Hà Nội trong tôi

0
811

“Nơi tôi sinh Hà Nội…”

Nhiều năm về trước, giữa đêm mùa đông Hà Nội, một người phụ nữ đi bộ một mình từ phố Đặng Thái Thân, rẽ ra Tràng Tiền rồi qua Tràng Thi. Cứ khó nhọc vài bước bà lại dừng chân ôm bụng. Bà nói thầm, con ơi rang chút xíu nghe, gần tới nơi rồi. Đích đến của bà và đứa trẻ đang nóng long muốn chào đời là Bệnh viện C. Tại đó, bà đã sinh ra một bé gái có cặp mắt to, khuôn miệng nhỏ và nước da ngăm ngăm… Cô bé ấy là tôi bây giờ.

Vài năm sau, gia đình tôi chuyển về ở phố Ngô Thời Nhiệm. Ký ức tuổi thơ là con phố có hai hang cây cao rợp mát, là ngôi trường mẫu giáo đầu phố Phan Chu Trinh mỗi ngày chị dắt tôi đến đó, là tiếng tàu điện leng keng loẹt xoẹt dọc đường phố Huế đi lên Cầu Giấy hay xuống Chợ Mơ suốt nhiều năm tôi đi học. Ngày ấy, khu vực Cầu Giấy – Yên Hoà hay đường Trương Định cuối Chợ Mơ còn là vùng ngoại ô buồn hiu hắt. Dấu hiệu “thành phố” có lẽ chỉ là vài chiếc xe đạp thưa thớt trên đường, ngọn đèn đường vàng vọt chao nghiêng trong cơn gió bấc đầu mùa. Những ngôi nhà nhỏ mái ngói xen lẫn mái tôn nằm giữa khu vườn trồng hoa hay ruộng rau mùa nào thức nấy. Mỗi buổi sớm mai có cô thiếu nữ đi bộ theo đường Trương Định đến trường. Ngày nào cũng vậy, khi đi qua mảnh vườn nhỏ trồng toàn hoa hồng tiểu muội, luôn có một người chờ cô ở đó với những bông hoa còn đẫm sương đêm. Bạn dắt xe đi bên cô… cứ thế, giữa hai người là chiếc xe đạp và hương thơm quấn quýt trên suốt con đường.
Từ những con đường ngoại ô Hà Nội đêm đêm rì rầm từng đoàn ô tô xanh lá nguỵ trang và xanh màu áo lính đi mãi, đi mãi về Nam… Những chuyến xe mang theo người bạn của tôi, mang theo nhiều người bạn khác. Mang theo cả những buổi sáng yên bình của một thời thiếu nữ.

Người Nam gốc Bắc

Vào những năm 1954 – 1955, hàng ngàn người con Nam Bộ đã tập kết ra miền Bắc, với niềm tin và hi vọng chỉ sau hai năm sẽ được trở về quê hương yêu dấu. Ba má tôi cũng nằm trong số đó. Và không ai có thể hình dung được rằng mãi hai mươi năm sau mới lại được đặt chân về đôi bờ Đồng Nai, Vàm Cỏ, Cửu Long… Một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội – miền Bắc, đó là thế hệ chúng tôi.

Một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội – miền Bắc, đó là thế hệ chúng tôi. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: tư liệu)

Hai mươi năm sống ở miền Bắc mà ba má tôi vẫn một giọng nói và tính cách người Nam bộ chân chất thiệt tình. Đến lượt tôi, là người Sài Gòn hơn 30 năm rồi nhưng tôi vãn giữ cho mình một chút Hà Nội, ấy là giọng nói “hơn cả người Hà Nội bây giờ”, như nhiều người nhận xét. Nhớ lần đầu về quê dưới miền Tây, bà con nghe tôi nói đều lắc đầu không hiểu: “Trời ơi, nó nói tiếng gì hổng phải tiếng Việt”. À, dân miền Tây Nam bộ khi nói “tiếng Việt” tức là tiếng Nam bộ hay tiếng miền Trung, chứ tiếng Huế tiếng Bắc đã gọi chung là “người xứ Huế”, nghe xa xôi lắm… Theo bước đường lịch sử thì giải thích điều này không khó. Lưu dân vào khai khẩn vùng đất Nam bộ đa phần là dân Ngũ Quảng, mà gốc gác từ thời trước đó là binh lính và gia đình của họ từ vùng Thanh Nghệ Tĩnh theo vua Lê rồi theo chúa Nguyễn vào đất Thuận Quảng. Vài thế kỷ đã trôi qua, xa xôi là thế, lâu dài là thế nhưng người Nam bộ vẫn đau đáu nỗi nhớ quê cha đất tổ như câu thơ nổi tiếng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:

“Ai về xứ Bắc ta theo với
Thăm lại non song giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Khác với nhiều tỉnh thành trong cả nước, suốt thế kỷ XX Sài Gòn là nơi thường xuyên tiếp nhận những làn sóng nhập cư. Bây giờ đã có một lớp người Sài Gòn nói giọng Hà Nội, cũng như rất nhiều người Sài Gòn nói giọng Quảng Nam, giọng Huế. Giữa tiếng nói của nhiều vùng miền, tiếng Hà Nội trở nên thân quen hơn với người Sài Gòn, người Nam bộ. Ai đó đã nói rất đúng rằng, chỉ cần nghe bạn nói bằng ngôn ngữ nào thì có thể hình dung “nền tảng văn hoá” của bạn! Những người Sài Gòn nói tiếng Hà Nội như tôi có chút tự hào vì mình được di truyền văn hoá của quê hương Nam bộ và tiếp nhận văn hoá của thủ đô ngàn năm văn hiến. Điều đó giúp cho tâm hồn, tính cách mỗi chúng tôi trở nên phong phú hơn. Và có thể nói rằng, cũng là một nhân tố góp phần làm cho người Sài Gòn người Hà Nội “xích lại gần nhau” sau những biến cố lịch sử của đất nước.

Hà Nội mới

Đã gần hai năm ngày Hà Nội có địa giới hành chính mới, “Hà Nội mở rộng”, vậy nhưng trong tâm thức những người Sài Gòn như chúng tôi dường như vẫn chưa quen với điều đó, cũng như chưa thể quen với sự “biến mất” của địa danh Hà Tây “xứ Đoài mây trắng”. Có lẽ phải rất lâu nữa, người ta mới không nói “Hà Tây cũ ấy mà” khi nhắc về Đường Lâm, Quốc Oai, Hoài Đức, Cầu Giẽ, Suối Hai, Quảng Oai… Đôi ki tôi cứ nghĩ vui: hoá ra ngày còn nhỏ mình chả đi sơ tán ở đâu, bởi vì những nơi ấy bây giờ cũng là… Hà Nội.

Hà Nội mở rộng có ba vùng văn hoá đặc sắc: vùng văn hoá Thăng Long – Hà Nội, vùng văn hoá Xứ Đoài (các huyện phía Bắc tỉnh Hà Tây) và vùng văn hoá Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam của tỉnh Hà Tây). Trong cơn lốc đô thị hoá hôm nay, nhiều làng quê đã xuất hiện nhà cao tầng, đường bê tông, xe máy, tiện nghi đầy đủ không thua gì thành phố. Nhiều làng Việt cổ truyền dần biến mất, văn hoá truyền thống Việt đang mai một nhanh chóng. Việc sát nhập Hà Tây với Hà Nội có nguy cơ làm cho miền quê mang những nét văn hoá riêng biệt của làng quê, ngôi đình cổ kính, của những vùng cổ tích đẹp như những bài thơ sẽ chỉ còn trong hoài niệm. “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” là câu thành ngữ đúc kết đặc trưng văn hoá vật chất truyền thống của những vùng miền xung quanh kinh đô Thăng Long. Giữ gìn được nét riêng của xứ Đoài trong một Hà Nội mới cũng là cách làm cho văn hoá Hà Nội giàu có hơn lên.

Dù địa giới có mở rộng đến đâu thì Hà Nội vẫn phải là Thủ Đô “ngàn năm văn hiến”, văn hoá Hà Nội phải gìn giữ được nếp sống thanh lịch của một đô thị “kinh kỳ”. Trải qua những biến đổi, nhiều thế hệ người Hà Nội đã ra đi, nhiều lớp người đã đến sinh sống ở Hà Nội. “Người Hà Nội” không chỉ là tờ hộ khẩu hay cái biển số xe máy xe hơi, mà người Hà Nội thể hiện từ lời ăn tiếng nói, từ lối ứng xử văn minh tế nhị, từ tấm lòng rộng mở và sự chân thành với nhau và với người tứ xứ. Để cho những người dù chỉ một lần đến Hà Nội khi chia tay đều cảm nhận được “tấm lòng Hà Nội”, để cho văn hoá người Tràng An xứng đáng trở thành đại diện cho văn hoá người Việt Nam.

Và để những người xa Hà Nội, như tôi, luôn tự hào vì mình đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ngàn năm văn hiến!

Nguyễn Thị Hậu

TS. Nguyễn Thị Hậu

Về tác giả:

TS. Nguyễn Thị Hậu: hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM; Phó Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM.
– Tác phẩm: Khảo cổ học Bình dân Nam bộ – Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2010; Quay qua quay lại, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2010

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.