Dự án đầu đời – Kỳ 2-b: Đời sống cư dân vùng biển Bến Tre

0
774

Kỳ 1 / Kỳ 2-a

Đến nhiều gia đình, thì tôi chợt nhận ra là đa số người thông tín viên là phụ nữ. Vì những người đàn ông đã đi biển, có người nửa tháng về nghỉ 3, 4 ngày; có người đi 1 hoặc 2 tháng mới về một tuần. Chính vì thế các chị cảm thấy rất cô đơn, trống vắng khi suốt ngày phải ở nhà một mình. Tiêu biểu là trường hợp của cô H (46 tuổi). Chồng cô và hai người con trai đều đi biển, gần hai tháng họ mới về một lần. Chính vì thế cô thường thúc người con trai của cô lấy vợ: “Chín (tên cô xưng với chúng tôi) nói nó lấy vợ, đặng cho Chín có cháu bế mà nó không chịu”. Cô còn hỏi vui chị N trong đoàn nghiên cứu của chúng tôi có muốn ở lại làm con dâu cô không. Cô thường đi công tác bên hội Phụ nữ để quên thời gian ở nhà một mình, nhưng tối về vẫn thui thủi một mình với cái tivi nên cô vẫn cảm thấy cô quạnh. Trường hợp của chị M cũng tương tự như vậy, nhưng chị còn ở nhà với ba người con gái. Chị tâm sự: “Thì nghề của ổng, mình phải chịu thôi, ở nhà một mình rồi cũng quen”. Một chuyện buồn khác mà tôi biết là ở ấp An Thới, có trường hợp của chị N, vợ anh T (33 tuổi) do không chịu nổi cảnh ở nhà một mình, nên đã chấp nhận bị tiếng xấu là “bỏ chồng theo trai”. Anh T thường đi biển 2,5 tháng mới về một lần, và khi về thì chị đã lấy chồng khác rồi. Tuy không ủng hộ chuyện này, và thậm chí tôi cũng có ý nghĩ lên án hành vi của chị nhưng tôi lại không lên án chị, vì tôi hiểu rằng chị cũng như bao người phụ nữ khác muốn nhận được sự quan tâm, gần gũi của người đàn ông mà thôi.

Một điểm thú vị ở vùng biển này là việc chia tiền sau mỗi lần đi bạn về. Việc chia tiền này cũng rất đa dạng và tùy vào quy định của từng gia đình. Theo lời chị M (23 tuổi), nhà có chồng đi biển, kể rằng: Một chuyến đi biển thường được 200 đến 220 triệu, thì trích ra khoảng 50% số tiền (100 triệu) để trả phí tổn như nước đá, xăng, và thức ăn cho gần 2 tháng, còn lại 50% thì chủ được 26%, còn những người bạn chia nhau 24%. Hay chia theo trường hợp của chị K có chồng đi lưới đèn nên năng suất không cao: cứ 100% thì 70% phải trả phí tổn rồi, còn chủ được 15%, bạn được chia 15%. Nếu chuyến đó thất (lỗ) thì chủ phải chịu tất cả tiền lỗ đó, nhưng những người bạn thì không được chia đồng nào. Có thể nói đây là hai trường hợp đại diện cho ấp An Thới. Còn bên An Thựng thì phổ biến hình thức đi cào nên năng suất cao hơn, và dù chuyến đó có bị thất thì chủ vẫn phải chịu tất cả phí tổn, và còn phải trả tiền cho người bạn như đã thương lượng trước chuyến đi. Nhưng bù lại những người chủ ghe ở ấp An Thựng thường được nhiều tiền nếu chuyến đi bội thu. Theo lời cô H (52tuổi) thì trong 100% thì chủ phải trích khoảng 30% cho phí tổn, chủ được 30% còn những người bạn thì chia nhau 40%. Cũng tùy bạn giỏi hay bạn dở mà chia tiền. Việc giỏi hay dở được căn cứ vào sự siêng năng, nhanh nhẹn và làm việc nhiều năm. Hay cô H (46 tuổi) ở An Thựng cũng cho biết việc chia tiền trên ghe của người con trai cô: Trong 100% thì 35% là phí tổn, 35% cho chủ, 40% cho bạn và tài công (người lái tàu), tài công được nhiều tiền hơn bạn. Tuy vậy, nhiều gia đình có ghe chia sẻ rằng hiện này kiếm bạn đi ghe rất khó. Vì họ sợ chuyến đó thất, nên họ thường kén chọn, chỉ đi những ghe nào lớn, và họ nghĩ rằng chuyến đi sẽ ít có nguy cơ bị thất. Để có bạn đi biển, nhiều gia đình có ghe phải ứng tiền trước cho những người bạn này để gia đình họ có tiền trang trải đời sống trong thời gian người đàn ông vắng nhà. Nhưng nhiều người bạn lấy tiền xong thì trốn biệt tăm.

Nhìn chung, đời sống nhiều gia đình ở hai ấp chúng tôi nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, do sự bấp bênh của nghề biển, không biết chuyến này đi có bị thất hay không? Hay tháng bão thì phải lấy gì ăn? Nên đời sống của họ vẫn còn rất nghèo. Thậm chí nhiều gia đình chưa có nhà vệ sinh riêng trong nhà, mà vẫn phải xuống sông, rạch cách nhà khoảng vài trăm mét để đi vệ sinh. So với 5 năm trước thì số nhà vệ sinh làm trong nhà đã tăng, nhưng con số đó vẫn còn rất hạn chế. Trong những gia đình có nhà vệ sinh trong nhà này, thì đa số lại có đường ống dẫn thẳng ra sông, ra biển, chứ không đào hầm chứa. Vì thế, môi trường nước ở đây rất ô nhiễm. Đặc biệt, hiếm có gia đình nào tiêu hủy rác bằng việc đào hố chôn, hay đốt rác, mà họ thường dồn vào bịch và mang vứt ra sông, hay bãi biển để nước biển cuốn đi. Những người dân nơi đây cũng nghĩ đây là việc làm bình thường, và không ngần ngại khi chia sẻ với tôi vì có lẽ ai ai ở vùng biển này cũng vứt rác xuống biển. Theo lời cô H (48 tuổi): “Tôi cho rác vô túi rùi giục xuống sông, ai sao mình vậy thôi”. Hay bà H (63 tuổi) “nhà tui khiêng xuống biển đổ (rác), nước trôi đi đâu thì đi”… Và còn nhiều nhiều gia đình khác cũng xem biển là nơi thiêu hủy rác của họ. Một phần do ý thức người dân, nhưng tôi nghĩ phần quan trọng và chính yếu hơn có lẽ là do nơi đây không có xe thu gom rác, mà nhiều gia đình lại chỉ có “cái nền nhà”, nên không có đất để đào hố rác và đốt rác. Chính vì thế họ buộc phải vứt rác xuống sông, rạch, và lâu dần điều này trở thành một điều hiển nhiên.

Ấn tượng cuối cùng của tôi về vùng đất này chính là sự gần gũi, thân thiện của bà con. Những cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi thực sự gặp rất nhiều khó khăn, một là vì tôi chưa nắm vững những câu hỏi trong bản hỏi, nên còn nhiều lúng túng, hai là vì bản hỏi khá dài với mong muốn thu thập được nhiều thông tin và hiểu hơn về đời sống bà con nơi đây của người chủ nhiệm đề tài, nên một vài gia đình cũng hơi khó chịu khi tôi hỏi lâu. Nhưng phải công nhận rằng sự cố kết cộng đồng nơi đây rất khắng khít. Một gia đình được hỏi, là những gia đình sau cũng biết chúng tôi đến để làm gì. Họ truyền nhau những vấn đề, những câu hỏi mà chúng tôi hỏi, nên tôi cũng dễ dàng tiếp cận hơn với những gia đình sau. Đặc biệt, tôi rất cảm kích trước sự nhiệt tình của các chị, các mẹ trong hội Phụ nữ địa phương. Họ thực sự yêu thương chúng tôi, và hết tình cũng như hết mình giúp đỡ chúng tôi. Họ dẫn chúng tôi đến từng nhà, giới thiệu và để chúng tôi lại phỏng vấn, còn dặn chúng tôi: “Khi nào xong nhớ gọi điện chị đón nha” (chị H). Tôi cũng không quên món ăn chị H đãi: canh bình bát nấu với mực tươi, các loại cá khô chiên, và đặc biệt hơn nữa là món bánh tráng cuốn rau, mực và ốc tái dấm. Đây là những món tôi được thưởng thức lần đầu. Chẳng biết nói gì hơn là cám ơn các chị, các mẹ.

Một số hình ảnh trong chuyến đi:

Đền thờ Liệt sĩ xã An Thủy (23.8.2010)
Đảng ủy xã An Thủy

 

Ấp văn hóa An Thạnh, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

 

Một con đường ở ấp An Thựng (26.8.2010)

(còn tiếp)

Bến Tre, 27/8/2010
Anh Vu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.