Từ bánh bao ngày xưa đến phong bì ngày nay – Kỳ đầu

0
1579

phòng mạch của BS. T. thì nằm khuất trong một khu lao động nghèo của người Bắc di cư. Thỉnh thoảng ghé thăm, ngồi ngó nghiêng đàn anh khám bệnh, tôi cực kỳ ngạc nhiên khi nghe cái giá rẻ mạt mà bệnh nhân phải trả. Với giá đó, so với giá thuốc mắc mỏ, coi như lỗ vốn tiền thuốc, chưa nói đến thù lao khám bệnh.

 

Một 
phòng mạch của BS. T. thì nằm khuất trong một khu lao động nghèo của người Bắc di cư. Thỉnh thoảng ghé thăm, ngồi ngó nghiêng đàn anh khám bệnh, tôi cực kỳ ngạc nhiên khi nghe cái giá rẻ mạt mà bệnh nhân phải trả. Với giá đó, so với giá thuốc mắc mỏ, coi như lỗ vốn tiền thuốc, chưa nói đến thù lao khám bệnh.
 Thắc mắc hỏi, BS. T. chỉ cười xoà mà rằng: – Bà cụ ấy nghèo lắm. Lấy đúng giá, tiền đâu bà ta chữa bệnh? Hèn chi, tuy tuổi đã cao, tay nghề không hề kém cỏi, người đàn anh kính mến của tôi vẫn đi lại bằng một chiếc Honda Dame 50, niềm mơ ước của nhiều tay chơi xe cổ. (?)

“Bà cụ ấy nghèo lắm. Lấy đúng giá, tiền đâu bà ta chữa bệnh?”(Hình minh họa – Nguồn: Internet)
 

Lại nhớ đến V, một bệnh nhân vô cùng nặng năm xưa. Có lẽ V. giữ kỷ lục về số ngày hôn mê, nằm viện, truyền máu, thở máy, chạy thận… Không nhờ một quĩ nghiên cứu quốc tế về bệnh nhiệt đới và rất nhiều may mắn, ắt V. đã ra người thiên cổ.
Nhìn V. xiêu vẹo, xanh xao trong ngày xuất viện, ai cũng lắc đầu khen số tay này quá lớn! Vậy rồi thôi, tôi cũng quên bẵng V. cho đến khi không biết bằng cách nào, V. lò dò đến tận nhà. Đen đúa, rắn rỏi, V. vác theo một buồng chuối còn xanh, bẽn lẽn “gọi là tạ ơn bác sĩ đã cứu mạng!”. Dẫu biết V. thành tâm, nhưng làm sao nhận món quà quê rất mực chân thành đó, khi biết rằng có thể đó là một ngày tiền chợ, tiền ăn của gia đình V. ở một góc núi rừng hẻo lánh nào đó.
Nhận cái tình của V. thôi vậy, mà cũng đủ để thấy lòng cảm động mỗi khi nhớ đến. Lại càng không quên được những ngày đói khó. Cả kíp trực đêm đều hốc hác, rạc người. Việc nhân viên y tế ngất xỉu trong đêm vì đói – hay nói văn hoa là hạ đường huyết cho đỡ tủi- là chuyện cơm bữa. Mà thời ấy, bệnh nhân và người nhà cũng nghèo túng. Thỉnh thoảng mới có một thân nhân hảo tâm, tiếp tế dăm ổ bánh mì thịt, vài cái bánh bao.
 Hai 
Chắc chắn, một trí thức miền Nam được “lưu dung” như BS. T. hoàn toàn không cần đến những bài học về y đức, về đạo đức y tế XNCN. Từ tấm bé, họ đã được giáo dục sự kính trên nhường dưới, tránh xa lẽ mạnh được yếu thua. Họ được dạy dỗ để cúi mình xuống những thân phận hẩm hiu như một lẽ đương nhiên, như một thói quen được tu tập trong rất nhiều năm từ gia đình, xã hội . Tôi chắc rằng, nếu không làm thầy thuốc, thì đàn anh T. thân mến của tôi cũng sẽ cư xử đầy khiêm hoà, nhân ái như vậy trong bất cứ nghề nghiệp nào.
Cứ gì phải làm thầy thuốc, với y với đức cao xa? Không cần Bộ Y tế nào phát động, người đàn anh kính mến của tôi cũng sẽ “nói không với phong bì” một cách dung dị, thản nhiên. Vì cái liêm sỉ của người trí thức trong anh không cho phép. Mà không chỉ mình anh T, không ít đồng nghiệp của tôi cũng thản nhiên từ chối phong bì như thế.
Người bệnh V. của tôi với buồng chuối xanh năm xưa cũng vậy. V. làm gì biết đến “kinh tế thị trường”, cái mà người ta hay vịn vào để đổ lỗi cho những điều xấu xí. Nghèo khó, chơn chất, ắt hẳn V. không có khái niệm về cái gọi là “văn hoá phong bì” đang nhan nhản hôm nay. Cũng vậy, ổ bánh mì, cái bánh bao…uỷ lạo cho kíp trực ngày ấy hoàn toàn mang ý nghĩa khác hẳn với sự đổi chác mua chuộc. Nó là sự đồng cảm của những con người nghèo túng… để chia sẻ cùng nhau trong một đêm cùng giành giật sự sống. Nó là sự thấu hiểu và cảm thông cho sự nghèo đói, túng thiếu của nhân viên y tế, nhìn từ phía người bệnh và gia đình. Có lẽ, đây là biểu hiện trung thực nhất (và chua chát nhất) của cái gọi là nền y tế do “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Hơn ai hết, người bệnh và thân nhân của họ thừa hiểu đồng lương chết đói của nhân viên y tế. Họ biết rõ con người đang chăm sóc sức khoẻ cho họ không thể sống được bằng đồng lương. Theo nhiều người nhà bệnh nhân, mức bồi dưỡng thầy thuốc tại bệnh viện tuyến T.Ư, như một luật “bất thành văn” mà nhiều bệnh nhân áp dụng là 1 triệu đồng/ca đẻ, 1-2 triệu đồng/ca mổ, 100.000-200.000 đồng khi đi khám bệnh và 50.000-100.000 đồng cho điều dưỡng (nguồn: Báo Pháp Luật). Chỉ cần một phép tính đơn giản, người ta thấy ngay chi phí khám bệnh ở một BV công thì ngang ngửa với khu vực tư nhân, nơi mà người ta không cần lót tay để được thay một bộ đồ sạch sẽ, hay để khỏi phải nằm chung giường với một người bệnh khác. Khi so sánh như vậy, phải nhìn nhận thẳng thắn, hành vi lót tay đã trả dịch vụ y tế về giá trị thực tối thiểu của nó là nuôi sống được nhân viên y tế và gia đình của họ.
Nếu lương tiền tử tế, bệnh viện công không quá tải khủng khiếp như bây giờ…, chắc không đến nỗi xuất hiện văn hoá phong bì đáng xấu hổ ở mức độ tràn lan. Với tổng chi phí (kể cả lót tay) tương đương, không thấy ai kêu ca về tệ nhũng nhiễu ở các bệnh viện tư cả. Nhưng khi người thầy thuốc đã bén hơi tiền bạc mà không có được một nền giáo dục như bác sĩ T ở trên, sự trả ơn của người bệnh sẽ mau chóng biến thành thói bóp nặn rất đáng kinh sợ.
Đến nỗi nó là cớ để phát động không biết bao nhiêu phong trào từ chối phong bì. Sáng kiến này không tệ, nhưng tốt hơn là ngăn chặn thói quen quát nạt, hắt hủi khi không (hay chưa) có phong bì. Xin nói thẳng, thói bạc ác này khốn nạn, vô nhân hơn rất nhiều so với việc đút túi chút lễ mọn tạ ơn của người bệnh. (Tôi tin chắc sẽ có khá nhiều comment tả oán về sự vô đạo này từ phía bạn đọc.)

(Còn tiếp) 
Nguồn: http://www.drnikonian.com/2011/10/16/banhbao-den-phong-bi/#more-4043

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.