Còn đau cho đến bao giờ?

0
946
Bản tin thời sự 19h00 tối thứ 3 ngày 6-9-2011 có đoạn phóng sự nói về những trẻ em bị nhiễm H không được đến trường. Những em này bị nhiễm H do truyền bệnh từ mẹ từ lúc mang thai hoặc lúc bú mẹ. Đoạn phóng sự chỉ dài chưa đầy 5 phút nhưng để lại cho tôi nỗi ám ảnh khôn nguôi. Một bé gái chừng 10 tuổi chơi xích đu, trượt patin với các bạn. Nếu đoạn video này không nằm trong đoạn phóng sự về trẻ nhiễm H thì tôi không nghĩ đó là đứa trẻ nhiễm H. Khuôn mặt thánh thiện, ánh mắt hồn nhiên, nụ cuời ngây thơ ấy đang có một khát khao. Một khát khao đơn sơ và có vẻ tầm thường nhưng em chưa có được: khát khao được đến trường. Em trả lời phỏng vấn: “Con muốn được đi học ở trường với các bạn nhưng không được. Con mong rằng một ngày nào đó con sẽ được đến trường”. Khi được hỏi em có lời nào muốn nói với mọi người không? Em trả lời: “Con mong mọi người sẽ hiểu… bệnh của con… không dễ lây như vậy đâu!”. Sau câu nói ngập ngừng phát ra từ giọng nói trong trẻo của đứa trẻ lên 10 ấy. Tôi thấy rõ ràng là cái cúi mặt nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng ý tứ để che giấu cái ửng ửng rơm rớm của một giot nước mắt tủi hờn.
“Con muốn được đi học ở trường với các bạn nhưng không được. Con mong rằng một ngày nào đó con sẽ được đến trường.” (Ảnh: Internet)
Ngay từ lúc mới chào đời, em đã mang trong mình dòng máu có H của người mẹ. Con người sinh ra đời không thể chọn cho mình một người cha, người mẹ theo ý mình. Tạo Hóa đã định thế. Tôi chấp nhận, bạn chấp nhận, mọi người phải chấp nhận và chính các em cũng phải chấp nhận điều đó. Tôi và bạn đã có lúc tự hào về dòng máu cha mẹ cho, các em có khi nào tự hào về điều đó chưa nhỉ? Có những lúc tôi và bạn trách cha mẹ tại sao xinh ra con không trắng như người này, mũi cao hơn người kia, có khi nào các em trách cha mẹ chúng tại sao sinh ra chúng rồi mang cả bệnh tật cho chúng chưa nhỉ? Từ thuở chưa biết đâu là bánh kẹo đâu là đồ chơi mà nhét hết vào miệng, các em đã mang trong mình dòng máu nhiễm H. Chắc các em chẳng được mọi người bồng bế, chẳng được hôn hít, cắn má, nựng môi như tôi và bạn lúc nhỏ đâu nhỉ. Có chăng là những cố gắng âu yếm kiệt lực của những ông bố, bà mẹ cũng đang bị nỗi đau đớn thân xác dày vò vì bệnh AIDS. Tâm lí học và giáo dục học cho rằng trẻ em cần phải có những cử chỉ âu yếm, gần gũi ngay từ nhỏ thì khi lớn lên chúng tính tình chúng sẽ điềm đạm, hòa đồng. Vậy mà những em này chẳng được những điều ấy, thậm chí còn là sự ghê sơ, chê bỏ từ chính những người thân thiết nội ngoại.
Chúng ta đừng rơi nước mắt khi chứng kiến những cảnh tang thương do thiên tai lũ lụt hoành hành hay những tai nạn tang thương. Tâm trí chúng ta bị dày vò bởi chứng kiến những đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Chúng ta tự hỏi: những đứa trẻ ấy rồi sẽ ra sao? Các em có H cũng mất cha, mất mẹ từ khi chúng còn chưa hiểu tại sao cha mẹ chúng chết. Cha mẹ chúng chết nhưng gia tài của cha mẹ chúng thì chúng vẫn còn mang mãi. Dòng máu có H. Gia tài này lớn quá nhưng cũng nặng quá khiến những đôi vai bé nhỏ ấy muốn gục ngã nếu không muốn nói là bị đè bẹp.
Thế vẫn còn chưa đủ. Nỗi đau mất cha mất mẹ đã là gì đối với chúng. Nỗi đau đớn tột cùng là khi chúng sống mà không được nhìn nhận. Đoạn phóng sự có nói đến chi tiết: “ 5 năm trước, một số em cũng được đưa đến trường nhưng do sức ép của các phụ huynh học sinh nên nhà trường buộc trả các em về lại trung tâm”. Hoan hô những ông bố, bà mẹ đã tìm mọi cách để con cái mình được bình an. Cảm ơn bố mẹ đã bao bọc con khỏi những bệnh tật. Nhưng tình thương có phải là nâng người này lên để đạp kẻ kia xuống? Ta sẽ dạy cho con bài học yêu người từ những điều bình dị nhất?
Các em nhiễm H ý thức được tình trạng của mình. Khi khoa học chưa tìm được thuốc đặc trị thì phía trước của các em là một bầu trời xám xịt. Các em nào dám mơ uớc xa xôi đến những khu du lịch này, mua món đồ kia. Các em chỉ muốn được đến trường, các em chỉ muốn được khoác lên mình chiếc áo trắng khăn quàng đỏ. Em chỉ muốn có những người bạn, được vui đùa, muốn bước ra khỏi bức tường trung tâm để nhìn thế giới. Em chỉ muốn được cảm nhận một phần nhỏ của thế giới bình thường…
Có những em đã 15, 17 tuổi. Tức là các em đã sống trong tình trạng có H suốt mười mấy năm trời. Rồi các em sẽ bước vào tuổi trưởng thành thế nào đây? Hay chúng ta cứ hờ hững phán rằng: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”! Các em sẽ chết hay các em đang chết. Chết trong bệnh tật hay chết trong sự cô đơn vì không được nhìn nhận phẩm giá con người.
Khai Tâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.