Ký ức hào hùng từ 9 chiếc răng trong địa ngục

0
736

Cũng giống như các cựu tù khác giấu kỷ vật vào quần con tự may, ông Minh Tằng cũng gói cẩn thận 9 chiếc răng của mình giấu trong người, le lói ngày trở về. Đây là kỷ vật duy nhất ông giữ lại được, ghi dấu những tháng ngày trong lao tù như một ký ức vừa hào hùng, vừa ghê rợn.

Nhìn 9 chiếc răng bị đục đến chân của cựu tù Vũ Minh Tằng – Nam Định, trưng bày trong bảo tàng, không ít người đã trào nước mắt. Theo địa chỉ ghi ngay bên cạnh hiện vật, phóng viên tìm về thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, Nam Định để gặp lại người cựu tù anh hùng năm xưa.

Một thời lửa đạn

Sinh năm 1940, tháng 4/1962 ông Vũ Minh Tằngnhập ngũ. Khi ấy, ông đã có vợ và 2 người con. Tháng 9/1967, ông bị địch bắt ở hang Đá Chẹt – tỉnh Quảng Ngãi, rồi bị đưa về nhà thương Phú Tài. 13 tiếng sau, địch giải ông lên máy bay trực thăng, đưa thẳng ra nhà lao Phú Quốc.

Vào tù, ông hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Trình độ văn hoá lớp 9, lại có 2 năm học thêm bằng y sĩ ở Viện 5 – Ninh Bình, nên vừa hoạt động chính trị ông vừa kiêm luôn việc khám chữa bệnh cho anh em tù nhân. Tháng 12/1971, ông là Bí thư chi bộ nhà lao A2, trực tiếp chỉ huy đào hầm cho hơn 100 anh em tù vượt ngục.

Vợ chồng ông Tằng giản dị trong cuộc sống đời thường.

Một tên chiêu hồi sau đó đã khai ra ông. Quản ngục lập tức dẫn ông lên phòng điều hành và lệnh “cho thằng bí thư đi tàu ngầm”. Ở đó, chúng bắt ông đặt đầu gối vào hai lỗ tròn trên tấm phản dày 20 phân. Mỗi gối bị đập 70 vồ và đóng 3 chiếc đinh bảy phân, để rồi vỡ nát như vỏ trứng. Chưa hết, một tên có tên là Nhất Nhu ra lệnh đục răng ông. Lần này, không hiểu sao hắn không bắt nhổ ra như với các anh em khác mà buộc ông nuốt hết, cả máu và răng. Chỉ khi ông hoàn toàn mê man chúng mới thôi những đòn tra tấn tàn khốc.

Tỉnh dậy, ông Tằng đã thấy mình ở trong “chuồng cọp”. Anh em đã lấy hết đinh trên gối ông ra. Cái chuồng làm bằng dây kẽm gai, chỉ rộng có 24m2, 300 anh em ngồi chồng chất lên nhau đến vài tầng, thế mà mọi người vẫn dành cho ông một chỗ đủ nằm co. Họ lấy tay áo, quạt cho ông chóng tỉnh. Cứ 5 phút, cho bớt ngột thở, anh em lại luân chuyển chỗ ngồi cho nhau.

Tới bữa ăn, bọn giám thị lấy máu khi đục mắt cá chân của các chiến sĩ trộn với cơm. Mỗi người chỉ được một nắm cơm bằng ngón tay cái, và 10cc nước. Thiếu nước, 5-7 ngày mới đi tiểu tiện, anh em lại bụm tay hứng lại, nhấm mỗi người một ít cho qua cơn khát.

Sau trận đòn chí tử ấy, ông Tằng tưởng mình không sống nổi. Ông không nuốt nổi cơm, lại bị phơi nắng, phơi sương suốt đêm ngày. Mấy ngày sau, một tên quân cảnh lại gần “chuồng cọp” hỏi: Người bị đánh hồi hôm đâu rồi? Rồi anh ta dúi vào tay đồng chí của ông hai hộp sữa cùng gói thuốc. Nhờ đó, ông hồi phục dần. Đến giờ, ông vẫn tin người quân cảnh ấy là chiến sỹ của mình được cài vào.

Trong số những người đồng chí đã cưu mang ông giữa ngày tháng lao tù kinh hoàng đó, ông Tằng vẫn nhớ hai người bạn đồng hương là ông Trương Mỹ Lâm (Xuân Trường – Nam Định) và ông Vũ Trung Huấn (Vụ Bản – Nam Định). Người thì dành phần thuốc sinh tố và gan cá đuối cho ông, người góp cơm nắm xoa bóp chỗ bị thương, giúp ông làm vệ sinh thân thể. Tình đồng đội thiêng liêng như ngọn lửa, sưởi ấm trái tim chiến sĩ cộng sản giữa cảnh lao tù.

Người tù nặng… 23kg

4 tháng bị giam trong “chuồng cọp”, 300 anh em tù chỉ còn lại 18 người. Hiệp định Paris thành công, ông Tằng cùng các cựu tù sống sót mới được giải phóng.

Khi chúng tôi thắc mắc: “Làm cách nào để ông giữ lại được những chiếc răng đã nuốt trong bụng?”. Ông kể, giọng xót xa: “Ngày ấy, trong nhà giam, địch cho thùng sơn để làm nhà cầu. 1 tháng anh em mới “giải quyết” được một lần. Mỗi lần “đi” xong, tôi lại lấy lại mấy chiếc răng. Lấy được 9 cái ra rồi, còn 1 cái nữa, vẫn trong bụng tôi đây, nó mắc lại ở ruột già, chưa mổ lấy được!”.

Những chiếc răng của ông Tằng lưu giữ tại bảo tàng.

Trong nhà giam, quân cảnh tuần nào cũng kiểm tra phòng một lần nhưng chúng không mấy khi khám người. Cũng giống như các cựu tù khác giấu kỷ vật vào quần con tự may, ông Minh Tằng cũng gói cẩn thẩn 9 chiếc răng của mình giấu trong người, le lói ngày trở về. Đây là kỷ vật duy nhất ông giữ lại được, ghi dấu những tháng ngày trong lao tù như một ký ức vừa hào hùng, vừa ghê rợn. Ngày nhập ngũ, ông Vũ Minh Tằng nặng hơn 50kg mà khi được trao trả, ông chỉ còn 23kg.

Những cơn bão tố cuộc đời của ông giờ đã lùi vào dĩ vãng. Con cái ông đều đã trưởng thành, lập nghiệp xa. Nhà chỉ còn hai ông bà và chú em ruột tật nguyền. Ông sống thanh thản, vui thú ruộng vườn, bởi ông luôn tâm niệm: “Từ những năm tháng tù đày mình đã sống, còn tồn tại được đến hôm nay là hạnh phúc lớn rồi!”.

Nguồn Gia đình&Xã hội

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.