Hãy mở ra

0
865
Thỉnh thoảng, tôi hay lẩm nhẩm “Ephata – hãy mở ra” như một câu thần chú. Và thỉnh thoảng, tôi cũng hay tự hỏi liệu con người có thể mở ra nơi mình và nơi người khác những điều gì?
“Ephata” là một từ trong Kinh Thánh của người Công giáo. Một nhóm người không muốn từ này bị lãng quên trong cuốn Kinh Thánh dày cộm, nên đã biến nó thành một cái tên và thành phương châm sống của nhóm mình, đó là nhóm Ephata. Tôi tình cờ gia nhập nhóm vào một năm trước, trong khi đang loay hoay đi tìm những câu trả lời về vấn đề giáo dục. Tại nơi đây, thật may mắn tôi đã gặp được những thầy cô và những người bạn đang đi trên cùng một con đường với mình.
Chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ, xòe mười ngón tay ra đếm, chỉ có thể đếm được vỏn vẹn một vòng. Rồi người đi Mỹ, người đi Đức du học, thành viên Ephata chẳng còn mấy người. Tuy nhiên, chúng tôi không đợi cho đến khi có đông người hơn mới thực hiện kế hoạch của mình. Những cái tưởng như chỉ là triết lí của giáo dục được chúng tôi cố gắng đưa vào thực hành trong từng tiết học. Từng chút từng chút một, tất cả chúng tôi đang cố gắng gieo những hạt mầm. Và mảnh đất mà chúng tôi chọn để gieo vào là tâm hồn của những trẻ thơ.
Ngày quốc tế thiếu nhi sắp đến, có người bạn gợi ý cho tôi viết một cái gì đó về trẻ thơ. Tôi tự hỏi, về trẻ thơ tôi có thể viết gì. Tuổi thơ của tôi thật đẹp nhưng đó đã trôi qua, ngoảnh đầu nhìn lại, đó cũng chỉ là kí ức. Ở Ephata, tôi gặp một tuổi thơ khác, không phải là tuổi thơ của tôi mà là của các em – một tuổi thơ của thời hiện tại.
Như một thành viên của Ephata, tôi luôn tự nhủ rằng chính tại đây và vào thời điểm này, tất cả những trẻ em được gửi đến cho chúng tôi đều là những món quà quý giá. Đáp lại sự ban tặng này, chúng tôi đã, đang và sẽ đón nhận chúng với tất cả tấm lòng của mình. Tuy nhiên, khi đưa tay ra đón nhận một điều gì đó, bản thân tôi biết rằng cùng lúc đó mình đang được giao phó một trách nhiệm thật lớn lao và nặng nề.
Đối với một số bạn trong nhóm, việc dạy học không thật quá phức tạp. Ít ra, tuy không học sư phạm nhưng các bạn biết rất rõ về tâm lí trẻ, nguyên nhân của một số những căn bệnh tâm sinh lí trẻ thường mắc phải, hay một số phương pháp dạy trẻ nào đó, vì đa số các bạn đều tốt nghiệp khoa Giáo dục học. Còn tôi thì mù tịt. Tôi chẳng biết gì về những thứ vừa kể trên, cũng chẳng được đào tạo qua một khóa sư phạm nào. Có chăng thì tôi chỉ quan tâm một chút về các triết lí giáo dục – những cái mà trước đây tôi chỉ toàn đọc trong sách. Vậy mà đến Ephata, tôi phải làm một cô giáo. Tôi phải hoàn thành trách nhiệm này thế nào, tôi phải bắt đầu ra sao? Bản thân tôi cũng không biết rõ. Thế nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục theo nhóm.
Từ từ, qua mỗi buổi đi họp với mọi người, tôi nắm rõ hơn về tinh thần của nhóm. Chúng tôi dạy học theo phương pháp chủ động, cố gắng khơi gợi tinh thần học tập chủ động nơi học sinh. Bằng nỗ lực của mình, chúng tôi giúp các em mở đôi mắt để biết tìm tòi, mở đôi tai để biết lắng nghe, mở khối óc cho những tri thức mới, và quan trọng hơn cả là mở cho được cánh cửa của tâm hồn mình. Hãy mở ra để biết khám phá bản thân mình và tìm thấy nơi đó những viên ngọc của các giá trị sống. Hãy mở ra để biết mình trong mối tương quan với người khác, với trời đất, để thấy con người cần những người bạn như thế nào. Đó là thông điệp mà mỗi giáo viên trong nhóm muốn truyền đạt cho đàn em nhỏ của mình.

“Hãy mở ra để biết khám phá bản thân mình và tìm thấy nơi đó những viên ngọc của các giá trị sống” – (Hình do tác giả cung cấp)
Từ nhỏ, trong xóm chài của mình, tôi chưa bao giờ được dạy để biết những điều đó. Các em của thế hệ ngày hôm nay may mắn hơn tôi và những người bạn ở thế hệ của tôi rất nhiều. Các em đang được trang bị một hành trang quan trọng nhất sẽ theo các em suốt cả cuộc đời, đó là các giá trị sống. Rồi đây, một mai lớn lên, các em sẽ được cuộc sống dạy cho nhiều bài học hơn nữa về giá trị của chính cuộc đời. Chắc chắn sẽ có những trở ngại, chắc chắn sẽ có những điều không như ý các em muốn nhưng hãy cứ mở ra để nhìn thấy những gì tốt đẹp trước mắt. Cứ thực hành những giá trị sống nhỏ bé từng ngày. Như chúng tôi đã cặm cụi trong sự tin tưởng khi gieo vào tâm hồn các em những hạt giống nhỏ bé của các giá trị sống, chúng tôi cũng mong muốn học sinh của mình gieo vào cuộc sống của các em những gì mà các em học được. Đó là những cái be bé của một lời nói trung thực, những thực hành dễ thương của giá trị quan tâm, nụ cười của sự thân thiện, sự ủng hộ bạn trong việc biết lắng nghe,…và còn bao nhiêu điều mà chúng tôi đã dạy nữa. Thực hiện những điều đó kiên nhẫn trong từng ngày tưởng dễ mà thật khó; khó cả với người dạy, khó cả với người học. Nhiều khi tôi đã chờ đợi, đợi để thấy một thay đổi nào đó nơi các em và cũng đã từng thất vọng vì chẳng thấy có một chút tiến bộ nào. Thế rồi, một ngày tình cờ thấy các em lễ phép, biết tỏ ra quan tâm dành quét nhà với cô, biết nói những lời nói thân thiện với một bạn chọc giận mình… tôi ngỡ ngàng. Cái cảm giác như thể từng ngày ra ngắm một cái cây, chờ chực để xem nó lớn như thế nào mà chẳng thấy rồi bất ngờ, sau đêm nọ cây đã ra hoa. 
Hằng tuần, khi đối diện với các em trong những tiết học, bản thân tôi như đối diện với một vùng đất rộng lớn. Tôi vẫn tự hỏi, những vùng đất này sẽ trở nên thế nào trong tương lai? Chúng sẽ cằn cỗi đầy gai góc hay sẽ trù phú với những hoa quả xanh tươi? Tôi phải gieo những hạt mầm như thế nào? Tôi phải có niềm tin như thế nào vào sự lớn lên của những hạt mầm ấy? Tôi không được học về sư phạm, không có những kinh nghiệm về giảng dạy, đôi khi cũng thấy mình thật ngây ngô khi đứng trước học trò của mình. Có lần tôi định bỏ cuộc, nhưng những lúc ấy trong kí ức tôi lại thấy hiện lên giọt nước mắt của một người chị cùng nhóm. Giọt nước mắt ấy thật ý nghĩa biết bao khi tôi nhìn thấy nó trong ngày nhà giáo. Lúc đó, tôi thấy nó như một viên ngọc thật đẹp. Tôi cất giọt nước mắt đó vào trái tim mình, để nó nhắc tôi sự cần thiết của việc có một tấm lòng. Tôi thấy lời của một bài hát thật đúng lắm: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Con người cần một tấm lòng để làm gì? Câu trả lời của tôi là để có thể thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với một ai đó.
Trẻ con thường cảm nhận rất rõ về tình thương của người lớn – nhiều người thường bảo thế và tôi cũng muốn tin như thế. Nên hãy làm sao để tấm lòng của người lớn có thể trải rộng, để bao bọc các em trong tình thương. Tôi vẫn tin rằng, một khi có tình thương, mọi sáng kiến vì tình thương ấy cũng sẽ tìm đến. Những sự chăm sóc, chuyện trò, dạy dỗ,… vì trẻ em. Trẻ em hơn bao giờ hết cần được sống trong một thế giới của những sáng kiến xuất phát từ tình thương.
“Ephata – Hãy mở ra”, câu thần chú này có vẻ có hiệu lực đối với tôi lắm. Thế thì “hãy mở ra”, tôi ơi! Cứ can đảm để mở tấm lòng mình. Cứ bước tới và cứ gieo những điều tốt đẹp bé nhỏ với một sự cặm cụi và đầy kiên nhẫn. Tôi tin tưởng mai đây, khi ngoảnh đầu nhìn lại, những hạt giống bé nhỏ sẽ vươn mình trỗi dậy, và rồi có một rừng hoa tỏa ngát hương thơm.
Lưu Thủy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.