Tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ – Kỳ 1

0
1077
Khái quát về cộng đồng
Ấp Kh.B là một trong những đơn vị hành chính nhỏ thuộc xã Kh.N, huyền Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ở trong một vùng đồng bằng đất đai mau mỡ, bà con trong ấp sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Bên cạnh đó nhờ phát triển khoa học kỹ thuật nên hàng năm ngoài trồng lúa, bà con còn trồng thêm các loại hoa màu như ngô, khoai, đậu… để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi gia đình có khoảng từ ba công đến 20 công ruộng. Ở đây, đất có thể nói là nguồn lợi lớn nhất trong cuộc sống của bà con, chính vì vậy gia đình giàu hay nghèo phụ thuộc vào số ruộng mà gia đình mình có. Ngoài làm ruộng của gia đình mình, nhiều gia đình còn làm thuê trên đất của các gia đình có nhiều ruộng hay của Chùa và mỗi năm họ phải trả một khoản nhất định.
 
Ở đây, đất có thể nói là nguồn lợi lớn nhất trong cuộc sống của bà con
(Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
 
Dân số trong ấp, theo thống kê gần đây nhất, có khoảng trên 400 người. Trong đó, hầu hết là người Khmer, chỉ có một vài người là người Việt và người Hoa sinh sống dựa trên mối quan hệ hôn nhân với người Khmer. Trường hợp cô Hường – vợ chú Phả – là một trường hợp duy nhất mà chúng tôi gặp được khi tiếp xúc với cộng đồng. Cô cho biết cô là người Việt ở xã bên cạnh, cô lấy chồng và theo chồng về đây. Tuy vậy, việc tiếp xúc của người Khmer với người Việt và người Hoa là phổ biến thông qua việc trao đổi buôn bán với bên ngoài ấp hay chợ.Vì đây là cộng đồng người Khmer nên tất cả bà con trong ấp đều theo Phật giáo Nam tông. Chính vì vậy sinh hoạt văn hóa của cộng đồng nơi đây gắn liền với sinh hoạt tôn giáo. Hiện trong ấp có một ngôi chùa là chùa Kh.B, và theo đó thì trong ấp được chia thành bẩy Wện để thuận tiện cho việc sinh hoạt chung cũng như việc cúng dường cho các sư sãi trong Chùa.
 
Cơ cấu xã hội hiện nay thể hiện rõ nét theo hai trục chính:
– Theo cơ cấu hành chính: Đứng đầu là trưởng và phó ấp, sau đó tới các ban và hội như hội Phụ nữ, hội Nông dân, hội Thanh niên (như người Việt), tham mưu thì có ban Mặt trận ấp.
– Theo cơ cấu tôn giáo: Trong chùa có hai nhánh đó là: Một là về phía các sư sãi trong chùa phụ trách về nghi lễ và kinh kệ, đứng đầu là sư cả. Hai là phía ban Quản trị chùa phụ trách việc xây dựng và quản lý cơ sở vật chất, đứng đầu là trưởng ban quản trị chùa. Những công việc lớn của toàn cộng đồng được các bên thảo luận ý kiến và cuối cùng là sự nhất trí của sư cả. Kế đến là các Mê Wện hay còn gọi là các tổ trưởng phụ trách truyền thông và quyên góp trong Wện.
(Còn tiếp)
Kiều Văn Tịnh
 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.