Bẵng đi gần 25 năm sau, tôi mới có dịp quay lại Hà Nội. Thành phố lúc này khang trang hơn, có nhiều xe auto và xe gắn máy hơn. Đường phố có vẻ sạch sẽ hơn, và con người cũng có vẻ tươi tắn hơn. Sau đó, tôi có dịp ghé Hà Nội nhiều lần, và lần nào cũng thấy cái mới. Nhưng lần nào cũng chỉ ở đó hai hay ba ngày, không có dịp đi đây đó để trải nghiệm. Thuở đó, tôi có ghi lại cảm nhận của mình qua bài bút kí Một thoáng Hà Nội. Cuối năm ngoái (2010) tôi có dịp ra Hà Nội và ở đó hơn một tuần, tuy chưa đủ để hiểu về thành phố này, nhưng cũng đủ có lý do để ghi lại vài cảm nhận cá nhân cho entry Một thoáng Hà Nội 2 này.
Hà Nội dễ thương
Nói ra câu trên chắc có nhiều người cười và cho rằng tôi nói… thừa. Hà Nội của Thạch Lam 36 phố phường dĩ nhiên là dễ thương rồi, ai lại nói khác đi. Nhưng quả thật, đi một vòng quận Hoàn Kiếm và ra ngoài một chút tôi thấy Hà Nội có duyên và dễ thương. Hồi năm 2008 tôi ở Intercontinental (hình như khu đó gọi là Nghi Tàm), buồn, chẳng đi đâu được cả (ngoài mấy quán thịt chó). Lần này, tôi ở Melia, tức là trung tâm thành phố, nên có dịp cuốc bộ vào mỗi sáng và chiều. Hà Nội vào tháng 12 người ta mặc áo lạnh, nhưng tôi thì mặc áo ngắn tay vì đối với tôi đó là thời tiết mát, dễ chịu. Phụ nữ Hà Nội duyên dáng, mảnh khảnh, trắng trẻo), ăn nói nhỏ nhẹ, và ân cần giúp khách. Tôi gặp vài trường hợp bị đàn ông Hà Nội “chém” tiền taxi và ăn uống, nhưng bù vào đó là toàn gặp những người nữ Hà Nội rất lịch thiệp. Nhìn mấy cô Hà thành mặc áo lạnh đi xe vespa hay xe đạp trên những đường phố đầy bóng cây thì quả là quá dễ thương. Dạo một vòng hồ Hoàn Kiếm thấy những cặp tình nhân tay trong tay ngồi ngắm nước hồ trầm tư cũng có cái đẹp đấy.
Nhưng quả thật, đi một vòng quận Hoàn Kiếm và ra ngoài một chút tôi thấy Hà Nội có duyên và dễ thương, (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Một người bạn Úc của tôi cũng nói Hà Nội “surprisingly nice”. Anh ấy là người gốc Melbourne, một giáo sư rất nổi tiếng trên thế giới và đình đám trong bộ môn loãng xương, và cũng chính là người duyệt luận án của tôi thời xa xưa. Anh ấy đi Hà Nội nói chuyện cho một công ti dược và ở đó chỉ ba ngày. Nhưng khi về Úc, anh khen Hà Nội nức nở, đến nổi tôi nghĩ “hay là tay này… xạo”. Anh khen món ăn Hà Nội ngon, đường phố mát mẻ, và câu kết là surprisingly nice – dễ thương một cách ngạc nhiên. Tôi đoán trong tâm tưởng của anh trước khi đến Hà Nội thì đó là một nơi lạc hậu, chiến tranh, bom đạn tàn phá nát bét. Nhưng khi đối diện thực tế thì hoàn toàn vượt xa những gì anh nghĩ trong tâm tưởng nên khen quá cỡ.
Có một vụ việc rất cá nhân làm anh ta mến Hà Nội. Số là anh ta đi may hai cái áo chemise ở khu phố cổ. Nhưng vì ra sân bay gấp quá nên anh ta… quên lấy áo. Đến khi về Úc, anh ta điện cho tôi hỏi có cách nào lấy hai cái áo mà anh ấy rất thích không. Tôi than “trời, làm sao tao có thể giúp mày, khi mày chẳng biết tên cái nhà may là gì, ở đâu, số điện thoại…” Nói thế thôi, nhưng qua liên lạc với khách sạn, và mô tả tiệm may, sau cùng khách sạn cũng tìm ra được hai cái áo và gửi về Úc cho anh. Anh ta thán phục vô cùng. Anh ta khen người thợ may đó là ”Number 1 in the World” (số một trên thế giới), vì chỉ có người thợ may đó may cái áo anh ta ưng ý. Kiểu nào anh ta vẽ ra anh thợ may đều hoàn tất theo ý muốn của thân chủ. Trong chuyến đi vừa qua, anh ta còn nhờ tôi may cho anh ta năm cái áo chemise do chính anh ta thiết kế ngay tại nhà may đó!
Hà Nội là thủ đô của văn học, nên ra đường rất dễ gặp văn sĩ. Một hôm, tôi cuốc bộ đi quanh bờ hồ, lang thang sang khu Tràng Tiền chuyên bán sách. Đang chọn sách thì tôi chú ý đến anh chủ tiệm sách đang đàm đạo chuyện văn chương với một anh Việt kiều. Hóa ra, anh Việt kiều là một nhà thơ ở Melbourne, mới về Việt Nam và ra Hà Nội lần đầu. Cũng như tôi, anh nhà thơ đi tìm sách, và chẳng hiểu sao ngồi lại đàm đạo văn chương với ông chủ tiệm sách bên ly bia hơi. Thấy tôi tìm sách của Bùi Ngọc Tấn, hai anh cũng chú ý, và thế là chúng tôi quen nhau. Tôi cũng ngồi xuống bên vỉa hè, nhâm nhi cùng các anh ấy vài ly bia hơi và nói chuyện thời sự. Sau này, tôi còn ghé đó thêm một lần để tìm sách và nói chuyện “văn nghệ văn gừng” với anh chủ tiệm sách. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi thấy người Hà Nội cũng thân thiện lắm chứ. Đâu có thấy họ kì thị Bắc Nam gì đâu. Thật tình cờ khi anh chủ tiệm sách chỉ tay lên gác và nói cụ Nguyễn Văn Vĩnh từng ở và làm việc trên cái gác ấy. Có thể nói không ngoa rằng mỗi tấc đất ở Hà Nội đúng là một điểm lịch sử.
Nguyễn Văn Tuấn
Các bài liên quan: