Tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ – Kỳ 10

0
1292
Ngày thứ sáu tại địa bàn (1)
Chúa nhật, ngày 29 tháng 05 năm 2011
8h30’ tôi đã có mặt trước cổng chùa Kh.B khi đã đi qua nhà có đám tang nhưng không có lý do gì để bước vào. Hôm nay là một ngày nắng lớn, mặt trời mọc lên từ rất sớm. Mặc dù còn sớm và chưa đến nỗi khát nước, nhưng tôi quyết định dừng lại ở một cái lều nhỏ bán nước mía bên đường sát chùa Kh.B để nhờ đó hỏi han về những vấn đề xung quanh đám tang mà tôi đang muốn tìm hiểu. Chị bán hàng là một người dân sống gần đây, bên kia đường. Năm nay chị chạc 40 tuổi. Hàng ngày, chị đều ra đây bán hàng tơi 11h nhưng hôm nay chị sẽ bán tới chiều vì là ngày chủ nhật. Chị có mái tóc dài qua vai, hơi xoăn và mặc một bộ quần áo màu hồng. Chị mỉm cưới khi tôi tiến lại và kéo một cái ghế ra ngồi, vì chị cũng nói là đã quen với sự có mặt của bọn tôi rồi. Tôi vào ngay vấn đề vì tôi nhận thấy sự gần gũi nơi chị và đối với chị, chúng tôi chẳng còn gì lạ hết vì chị nói đã nghe biết về nhóm chúng tôi và đã được gặp chúng tôi trong chùa.
Phỏng vấn sư cả tại phòng riêng trong chùa Kh.B 
(Ảnh do tác giả cung cấp)
Tôi bắt đầu một câu hỏi: ”Người đó chết từ bao giờ?” Câu trả lời là từ 10h hôm qua. Từ đó tôi liên tục đặt ra những câu hỏi và thắc mắc của mình. Chị luôn nhiệt tình trả lời tôi. Có những chỗ tôi thấy chị thảo luận với hai đứa bé (một đứa con của chị còn một đứa hàng xóm), như để tìm cách diễn đạt cho tôi hiểu.
Đám tang là một người phụ nữa 51 tuổi, bị bệnh hai, ba năm nay rồi. Cô ấy đã có hai người con (một trai và một gái). Vì tôi đi qua thấy mọi người đang ăn cơm trong đám tang nên tôi tò mò hỏi về điều này, chị cho tôi biết là ai tới phúng cũng được mời cơm. Mỗi người đến phúng viếng khoảng 50.000đ (ngày trước còn mua trái cây còn bay giờ chỉ có tiền thôi).
Thắc mắc về việc tại sao tử thi lại được thiêu sớm vậy? Vì cô đó mới chết 10h hôm qua mà hôm nay 9h đã thiêu rồi, chưa được một ngày nữa. Chị nói: “Nhà khá thì để ba ngày ba đêm, còn nhà không khá thì một ngày một đêm”. Trong lễ tang, người dân ở đây có những kiêng kị nhất định mà theo chị cho biết người ta không thiêu xác vào ngày thứ ba hàng tuần bởi nếu thiêu vào ngày đó, con cái của họ sẽ làm ăn không lên được. Những người có chức thì được người ta khắt nhiều (mọi người đến viếng nhiều), lại đông “ông sư tiền của chùa vậy đó cho nên làm được lâu”. Về chi phí cho một đám tang, theo chị nhà nghèo thì hết khoảng 20 triệu còn những nhà khá thì khoảng ba, bốn chục triệu.
Nhìn từ xa, tôi thấy từ phía cổng nhà có đám tang có nhiều người đổ ra đường, tôi xin phép chị dừng cuộc nói chuyện ở đây và nhanh chóng đứng dậy lôi cái máy chụp hình trong cặp ra, rồi đi nhanh về hướng đám đông đó. Cùng lúc đó, chiếc xe đẩy quan tài được đẩy lên mặt lộ. Không giống như đám tang của người Việt, đám tang ở đây tôi quan sát thấy mọi người bước đi nhanh chóng không theo hàng lối gì hết. Phía trước quan tài là vài người đàn ông đứng tuổi và một tấm hình của người quá cố được người con trai ôm; Kế đến là chiếc xe đẩy quan tài, đi xung quanh quan tài có bốn sư đang tụng kinh cho người quá cố. 12 người đang nhanh chóng đẩy xe tiến về phía chùa; Tiếp theo là khoảng 100 người có cả nam và nữ, từ người lớn tuổi tới con nít, mọi người đều cầm theo vài cây nhang đang được thắp. Gần tới cổng chùa, trời bỗng đổ mưa, nên đám tang đã đi nhanh lại càng tiến nhanh hơn trước. Nép vào một bên hiên chùa để trú mưa, tôi đứng cạnh thầy hướng dẫn thực tập, thầy cho biết là sẽ đi vòng quanh chánh điện ba vòng và xung quanh lò thiêu ba vòng trước khi thiêu. Nhưng sự thật không xẩy ra như vậy, đoàn rước xe tang tiến thẳng về hướng nhà thiêu, mưa càng ngày càng nặng hạt nhưng cũng không lớn lắm.
Mọi thứ ở lò thiêu đã được chuẩn bị, khi xe tang dừng lại phía trước lò thiêu, người ta tháo những tấm quách ra và hiện ra trước mặt tôi là một cỗ quan tài rất đơn sơ, làm bằng những tấm ván chưa được chà nhám. Mấy người đứng tuổi nhấc quan tài xuống khỏi xe để lên bệ sắt và đẩy vào lò thiêu. Trong khi di chuyển như vậy, có ba người nằm sát trên mặt đất cho quan tài trượt qua, tôi được biết những người đó là những người thân của người quá cố, và đó như là một cử chỉ báo hiếu đối với mự (mẹ) của mình. Sau khi đặt quan tài cố định trên bệ sắt, một trong những vị sư đang tụng kinh kéo tấm khăn phủ quan tài xuống để lộ hẳn quan tài ra. Sau một hồi kinh và lời phát biểu cuối cùng của Acha thì quan tài được đẩy vào lò thiêu, sau đó nắp quan tài được cạy ra, củi chất xung quanh và người ta hất dầu vào châm lửa đốt. Cháy một lúc người ta đóng cửa lò lại và quan sát tình hình cháy trong lò thông qua những lỗ nhỏ trên của lò có nắp đậy. Một lát sau, khói đen bắt đầu phun ra từ ống khói.
Một lát sau, bên ngoài chỉ còn khoảng 20 người đàn ông, còn lại mọi người đã ra về hết, kể cả những người thân nhất.
Quan sát đám tang, tôi thấy lễ tang của người Khmer đơn giản như chính cuộc sống của họ vậy, đồ cúng mang theo chỉ một nải chuối, một bình bông cúc và một bó nhang. Có lẽ đối với người Khmer, quan niệm về cái chết rất nhẹ nhàng như một sự trở về vậy. Chính vì vậy, dù là người thân thương nhất như chồng và con của người quá cố tôi cũng không thấy họ rơi lệ. Tôi dừng cuộc quan sát đám tang ở đó, vì tôi còn một cuộc phỏng vấn với anh Thiêng. Trên đường di chuyển từ chùa về nhà, tôi đi qua nhà có đám thì thấy mọi người nhộn nhịp chuẩn bị ăn uống gì đó, và có một dàn nhạc truyền thống vui nhộn nữa.
(Còn tiếp)
Kiều Văn Tịnh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.