các em đến tuổi cập kê, đi chùa để nhỏ to tâm sự cầu mong duyên may phước lành. Có cô vừa cầu khấn vừa tủm tỉm cười, chắc là mong ước điều gì khiến cô mắc cỡ? Thậm chí có người đi vòng ra bức tường sau lưng bà, chắp tay rì rầm đầy tâm trạng, chắc là trò chuyện sau lưng thì bà dễ cảm thông hơn? Trong không gian trầm ấm khói hương, mỗi người một kiểu cầu xin nhưng gương mặt ai cũng toát lên sự mãn nguyện thanh thản vì đã có một người đủ đức độ, quyền uy chứng giám chuyện của mình. Còn với trẻ nhỏ, Chùa Bà dịp đầu xuân lại hấp dẫn theo cách khác, đó là được tham gia vào “lễ hội đường phố hoành tráng nhất trong năm”- lễ hội rước kiệu Bà (hay còn gọi là cộ Bà). Ngay từ sáng ngày Rằm tháng Giêng, sân chùa đã rộn rã tiếng trống kèn, những trò biểu diễn khôi hài của ông Địa, các pha nhào lộn chọc ghẹo du khách của ông lân khiến không khí xung quanh chùa lúc nào cũng vui tươi, nhộn nhịp. Nếu ở lễ hội Chùa Bà Chúa Xứ (Châu Đốc – An Giang) người ta đem đấu giá áo của Bà với niềm tin “thấy áo là thấy Bà”, thì ở chùa Bà Bình Dương, 12 chiếc đèn lồng rực rỡ tượng trưng cho 12 tháng trong năm sau khi hấp thụ tinh hoa đất trời và được Thiên Hậu ban phước lành sẽ được đem ra bán đấu giá để góp tiền gây quỹ công ích tại địa phương. Nói như cách trên, thì “có đèn như có Thiên Hậu”, đèn sẽ thắp sáng những điều tốt lành trong suốt một năm cho vị chủ nhân đã đấu giá thành. 12 chiếc đèn lồng với 12 tên gọi mỹ miều gắn với những câu chúc phúc, người tham dự sẽ tùy vào tâm trạng, mong ước của mình mà đấu giá cho chiếc đèn lồng có tên gọi tương ứng. Nếu bạn là người kinh doanh thì hãy đấu giá chiếc đèn “Nhất phàm phong thuận” (thuận buồm xuôi gió, mọi việc dễ dàng), còn nếu đang cầu tình duyên hay con cái thì hãy chọn chiếc “Song hỷ lâm môn” (chuyện vui liên tiếp),… Chiếc đèn thứ 12 thường có tên là “Kim ngọc mãn đường” với ý chúc cho chủ nhân của nó luôn được viên mãn, giàu sang. Khi chiếc đèn cuối cùng được trao, kèn trống cờ hoa dấy lên rộn rã, hàng chục đoàn lân từ phía tam quan kéo vào sân biểu diễn, chúc tụng báo hiệu thời khắc rước kiệu Bà sắp bắt đầu.

Hình 3: Biển người trẩy hội (ảnh: Minh Tâm, nguồn: nhansuvietnam.vn)

Ra Chùa trẩy hội, rước Bà du xuân. 

14giờ (có năm là 15giờ) ngày Rằm tháng Giêng, lễ rước kiệu Bà xuất hành. Từ Chùa Bà, đám rước diễu hành qua các con đường chính của thị xã, rồi quay trở về chùa, kết thúc lễ hội vào khoảng 18 giờ cùng ngày. Không ai bảo ai, cả người dân lẫn du khách thập phương đều thuộc làu hành trình của kiệu. Cho nên từ lúc nào, đường phố hai bên đã đông nghịt người đứng đón. Những nhà cao tầng trên những con đường kiệu đi qua đều lấy làm tự hào vì trước đó cả tháng đã có vô số người đăng ký xin vào đứng xem. Đó có thể là bà con, bạn bè nhưng cũng có khi chỉ là khách vãng lai, và gia chủ nếu còn chỗ thì cũng không nỡ lòng từ chối. Đi đầu đám rước là bốn con hẩu của bang Phước Kiến, có chức năng mở đường. Múa hẩu là hình thức múa lốt đặc trưng của riêng người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương mà không nơi nào có được. Đầu hẩu là một chiếc mặt nạ tròn vẽ nhiều màu sắc rất hung tợn, quanh đầu râu ria xồm xoàm gắn với thân là một tấm vải vàng rực. Đuôi hẩu được làm từ đuôi thật của con trâu, bò phơi khô, cột chặt vào tấm vải. Hẩu không được nhún nhẩy, leo trèo, không múa mua vui cho người mà phải trình diễn nghiêm trang để tạo uy thế cho toàn đám rước. Sở dĩ hẩu đi đầu là có hai lý do: thứ nhất, hẩu là cốt vật linh của bang Phúc Kiến – bang đầu tiên lập ra miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu trên đất Bình Dương; Thứ hai hẩu cũng chính là con kim mao sư (sư tử lông vàng) nên phải đi đầu để dẹp đường cho bà du xuân, nếu đi sau sẽ ăn hết những linh vật của các bang khác như ngựa (bang Triều Châu), dê (bang Quảng Đông), chó (bang Sùng Chính) khiến cho các bang đó làm ăn không thuận lợi. Tiếp sau đoàn hẩu là tấm biển đỏ đề bốn chữ vàng “Thiên Hậu xuất du” cùng với hai thanh niên cầm cờ lệnh của Bà và cờ nước. Đoàn nữ tướng vai mang siêu mác, trường thương, tượng trưng cho các tiên nữ tập luyện võ nghệ, diệt trừ yêu ma, bảo vệ tiên cung. Các bé gái trong trang phục truyền thống sặc sỡ, tươi tắn gánh hoặc cầm những giỏ hoa trên tay, di chuyển theo điệu nhạc. Để được chọn vào đội hình thiếu nữ gánh hoa, các cô bé này phải vừa học giỏi, vừa hát hay và trải qua vòng tuyển chọn rất khắt khe trong cộng đồng mình.Vì vậy, được gánh hoa rước kiệu là niềm hãnh diện và mơ ước lớn lao của bất kỳ bé gái người Hoa nào (Khi còn bé, mỗi lần đi xem rước cộ, tôi thường ước ao và tưởng tượng mình được hóa thân làm tiên nữ thì sẽ xinh đẹp lắm, nhưng ước mơ chỉ là ước mơ vì tôi là người Việt mà). Đi chính giữa là kiệu Bà. Bốn mái, hai tầng được sơn son thiếp vàng, trang trí nhiều cờ hoa lộng lẫy. Tám chàng trai tráng kiệng sẽ lãnh trọng trách khiêng kiệu. Họ cũng phải trải qua nhiều đợt tuyển chọn gắt gao, nhà nào có con trai khiêng kiệu, nhà đó sẽ có phúc lộc đầy năm. Kiệu đi đến đâu, người dân đều cúi đầu chào bái trang trọng. Những gia đình người Hoa thì bày hương án trước nhà để nghênh đón. Khi kiệu Bà đi khỏi, họ sẽ cho đốt pháo (là tập tục cũ trước khi có lệnh cấm) để tiếp tục duy trì linh khí may mắn của Bà. Với du khách thập phương, họ sẽ tranh thủ (đôi khi chen lấn, xô đẩy) đặt tay lên kiệu vì tin rằng Bà sẽ truyền sức mạnh và sự thông tuệ cho mình. Gọi lễ hội Chùa bà là “lễ hội đường phố” cũng không ngoa, vì đi sau kiệu bà là một không khí vô cùng nhộn nhịp. Bát Tiên, Tây Du Ký, Quan Âm Bồ Tát,… những kỳ nhân trong các tích truyện Trung Hoa sẽ lần lượt xuất hiện và họ sẵn sàng tặng cho bạn một bông hoa, một loại quả ngọt, một phong bao lì xì đỏ thắm,…hay một cái phất cành liễu từ bình nước cam lồ của Phật Bà cũng làm du khách sung sướng vì sẽ được đón nhận điều lành suốt năm. Rồi tiếp đến là đoàn lân sư rồng với số lượng vài chục con, nhảy múa tưng bừng. Phố chợ chật hẹp, người đông như nêm cối vậy mà các võ sinh vẫn trình diễn rất điêu luyện mà không gây thương tích cho một ai. Đoạn đường diễu hành kéo dài hơn ba cây số, vậy mà cứ tiếng trống nổi lên thì phượng lại bay, rồng lại múa, lân lại nhảy như chưa bao giờ biết mệt. Cứ thế đám rước đi đến đâu, người dân lại nối đuôi theo đến đó, cho đến khi về đến Chùa rồi mà người ta vẫn còn đứng lại tiếc ngẩn ngơ. Khi phố phường lên đèn, du khách thập phương mới lục tục kéo nhau ra về, trên tay ai cũng có lộc của Bà: người vài nhành huệ, người thì một cây nhang to, khiêm tốn hơn thì một quả quýt,… Những người công nhân vệ sinh làm công việc cuối cùng của lễ hội. Những đứa trẻ luyến tiếc chưa muốn về nhà, giật mình khi có tiếng trống lân của ai còn “rớt” lại. Người lớn vội vã nấu bữa cơm chiều muộn rồi nghỉ ngơi sớm, chuẩn bị cho ngày làm việc sáng mai. Dường như sau Tết, cuộc sống người Bình Dương chỉ trở lại guồng quay bình thường khi lễ hội Chùa Bà kết thúc.
Quỳnh Anh
Thủ Dầu Một, Bình Dương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.