Ký ức chiến tranh nơi rừng xanh

0
870

Hàng vạn người, họ là chính khách, nhà khoa học, nhà văn hóa, cựu chiến binh hay bất kỳ ai đến tham quan Khu du lịch sinh thái – văn hóa Vực Quành thuộc xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình – một làng chiến tranh mô phỏng đều nghĩ rằng ông Nguyễn Xuân Liên – chủ nhân của Khu du lịch này hẳn phải là một người dân Quảng Bình đã từng sống trên mảnh đất này. Nhưng, hoàn toàn không phải như vậy…

Hố bom trong làng chiến tranh

Từ nỗi ám ảnh chiến tranh

Năm 1992, sau gần 30 năm, ông quay lại mảnh đất nơi ông đã sống là làm việc, ông ngỡ ngàng và tiếc nuối, tất cả nhà cửa, hầm hào, cùng các công trình phòng không nhân dân đã bảo vệ đồng bào, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại đã không còn dấu tích gì vì người dân đã phải phá bỏ, san lấp để lấy đất sản xuất và sinh hoạt. Ông tiếc, và ông muốn làm một cái gì đó cho họ, thế rồi trong ông nảy ra cái ý tưởng lạ lùng: Lập một “Làng chiến tranh” mô phỏng giống như làng trong chiến tranh thời chống Mỹ ác liệt.

Nung nấu ý tưởng hơn 10 năm, tháng 3-2003, về hưu, ông quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng của mình, dời bỏ Thủ đô, một thân một mình vào Quảng Bình sinh sống. Vợ không đồng ý, ông đành bán ngôi nhà phố  Vĩnh Hồ, quận Đống Đa, Hà Nội được 1,5 tỷ đồng chia cho vợ một nửa còn một nửa ông vào Quảng Bình mua hơn 10ha đất đồi rừng ở xã Nghĩa Ninh.

Đúng vào ngày Thương binh – liệt sĩ 27-7-2003, ông Liên dựng 2 ngôi nhà đầu tiên. Những ngày đầu, một mình sống trong miền rừng đồi hoang vu, ông cô đơn lắm, may mà có thêm hai vợ chồng anh Toàn – chị Luyến là người bản địa giúp việc cho ông nên cuộc sống của ông cũng đỡ cô quạnh.  Rồi sau đó nhờ có thêm tiền do hai người con trai của ông Liên đang sinh sống ở bên Đức gửi về, cộng với tiền ông tích góp được  nên chỉ sau vài năm cái làng chiến tranh của ông đã dần dần hình thành.

“Bảo tàng” chiến tranh…

Ngay sau khi bước vào cổng làng, mọi người đã thấy đập vào mắt là hố bom to như cái ao, quanh hố bom là những quả bom bi, bom tạ, bom sát thương, đuôi tên lửa, những chứng tích chết người mà kẻ thù đã gieo rắc trên mảnh đất khói lửa Quảng Bình. Men theo con suối, qua cái cầu phao, sang bên kia là ngôi nhà tưởng niệm các liệt sĩ.

Trong ngôi nhà có bát hương, những tấm bia đá khắc ghi danh sách 4.300 liệt sĩ của các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An v.v… đã hy sinh trên mảnh đất Quảng Bình. Ông Liên bảo với tôi, danh sách các liệt sĩ này do chính ông đi đến các nghĩa trang ở Quảng Bình ghi chép rồi thuê thợ tạc vào bia đá; ông cũng đã gửi thư cho các thân nhân liệt sĩ và đã có 30 gia đình tìm được mộ liệt sĩ thông qua thông tin của ông.

Ông Nguyễn Xuân Liên sinh ra và lớn lên trên quê hương Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây; năm 1961, sau khi học xong kế toán, ông  được điều vào làm việc ở trường y sĩ Quảng Bình đóng trên mảnh đất Lộc Ninh, huyện Quảng Ninh, sau chuyển lên Phúc Trạch – Lâm Trạch tỉnh Quảng Bình cho đến mãi năm 1970, ông được chuyển ra Bắc làm việc tại  Đại học Y khoa miền núi (nay là trường Đai học Y Thái Nguyên). Năm 1983, ông chuyển về Hà Nội, công tác tại Viện Châm cứu Trung ương cho đến năm 2003 thì nghỉ hưu và đã rời Thủ đô để về với rừng xanh lập “Làng chiến tranh”.

V.Đ

Thắp hương cho các liệt sĩ xong, chúng tôi đi theo những con đường mòn, những đường hào tiến sâu vào trong làng. 15 ngôi nhà tường đất, mái tranh giống như những ngôi nhà dân ở trong chiến tranh thấp thoáng hiện lên trong rừng. Bước vào trong nhà, chị Luyến giúp việc kiêm hướng dẫn viên chỉ vào chiếc hầm chữ A, bảo đó là hầm tránh bom; chỉ vào những chiếc bao tải được xếp chồng lên nhau, bảo đó là những bao gạo mà các đơn vị bộ đội gửi ở nhà dân.

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, nhà của mỗi người dân cũng là nơi trú chân của bộ đội, là nơi chứa lương thực thực phẩm của bộ đội; dân làng đói lắm thế nhưng không một ai động đến một hạt gạo của bộ đội, lòng tự trọng, tinh thần hy sinh vì Tổ quốc đã khiến họ trong sáng đến vô ngần, người dân có thể hái lá rừng, đào măng rừng mà ăn chứ quyết không ăn gạo của những người lính. Hơn nữa, nhà nào mà chả có người ra trận, nhà ít thì một người, có khi cả nhà cùng tham gia chiến đấu, nếu không là bộ đội thì cũng là dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; ăn gạo của bộ đội cũng đồng nghĩa với việc ăn cơm của chồng con mình.

Dẫn chúng tôi vào một căn hầm có những chiếc nôi, chị Luyến cho biết đây là nhà trẻ, những chiếc nôi dùng để ru trẻ được làm bằng mây tre; một thời, tiếng bom đạn làm những đứa trẻ giật bắn mình, khóc thét lên vì sợ hãi thì tiếng ru à ơi của người mẹ lại làm cho chúng lim dim đi vào giấc ngủ bình yên. Dưới sự dẫn dắt của chị Luyến, chúng tôi tiếp tục đi đến lớp học có kê những bộ bàn ghế đóng bằng tre và gỗ rừng; đến phòng mổ trong lòng đất, một vài cựu chiến binh đi cùng tỏ ra xúc động khi sờ vào chiếc bàn mổ và chiếc đèn mổ thời chiến, có lẽ họ đang nhớ lại cái ngày mà chính mình bị thương và đã được đưa lên bàn mổ kiểu này!

Làng chiến tranh của ông Liên, ngoài những cái làm mô phỏng với những nguyên vật liệu thật, thì có nhiều cái tồn tại từ thời chiến tranh như ụ súng 12ly 7 phòng không của dân quân xã Nghĩa Ninh; Đường ống dẫn dầu Bắc – Nam gồm  hai tầng nổi và chìm dưới suối; Cây cầu ngầm mà ngày xưa bộ đội đi vào kho quân giới; Đường giao liên, bộ đội hành quân vào Nam… Và trong ngôi làng chiến tranh của ông Liên còn có nhiều hiện vật quý như “Cây nhiệt đới”, là một loại thiết bị thu phát nằm trong kế hoạch “Hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra”; kế hoạch này ra đời năm 1966, ngốn mất 1.600 triệu USD, quân Mỹ đã rải từ 12-20 nghìn “cây nhiệt đới” xuống đường Trường Sơn và dọc theo vĩ tuyến 17 từ cửa Việt (Quảng Trị) lên đến Sêpôn (Lào) nhưng chúng đã bị bộ đội ta vô hiệu hóa…

Ông Nguyễn Xuân Liên

Một việc làm ý nghĩa

Ngồi trong căn nhà được cất cao ráo dành cho khách tham quan dừng chân nghỉ ngơi, chúng tôi được uống thứ nước cây lá rừng mát mẻ, chị Luyến bảo lá của cây này có thể hái quanh năm nhưng tốt nhất là hái vào giữa trưa Tết đoan ngọ mồng 5-5 âm lịch hàng năm vì thế mà loại lá này có tên gọi dân gian là lá mồng năm. Nhân lúc chị Luyến rỗi, tôi bắt chuyện:

– Chị làm ở đây lâu chưa? Một tháng được ông Liên trả bao nhiêu?

Chị Luyến đáp:

– Vợ chồng em giúp việc cho bác Liên từ những ngày đầu, thấy bác mãi từ Hà Nội còn vào được đến đây để làm cái công việc đầy ân nghĩa, lẽ nào mình là người địa phương lại không giúp bác!

Một tháng hai vợ chồng chị Luyến được ông Liên trả công 1,5 triệu đồng, số tiền này cũng là một cố gắng của ông Liên, bởi cái làng chiến tranh của ông tuy một năm có tới 5-7 nghìn người đến tham quan nhưng ông không thu tiền vé. Ngay bản thân ông Liên cũng chỉ sống nhờ vào 2,2 triệu tiền lương, trả cho vợ chồng chị Luyến 1,5 triệu đồng; vợ chồng chị Luyến còn cấy ruộng, chăn nuôi nên vẫn đủ sống, còn ông Liên, may mà có hai người con sống ở bên Đức thỉnh thoảng lại gửi tiền về tiếp tế chứ không ông khó mà sống nổi với 700.000 đồng còn lại.

Tâm sự với tôi, ông kể: Khi nghe tin tôi bán nhà ở Hà Nội để vào đây, bạn bè bảo tôi là thằng điên, bao nhiêu người giàu có, bao nhiêu quan chức ở các tỉnh đều đổ xô về Hà Nội để mua nhà, sau này về hưu lên Thủ đô sống thế mà tôi lại làm ngược lại.

– Thế bây giờ, họ còn bảo ông điên nữa không?

– Không, sau khi vào tận đây, mắt thấy tai nghe việc tôi làm mang nhiều ý nghĩa, họ không bảo tôi điên nữa.

Biết được việc làm của ông Nguyễn Xuân Liên rất có ý nghĩa đối với việc tôn vinh sự hy sinh của bộ đội và người dân trong chiến tranh, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ cho nên lãnh đạo tỉnh Quảng Bình rất ủng hộ ông, ngày 17-11-2004, UBND tỉnh đã ra Quyết định số: 3931/QĐ-UB, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch Sinh thái Văn hóa Vực Quành tại xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới cho ông Liên nhưng hơn 5 năm nay các cơ quan chức năng ở Quảng Bình vẫn chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông. Cũng vì không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông không dám kêu gọi đầu tư và cái làng chiến tranh của ông vẫn còn dang dở; nhiều hạng mục cũng đã bắt đầu xuống cấp, ông xót xa lắm.

Nhưng tôi và tất cả những ai đã từng đến Làng chiến tranh đều tin công việc đầy ý nghĩa mà ông Liên đang làm vẫn sẽ phát triển trên mảnh đất mà máu đào của các chiến sĩ, của nhân dân Quảng Bình đã đổ xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc như lời mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã ghi trong sổ cảm tưởng khi đến thăm Khu du lịch đặc biệt của ông: “Đồng chí Nguyễn Xuân Liên, một cựu chiến binh ngành y của Quân đội nhân dân Việt Nam, với tâm huyết – nhiệt tình – sáng tạo đã đứng ra dựng lên một phần những hình ảnh về cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Quảng Bình, nơi địa đầu chống chiến tranh phá hoại của quân xâm lược Mỹ. Tôi rất hoan nghênh, mong chính quyền địa phương giúp đỡ để khu vực này góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau”…

Ký sự của Vũ Đảm

(Nguồn: An Ninh Thủ Đô)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.