Trần Bạch Đằng – cuộc đời và ký ức (Kỳ 2): Bước vào lò luyện thép

0
1141

Năm 1943, ông Trần Bạch Đằng gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1945, ông là bí thư khu Ngã sáu Chợ Lớn kiêm ủy viên BCH Tổng công đoàn Nam bộ; 20 tuổi, năm 1946 là ủy viên thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn…

Kỳ 1: Trần Bạch Đằng – cuộc đời và ký ức: Tháng ngày trôi dạt

Đồng chí Trần Bạch Đằng (thứ hai từ trái sang) tại chiến khu Lộc Ninh (1972) Ảnh tư liệu

Đầu năm 1949, tôi được Đảng bộ Nam bộ cử vào đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II tổ chức ở Việt Bắc, cùng với đồng chí Phạm Hùng và Hà Huy Giáp. Đến Nha Trang, hai đồng chí Phạm Hùng và Hà Huy Giáp chuyển sang đi đường biển, tôi tiếp tục theo đường bộ với một đoàn cán bộ quân sự và thanh niên.

Tôi bị bắt

8 tháng 4 năm 1949: chúng tôi rút vào núi hơn một tuần lễ rồi. Phải giữ bí mật triệt để. Ban ngày, tuyệt đối không nấu nướng gì hết, sợ có khói, dễ làm mục tiêu cho phi cơ và đồn bót địch. Chỉ được nấu ban đêm và phải che kín đáo, không để ánh sáng lọt ra ngoài.

Chúng tôi từ Hòn Hèo, vượt quốc lộ sang đây, thuộc dãy Trường Sơn, nơi giáp giới Khu 6 và Khu 5. Theo liên lạc thông báo, chúng tôi còn ở đất Khánh Hòa, vùng tạm chiếm và chỉ một ngày đường nữa là đến vùng tự do Khu 5, sau khi vượt qua Đại Lãnh – mà chỗ chúng tôi sắp vượt gọi là Dốc Mỏ.

Chúng tôi đi hàng một, hướng về phía Đại Lãnh. Tin truyền miệng từ đằng trước: gần đến suối. À, tới suối này mà rửa mặt một cái, khoái chí tử! Phải chi còn gạo tới đây làm ba hột, dầu leo mấy cái núi cũng không ngán.

Tôi đi vào tốp cuối cùng. Đôi giày bỗng đứt dây. Tôi đứng lại và cột giày. Cả đoàn bỏ tôi lối 30 thước. Cột xong giày, tôi bươn bả chạy theo đoàn.

Từ bờ suối, phía tay mặt, một loạt súng máy nổ rền, tiếp theo các loạt súng khác nhả đạn dồn dập. Trong nháy mắt, cả đoàn lẩn vào bụi cây. Tôi cũng vội vã tách mình. Nhưng, vừa qua khỏi gò mối, hàng chục họng súng chĩa vào tôi, chặn đường tiến thoái, tôi chưa kịp rút khẩu súng ngắn ra khỏi bao.

Tôi bị bắt – tôi là người duy nhất trong đoàn bị bắt, tôi biết điều đó sau này.

Tức thì, lính trói tôi lại, lục soát balô và chúng chia nhau tất cả những thứ tôi có, chỉ chừa cho tôi cái quần xà lỏn và cái áo thun mỏng trong mình.

Hai lính thân binh dẫn tôi đến trước một tên trung tá người Pháp.

Tên trung tá bảo tôi ngồi xuống. Vẻ mặt lạnh như tiền. Trong lúc đó, mấy tên lính Pháp bứt dây thắt vòng mà tôi đoán là để treo cổ tôi. Mấy lần tôi dợm chạy, biết ý, tên trung tá bảo người thông ngôn: “Mày nói với nó chớ chạy – chẳng khỏi đâu – tao bắn cácbin như thế này”. Và hắn cho nổ một phát cácbin vào chãng ba cây, cách chỗ hắn lối 40 thước, trúng phóc!

Một lính Phi châu mặt gạch dẫn tôi đi. Hắn cẩn thận đến nỗi dùng một sợi dây dài, một đầu tròng vào cổ tôi, một đầu cột vào tay hắn, súng chĩa vào lưng tôi.

Nắng còn gắt. Chân tôi giẫm lên con đường tráng nhựa nóng rát và chiếc xe camnhông đang chờ tôi. Mười phút sau, xe ngừng. Tôi ở trước cửa một dãy đồn kiên cố: đồn Vạn Giã.

Trận đòn đầu tiên

Tên lính Phi châu hầm hừ xô tôi vào một căn nhà lụp xụp. Tên trung tá hồi nãy ngồi đó tự bao giờ. Có thêm hai sĩ quan Pháp và một thông ngôn. Hai tên sĩ quan – một đại úy và một trung úy – chăm chú đọc các giấy tờ bắt được trong người tôi.

Nửa giờ sau, cuộc thẩm vấn bắt đầu. Và, các dụng cụ tra tấn bày ra.

– Mày tên gì?

– Nguyễn Văn Hai.

– Nói láo! Giấy ghi: Trần Bạch Đằng! – tên trung tá quát.

– Tôi là cần vụ, mang giấy tờ của chỉ huy.

– Thế giấy tờ của mày đâu?

– Tôi là cần vụ, không có giấy tờ!

– Mày nói láo… Công văn này do Phạm Hùng, phó giám đốc Sở Công an Nam bộ của Việt Minh, giới thiệu mày là xứ đoàn phó Thanh niên Cứu quốc Nam bộ, tổng thư ký Kỳ bộ Việt Minh Nam bộ, đại biểu Nam bộ ra Bắc dự đại hội Đảng Cộng sản… Công văn yêu cầu Việt Minh các nơi phải lo cho mày tử tế… Mày đeo súng ngắn, balô nhẹ vì mày có cần vụ…

– Tôi là cần vụ!

– Tao nói để cho mày khỏi chối: xét nghiệm dấu lăn tay trên giấy của mày thì mày thêm tội khai láo… Nhưng, trước hết, mày hãy làm quen với tụi tao…

Một tên sĩ quan Pháp, thân xác to lớn như trâu, cởi trần, lòi bộ ngực lông lá. Hắn mở trói cho tôi, cột hai ngón tay cái của tôi vào hai sợi dây điện. Rồi hắn quay một đinamô. Tôi bị điện giật, té ngửa, toàn thân run bần bật, tim như muốn ngừng đập. Tôi phải chịu cách tra khảo này khá lâu. Sau đó, tên sĩ quan bảo: “Bây giờ tao cho mày đi tàu lặn”…

Có lẽ đã chiều rồi. Ngoài cửa sổ, ánh nắng đổi màu làn lạt. Chúng nó ngừng cuộc tra khảo, trói thúc ké tôi lại và cột rút lên cao, treo toòng teng giữa nhà. Chúng bỏ đi, đóng cửa lại.

Gần hai giờ đồng hồ sau, bọn chúng trở vô, bật đèn, mặt mũi tên nào cũng đỏ ké, mùi rượu nồng nực. Cuộc tra khảo bắt đầu bằng hình thức khác: đánh chày vồ.

Chúng trói thúc ké tôi, bắt tôi quì xuống, kê ngực vào mép ghế đẩu, rồi dùng chày tay đánh trên lưng tôi. Mỗi tiếng “thình” vang lên, ngực tôi cấn vào cạnh ghế, xương ngực như bị dập. Tôi hự, máu tuôn theo khóe miệng. Sức chịu đựng của tôi đã kiệt, tôi bất tỉnh.

Em Kiết 15 tuổi…

9 tháng 4: Tôi bừng dậy, thấy mình nằm trong một căn hầm hẹp té, bề dài lối một thước rưỡi, bề ngang chừng bảy tấc, tường xây đá xanh, nền cũng lót đá, nóc bằng đá. Có một cái lỗ nhỏ trên cao, chằng chịt song sắt và dây kẽm gai. Qua lỗ nhỏ đó, tôi biết bây giờ là ban ngày.

Bỗng có tiếng người đi vào, rồi ổ khóa kêu lách cách: tên lính Phi châu hôm qua gọi tôi lên phòng điều tra.

9, 10, 11, 12 tháng 4: Bốn ngày ròng rã tôi làm bia cho đủ thứ cực hình, mới có, cũ có: châm điện, đổ nước, lộn mề gà, đi máy bay, đánh chày vồ, đánh tứ trụ. Người tôi tan nát, mắt sưng húp. Tôi chết đi sống lại có đến cả chục lần. Trong các loại tra tấn, kiểu đánh vào đầu, theo tôi, nguy hiểm nhất. Tôi quên kể: vừa bị bắt, chúng cạo trọc đầu tôi. Mấy tên thay nhau dùng dùi cui gõ khắp đầu tôi, gõ nhẹ thôi, song giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, đầu tôi sưng vù, mềm nhũn, tím bầm, tựa như quả mít ướt chín rục, ê ẩm, thậm chí đôi lúc trí nhớ đứt đoạn.

Tôi sẽ chết vì không thể chịu đựng nổi nếu không có em Kiết.

Em Kiết, 15 tuổi, thân thể khỏe mạnh, cao lớn dềnh dàng. Trước em làm liên lạc cho kháng chiến. Trong một cuộc giao phong, em bị bắt và từ đó em làm bồi cho tên trung tá, trưởng đồn Vạn Giã.

Trưa ngày 12, sau khi bị một trận đòn cực kỳ đau đớn, tôi mê sảng luôn. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy em Kiết ngồi bên cạnh, đang bóp muối các vết thương của tôi.

Thấy tôi tỉnh, em cười, đưa cho tôi một tô nước muối bảo uống.

Chiều hôm đó, khi tên lính Phi châu kéo lết tôi về khám thì em Kiết lẽo đẽo theo sau. Em điều đình với tên chúa ngục mang cho tôi một hộp cơm, chai nước và em tiếp tục như vậy cho đến ngày việc tra khảo tôi chấm dứt…

13 tháng 4: Từ hôm nay, tôi không còn bị tra tấn nữa. Em Kiết cũng không vào khám được.

Chế độ trại giam ở đây chỉ cho tù mỗi ngày ăn một bữa cơm với muối cục. Tất nhiên là cơm gạo lức và gạo ẩm, bốc mùi hôi.

Khi tên chúa ngục mở cửa, một người lính già mang lon cơm vào, tôi không buồn rờ tới.

Nhưng, đã trưa rồi, bụng đói. Tôi cầm lon cơm lên ngửi: lạ quá, không có mùi ẩm. Tôi ăn, rất ngon, hết lớp cơm trên, cả một khứa cá ngừ kho thơm phức ở dưới.

14 tháng 4: Như thường lệ, ông lính già đưa cơm nước vào. Tôi nói lẹ với ông: “Xin cám ơn ông”. Ông lính già, người Quảng Nam, mỉm cười đáp: “Không có chi, ông nên cám ơn thằng Kiết”. Sau, tôi mới biết là em Kiết đã vận động nhà bếp mỗi bữa cho tôi ăn cơm gạo tốt, có cá. Tôi bồi hồi cảm động. Hình ảnh em Kiết hiện ra – trong khi ngồi viết những dòng hồi ký này tôi vẫn như thấy rõ em trước mắt: da đen, răng hô, đầu hớt móng ngựa.

15 tháng 4: Tôi lại phải lên phòng điều tra lần nữa. Nhưng lần này, tên sĩ quan chỉ hỏi qua loa vài câu rồi cho xuống khám.

Ra cửa, tôi gặp em Kiết. Em đi cặp kè với tôi về phía khám.

Sau đó, em Kiết sắp đặt chương trình giải thoát tôi, nhưng không thành, vì sự toan tính giữa tôi và em Kiết đã lọt vào tai một người tù nữa – tên Quyên…

Trần Bạch Đằng

__________________________

Quyên đã khai báo với viên sĩ quan Pháp để tâng công. Kế hoạch bại lộ, ngày 19-4, chàng thanh niên 23 tuổi bị áp giải về đồn Ninh Hòa, rồi về khám phòng nhì Nha Trang.

Ngày 2-5-1949, anh trở về Sài Gòn trên chuyến xe lửa bít bùng, chân và tay bị còng…

Kỳ tới: Người tù ở bót Catinat

Nguồn: Tuổi Trẻ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.