Mời cưới và các mối quan hệ (kỳ 1)

0
1048
Tôi  viết bài này dựa trên việc phân tích đề tài nghiên cứu “ Mời cưới ở Hà Nội và quản lí các mối quan hệ” của giáo sư Alexander Soucy ở saint Mary’s University, Halifax, Canada. Qua việc phân tích đề tài này, tôi nhận thấy được tầm quan trọng của việc quản lí các mối quan hệ thông qua việc mời cưới. Không gian đô thị được mở ra với những quá trình phức tạp hơn là chỉ dừng lại ở việc củng cố các mối quan hệ cũ và thiết lập các mối quan hệ mới. Hiểu được mục đích của các mối quan hệ trong tiến trình đám cười sẽ giúp ta giải thích được vì sao có sự chuyển dịch ranh giới giữa các cơ cấu được thực hiện thông qua những quà tặng và việc mời cưới.
Không gian đô thị được mở ra với những quá trình phức tạp hơn là chỉ dừng lại ở việc củng cố các mối quan hệ cũ và thiết lập các mối quan hệ mới. (Ảnh: minh họa – Nguồn: Internet)
Bài viết “Mời cưới ở Hà Nội và quản lí và các mối quan hệ đã gợi ra rất nhiều ý tưởng cho các nghiên cứu tiếp theo dựa trên nền tảng này như tìm hiểu mối quan hệ giữa nàng dâu mẹ chồng, tình trạng tách ra ở riêng của các cặp vợ chồng trẻ, hay so sánh các nghi lễ trong đám cưới ở miền Bắc với miền Trung và miền Nam…. Về phần tôi, dựa trên những kết luận thu nhận được từ bài viết của tác giả, tôi muốn mở thêm các đối tượng chủ thể trong quá trình quản lí quan hệ để tìm hiểu sự thay đổi trong mục đích thiết lập quan hệ của các đối tượng. Qua việc đưa thêm yếu tố thời gian và trải nghiệm cá nhân vào các đối tượng chủ thể, tôi muốn xác nhận xem liệu có còn sự khác nhau nào nữa không. Theo tôi, yếu tố trải nghiệm có một tác động rất mạnh mẽ trong quá trình quản lí các mối quan hệ và tôi muốn kiểm định điều đó qua các đối tượng phỏng vấn có chọn lựa của mình.
Tóm tắt bài viết chọn lựa – “ Mời cưới ở Hà Nội và quản lí các mối quan hệ” của Alexander Soucy ở saint Mary’s University, Halifax, Canada.
Đầu bài viết, tác giả đi tìm hiểu lại các nghiên cứu về đám cưới Việt Nam trước đây. Đối với những bài viết của các tác giả Việt Nam, tác giả nhận thấy các tác phẩm này chủ yếu viết về nghi thức cưới hỏi nói chung, chủ yếu nói về tập quán của ngưới Việt Nam. Tuy nhiên tác giả thấy những tác phẩm này chủ yếu dừng lại ở mô tả mà chưa khai thác được tầm quan trọng của các buổi lễ trong việc hình thành các mối quan hệ tình cảm và ơn nghĩa. Đối với các nghiên cứu của các học giả phương Tây, tác giả thấy mối quan tâm chủ yếu của họ tập trung vào những nổ lực của chính phủ trong việc cải cách thủ tục cưới hỏi trong giai đoạn tập thể hoá và những thay đổi đã diễn ra từ khi đổi mới. Kết quả của những nghiên cứu này tường thuật những vấn đề nổi cộm và phô trương địa vị xã hội phổ biến từ đầu thập niên XX. Tác giả đã kiểm chứng điều này và thấy nó phản ánh hoàn toàn đúng với những gì tác giả nhìn thấy ở Hà Nội. Cũng thông qua các đề tài nghiên cứu này, tác giả cũng thấy được một vài nhận định quan trọng  như: củng cố, mở rộng mạng lưới xã hội thông qua thiết lập tình cảm và xác lập địa vị xã hội thông qua việc phô trương sự giàu có là hai khía cạnh có liên quan đến nhau. Đây cũng là lí do chủ yếu cho việc mở rộng quy mô của đám cuới. Việc giao và nhận quà là một phần trong hệ thống có đi có lại của làng xã mà thông qua đó người ta tái khẳng định và tái thiết lập các mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu tác giả nhận thấy việc mời cưới là một quá trình phức tạp hơn là chỉ củng cố lại những mối quan hệ cũ và thiết lập các quan hệ mới. Vì thế mục đích của tác giả là đi chứng minh sự kiện cưới hỏi không phải là cơ hội để cụ thể hoá các quan hệ trước hay tạo ra mạng lưới quan hệ mà còn là cơ hội để điều chỉnh mạng lưới này. Thông qua đó loại bỏ các quan hệ không gần gũi về mặt tình cảm cũng như không thực dụng và củng cố lại những quan hệ tình cảm, có lợi trên thực tế. Theo tác giả, ở môi trường thành thị, cộng đồng được hình thành rất rõ ràng dựa trên mối quan hệ qua lại và tình cảm. Mối quan hệ này không chỉ đơn giản liên quan đến duy trì và xây dựng cộng đồng mà còn xác định lại ranh giới của cộng đồng.
Để chứng minh mục đích này, tác giả đã tiến hành làm những việc mà theo tôi là rất cần thiết và logic. Trong bài viết của mình, tác giả đề cập đến việc ông đúc kết những kết luận của mình dựa trên những hiểu biết mà ông đã có trước kia về đám cưới Việt Nam từ tháng 1/ 1987 đến năm 1998, 2000-2001, 2004- 2005, tham dự vào vào khoảng sáu đám cưới với các mức độ liên quan đến nhau. Ông còn tham gia với tư cách đại diện phía gia đình cô dâu, ở đám cưới này, ông không chỉ tham dự mà còn tham gia vào chuẩn bị cưới và mời cưới. Đặc biệt hơn nữa, ông đã lấy những kinh nghiệm và hiểu biết của chính bản thân ông khi cưới một phụ nữ Hà Nội năm 1997 để soi sáng hơn cho vấn đề mà ông đang lập luận. Như vậy, tác giả rất có kinh nghiệm về việc nhìn nhận các vấn đề của đám cưới ở Việt Nam. Mặc dầu ông là một tác giả người nước ngoài nhưng việc ông tham dự rất sâu vào các đám cưới Việt đã làm cho tôi có cảm giác tin tưởng trong cách ông lập luận, đặc biệt là trong khía cạnh văn hoá.
Ngoài ra, tác giả còn tìm hiểu lại những nghiên cứu về đám cưới ở Việt Nam của các tác giả Việt Nam và nước ngoài. Theo tôi nghĩ, tác giả đã tìm hiểu một cách tổng quan tình hình và nội dung về các bài nghiên cứu của các học giả Việt nam và nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông nhận xét, các tác phẩm này chủ yếu nằm ở bề mặt hình thức (đặc biệt là của các tác giả Việt Nam). Có thể mục đích mà ông quan tâm về đám cưới ở Việt Nam chưa được ai đề cập và vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ để ông khai thác
Bên cạnh đó, tác giả quan tâm tìm hiểu mối liên hệ giữa ba khái niệm : mối quan hệ, tình cảm và ơn. Ba khái niệm trên được ông triển khai xoay quanh hai ý kiến được đưa ra :
+ Ý kiến một: mời cưới là để xây dựng, duy trì, hay tăng cường các mối quan hệ xã hội, ý kiến này nhấn mạnh nhiều đến yếu tố kinh tế.
+ Ý kiến hai : mời cưới đề cao tầm quan trọng của tình cảm, nó không đơn thuần là một công cụ để vay vốn mà là một khía cạnh có giá trị của mối quan hệ.
Dựa vào các ý kiến đó, đưa vào nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam, tác giả đã thiết lập một lập luân chặt chẽ giữa mối quan hệ, tình cảm và ơn. Đó là quá trình đi sâu vào phân tích các khái niệm. Các nghiên cứu ở Trung Quốc chú trọng vào việc trao đổi quà tặng để chỉ ra rằng không có sự phân tách rõ ràng giữa trao đổi quà tặng và trao đồi hàng hoá do đó rất khó phân biệt giữa khía cạnh kinh tế, chính trị và khía cạnh tình cảm. Về mặt này, tác giả đã đưa ra kết luận của Kipnis xem đó như một nhận định xác đáng về mối quan hệ giữa quanxis và ganging, đại ý là : tặng quà tạo nên quan hệ, bằng hình thức tặng quà, dân làng đã quản lý các mối quan hệ, trao đổi vật chất trực tiếp sinh ra tình cảm và quan hệ. Khi tặng quà, mối liên quan giữa cảm giác và mối quan hệ đóng vai trò như sự liên kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Cảm giác xuất hiện lúc hiện tại gợi ra những hồi ức quá khứ. Sự mang ơn về vật chất trong quá khứ sẽ dẫn đến việc trao đổi trong tương lai.
Ở Việt nam, qua trình tương tự cũng xảy ra như vậy. Tình cảm là mặt đáng quý của mối quan hệ và xây dựng tình cảm là trọng tâm dẫn đến mục đích của việc tiến hành hôn lễ. Cùng lúc đó, khái niệm của người Việt về “ơn” về căn bản cũng quan trọng. Làm ơn, cảm ơn, biết ơn được hiểu rành mạch và sâu sắc. Khái niệm về ơn hiểu theo nghĩa rộng là cách giải thích mà tác giả cho là tốt nhất khi ông nhận định: “ở khía cạch kinh tế, không thể phủ nhận được ở Việt Nam có lẽ còn vượt quá những gì mà chúng ta chứng kiến ở Trung Quốc. Thông qua ý thức mang ơn lúc nào cùng thường trực trong đầu mà mối quan hệ được duy trì. Do đó, “ơn” không phải là món nợ vật chất mà là món nợ tinh thần. Ở Việt Nam, “ơn” đóng vai trò như là phương tiện để trao đổi như tiền tệ và làm ơn cho người khác không khác mấy sở hữu vốn xã hội trong tay nếu không muốn nhấn mạnh hơn khía cạch thực dụng của chữ “ơn” mà tác giả đã từng trải nghiệm. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ, tình cảm cũng có ảnh hưởng đến khía cạnh thực dụng của cái gọi là có đi có lại. Trong đa số các trường hợp, cần có sự cân bằng giữa ơn và tình cảm. Mức cân bằng này được hiểu tốt nhất với sự tham khảo cơ cấu của mối quan hệ trong guanxi mà Yan trình bày bao gồm phần trung tâm và phần ngoại vi với các vùng như: trung tâm cá nhân (các thành viên trong gia đình và những người có quan hệ họ hàng), vùng có thể tin cậy được (bạn bè tốt), vùng có ảnh hưởng (bao gồm rộng hơn từ quan hệ họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè, và những người cùng làng). Bên ngoài vùng trung tâm là vùng ngoại vi bao gồm cộng đồng làng xã và những người sống bên ngoài làng. Cơ cấu này rất hữu ích cho việc hiểu biết mức độ về mối liên hệ giữa các quan hệ. Khi tác giả phân tách nhóm trung tâm và nhóm ngoại vi, ông chú ý đến quan hệ thực dụng và quan hệ diễn cảm. Sự khác biệt giữa hai chức năng này được phân biệt bởi tính chất của quà tặng. Trong chức năng biểu cảm, mối quan hệ quyết định món quà được tặng, còn đối với quan hệ thực dụng, bản thân quà tặng sẽ xác định mối quan hệ. Nói một cách khác, trao đổi trong quan hệ thực dụng là vị lợi. Dựa trên việc phân tích cơ cấu mà ông tham khảo của Yan, tác giả tìm hiểu mức độ thân thiết về mặt quan hệ giữa khách và người mời cưới thông qua việc khách được mời than dự như thế nào, cách thức mời khách, sự phân chia lễ ăn hỏi.
Sự tham gia về các giai đoạn:                                                                                                    
– Vùng trung tâm: tham dự toàn bộ quá trình.
– Vùng có thể tin cậy được: tham dự lễ ăn hỏi và một số ăn ngọt, tất cả ăn mặn, đa số đưa đón dâu.
– Vùng có ảnh hưởng: một số ăn ngọt, một số ăn mặn.
– Vùng ngoại vi: ăn mặn, một số ăn ngọt nếu không thể đến dự tiệc cưới.
 Cách thức mời khách
– Vùng trung tâm: đích thân mời kèm với lễ
– Vùng có thể tin cậy được: đích thân mời, đôi khi kèm lễ
– Vùng có ảnh hưởng: đích thân mời nếu thân thiết hơn, nhưng có thể chỉ qua điện thoại nếu không thân thiết
– Vùng ngoại vi thực dụng: đích thân mời
Như vậy, tác giả lấy mức độ thân mật của các mối quan hệ để đi đến đánh giá các lựa chọn mà người mời nghĩ là cần loại bỏ hay giữ lại từ đó đẩy đến vấn đề mà ông muốn chứng minh : quan hệ không thể cố định mà được điều chỉnh không ngừng. Chính vì thế có một số quan hệ được dịch chuyển gần hơn trong khi một số quan hệ khác lại dịch chuyển xa hơn khỏi trung tâm
Theo tôi khả năng dẫn dắt vấn đề của tác giả rất nhất quán mạch lạc. Ông biết cách khai thác nguồn tư liệu sẵn có từ các nghiên cứu của người khác và lấy nghiên cứu thực địa để kiểm nghiệm điều đã được xác nhận. Đồng thời ông khéo léo dùng phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp để dẫn dắt vấn đề theo một hệ thống làm cho người đọc không có cảm giác bài viết rới rác giữa lí thuyết có được, kết quả mô tả và phân tích vấn đề. Phân tích việc mô tả tiến trình mô tả lại đám cưới và những phân tích liên hệ sau đó để đánh giá  sự thân thiết của các mối quan là một ví dụ thể hiện cách làm việc rất khéo léo và có ẩn ý của ông.
Mặc dù tôi là người Việt nam, cho đến nay, tôi vẫn chưa thật sự hiểu lắm về đám cưới của người Việt từ cách tổ chức cho đến các bước nghi lễ. Tôi nhận thấy đó là một điểm yếu rất lớn khi tôi không thể ghi nhận những thông tin qua quan sát tham dự. Tôi lựa chọn đề tài này dựa trên những gì tôi thu nhận được từ bài viết của tác giả. Vì vậy chắc chắn có sự khác biệt trong sự nhận thức về khái niệm “quản lí các mối quan hệ” giữa tôi và tác giả.
Mục đích mà tôi hướng đến là qua việc phân tích sự lựa chọn các đối tượng mời cưới, thái độ trong việc thiết đãi khách, quan hệ sau khi quen biết … của các thông tín viên theo đối tượng tôi đã phân chia, tôi muốn xem xét tương quan giữa người mời cưới và người được mời trong mục đích duy trì và thiết lập các mối quan hệ thay đổi như thế nào qua thời gian và trải nghiệm của cá nhân.
(Còn tiếp)
Ngọc Lưu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.