Truyền thống giáo dục ở Thăng Long

0
1790
Sau khi giành được độc lập, các vương triều Đinh và Tiền Lê hẳn đã nghĩ đến việc phải nâng cao dân trí. Vì trong một ngàn năm Bắc thuộc, trong nhân dân ta chỉ có một số điều kiện để học tập. Song tư liệu về vấn đề này không nhiều, khó có thể luận bàn. Chỉ từ đời Lý, sau khi ổn định an ninh chính trị đã nghĩ tới một nhu cầu cấp thiết là cần tăng cường sức mạnh về mọi mặt để bảo vệ đất nước, và để làm việc này không phải chỉ có tinh thần và dũng cảm là đủ mà điều quan trọng là phải có kiến thức về thiên nhiên, về con người và về xã hội, để phát huy được trí thông minh và sáng tạo trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Kinh Thành Thăng Long, cái nôi của nền giáo dục dân tộc
 (Ảnh: minh họa – Nguồn: Internet)
Trong bước đầu xây dựng nền văn hiến, nhà Lý đặc biệt chăm lo việc giáo dục, học tập và tổ chức thi cử. Tại Kinh đô Thăng Long, nhà Lý đã cho lập Văn  Miếu (1070), mở khoa thi “Minh Kinh Báo Học” (1075), đó là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử tại Việt Nam. Đó chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền tảng cho sự nghiệp giáo dục, học hành, thi cử. Sau này, trên nền tảng đó, nhà Trần nối tiếp đưa chế độ giáo dục vào nề nếp hơn. Và đến thời Lê, đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông, chế độ đó càng được hoàn thiện.
Có thể thầy suốt từ thời Lý trở đi, Thăng Long luôn luôn là trung tâm thu hút nhân tài, đi đầu trong việc xây dựng về mọi mặt đời sống tinh thần cho cả nước. Trí thức được tuyển lựa từ mọi miền đất nước để đưa về Thăng Long học và thi. Quang cảnh học tập ngày càng thêm nhộn nhịp, từ Văn Miếu Quốc Tử Giám tỏa đi mọi nơi khiến Thăng Long trở thành một môi trường tiêu biểu của trí tuệ, của văn hóa và của văn học nghệ thuật. Việc giảng bài, việc bình văn không chỉ tập trung ở Văn Miếu mà còn diễn ra ở các trường do các danh sĩ thiết lập, ở những nơi danh lam thắng cảnh ở Thủ đô, tạo nên một tâm lí coi trọng việc học tập và yêu quý người trí thức.
Kinh Thành Thăng Long, cái nôi của nền giáo dục dân tộc, ngày càng phát huy mạnh mẽ sức mạnh tinh thần, thật xứng đáng là Thủ đô văn vật, góp phần tích cực nhất trong công cuộc xây dựng nền văn hiến huy hoàng của dân tộc.
Thăng Long không chỉ là nơi thu hút toàn bộ nhân tài của đất nước mà còn là nơi các cơ sở giáo dục như Chiêu văn quán, Sùng văn quán, Tú lâm cục, Trung thư giám và nhất là Quốc tử giám đề ra những nội dung giáo dục thích hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và mở mang kiến thức cho mọi người.
Ngoài ra ở Thăng Long, trong công việc giáo dục và đào tạo cũng có hiện tượng hội tụ và lan tỏa. Chỉ kể từ khi việc giáo dục trở thành nề nếp, được ghi vào thư tịch thì ta đã thấy nhiều thầy thầy giáo ở bốn phương hội tụ về đây, truyền bá đạo lí, kiến thức cho thế hệ nối sau để rồi các môn sinh lại đem kiến thức thu nhận được mà truyền dạy và ứng dụng ở bốn phương đất nước. Có thể nêu vài nhân vật lớn.
Thời Lý, không thể quên vai trò của sư Vạn Hạnh. Ông từ khi ở núi Tiêu Sơn (Bắc Ninh) đã dạy Lý Công Uẩn, góp phần đưa Lý lên ngôi để rồi tạo dựng, khai sinh ra kinh đô Thăng Long và làm ra những kì tích của kỷ nguyên đại Việt. Hay sư Đa Bảo đã mở lớp dạy Phật học ở Chùa Kiến Sơn (nay thuộc làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), học trò tới hàng trăm người mà hai người xuất sắc nhất là trưởng lão Lã Định Hương và quốc sư Bảo Hòa, những người này đã giúp vua Lý Nhân Tông trị nước. Hoặc như Lý Công Uẩn từ Đình Bảng về Thăng Long dạy học và đào tạo ra Lý Thường Kiệt để rồi ông cống hiến cả đời cho nước cho dân, từ biên giới phía Bắc đến biên giới phía Nam đều in dấu chân ông.
Sang đời Trần, có thể kể đến Lê Văn Hưu từ Thanh Hóa ra, đỗ bảng nhãn và thành thầy giáo của hoàng tử Đỗ Quang Khải. Hoàng tử này sau này là một anh hùng trong công cuộc chống Nguyên. Nhưng một thầy giáo đạo cao đức trọng lớn nhất đời Trần phải là Chu Văn An. Ông là người làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội từng làm tư nghiệp  Quốc tử giám đồng thời dạy cả hoàng tử. Học trò của ông có nhiều người ở nhiều nơi về theo học và khá đông người nổi tiếng như Lê Quát, Phạm Sư Hạnh, sau này làm quan, lúc trong triều, lúc ngoài châu quận, đều là những ông quan tài năng. Tới các đời sau này, nhiều nhà giáo từ các nơi về Thăng Long dạy học trò và học trò của họ từ Thăng Long đi các nơi, đem kiến thức giúp ích cho đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy Nguyễn Lữ, Nguyễn Trù dạy Nguyễn Công Thể, Lê Quý Đôn dạy Bùi Huy Bích, Phạm Quý Thích dạy Nguyễn Văn Siêu…Các thầy trò đó đều hội tụ tại Thăng Long và từ Thăng Long tỏa ảnh hưởng của mình ra cả nước. Thời Bắc thuộc, các thầy Trần Trọng Kim từ Hưng Yên đã về dạy tại Hà Nội và nhiều môn sinh sau này đã trở thành hữu ích cho đất nước. Thời hiện đại, các thầy Trần Văn Giàu, Phạm Thiều từ Nam Bộ tới Hà Nội và ở đây các vị mới có cơ hội  đào tạo được những người mà hiện nay là các học giả đầu ngành sử học Việt Nam, Hán Nôm Việt Nam. Dường như các thầy giáo xưa và nay một khi về Thăng Long- Hà Nội là có thể làm ra sự nghiệp, về giáo dục cũng như về trước tác.
Các thề hệ học sinh Hà Nội cũng đã làm sáng tỏ tính cách hội tụ và tỏa sáng của nền giáo dục. Chỉ nêu dẫn chứng thời hiện đại cũng đã khá phong phú. Ngoài những người gốc Hà Nội như Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu…thì Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cứ ở Bắc Ninh, Nguyễn Thái Học ở Vĩnh Yên, Phó Đức Chính ở Hưng Yên, Trường Chinh ở Nam Định, Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi rồi đến Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng…từ Sài Gòn lục tỉnh …họ đều là học trò ở Hà Nội, giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp cũng ở Hà Nội.  
 
Nguyễn Vinh Phúc
Trích: sách Nghĩ về Thăng Long – Hà Nội

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.