Xã hội truyền thống của người Khmer vùng Tây Nam Bộ- kỳ 7

0
1271
Người già
7h30 sáng sau khi hoàn thành sổ nhật ký xong thì tôi đi lên nhà bác S, trưởng ban quản trị chùa. Tôi đi cùng với T, Đ và H. Trước khi đi, T có gọi điện trước nhưng bác S nói hôm nay bác phải đi xa tới 10h trưa mới về, nhưng chúng tôi vẫn quyết định đi sớm vì nhà bác khá xa. Chúng tôi hỏi thăm những người trên đường và cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà bác S. Trước mắt tôi là cảnh một căn nhà lá khá đơn sơ và cũng không có gì là khang trang, khá giả gì lắm. Tôi thấy một bà già khoảng 70 tuổi đang lụi cụi nhặt những trái gì đó, hỏi ra tôi mới biết đây là vợ của ông  S. Bà đang lượm những trái mù u để bán cho người ta, nhưng để người ta làm gì thì bà không biết. Thấy chúng tôi giới thiệu là sinh viên thực tập, muốn gặp bác S để hỏi một vài chuyện thì bà liền bảo đứa cháu nhỏ khoảng 9-10 tuổi gọi ông về. Chúng tôi bảo bà đừng gọi, chúng tôi sẽ đợi và chúng tôi cũng muốn tới thăm hỏi và chơi với bà.
Tôi nhìn thấy trong khu đất đó có hai căn nhà. Trước căn nhà bên đó có một cụ già đang đan cái xúc bằng tre. Trong lúc đợi ông Sơn về, tôi để cho bạn ở lại, còn tôi sang đó nói chuyện một chút. Tôi tiến tới, gật đầu và hỏi bác đang làm gì thế thì bác bảo là đang làm cái xúc phân bò (tương tự như cái xúc rác nhưng được đan bằng tre). Thực ra, tôi thấy nó không còn mới như là bị hư ở đầu mũi xúc nên bác đang sửa lại. Bác cho biết tiếng Khmer gọi là “cái ki”. Một bác gái cũng đang đi từ trước cổng vào với vẻ mặt đầy thắc mắc. Có lẽ bà muốn biết tôi là ai và cũng rất lạ lẫm. Bà không cười mà chỉ trao đổi bằng tiếng Khmer với ông  thôi. Khi tôi hỏi về tên tuổi và gia đình thì ông trả lời. Ông tên là  R,  73 tuổi. Vợ ông là P, 70 tuổi. Khi tôi trình bày với ông về việc tôi muốn biết về lịch sử Phum, sróc này, ông cười và nói là ông  không biết gì nhiều đâu. Tôi hỏi về gia đình ông R thì ông cho biết: Gia đình ông có 12 con: sáu người con trai và sáu người con gái. Con ông đã lập gia đình hết và hiện nay có ba người con trai và ba người con gái đang sống gần nhà ông. Ông bà sống với nhau trong căn nhà bằng lá bình thường như bao ngôi nhà của người dân Khmer tại địa bàn B.V. Ông vừa làm trong khi  tôi hỏi ông về vấn đề lịch sử của ấp trong khoảng thời gian ấp chiến lược. Ông R cho biết là trước đây ấp chiến lược có tên là B.V.  Trưởng ấp người Khmer gọi là Mê Phum. Khi tôi hỏi ông về việc hồi đó ông có đi bộ đội không thì ông trả lời là ông có đi một năm rưỡi rồi trốn về.  Ông nói tiếp “Hồi đó giặc giả không nhiều nên cũng không có gì ghê gớm lắm”. Tôi hỏi ông hồi đó khoảng năm bao nhiêu thì ông R cho biết đó là khoảng thời gian năm 1960-1961. Trước đây,bác có đi tu trong chùa không? Bác R nói bác không đi tu mà chỉ có em bác là bác S đi thôi. Bác R cho biết Bác R và bác S là hai anh em trai, còn đất này là đất của ba mẹ bác R để lại. Tôi hỏi bác chủ của đất này thì gọi bằng tiếng Khmer là gì? “Có phải là mê phum không ạ?”. Bác R trả lời “chủ của đất ở là tiếng khmer gọi là âm chạt chứ không phải là mê phum, Mê Phum là người đứng đầu phum B.V chứ không phải là chủ đất”. theo bác R, một ấp là một sróc, huyện là nư khụm, như ở đây là nư khụm C. N.
Cuộc sống người Khmer.
 (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Hỏi về bác S thì bác R cho biết, bác S làm trưởng ban quản trị đã 9-10 năm nay, vì thiệt thà mà người ta cho làm hoài tới giờ. Khi tôi hỏi bác R về giai đoạn tập đoàn, bác có nói là thời kỳ này mỗi người có một  đến hai công ruộng. Tùy theo tập đoàn người ta có nhiều ruộng hay ít ruộng. Thời gian tập đoàn tiếp quản năm 1975.Theo bác R,  thời tập đoàn người dân sống cực hơn là trước bởi vì người ta tính theo công điểm, còn người già, người đau ốm không làm được thì không có cái ăn. Bác bảo nhà bác hồi đó có hai mấy công đất vì con cái đông nhưng hiện nay bác còn 18 công ruộng.
Khi làm xong cái ki, bác mời tôi vào nhà uống nước, bác gái đang ngồi ở mé giường cũng đã vui vẻ hơn lúc nảy. Tôi tới ngồi bên bác P, bác kể cho tôi nghe về bệnh tình của bác. Bác có bệnh biếu cổ (biếu dữ ) không mổ được, mười mấy hai mươi năm nay là bác đã bị rồi. Sau đó, ông từ trong phòng đi ra tay cầm ấm trà và gọi tôi lại bàn ngồi nói chuyện. Tôi cảm thấy bác cũng vui vẽ và sẵn sàng trả lời những câu hỏi của tôi. Bác P chỉ cho tôi hình cưới cô con gái út của bà được đặc dưới tấm kính bàn. Trong nhà bác có hai bàn thờ , thờ phật một bàn, thờ ông bà một bàn. Trước sân cũng có một bàn thờ Thiên chỉ có một lư hương mà không có mái che, tôi hỏi bác tên của bàn thờ này thì bác cho biết đây là bàn thờ Thiên. Theo bác R, trước giải phóng dân cư ở đây còn thưa thớt, chỉ khoảng hơn 100 hộ, bây giờ ấp này có hơn 300 hộ. Trước đây, khi dân ở đây còn thưa thì đất này rộng lắm. Hồi ấp chiến lược người ta rào hào rào trước đường lộ ban ngày người dân vẫn đi làm bình thường, ban đêm thì người ta không cho ra và có cả lính canh. Tôi thấy bác Rưng nói con gái bác sống ở trước khu vực gần nhà bác, gần đường lộ nhưng lại có những hàng rào bằng cây tre thì thắc mắc. Bác Rưng giải thích đất nơi của con bác đang ở là đất ruộng nhưng do bác đã đỗ đất lên vào khoảng thời gian trước thời giải phóng và nó trở thành đất phum.
Khi tôi hỏi bác về việc ở ấp này người ta giàu lên nhờ gì? Thì bác R trả lời là do người ta có con lấy chồng việt kiều, các nước như Pháp, Mỹ, Đài Loan. Ví dụ như ông H có đứa con gái lấy chồng nước ngoài nên mở cây xăng bán. Nhưng một phần, bác H giàu là từ thời ông bà do hồi xưa nhà họ có nhiều đất ruộng .
Bác R bảo ở đây người ta giàu là căn cứ vào đất ruộng chứ không tính theo đất Phum , giờ đất còn rẻ lắm, có đất mặt tiền ngoài lộ mới bán được giá. Từ thời ông bà đã có bằng khoán và tính theo m2.
(Còn tiếp)
27/5/2011
Trần Thị Thùy Trang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.