Câu chuyện từ một buổi đờn ca tài tử (1)

0
838
Đờn ca tài tử đã xuất hiện từ lâu đời, nó là loại hình âm nhạc thính phòng, nhưng lại được biểu diễn chủ yếu bởi những người dân bình thường, cho đối tượng là người bình dân Nam Bộ. Ngày nay, hình thức sinh hoạt đờn ca tài tử đã khác nhiều so với đờn ca tài tử trong truyền thống, những nét khác biệt này hình thành trên một khung cảnh kinh tế – xã hội đã biến đổi quá nhiều so với các phân kì trước trong lịch sử của nó. Qua quá trình thực hiện điền dã tại khu vực ấp Gò Me, chúng tôi sẽ trình bày ở đây một buổi đờn ca tài tử trong tiến trình biến đổi của nó, không hẳn là chuyên nghiệp, cũng không hẳn là nghiệp dư, không hẳn là hiện đại, nhưng đang chịu sự chi phối ngầm của tư duy duy lý, vốn là sản phẩm của quá trình hiện đại hóa.

Ảnh: sưu tầm Internet
Dường như tôi không có duyên với những buổi đờn ca tại địa phương. Cứ mỗi lần tôi xuống ấp Gò Me, thì trước đó vài ngày, hoặc sau đó vài ngày sẽ có một buổi đờn ca, nhưng chẳng bao giờ tôi có thể xếp thêm thời gian được, vì lịch học ở trường quá trùng khít. Đến lần thứ ba, tôi mới được tham dự trực tiếp vào một buổi đờn ca như mong muốn. Ngày hôm đó, chúng tôi đến khu vực ấp Gò Me khi trời đã tối. Người dân đã ngủ cả, chỉ có ông Hòa là còn thức để đợi chúng tôi. Ông đã đợi chúng tôi từ tối, khi chúng tôi đến ông thậm chí đã đứng sẵn ngoài cửa trông chờ. Vừa thấy chúng tôi, ông đã ôm và xoa đầu chúng tôi mừng rỡ như cháu trong nhà, rồi nói ngày mai có một buổi đờn ca của học trò ông, mai chúng tôi sẽ đi cùng ông đến đó. Tôi mừng rỡ, vui vẻ hết sức và chuẩn bị mọi thứ cho những lịch hẹn phỏng vấn ngày mai, dành nguyên một buổi tối cho việc đi nghe tài tử. Đến tối hôm sau, ngày 22 tháng 12 năm 2011, tôi lại gặp một chuyện mà đáng lẽ vì nó, tôi có thể không tham dự buổi đờn ca này. Buổi chiều hôm đó, không hiểu vì lí do gì, tôi bị trúng gió. Nó đột ngột tới mức tôi trở tay không kịp, tôi không ngồi nổi, không ăn được, thậm chí không nói nổi. Bạn tôi và bác Hòa rất lo lắng, họ bảo tôi ở nhà, không nên đi đâu, vì đường cũng khá xa. Đến cả thầy tôi, từ Sài Gòn, cũng nhắn tin bảo rằng tôi hãy ở nhà, để bạn tôi quay phim lại cũng được. Nhưng vì nghĩ đến công sức của bác Hòa đã giúp tôi dò hỏi, tôi đã mong ngóng ngày này suốt thời gian vừa qua, nên cuối cùng tôi cũng đi[1]. Và nhờ thế, tôi đã may mắn được tham gia trực tiếp một khung cảnh đờn ca thú vị, của những người bình dân khu vực Gò Công. Tôi sẽ trình bày ở đây khung cảnh của một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử trong đời sống thường ngày của người dân. Với tôi, đây là dạng sinh hoạt đờn ca mà những người đến nghe và những người biểu diễn đều chỉ nhằm một mục đích duy nhất là thỏa mãn sự yêu thích của mình đối với đờn ca tài tử. Quy mô của buổi biểu diễn không lớn như các hội thi, cũng không có tiền bạc như diễn trong đám hay trong khu du lịch. Những hoạt động này vẫn diễn ra thường xuyên trong màn đêm của những ngóc ngách miền quê.

Khung cảnh đờn ca
Trước hết, tôi cần phải giải thích nguyên do nào để tôi được tham gia vào buổi sinh hoạt này. Đó là nhờ công sắp xếp của vị chủ nhà của tôi, ông Hòa. Ông 57 tuổi, là ông của bốn đứa cháu nội ngoại đầy đủ, một người hòa nhã với hàng xóm, bạn bè, và có tiếng trong giới tài tử cả nước. Sau khi bị tai nạn, ông không đứng ra tổ chức đờn ca tài tử tại nhà nữa[2]. Nhưng bù lại, vốn là một nghệ sĩ nổi tiếng khắp miền Nam trong giới tài tử, học trò và đàn em của ông rất đông. Những buổi diễn của học trò ông thông thường diễn ra một lần mỗi tháng, hoặc vài ba tháng một lần. Sau rất nhiều lần sắp xếp không thành và do một số nhầm lẫn[3], cuối cùng ông cũng đã sắp xếp cho tôi đến dự được một buổi giao lưu đờn ca của một người học trò tên Phương. Anh Phương trước đây học bác ca tài tử, bây giờ anh không học nữa mà buôn bán ở chợ với vợ và sắm một bộ loa để đi show các đám tiệc. Bình thường ông Hòa không đến những buổi sinh hoạt như thế này. Ở cấp độ của ông, những người cùng đến hòa đàn hòa ca phải có trình độ cao hơn, hoặc phải là bạn bè cực kì thân thiết. Ông rất xem trọng việc người nghe có hiểu được tiếng đờn của mình không, có cảm và có bình luận được gì về ngón đờn, giọng ca hay không. Tuy nhiên, vì tôi đã đợi mãi và nhờ ông, nên lần này, đích thân ông liên lạc với học trò và đích thân bác dắt tôi đi. Tôi đi cùng với một người bạn của mình, hai chúng tôi được thầy trò ông chở đi bằng xe máy. Nhà anh Phương ở xã Tân Tây, cách nhà ông Hòa khoảng 7km, tức khoảng 30 phút đi bằng xe máy. Buổi biểu diễn bắt đầu lúc 19 giờ 30 phút. Trên đường đi, tôi cứ hình dung mãi trong đầu về buổi đờn ca này, giống như những buổi đờn ca tôi đã đọc trong các sách và hồi kí. Đó là một không gian tĩnh mịch, trong một khu vườn trước nhà, những con người quê chân chất bình dân ôm những cây đàn quây quần trên chiếc chiếu hay trên tấm phản, cất tiếng đàn, lời ca giữa đêm thâu. Sự thi vị đến từ tiếng đàn và từ bản thân sinh hoạt vì mục đích giải trí, nghệ thuật thuần túy của người dân nơi đây. Nhưng khi tôi đến nơi thì mọi ảo mộng tan vỡ. Hoặc có thể do tôi đã quá mơ mộng về khung cảnh trong những cuốn sách, những tài liệu mô tả mà tôi đã từng đọc. Buổi đờn ca và khung cảnh của buổi đờn ca này không diễn ra như thế. Nhà của anh Phương vốn là một quán nước[4], đồng thời là nơi ở nên mọi thứ được sắp xếp bừa bộn và không theo một trật tự nào. Quán nước ở vùng này cũng chỉ là một ngôi nhà lợp mái tôn, xung quanh vách lá đơn sơ. Quán được trang trí bằng những chiếc đèn màu phát ra thứ ánh sáng tù mù treo dọc theo mái hiên. Người ta lấy ba cái võng chăng trên những cây cột nhà để khách ngồi uống nước. Sàn nhà bằng xi măng, vì thế mọi người đều đi giày dép vào nhà. Ở giữa gian phòng là một dãy bàn nhựa màu xanh và một dãy ghế nhựa màu đỏ cho những người tham gia ngồi. Giường ngủ, vật dụng trong nhà, tủ lạnh, bàn thờ… lộn xộn và để chồng lẫn lên nhau. Ở góc nhà có năm thùng loa lớn được xếp chồng lên nhau, cao gần chạm đến nóc, phát ra thứ âm thanh lớn đủ để biểu diễn cho một buổi tiệc lớn, đi từ xa đã có thể nghe thấy tiếng đờn ca phát ra từ đây. Anh Phương dùng một bờ tường để làm sân khấu. Phông sân khấu là một miếng vải nho nhỏ căng ra trên tường, trên miếng vải dán dòng chữ “Vầng trăng cổ nhạc” cắt bằng mút sơn màu. Trên trần, ngay chỗ sân khấu treo một quả cầu xoay lấp lánh (hay còn gọi là đèn cầu xoay trung tâm), phía sau sân khấu là hai cái đèn màu chiếu thẳng lên cái đèn xoay để tỏa ánh sáng đủ màu chạy vòng vòng trên sân khấu. Những người tham dự ngồi trong một gian phòng như vậy. Họ đờn ca với nhau trong không gian tù túng giữa những bức tường, một không gian nửa truyền thống (với ngôi nhà theo kiểu quê, chiếu nằm, những bộ bàn ghế lụp xụp, bàn thờ ông bà, bàn thờ ông địa), nửa hiện đại (dàn loa, bộ đèn chiếu, sân khấu), nửa kinh tế (quán nước vẫn hoạt động và mọi người vào tham gia đều gọi nước uống), nửa phi kinh tế (chia sẻ đờn ca với nhau). Đúng ra, nó là buổi tự trình diễn cho nhau xem, hơn là trao đổi giữa những người cùng yêu thích loại hình nghệ thuật này. 
(còn tiếp) 

Trần Ngân Hà
Tp.HCM, tháng 2/2012
 

[1]Thật may mắn, vì cuối cùng phim quay lại không xem được, lí do là khung cảnh ở đó quá tối.
[2]Gần đây, ông bắt đầu tổ chức lại và bắt đầu sinh hoạt lại, nhưng tôi đều bận lịch học nên không thể xuống được.
[3]Trường hợp đáng tiếc nhất là tôi phải về thành phố ngay trước buổi biểu diễn hai ngày, do người liên lạc nhớ nhầm ngày diễn.
[4]Vốn dĩ nghề chính của gia đình anh Phương là kết hoa giả bán ở chợ, còn nghề tay trái là đi ca ở đám tiệc, vợ con tối tối mở quán nước. Khi tôi đến thì chỉ còn vài ngày nữa là Tết Tây, đơn đặt hàng làm hoa rất nhiều, nên gia đình anh Phương không dọn dẹp kịp, chỉ để bừa ra trong nhà để tối kết hoa tiếp, buổi sáng mang ra chợ bán.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.