Ngày khởi hành
Đoàn chúng tôi khởi hành tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng lúc 9h sáng. Tới 14h20 chúng tôi có mặt tại Ủy ban Xã N.T. Vừa tới nơi, tôi thấy không gian của Ủy ban rất yên tĩnh. Tại “phòng hội trường ” có một nhóm người đang họp, một chú sắp ghế cho chúng tôi. Khoảng 20’ sau, chú phó chủ tịch xã ra giới thiệu chúng tôi với các trưởng ấp N.L và B.V đồng thời căn dặn chúng tôi một số điều về vệ sinh, tôn trọng chủ nhà. Chúng tôi cũng được giới thiệu cho biết những người hướng dẫn sinh viên trong quá trình làm bài tại địa bàn.
Lễ cúng trăng của người Khmer Nam Bộ
(Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Nhóm chúng tôi là nhóm ba ở tại nhà bà Kh, ấp B.V. Chú T.B.F dẫn chúng tôi đến đây, chú là trưởng ấp B.V này và bà Kh là dì của chú. Chú F có dáng người chắc khỏe, chú có nước da đen rám nắng, đôi mắt chú rất có chiều sâu. Cách nói chuyện của chú lúc này có hơi khách xáo vì chưa quen biết chúng tôi nhưng cũng rất khiêm tốn và nhiệt tình trả lời những thắc mắc của chúng tôi. Chúa F ít cười nhưng khuôn mặt vẫn luôn tươi và bình tĩnh. Trước hiên nhà bà Kh, thầy T và cô D trò chuyện với chú K, câu chuyện có liên quan đến vấn đề mà chúng tôi nghiên cứu về thiết chế xã hội của người Khmer. Chú nói: mỗi Wện có từ 30-40 hộ gia đình, tại đây có sáu Wện bằng một phum. Ngôi chùa Khmer gần đây có lịch sử trên 1000 năm, sư cả khoảng 28 tuổi. Điều kiện để trở thành sư cả là căn cứ theo người có tuổi lớn nhất.
Sầm nặc tho ở đây có hơn 30 người tu thiếp và việc này phải nhờ sư ở nơi khác tới. Những phụ nữ đi thiếp ít nhất là hai tuần và nhiều nhất là sáu tuần. Việc tu thiếp không quy định độ tuổi nhưng thường là những phụ nữ lớn tuổi rảnh rang công việc mới đi tu. Vì khi đi họ không lo lắng công việc mà chuyên tâm cho việc tu.
Khi cô D có hỏi về việc ở đây có làm lễ dâng bông không, thì chú F trả lời: năm nay lễ dâng bông diễn ra rồi do ba gia đình ở xứ khác là những người có cha mẹ ở đây, họ đi nơi khác làm ăn và thành đạt nên quay về đây làm lễ dâng bông. Ba gia đình này mạnh ai nấy làm, nếu không có ai đứng ra thì dân ở đây tự đóng góp để dâng chùa.
Hiện nay, chùa có trên 20 sư, tuổi từ 14 – 30 tuổi. Các sư có đi du học ở Thái lan, Ấn độ. Kinh phí tu học do nhà nước chu cấp. Theo những người ở đây cho biết, cũng có trường hợp, người đi tu học năm năm rồi mà vẫn chưa về. Về cách xưng hô giữa các sư, người dân cứ tính theo tuổi để gọi. Tính độ tuổi từ 14 – 21 thì ai tu trước là anh còn từ 21 tuổi trở lên thì gọi theo độ tuổi.
Tại xã, hiện nay có khoảng 20 đảng viên. cúng cơm Chùa một tháng có bốn ngày 8, 13, 23, 30 âm lịch. Khoảng 7h sáng, người dân ai cũng có thể dâng cơm còn đến trưa thì người trong wện sẽ lo. Ở đây, người ta có hai giờ dâng cơm là vào lúc 7h sáng và khoảng 11h trưa vì đến 12h là các sư không dùng cơm nữa.
Họ của người Khmer chủ yếu là họ Thạch. Về việc học hành, các em từ mẫu giáo – lớp 3 sẽ được học tiếng Khmer, từ lớp 3 trở lên học tiếng Việt.
Vào khoảng 4h30, cô D dặn dò chúng tôi về một số vấn đề cần tìm hiểu có liên quan đến thiết chế xã hội truyền thống, tôn giáo và chính quyền.
Tối khoảng 7h30, chúng tôi tập họp lại và được cô phân thành ba nhóm với ba mảng thiết chế. Tôi thuộc nhóm tìm hiểu về thiết chế xã hội truyền thống.
(Còn tiếp)
Ngày 24/5/2011
Trần Thị Thuỳ Trang