Người Sài Gòn bất đắc dĩ

0
770

Năm 2003 tôi đang làm đại diện cho báo Người Lao Động ở miền Tây thì bất ngờ phát hiện mình bị viêm gan siêu vi C khi xét nghiệm. Tôi gọi điện báo tin cho chị Hằng Nga, Tổng biên tập đang họp Quốc hội ở Hà Nội. Chị Nga hốt hoảng: “Em lên ngay Sài Gòn để điều trị, cứ bỏ hết mọi việc ở văn phòng, chị về sẽ tính sau”.

Đó là lý do để tôi trở thành người Sài Gòn bất đắc dĩ, không hề tính trước, cũng không hề mong muốn.

Năm 1997, một lần có việc phải lên Sài Gòn, tình cờ một anh bạn rủ đi nhậu. Anh chở tôi trên xe gắn máy từ Sương Nguyệt Ánh đi theo đường Cách Mạng Tháng Tám, gần Tết, người chen chúc nhau, giành nhau từng tấc đường. Lúc ấy tôi nghĩ bụng, tại sao phải sống ở đất Sài Gòn? Sống mà ra đường phải giành nhau từng tấc. Tôi cũng đã thề trong bụng rằng, không có lý do gì phải chen chân lên cái đất nầy!

Đêm đầu tiên chở hai đứa con gái lên lầu 33 uống cà phê cho chúng nhìn toàn cảnh Sài Gòn. Đứa nhỏ – lúc ấy học lớp ba – hứng thú giơ hai tay lên, hét: “Trời ơi ! Con không ngờ bỗng dưng mình được làm người-Sài-Gòn.” Còn đứa lớn – học lớp mười một – thì rơm rớm nước mắt: “Về quê đi cha ơi ! Sài Gòn mênh mông quá, mình không chen vô nổi đâu !”

Nhưng rồi mọi chuyện cũng trôi qua một cách bình thường, chẳng có gì phải gọi là bon chen, chẳng có gì phải gọi là hội nhập. Chỉ có nỗi khốn đốn mà tôi cho là khốn đốn đến tận cùng, đó là nạn kẹt xe. Khi dừng lại dưới nắng trưa gay gắt, giữa nghìn trùng xe cộ, nghìn trùng ống khói xe thổi thốc vào người, vào mắt, vào mũi, cay xé, nặc nồng đến ngộp thở, đến trào nước mắt. Đó là lúc tôi quay về ký ức, thèm khát một khoảng trời cao đất rộng, sông nước mênh mông, cây cỏ bạt ngàn, gió lồng lộng một mùi tinh khiết, mùi của đất đai, rơm rạ, của khói đốt đồng. Rồi giựt mình ngoảnh lại cuộc hành trình của hơn nửa đời người, từ làng quê ra thị trấn, từ thị trấn ra đô thị nhỏ, từ đô thị nhỏ đến đô thị lớn. Ngồi viết bản khai nhân khẩu để chính thức nhập cư vào đất Sài Gòn, tôi chợt ngậm ngùi khi trả lời những câu hỏi về những chỗ ở đã qua: Từ năm . . . đến năm . . . ở đâu ? Làm nghề gì ? Xin thưa, làm sao mà kể hết những cánh đồng, những làng quê mà tôi đã đi qua trong khói lửa chiến tranh. Làm sao mà kể hết những cái nghề mưu sinh từ thuở ấu thơ đến thời niên thiếu: Bắt ốc, hái rau, giăng lưới, cắm câu, mò tôm, mò cá, cuốc đất, cày ruộng, giữ trâu, cấy lúa, gặt lúa, tát nước, làm cỏ, be bờ . . . Làm sao nhớ hết địa chỉ nhà trọ của một thời mà hai kiếp nông dân với thư sinh đè nặng một kiếp người.

Có một đêm tôi giật mình thức giấc thấy mình nằm trong mấy tấm lá chầm, ngoài trời mưa to gió lớn, mưa xuyên qua mái nhà rớt lên những tấm lá chầm nghe lộp bộp. Mẹ tôi vẫn ngồi chấp trân bên ngọn đèn dầu lập lòa trong gió, tiếng ống bả kêu o o như một khúc nhạc buồn.

Hồi ấy, có lẽ người ta chưa có sáng kiến để chế ra chiếc xa quay như bây giờ mà phải dùng hai bàn tay xe từng sợi bố, gọi là chấp trân. Sợi bố được vòng qua một ống tre treo lên mái nhà, ống tre ấy gọi là ông bả, sợi bố đi vòng qua ông tre tạo nên một âm thanh buồn như tiếng nhạc. Năm tháng đi qua, ống tre mòn khuyết tạo thành những vòng tròn, đường khuyết càng sâu thì khi sợi bố đi qua cái âm thanh ấy càng to và càng ngân nga, buồn da diết. Để có đủ trân cho một đôi chiếu, mẹ tôi phải xe hàng trăm mét dây bố, và mỗi năm mẹ tôi dệt hàng trăm đôi chiếu, có nghĩa là hai bàn tay mẹ tôi phải xe hàng chục vạn lần để có hàng vạn mét dây. Và một đời dệt chiếu, xe từng sợi bố, chẻ từng cọng lác, đời mẹ tôi còn lại chiếc lưng còng, những lưỡi dao cau mòn khuyết, những chiếc ống bả mòn khuyết và những khung dệt cũng mòn khuyết. Nhưng cái âm thanh buồn toát ra từ chiếc ống bả cứ bôn ba theo cuộc đời tôi như một bản trường ca.

Năm tôi lên bảy tuổi, đó là một buổi sáng tháng 5 năm 1967, sau một cuộc giao chiến ở một vùng ven trên đồng Phong Thạnh, khi tiếng súng vừa dứt, cũng như thường lệ, mẹ tôi đi thăm từng nhà trong xóm xem ai còn ai mất. Nhưng rồi bất ngờ, chúng tôi nhìn thấy mẹ tôi ngồi gục trên bờ đám mạ giữa đồng. Trên đường chúng tôi chạy ra, có những xác người vừa tử chiến nằm giữa lối đi. Một người đàn ông đi qua, giúp mẹ tôi khiêng ba tôi đặt lên bờ mẫu. Ba tôi bị một viên đạn súng trường xuyên qua cổ và hai mươi viên carbin lia trên ngực áo.

Sau khi gom xác những người tử trận – tất cả mười một người – xuống một chiếc ghe để đưa đi làm lễ truy điệu, mẹ tôi trở về mang hết mấy chục đôi chiếu xuống xuồng, những đôi chiếu vừa dệt xong còn thơm mùi lác mới. Không ai bảo, nhưng tôi biết mẹ tôi muốn dành những đôi chiếu ấy cho cả những người đồng đội của ba tôi. Hôm ấy trời mưa, mưa tối trời tối đất. Tôi ngồi trùm cao su trước mũi xuồng, mẹ tôi còng lưng chèo trong mưa gió, từng mái chèo nặng nhọc chống chọi với những cơn dông, những con sóng cuộn tròn trên dòng sông Phụng Hiệp mà điểm đến là cái nhà tang lễ để làm một cuộc chia ly đầy tang tóc sau cùng.

Cũng tháng Năm năm ấy, mẹ tôi chính thức ra đồng để thay thế cho ba tôi.

Nhà tôi có năm anh em , anh Hai tôi lúc ấy chỉ mới mười sáu tuổi, cái tuổi chưa gánh vác nổi việc nhà nhưng lại ngấp nghé trước món nợ núi sông. Hôm ấy – một năm sau khi ba tôi mất – một buổi sáng tôi đang lẽo đẽo theo mẹ ra đồng thì gặp bác Tư Nghiệp – một người bạn cùng làm việc với ba tôi trên xã – ông dừng lại, ngồi trên bờ ruộng nói với mẹ tôi những điều gì đó mà tôi linh cảm là hệ trọng. Khi tôi đến gần thì nghe mẹ tôi nói nhỏ, giọng trầm buồn: “Có người mẹ nào lại muốn con mình xông ra lằn tên mũi đạn đâu anh Tư, hơn nữa tôi cũng hy vọng nó lớn lên sẽ giúp tôi lo chuyện ruộng đồng. Nhưng chiến tranh mà, biết làm sao giữ được. Thôi thì tôi giao nó cho anh”.

Nói rồi, mẹ tôi quay đi trong nước mắt. Hôm ấy mẹ tôi bỏ công việc ngoài đồng để về xúc mấy giạ lúa chèo ra chợ bán, mua cho anh Hai tôi mấy khúc vải xanh.

Ba năm sau, vào một ngày giữa tháng giêng, tôi đang hì hục bắt cá đìa cho chú Bảy gần nhà thì một thằng bạn cùng xóm tìm đến, nó đứng trên bờ đìa ra hiệu cho tôi lên rồi nói nhỏ: “Về đi, anh Hai mầy chết rồi !”.Tôi băng qua cánh đồng rạ khô chạy về, cả nhà im lặng, những người hàng xóm đến thăm cũng im lặng trong nước mắt chảy dài. Lần nầy mẹ tôi không gào khóc như lần tiễn ba tôi, bà ngồi trơ như pho tượng, không nhìn ai, cũng không nói với ai, thỉnh thoảng đưa tay lên vuốt ngực, nước mắt nhỏ từng giọt nặng nề.

Anh Hai tôi vừa mất thì anh Ba tôi cũng đến tuổi trưởng thành. Anh là một người lao động giỏi, giỏi đến mức cả xóm đều khen. Đào đất, phát cỏ, nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa . . . anh làm suốt từ hừng đông đến mặt trời lặn mà không biết mệt. Nhưng anh làm thay mẹ tôi chưa được bao lâu thì xóm tôi trở thành vùng giao tranh ác liệt, đồn đóng gần nhà, nạn bắt lính đôn quân làm cho dân tình náo loạn.

Mẹ tôi lại xúc lúa chở ra chợ bán, mua về cho anh Ba tôi mấy khúc vải xanh.

Phía sau nhà tôi, cách vài cây số có một ngôi chùa lớn gọi là Tòa Thánh của Cao Đài Minh Chơn Đạo. Ngôi chùa bị bom Pháp đánh sập từ năm 1945, chỉ còn lại một bức tường cao, và trên bức tường cao ấy có một cây gừa cổ thụ. Những người trong xóm tôi theo Giải phóng quân đều đi về phía ấy, và mỗi lần về thăm nhà họ cũng về từ phía ấy. Tôi nhớ ba tôi cũng trông về phía ấy, mẹ tôi tiễn anh Hai tôi cũng dõi mắt về phía ấy cho đến khi anh Hai tôi khuất dạng trong lùm cây. Rồi ngày ngày, mẹ tôi cũng ra cửa sau trông về phía ấy. Từ ngày anh Hai tôi mất, mẹ tôi cố tránh cái nhìn về phía ấy. Nhưng từ ngày anh Ba tôi ra đi, mẹ tôi lại ngóng trông về phía ấy, một nửa chờ mong và một nửa đau buồn. Nhưng rồi hai năm sau, mẹ tôi không dám nhìn về phía cây gừa ấy nữa khi một người quen đến báo hung tin. Lần nầy, mẹ tôi lại ngồi như pho tượng, lại vuốt ngực với từng hơi thở nặng nề. Có nhiều đêm trở giấc, tôi giật mình thấy mẹ tôi vẫn còn ngồi đó, tay đấm nhẹ vào ngực và cố đè nén hai tiếng “Trời ơi!”

Năm tôi lên mười sáu tuổi, mẹ tôi không xúc lúa chở ra chợ bán để mua mấy khúc vải xanh như hai lần trước nữa mà bà bán  hết lúa trong nhà để ra Cà Mau thuê người làm cho tôi cái giấy khai sanh giảm xuống cho tôi hai tuổi để tôi tiếp tục đến trường. “Có người mẹ nào lại muốn con mình xông ra lằn tên mũi đạn đâu anh Tư . . .”. Khi mẹ tôi gọi người hàng sáo đến đong những táo lúa cuối cùng trong bồ, tôi chợt nhớ đến câu nói ấy.

Thời đó, tôi chưa đủ trí khôn để hiểu rằng, để có được tờ khai sanh giả, để chiến tranh không phải cướp mất tôi, mẹ tôi phải ra đồng từ lúc hừng đông cho đến khi hàng xóm lên đèn, tấm thân gầy lần mò trên bờ mẫu giữa tiếng nhái bầu đồng thanh một khúc nhạc buồn trên đồng nước bao la khi trời chạng vạng. Đêm đêm, tôi ngủ bằng điệu ru của tiếng ống bả chấp trân trong căn nhà dột nát, mẹ phải che cho tôi bằng những tấm lá chầm.

Cái tờ khai sanh giả ấy đã giúp tôi vượt qua nạn bắt lính đôn quân cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Ngày hôm ấy, sau giây phút mừng vui, bỗng mẹ tôi lặng người đi, rồi run rẩy đôi tay khi đốt ba nén nhang cắm lên ba chiếc lư hương giữa bàn thờ, bà lại cố nén hai tiếng “Trời ơi” thốt ra từ trong hơi thở.

Sau chiến tranh, tờ khai sanh ấy không còn nằm trong hồ sơ pháp lý của tôi nữa, nhưng trong hành trang của cuộc đời tôi, nó vẫn là một tờ khai sanh vô giá.

*

Cách nay hai năm, tôi đã rước được mẹ tôi lên Sài Gòn. Phải khó nhọc lắm chúng tôi mới làm được việc nầy, dời một bà cụ ngoài 80 tuổi rời bỏ quê hương để làm cư dân Sài Gòn, quả là một điều không tưởng. Người trẻ thì bảo đất nước mình đâu cũng là quê hương, nhưng người già thì hay nói rằng ai nỡ rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún. Với mẹ tôi, quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rún, không chỉ là dây mướp dây bầu, không chỉ là con đường làng, đồng lúa, dòng sông mà còn cả máu xương của bao người thân ngã xuống. Tôi hiểu cái cảnh mẹ tôi ngồi cú rủ suốt ngày giữa bốn bức tường, bà không nói ra, cũng không trách chúng tôi, bởi bà biết không còn cách lựa chọn nào khác.

Hai mươi năm trước, tôi đã từ chối một cơ hội làm người Sài Gòn trong nỗi dằn vặt vì không muốn xa quê. Sau khi bút ký Nơi Ấy Bây Giờ đăng hai kỳ trên tạp chí Văn thành phố, kể lại câu chuyện về nạn cường hào ở một vùng quê, tôi suýt bị tống vô nhà giam. Nhà văn Anh Đức bảo tôi chuyển lên Sài Gòn, sẽ được cấp một căn hộ ở chung cư Đồng Khởi. Sau gần một tháng lang thang ở Sài Gòn, vừa tạm thời lánh nạn, vừa cân nhắc xem mình có thể sống được không. Một buổi sáng trời mưa lắc rắc, ngồi uống cà phê vỉa hè trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhìn dây bìm bìm phủ xanh trên hàng rào kẽm gai, tôi phát ứa nước mắt vì một nỗi nhớ nhà, rồi tự nói: “Sài Gòn không phải là đất của mình”. Vậy là nhảy lên xe đò về quê. Nhưng về tới quê hương thì lại phải đối diện với bao chuyện phiền hà. Ông bí thư Tỉnh ủy mời ông chủ tịch hội văn nghệ lên gây sức ép: “Nếu cậu giải quyết cho thằng Danh thôi việc thì tôi sẽ ký hồ sơ cho hội tiếp tục ra tờ báo, bằng không thì thôi”. Ra đi thì không nỡ, mà ở lại thì bị dập bị vùi, tôi cho đó là cái bi kịch yêu quê hương, bi kịch vì nặng nợ với nơi chôn nhau cắt rún. Năm sau, sinh con gái đầu lòng, tôi quyết định lấy cái nhau về ngâm mật ong, cho nó tan ra rồi pha rượu uống. Nghĩa là để cho con tôi không có nơi chôn nhau, để sau nầy nó không gặp phải cái bi kịch như tôi đã gặp. Và tôi yên tâm với những điều mình nghĩ.

Hóa ra đó chỉ là điều vớ vẩn.

Ngày rời quê hương, con gái tôi đã khóc ngay từ khi xe bắt đầu chuyển bánh. Và nó đã khóc suốt một năm, nó tâm nguyện rằng Sài Gòn chỉ là nơi ở tạm để rồi sẽ quay về sau khi học hành tử tế. Tôi đã hiểu ra rằng, khái niệm quê hương không phải là nơi chôn nhau cắt rún mà là những gì thân thuộc đã nuôi dưỡng tình cảm con người.

Phải chăng, chính vì lẽ ấy mà Sài Gòn với tôi, và cả với mẹ tôi vẫn chỉ là đất khách.

Võ Đắc Danh
Nguồn: Blog của tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.