Trần Trinh Trạch (1872-1942) do từng là thành viên của Hội đồng Tư mật Nam kỳ (Conseil Preivé), nên thường được gọi là Hội đồng Trạch. Ông cũng gốc người Minh Hương, tổ tiên ông theo Trần Thượng Xuyên vào Cù lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai) lập nghiệp rồi phiêu dạt về ấp Cái Dầy (xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), Trần Trinh Trạch được sinh ra tại đây.
Nhà nghèo, ông đi làm mướn cho một địa chủ đã nhập quốc tịch Tây. Theo lệ thời đó, con cái của dân “Tây tịch” phải đi học tiếng Pháp và thế là Trần Trinh Trạch được mướn đi học thế cho con địa chủ. Nhờ vậy (có chữ nghĩa) nên sau này Trần Trinh Trạch được bổ làm công chức ở Tòa Bố (tòa hành chánh) tỉnh Bạc Liêu. Ông cưới người con gái thứ tư của Bá hộ Bì (Phan Hộ Biết), người có ruộng đất nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu. Được cha vợ chia cho một sở đất riêng và giúp vốn để ông mua thêm nhiều ruộng đất khác nên ông mau chóng phất lên. Nhờ kiến thức hiểu biết về luật pháp khi còn làm việc ở Tòa Bố nên lần lượt thu mua tài sản, đất đai của những địa chủ thất vận. Ngay cả sau khi Bá hộ Bì chia ruộng đất cho các con, dâu rể khác thì do máu mê cờ bạc họ lại cầm cố tài sản cho chàng rể thứ tư để ông này lần lượt thâu tóm…
Sau khi Hội đồng Trạch mất, bà vợ sống cô độc giữa một tòa nhà đồ sộ. Chịu hết nổi, bà sang Pháp ở với cô Hai Lưỡng (con đầu của “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy với bà vợ lớn). Cô Hai Lưỡng lấy một viên quan người Việt nhưng sau ly dị rồi qua Pháp lấy một viên thị trưởng. 5 năm sau khi qua Pháp, bà Hội đồng Trạch qua đời, viên thị trưởng người Pháp tẩm liệm bà trong một chiếc quan tài có nắp bằng kính và thuê máy bay chở về an táng tại cố quận. Lần đầu tiên một chiếc quan tài có nắp đậy bằng kính xuất hiện ở Việt Nam. Dân Nam kỳ lục tỉnh đổ xô về cái xứ Cái Dầy (Bạc Liêu), cố dòm cho được khuôn mặt của bà Hội đồng được dồi phấn rực rỡ hiển hiện sau tấm kính. Quả là chuyện hy hữu! |
Hồi đó, ở xứ Bạc Liêu, ai được ông Hội đồng Trạch mời tới nhà chơi đều… vừa mừng vừa lo. Mừng là đâu phải ai cũng dễ kết thân với một gia tộc quyền thế bậc nhất này, còn lo là sợ phải… đánh bạc. Là một tay cờ bạc sành sỏi, Hội đồng Trạch thường tổ chức đánh bạc trong nhà, ai không có tiền ông bảo gia nhân mở két bạc, đưa cho cả xấp bạc, kèm theo câu nói nhẹ hều: “Lấy tiền của ông mà chơi, tính toán gì, miễn khách vui là gia chủ mừng !”. Vậy đó, nhưng rồi đã có biết bao nhiêu đất đai, ruộng vườn được “sáp nhập” vô gia sản của Hội đồng Trạch từ hình thức “được” vay tiền để đánh bạc.
Theo nhiều tài liệu thì Hội đồng Trạch có 70.000 mẫu ruộng, gần 100.000 mẫu ruộng muối (toàn tỉnh Bạc Liêu có 13 sở muối thì riêng ông Trạch có 11 sở). Tuy sống trên núi tiền nhưng vợ của Hội đồng Trạch không ăn được thịt cá, hễ đụng đến các món này thì bà ói ra mật xanh, mật vàng nên suốt đời bà chỉ “nước mắm kho quẹt… muôn năm !”. Ông Trạch lại sống cần kiệm và rất chung thủy với vợ (ngược hẳn với cậu con trai Trần Trinh Huy ăn chơi bạt mạng, với danh xưng “Công tử Bạc Liêu” nổi như cồn).
Ngoài hai dãy phố lầu ở Bạc Liêu, ông Trạch còn có một dãy phố lầu ở đường La Grandière ở Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng). Ông được xem là một trong những đồng sáng lập ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, đó là Ngân hàng Việt Nam, trụ sở đặt tại Sài Gòn (1927), do ông làm Chánh hội trưởng.
Ở Sài Gòn ông còn hiến tiền để xây một bệnh viện nhưng vì những lý do “trời ơi” mà việc xây dựng cứ bị trì hoãn. Xin đọc một bài báo có tựa là Ông Trần Trinh Trạch không chịu… do cụ Phan Khôi viết trên báo Thần chung (Sài Gòn) số 186 ra ngày 1 và 2.9.1929: “Nhắc lại năm kia ông Trần Trinh Trạch là một nhà triệu phú Nam kỳ, có bỏ ra một số tiền 100.000$ để lập một cái nhà thương cho người An Nam… Món tiền 100.000$ ấy đã nộp cho thành phố Sài Gòn rồi, bây giờ chắc nó nằm trong nhà băng… Từ ông Trần làm việc nghĩa, chẳng những hạng dân nghèo ở thành phố cứ nghĩ sau này mình đau sẽ có chỗ nằm mà cám ơn ông; cho đến các người quyền quý sang trọng, nhứt là quan Thống đốc Nam kỳ, ông Đốc lý Sài Gòn cùng các ông nghị viên, ai nấy đều nức nở khen ông Trần là người hiếu nghĩa. Khen thì khen, nhưng làm thế nào cho có một cái nhà thương cất lên tại Sài Gòn thì không ai chịu làm… Chẳng lẽ ông Trần Trinh Trạch đã chịu mất tiền rồi, còn bắt ổng phải nai lưng ra cất lấy nhà thương nữa!… 100.000$ mà dựng một cái nhà thương thì được, song đã có nhà thương thì mỗi năm tiền tiêu phí ở trong phải hết sáu chục ngàn, mà số tiền ấy không biết lấy ở đâu, nên người ta toan dẹp lại, không cất nhà thương nữa… Nghe chừng như toan đem 100.000$ của ông Trần Trinh Trạch mà đóng giường và sắm đồ vặt cho các nhà thương khác… Thiên hạ đồn rằng ông Trần Trinh Trạch không chịu làm như vậy. Mà ổng không chịu là phải chớ. Ông cúng tiền để cất nhà thương chớ chẳng phải để sắm giường sắm chõng chi hết !… Cứ thẳng mà nói, nếu món tiền ấy bởi thành phố tới tịch nhà ông Hội đồng Trạch mà lấy, thì thành phố muốn làm gì thì làm. Song cái này là của ông cúng ra lập nhà thương và thành phố đã nhận lấy thì phải lập. Bằng không lập nhà thương thì phải trả lại cho ổng là phải. Đem một số tiền to mà làm không nên công việc gì thì sau còn ma nào dám cúng cho thành phố nữa! Thế rồi đừng trách nhà giàu An Nam sao có bủn xỉn !”.
Ông Trạch mất tại Sài Gòn năm 1942 vì bệnh suyễn. Con trai út của ông là cậu Tám Bò (Trần Khương Trinh) nghĩ ra một “chiêu độc”: xác ông Hội đồng được đeo kiếng đen, đặt ngồi ngay ngắn trong chiếc xe hiệu Chevollet đưa về Bạc Liêu. Khi đến địa phận tỉnh này, tá điền hai bên đường cứ cúi đầu cung kính vì ngỡ ông Hội đồng đi thăm ruộng. Đến khi gia tộc phát tang mới bật ngửa. Linh cữu ông Trạch quàn ở dinh thự của ông bên sông Bạc Liêu (xây năm 1919 – nay là khách sạn Bạc Liêu), rạp che từ mặt tiền nhà cho tới mé sông. Đám tang kéo dài bảy ngày, bảy đêm. Bất kỳ ai đến cũng được đãi ăn tử tế, tá điền đến viếng và để tang được cho một cắc (tương đương một giạ lúa)…
Hà Đình Nguyên